Tôi có gian nhà nhỏ
nở vàng hoa mướp leo
Tôi mê cô đào chèo
Tôi bỏ cả làm ăn
Khoác bị lang than
dọc bờ sông trắng xoá...
( Lưu Quang Vũ )
“Cha làm chèo, con phá chèo”
Lưu Quang Vũ dựng Shita với đoàn Chèo Hà Nội là một ngoại lệ. Vừa ra mắt một thời gian ngắn, Shita đã thực sự gây “cơn sốt” trên sân khấu cả hai miền, được 18 đoàn nghệ thuật liên tục chuyển thể và dàn dựng. Đoàn chèo Thái Bình diễn thông suốt 78 buổi trong một mùa hè, có ngày đôi buổi, Chèo Hà Nội “bội thu” hàng trăm suất diễn giữa chính vụ cải lương. Shita trở thành dấu ấn chưa từng có, chưa hề lặp lại trong lịch sử nhiều đoàn nghệ thuật. Đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi, lúc dó chỉ công nhận vở diễn mang phẩm chất nhân văn cao trong một cốt truyện hấp dẫn kịch tính.
Với cái nhìn ngày nay, Shita vẫn chính xác là một ngoại lệ của sân khấu Chèo: tiết tấu quá mạnh mẽ bắt buộc phải vượt khỏi một số làn điệu, trình thức truyền thống; cốt truyện bám theo một vài nét tâm lý cụ thể của nhân vật theo lối hiện đại; có điểm nhấn là một giai điệu lạ... mà vẫn gây ấn tượng và hiệu quả đỉnh cao đối với người xem. Trong trường hợp này, lòng yêu chèo cuả đông đảo công chúng là thước đo chính xác đối với một sáng tạo mới được thể hiện khá trọn vẹn trong tầm vóc và phẩm chất nghệ thuật của Chèo.
Những người cùng thời nhớ lại, Lưu Quang Vũ đã hoàn thành kịch bản Shi ta nhanh như gió cuốn, dựa trên phần phác thảo để lại của người cha. Một câu chuyện về sự chông chênh của khát vọng, cái không toàn vẹn của những cuộc chiến đấu, những ngọn gió dục vọng, sự không còn chỉ có duy nhất một lẽ phải... những khám phá mới nhờ thế cuộc mang lại được thể hiện say sưa trong một kết cấu xung đột mạch lạc gay cấn. Shi ta đạt đến tư duy Chèo bởi chạm đến cái ngang trái; ở đây là tính nước đôi, vừa hào hùng vừa hèn yếu và vực thẳm trong tâm hồn con người.
Từ xa xưa, Chèo luôn xuất phát từ cái ngang trái, luôn là lời nhắc nhở về tính hai mặt của cuộc đời. Khát vọng chỉ có thể hiện hình bằng những số phận buồn thảm của nàng Kính, nàng Màu, Suý Vân, Thiệt Thê... Nghĩa cả chỉ có thể được thực hiện bằng cách “vờ yêu”(!), giả sửa túi nâng khăn của Châu Long trong Lưu Bình Dương Lễ.
Mặt kia của cái trái ngang là sự phi thường.
Cái phi thường như một điểm xuất phát quan trọng nhất của Chèo, quyết định từ nhân vật cho đến tình huống, “ép” Chèo tìm đến lối thể hiện chói sáng, ập mạnh vào cảm thức của người xem. Nàng Màu phi thường trong cái ngoa ngoắt táo tợn của mình, nàng Kính, thị Phương... vượt ra khỏi lòng nhân từ bởi những hành động khó ngờ, vượt khỏi tưởng tượng thông thường. Cô đọng, kịch tính, giàu ẩn dụ, luỹ thừa thông tin và cảm xúc, đạt độ căng thẳng của tâm trạng... đó là bản chất thơ của Chèo, như một đòi hỏi đỉnh cao về nghệ thuật.
Lưu Quang Vũ, với thiên bẩm thi sĩ, đã gặp gỡ tinh hoa của nghệ thuật Chèo trong chính tâm hồn mình.
