Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.258
123.155.906
 
Tam Đảo sương mù
Nguyễn Thanh Mừng

Mùa hè ở Tam Đảo cũng như các điểm nghỉ mát khác trong nước, là mùa có nhiều du khách, kẻ lầm lụi người xênh xang, tìm về chốn non linh nước thiêng, hoa cỏ lạ lùng, danh sơn nức tiếng đất Giao Chỉ xưa như  sách An Nam chí đã ghi chép. Dù những cái tên trong thư tịch cổ như am Song Tuyền, am Lưỡng Phong, thang Bộ Vân, cầu Đới Tuyết mà cổ nhân khẳng định là phong cảnh kỳ diệu, ngày nay không ai còn biết ở đâu trong cái xứ có ba ngọn núi bồng bềnh trong mây: núi Thiên Thị 1378 mét, núi Thạch Bàn 1388 mét và núi Phù Nghĩa 1400 mét. Nhưng có hề chi, giữa cõi trời Nam, người Việt đích thực nào mà chẳng trân trọng những truyền thuyết liên quan đến vua Hùng và liên quan đến những anh hùng hào kiệt giang tay đỡ lấy giang san suốt bốn nghìn năm lịch sử.  Nghe nói núi Phù Nghĩa là nơi vợ chồng Lang Liêu đi hái lá dong về gói bánh chưng bánh dày dâng phụ vương, núi Thiên Thị là nơi thờ Trụ Quốc Mẫu Thái phu nhân, vợ Hùng Triệu Vương, mẹ Hùng Nghị Vương. Những sự tích về việc hậu duệ của Hưng Đạo Vương là Trần Nguyên Hãn nghe tiết lộ thiên cơ ( Trần Nguyên Hãn thuở hàn vi làm nghề bán dầu, một đêm nghỉ chân nơi đền Quốc Mẫu ở chốn này đã nghe các thần đi hội nghị ở thiên đình về trao đổi với Quốc Mẫu về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn xa xôi rằng Lê Lợi được định đoạt làm vua và Nguyễn Trãi phụ tá, ông bèn băng đường tìm đến giúp rập, sau trở thành khai quốc công thần) hoặc chuyện vua Lê Nhân Tông phong thần núi làm Thanh Sơn đại vương để dâng lễ cầu mưa  đã nói lên rất nhiều về sự gắn bó của Tam Đảo trong tâm linh Việt. 

 

Một người bản địa rất tự hào nói với tôi rằng nơi đây chẳng những có bốn mùa trong một ngày mà còn bốn mùa trong một giờ, “Đà Lạt của xứ Bắc”, thuận đường thuận sá hơn Sa Pa xa xôi hoặc Mẫu Sơn biên ải. Người bạn nối khố Châu Kim và tôi đi lân la qua chợ, qua các dãy phố, lội suối thăm thác Bạc, trèo non lễ đền Mẫu, đền Bà Chúa Thượng Ngàn, trèo đến cả tháp truyền hình cao nhất nơi này, nói chung cũng tự nhận là tương đối chu đáo với chốn nước non nổi tiếng lần đầu đặt chân đến. Ngồi uống bia với hắn bên ngã ba cạnh suối Bạc, chúng tôi nảy ra ý định chơi chữ khi nhìn khắp xung quanh toàn những giàn su su. Su su trên sườn núi, su su dưới khe sâu, su su trong vườn biệt thự, su su lan ra bên đường. Chợ quán cũng tràn đầy tiếng chào mời mua ngọn su su. Ở đây người ta trồng su su để thu hoạch ngọn là chính, thu hoạch quả là thứ yếu. Thứ đặc sản này chẳng những đến với chúng tôi trong từng bữa ăn trong Nhà sáng tác Tam Đảo mà còn đến với khứu giác chúng tôi trong cõi sương mù. Kiếp người nông dân bản địa khổ ải cùng nghề trồng su su đã thẩm thấu trong một vế đối, khi tôi đã sương sương: “ Kiếp su su giữa cheo leo không yếu ớt, không lanh chanh, cam go tỉnh táo, lúc quấn quít, lúc la , thông phận dây dưa trườn mở mang nơi ghềnh thác”. Châu Kim không khen không chê, bảo rằng hơi hóc hiểm vì đã sử dụng nhiều từ láy mang tên các loài động thực vật nơi đây, kể ra cũng có tí nghiên cứu, ngoài cây su su, ớt, chanh, cam, táo, quít, cà, thông, dưa, còn có ba con vật là cheo, bò, mang. Nhấm nháp một tí, mười phút sau thấy đàn chuồn chuồn bay lượn sà qua, hắn đột ngột xuất chiêu: “ Đời chuồn chuồn trong hiểm chẳng vờ vịt , chẳng luống cuống, cóc cần gật , khi bồn chồn, khi rắn rỏi, nai lưng hùng hổ  bay đậu điều hành cuộc gió mưa”. Hắn quả là nhanh và có tí kiêu bạc khi ngầm ý mô tả cái nghề văn nghệ văn gừng văn chanh văn ớt của chúng tôi là chuồn chuồnrắn naihổ cóc, thêm cả gà, vịt, cà cuống, còn gia cố  món món đậu món hành để đối với cheo, bò, mang. Cũng là các loài động thực vật có sẵn ở nơi này.

