Năm ngoái, trước khi về hưu, nhà văn Ngọc Lương - Giám đốc cơ quan thường trú của Đài TNVN tại ĐBSCL - trong lúc trà dư tửu hậu đã tâm sự với tôi rằng, về Bắc lần nầy chắc không còn cơ hội trở vô Nam, cho nên trước khi từ giã miền tây, anh muốn được làm quen với nhà văn Trang Thế Hy, một người mà ông xem là thần tượng trong làng Văn học hiện đại của nước nhà. Và anh Lương nhờ tôi làm mai mối.
Tôi gọi điện thoại qua Bến Tre để hỏi ý kiến Bác Tư, ông nói thì cứ đến chơi tự nhiên, đâu cần phải quan trọng hóa như vậy.Thật ra không phải tôi quan trọng hóa khi dẫn một người ngưỡng mộ đến thăm một người được ngưỡng mộ. Nhưng vì thấy ông Lương quá mê truyện ngắn của ông già nên tôi thấy cần phải bắn trước những thông tin về mục đích khá đặc biệt của anh Lương.
Hơn nữa, tôi nhớ hồi Bác Tư còn ở Sài Gòn, hai bên vách nhà ông có treo hai tờ giấy A4 với mấy chữ viết tay: KHI CÓ TIẾNG GÕ CỬA, KHÁCH KHÔNG LÊN TIẾNG, ĐỂ CHỦ NHÀ TỰ XỬ LÝ. Ong giải thích rằng nếu tiếng gõ cửa đúng ám hiệu thì là khách ruột, còn không đúng thì thôi, khỏi mở cửa. Hoặc phía bên ngoài cửa nhà ông, thỉnh thoảng có treo mảnh giấy ghi đại khái : HẰNG ! CẬU ĐI HÓC MÔN, NGÀY MAI VỀ. Và ông dặn chúng tôi rằng, nếu có ghé nhà ông mà thấy mấy chữ ấy thì cứ gỏ cửa, nhưng hai tiếng đầu thì gõ liên tục, ba giây sau gõ tiếng thứ ba. Đó là ám hiệu. Một thứ ám hiệu của tình cảm, nếu gõ đúng điệu thì cánh cửa sẽ mở ra.
Vì vậy mà tôi ngại, nếu lỡ có mệnh hệ nào thì tội nghiệp cho anh Lương phải vượt đường xa, nên hỏi ý kiến trước cho chắc ăn.
Khi hai người gặp nhau, ngồi đối diện trên chiếc bàn gỗ đơn sơ dưới gốc dừa bên hiên nhà, Bác Tư nói rằng với ông, một truyện ngắn được năm ba người đọc thật sự là hạnh phúc rồi, cho nên ông rất cảm động trước những tình cảm của anh Lương. Một thứ tình cảm hiếm hoi cho người làm văn chương giữa thời buổi bây giờ. Suốt buổi trưa hôm ấy, dường như anh Lương không nói gì, anh chỉ xúc động đến rưng rưng và nhìn ngắm ông già như chiêm ngưỡng một nhà văn bằng xương bằng thịt mà bấy lâu nay anh chỉ biết mê ông qua từng truyện ngắn. Trên đường về, anh chỉ nói một câu: "Vậy là mình mãn nguyện rồi. Thấy thương ông già quá ! Đúng là một nhân cách lớn !".
Thật ra, chúng tôi ngày xưa cũng thế.
Một đêm nọ trên bờ biển Nha Trang, năm bảy thằng bạn đồng nghiệp đang vui say bên chai rượu. Bất chợt, thấy mấy cô gái ăn sương qua đường, nhà báo Sơn Tùng liền đọc vội mấy câu thơ:
. . . Bây giờ giữa đường đời,
Kỷ niệm ngày xưa xa mù khơi,
Gạp em chiều mưa lạnh
Hai đứa cùng sang trong bộ cánh.
Dung nhan em còn tươi
Anh mừng tưởng đâu đời em vui.
Nào hay đây là quán,
Em bẹo hình hài rao lên bán.
Giữa thời đông khách mua,
Chợ thịt còn sung được nhiều mùa.
Nghe nói anh cầm viết,
Nghệ thuật là gì em muốn biết.
Mùi tanh nói mùi thơm,
Cây bút cầm tay: cần câu cơm
Đó em ơi ! Nghệ thuật :
Nhắm mắt quay lưng chào sự thật . . .
Tôi hỏi thơ ai mà hay vậy, anh Sơn Tùng nói là thơ của ông Trang Thế Hy.
Bài thơ như đổ vào trong tôi thêm một nỗi khát khao được làm quen với Bác Tư. Nhưng lúc ấy có nhiều người hù tôi, nói ông già khó lắm.
Hồi ấy - cách nay hơn hai mươi lăm năm - chúng tôi chuyền tay nhau bản thảo truyện ngắn Nợ nước mắt của ông đến nát nhừ, cái bản thảo đánh máy trên giấy pelure tái sinh vào cái thời máy photocoppy chưa có. Tiếp theo, chúng tôi được đọc các truyện Thèm thơ, Anh Thơm râu rồng, Sách và chim, Con cá không biệt tâm . . . Mỗi truyện là một dấu ấn về sự đời để mỗi khi va chạm với đời thì có chỗ để mình suy gẫm. Nhưng rồi như một phép màu, chúng tôi được gặp ông bằng xương bằng thịt : Ong cùng với các nhà văn thành phố làm một chuyến đi chơi xuống rừng đước Năm Căn.