Vở diễn của anh và đồng nghiệp gây ấn tượng Chèo trọn vẹn nhờ độ căng hoàn hảo của xúc cảm và tâm trạng qua từng lớp diễn, nhờ chất Thơ. Cụ Tào Mạt khắt khe: “ cẩn thận kẻo cha làm Chèo, con phá Chèo!”. Nhưng chính Lưu Quang Vũ đã tải đến Chèo một hồn thơ trở gió và đã cho thơ một sự sinh thành tuyệt đẹp nhờ người mẹ sân khấu Chèo, điều ít có nhà thơ nào sau anh làm được. Chỉ nghiêng sang thế sự một chút hoặc thiếu chất thơ một chút, thì dù có hat toàn làn điệu cổ hay gây được hiệu quả tâm lý, cũng đã mất “hồn Chèo”.
“Opera” của Việt nam:
Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm. Gió sân đình lồng lộng tạt nghiêng ngọn lửa cây đuốc đại cắm ở giữa sân, cuốn những tàn đỏ bay tới tấp. Tiếng trống rơi thắc thỏm. Lưu Bình Dương Lễ đang ở lớp cao trào. Người con gái tài sắc vì nghĩa nguyện đi nuôi bạn chồng ăn học. Dương Lễ phút cuối cùng không khỏi đắn đo toan tính, mắt chong chong, tai thẳng căng như muốn căn vặn từng cử chỉ của người thiếp yêu.
Châu Long tự tin, khoan dung, thành thực. Điệu Quân tử vu dịch rền vang như sấm Dương Lễ cất lên kéo theo hàng trăm tiếng thở ra nhẹ nhõm từ những lồng ngực khán giả đứng ngồi chật kín dưới chiếu chèo.
Chèo buộc người hát lấy hơi từ bụng (hơi hột), qua ngực, như người vận sức mà mang cây vác đá, với đặc thù nén hơi nhả chữ chứ không phóng hơi như thanh nhạc mới.
Người hát không thể trông cậy vào cộng hưởng của âm phát ra với luồng âm tự nhiên như nhạc mới mà chỉ có thể trổ hết sức vang bản năng chân thực mà cơ thể mình vận được. Người nhà nghề gọi là thổ đồng thổ đất... thổ tận can tràng. Hát Chèo, tương tự như Quan họ hay Ca trù, dù có thỏ thẻ oanh vàng cũng phải “kinh thiên động địa”, đến thủng màng nhĩ người nghe. Một công phu nghiệt ngã nữa là ngậm hơi nảy hột, cách để sức vang tự nhiên của cơ thể đạt âm lượng và âm sắc đầy đặn nhất, tạo thành giọng đặc thù của Chèo.
Hát Chèo là lối hát của độ căng tột cùng cảm xúc và tâm trạng. Khán giả ngày nay nghe Chèo qua micro, chính là tự tước đi của mình khả năng cảm nhận những rung động chân thực và cao độ từ lời hát, đồng thời đẩy diễn viên vào thế cầm chừng trước đòi hỏi thể hiện tối đa của nghệ thuật.
Mỗi làn điệu Chèo cất lên là một hoặc nhiều tâm trạng đan xen, vũ đạo cũng là vũ đạo của tâm trạng. Chèo là vấn đề và cách thể hiện của nội tâm, mê hoặc người xem bởi những bí ẩn và hấp dẫn của nội tâm đồng thời cương quyết từ chối những gì quá nệ thực, thiếu bay bổng. Chèo không dễ dung hoà với lối cảm thức bám theo sự kiện, xuất phát từ lý tính của sân khấu hiện đại. Về mặt này, Chèo xứng đáng đại diện cho tâm hồn Việt, với đời sống, phong tục, đạo đức và thẩm mỹ của một cộng đồng đã tồn tại qua hai nghìn năm.
Đi đâu đào liễu... có... một mình, hai vai gính nặng ... nhật trình đường xa... ba vuông khăn nhiễu... vẫn xếp... để dành... lại còn cái yếm điều em... nó hãy còn màu... thân phận của Chèo hiện tại có lẽ còn như vậy, phơ phất trong mắt ai.