 

Về nhân vật cóc, Tam Đảo ngoài có cậu ông trời phổ biến đâu cũng có, còn có riêng đặc sản cá cóc (sa dông) sắp tuyệt chủng, được ghi vào sách đỏ. Chúng tôi thú vị với trò chơi của mình và tự nhiên chuyển cuộc bia sang rượu pháo. Ở đây, người ta đựng rượu trong ống tre ngà (trang điểm sặc sỡ), gọi rượu ống, ngoài ra thêm hai bánh xe đặt chênh chếch như khẩu thần công, gọi là rượu pháo. Thực ra, đâu cũng vậy, rượu đã sơn phếch quảng bá như  thế này thường không ngon bằng thứ đến tận làng, múc ra từ chum lọ hay hứng từng giọt nhỏ tong tong qua đốt trúc. Hình như cả các danh tửu Mẫu Sơn, Bắc Hà, Sán Lùng, Làng Vân, Minh Mạng, Làng Chuồn, Hồng Đào, Gò Đen, Bàu Đá… đều chịu chung số phận này trong hành trình mà người ta hay đúc kết bằng cụm từ quen thuộc là mặt trái của cơ chế thị trường. Tôi có cái dở là ăn không nhiều uống không lắm mà cứ lẩn thẩn đi tìm những lò rượu đích thực, nhìn một cái, ngửi một chút, nếm một tí ti là coi như  rất đã, rất vỗ tay nhất trí! Ngoài chuyện ẩm thực, tôi cũng làm cái chuyện hơi bị đáy bể mò kim là muốn lặn lội tìm trong 490 loài thực vật và 281 loài động vật những thứ quý hiếm như cá cóc, gà so cổ đỏ… để chụp hình. Nghe nói bên cạnh người Kinh, ở chân núi còn có người Sán Dìu, thường đi rừng lấy mật ong, hái quả hoang và cung cấp gà đồi, lợn mán,  mít chuối  cho chợ Tam Đảo. Tình cờ lật  mục sưu tầm trên số tạp chí văn nghệ địa phương, thấy người Sán Dìu bảo rằng: “Nìm sluy, slị nhót phạc va tô, tách cháo vồ – Hồng va tô, tách sì vồ” ( Cây sim nở hoa vào tháng tư, nếu hoa trắng nhiều thì được mùa lúa sớm, nếu hoa đỏ nhiều thì được mùa lúa muộn). Họ còn cho biết những kinh nghiệm, đại loại măng tre mọc vào tháng chín ta, nếu mọc giữa búi thì rét, mọc bên ngoài thì trời nóng. Họ nhìn con vật, bảo rằng cóc xuống ao, nắng ấm ba ngày, cóc lên bờ, rét bảy ngày hoặc là tổ ong vò vẽ nếu đóng cao thì trời lũ lụt, đóng thấp thì trời hạn hán. Hồi nhỏ, sống ở nhà quê, việc trồng trọt săn bắt trên những sườn non là điều không lạ, bất chợt nghe những câu Sán Dìu đầy hình ảnh gần gũi với mình xưa, tôi rất cảm tình.