Thật ra cuộc gặp gở đầu tiên ấy chúng tôi không được tiếp cận với ông nhiều lắm. Nhưng đó là cái cớ để sau nầy mỗi lần lên Sài Gòn chúng tôi tự tiện đến thăm ông.
Nói cho công bằng thì anh em chúng tôi đến với Bác Tư không chỉ là sự ngưỡng mộ một tài năng, cũng chẳng có cái diễm phúc được ông chỉ bảo một câu, một chữ nào trong viết lách. Ong đón nhận chúng tôi như một ông già thương yêu đám trẻ, có lúc lại như bạn để trà dư tửu hậu. Ong từng nói rằng khi ông làm bạn với ai, ông loại trừ hai tiêu chuẩn : Đó là tuổi tác và tài năng. Điều đó được chứng minh qua những lần ông khóa cửa để chơi với thằng em út của tôi từ sáng tới chiều bên chai rượu đế. Chính vì sự gần gủi ấy mà chúng tôi đã được học ở ông những bài học vô giá, học làm người và học làm nghề. Tất nhiên không phải là những bài rao giảng, mà bằng chính những câu chuyện ông kể, những chuyện ông gặp trong đời, ngoài những trang viết của ông.
Có lần ông kể với chúng tôi về chuyện ông Tấn Thi có tài gài chim trao trảo. Ong Tấn Thi nhỏ tuổi hơn ông nhưng ông gọi bằng chú, là một tay đàn cổ nhạc trong Đoàn Văn công Giải phóng của miền Nam thời chống Mỹ. Rằng hồi ấy ông Thi có một sáng kiến gài chim trao trảo rất độc chiêu : Ong làm một cái lờ bánh ú to hơn một ôm tay, chiều dài hơn hai thước, hai đầu bỏ trống, không gắn hom. Ong treo cái lờ trên ngọn cây gừa giữa rừng, trong đó cột vài ba nải chuối. Ngày đầu, vài chục con chim trao trảo tìm đến ăn trái gừa, cây gừa hết trái, chúng vào lờ ăn chuối chín, cứ ăn no rồi bay ra một cách an toàn, chúng báo hiệu cho cả dòng họ đến ăn. Ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư cũng thế, ông cứ tiếp tục treo thêm nhiều chuối chín. Khi ông quyết định gắn hom thì ngày hôm ấy hàng trăm con trao trảo mắt kẹt trong lờ. Cả dòng họ chúng không còn sót một con.
Khi mới nghe, chúng tôi chỉ cười chơi như một chuyện gài chim. Nhưng đi qua những biến cố trong đời, những lúc vấp ngã mới thấm đòn về câu chuyện ấy.
Năm 1993 tôi lên Sài Gòn, đó là lần sau cùng tôi nhậu với Bác Tư Sâm trong căn hộ trên lầu hai, số 190 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Lần nầy tôi được nghe một câu chuyện khác rằng, ông có quen thân với một nghệ sĩ đàn cổ tên là Tư Chơi một thời vang bóng ở Sài Gòn. Một hôm, ông với ông Tư Chơi ngồi nhậu, lúc bấy giờ ông Tư Chơi đã giải nghệ vì tuổi già. Tình cờ, một anh thanh niên lạ mang đến tặng ông Tư Chơi một chai rượu và một cây đàn kìm với lòng ngưỡng mộ. Anh ta muốn được nghe lại tiếng đàn của ông Tư Chơi nhưng ông từ chối, trả lại khách chai rượu với cây đàn. Người khách thất vọng ra về. Ong Tư Chơi giải thích, thà để cho người thanh niên kia thất vọng, chớ cho anh ta nghe tiếng đàn của mình bây giờ, anh sẽ thất vọng hơn. Làm cái nghề nầy, phải biết đi chổ khác chơi đúng lúc.
Bác Tư Sâm chỉ kể với tôi câu chuyện ấy, thay cho lời giải thích vì sao ông về Bến Tre, sống với mãnh vườn, ao cá.
Cách nay hai năm, chúng tôi hẹn nhau về Bến Tre thăm Bác. Hôm ấy anh Lê Văn Thảo dẫn theo một ê-kip làm phim tài liệu. Đã biết trước rằng ông không bao giờ chấp nhận làm phim chân dung về ông. Nhưng anh Thảo cố tình nói dối rằng đoàn phim đang về Bến Tre để làm một bộ phim gì đó, nhân tiện ghé chơi và cũng có ý định quay Bác Tư vài cảnh để dành làm kỷ niệm. Nghe vậy, ông rất vui vẻ cho đạo diễn Lê Trí dàn dựng những cảnh sinh hoạt bình thường như tưới cây, làm cỏ, đọc sách. Ong nói rằng ông cũng cần vài phút hình để lại cho thằng cháu nội, khoảng bốn phút thoáng qua thôi. Thế nhưng trong lúc say rượu, anh em sơ ý xầm xì với nhau làm lộ ý đồ. Đoàn phim phải rút lui sau khi bị ông phản ứng.
Tiệc rượu hôm ấy dường như cũng mất vui bởi ai cũng thấy mình có lỗi với ông già.
Biết rằng chuyện hợp tan vốn là quy luật. Nhưng khi anh em chúng tôi trở thành cư dân Sài Gòn mà vắng bóng Bác Tư Sâm thì cảm thấy một sự trống trải đến vô cùng. Trống trải mà không thấy lạnh, không thấy mất. Phải chăng, chính vì cái sự "phải biết đi chỗ khác chơi đúng lúc" mà cái phần tâm linh của Bác vẫn còn ở lại với đất Sài Gòn - rất đẹp.