 

Chợ Tam Đảo có nhiều mùi vị của núi rừng lẫn trung du nhưng nhìn những quang gánh lấm láp, tôi chịu không thể phân biệt giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số, bởi không tìm ra trang phục cũng như ngôn ngữ đặc trưng để nhận diện. Có chăng, là các thức quần áo thổ cẩm đã thành hàng công nghiệp mà chợ miền núi nào cũng có, không riêng gì Tam Đảo. Ngoài ra, ở đây còn có đàn tơ rưng mini (làm đồ chơi trẻ em) và nhà rông (làm nhà nghỉ), cả hai cái này đã dấy lên tí chút không khí… Tây Nguyên. Dù thằng bạn Châu Kim vui tính của tôi đã nhắc nhở rằng tôi không phải là nhà dân tộc học và nhiệm vụ chính của tôi là rắc thêm tí hoa mộng lên khung trời sương mù chứ đừng nên bắt bẻ xét nét thêm ốm người, tôi cũng cứ vương vấn một cách lẩn thẩn vì những chuyện như  thế. Hắn mua một chai măng chua, ít măng tươi về luộc chấm muối vừng để đưa cay và hắn bảo rằng mình đang bồi hồi nhớ về mười hộ người Dao xa xưa phải bỏ làng mà đi do thực dân xua đuổi, giờ không biết lưu lạc phương nào. Hắn cũng bảo hắn rất thương cảm những người cần lao bản địa, họ chính là hậu duệ của những phu phen khổ ải từ các tỉnh miền Bắc, bị trưng dụng đi phá đá mở đường, gánh gồng, khênh vác, xây cất khu nghỉ mát cho các quan Tây thời thuộc Pháp. Một trăm năm mươi ngôi biệt thự mọc lên từ 1904 đến 1939 là làng Tây đối lập với làng An Nam nhà dột cột xiêu tiêu điều mái rạ cách đó không xa. Cái thung lũng rộng khoảng hai cây số vuông quanh co lọt thỏm giữa những dãy núi Tam Đảo trùng điệp hơn 50 cây số chiều dài, bây giờ là thị trấn Tam Đảo sau khi đã làm kiếp làng kiếp xã (hai làng Lan Đình và Sơn Đình), thời Trần thuộc huyện Dương, thời Lê gọi huyện Tam Dương thuộc phủ Đoan Hùng, trấn Sơn Tây, thời Pháp thuộc tỉnh Vĩnh Yên. Sau này, thuộc Vĩnh Phú, khi tách tỉnh thuộc Vĩnh Phúc.

 

Tam Đảo giữa mùa hè nhưng nắng vàng vẫn hiếm hoi. Nó như một thứ đặc sản dễ thương bên cạnh chuối rừng, quất rừng, mật ong rừng, hoàng vũ lan kiêu sa của chốn mệnh danh nước Nhược non Bồng. Nhưng đâu chỉ có thế. Nó như đấng tình quân, hoàng tử cưng của mặt trời, đang bận phiêu du với nghiệp lớn, thỉnh thoảng rũ bụi thiên lý, về ghé thăm người em sương mù đằng đẵng gối chiếc chăn đơn, phả chút hơi ấm không bao giờ thừa thãi. Như còn nuối tiếc những cuộc gặp gỡ mộng mị ngắn ngủi ấy, người em sương mù cứ trào dâng, từ các chóp núi sà xuống, từ các rặng cây tỏa ra, bao phủ những con đường, những mái nhà, len lỏi vào các ô cửa sổ. Sương mù cho con người những cái bất ngờ. Có những lúc, trong mây bất ngờ hiện ra một người quen, gần chạm mặt mới nhận rõ. Có người bảo, nếu nhân cách hóa, sứ mệnh hóa những vùng đất, thì Đà Lạt, Bạch Mã, Sa Pa, Mẫu Sơn, Tam Đảo… đích thị là những nàng thơ. Cõi thơ thì luôn luôn gợi nhiều hơn tả, hàm súc để dư ba, dồn nén để miên man, ôm ấp vô biên những mầu sắc, âm thanh nhịp điệu của trời. Nàng như một vì thiên sứ lam lũ cùng cõi người mà tiếp âm những rung cảm thần diệu của họ, trao truyền lại cho từng trái tim để sẻ chia, để đồng cảm, để đánh thức những thiên lương. Có phải vì thế mà người xưa đã thần tiên hóa ngôn từ khi nhắc về Tam Đảo, với những hình tượng bồng bềnh như Chợ Trời, Vườn Tiên, Am Gió, Thang Mây…

 

Lên Tam Đảo có cái thú lặn lội giữa miền xưa non nước vua Hùng, nhìn ra bốn xung quanh là những địa danh dễ làm lòng ta xao động như  Mê Linh, Việt Trì, Ba Vì, ngã ba Hạc, nơi sông Lô hợp lưu với sông Hồng … Đi trong Tam Đảo sương mù, tất nhiên là bên cạnh những điều  thú vị là xiết bao trân trọng đối với thiên nhiên và lịch sử. Thằng cu Cuội, con trai út của tôi, năm nay bước sang năm đầu của bậc trung học, được cho đi nghỉ mát cùng đoàn văn nghệ sĩ Bình Định mười lăm người, lên đây bỗng phát huy năng khiếu thơ ca. Bốn bài thơ nho nhỏ của nó, dù gì cũng chỉ là những rung động thơm thảo của một trái tim non trước đất nước và con người Tam Đảo. Nhưng tôi tin, bằng tâm linh Việt, giữa cõi sương mù nghìn năm mây phủ này, hương vị của cội nguồn vẫn mãi chở che cho muôn thế hệ con Rồng cháu Tiên, trong đó có nó. Có một số văn nghệ sĩ An Giang và một số văn nghệ sĩ Hà Nội lên đây giao lưu từ mấy năm trước, bỗng đưa ra ý tưởng rất có thể nơi Au Cơ sinh bọc trứng một trăm con, chính là chốn thiêng liêng kỳ diệu này. Mặc dù trên núi Nghĩa Lĩnh, người ta cũng đã ghi nơi bà Au Cơ sinh trăm con vàgiếng cổ dùng để tắm, nhưng trong cõi Văn Lang xưa, nếu có ghi thêm Tiên Uyển (Vườn Tiên, giờ đã mất dấu trong cõi vô thường), cũng chẳng hữu tình hay sao? Nó thêm một lần biểu thị lòng yêu mến vô ngần của lớp hậu sinh về tổ tiên, nguồn cội.

 

Ngày tạm biệt Tam Đảo, chúng tôi ngược về Đất Tổ, lên núi Nghĩa Lĩnh thắp hương cho Đền Hùng. Ngoái trông mây trắng bay, chúng tôi lâng lâng niềm vinh hạnh rằng trong ba vạn sáu ngàn ngày của đời người, mình đã có những ngày thật thơ mộng với Tam Đảo sương mù. Nhấp nhô giữa biển mây là ba ngọn núi, một ngọn lô nhô người nhà trời (bằng đá) họp chợ, một ngọn có chiếc bàn đá ngồi bàn thế sự, một ngọn  vua Hùng thường cử các quan đến cầu việc nghĩa cho giang sơn xã tắc. Bản chất của thiên nhiên là sự nên thơ nên đã gợi cho con người những ý tưởng nhân ái và những ý tưởng nhân ái của con người cũng góp phần chính trong việc nên thơ hóa thiên nhiên.

 

Bằng chiếc lá dong thơm thảo, thiên nhiên Tam Đảo đã cung cấp cho lịch sử mùi hương vạn thuở. Chẳng biết những đêm ngủ ở Tam Đảo, có ai trong giấc mơ từng gặp ánh mắt hân hoan Lang Liêu, từng nghe âm vang những tiếng trống đồng và tiếng vỗ cánh của loài chim Lạc như giấc mơ của tôi.

 

Mùa hè 2006

Nguyễn Thanh Mừng
Số lần đọc: 3532
Ngày đăng: 18.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nơi ấy bây giờ-phần 1 - Võ Ðắc Danh
Nới ấy bây giờ-phần 2 - Võ Ðắc Danh
Nới ấy bây giờ-phần 3 hết - Võ Ðắc Danh
Đời cố nông - Võ Ðắc Danh
Nỗi niềm U Minh Hạ - Võ Ðắc Danh
Thới Sơn - Một nông trại - Nguyễn Văn Hầu
Đoàn nhà văn miền núi phía bắc đi thực tế ở nam bộ - Văn Dương
Không thể rời xa - Nguyễn Thành Nhân
Rượu Điện Biên - Nguyễn Thanh Mừng
Nhà văn SƠN NAM , Một đời nặng nợ áo cơm - Võ Ðắc Danh