Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.162.064
 
Những buổi chiều
Nie Thanh Mai

Phin dậy thật sớm, mở tung cánh cửa phòng thò đầu ra ngoài. Trời sâm sẩm tối nhưng phía đằng đông lại ửng màu hồng của mặt trời đang ngái ngủ, có lẽ hôm nay là một ngày nắng đẹp. Cô khép cửa lại rồi nhón chân đi ra ngoài: khẽ hít thật sâu một hơi, thấy cái lạnh nhè nhẹ của buổi sớm len vào trong lồng ngực (thầy thể dục bảo như vậy là tập thể dục cho ngực, cho phổi được khỏe mạnh).

 

Dậy sớm. Thói quen ấy Phin không bỏ được dù vào trường nội trú học cả hai năm nay, ở nội trú quy định học sinh phải dậy tập thể dục vào lúc 5 rưỡi . nhưng Phin thì cứ khoảng 4 giờ sángmắt lại mở thao láo. Lúc ấy lại thấy nhớ nhà thôi.

 

Cha hay dậy từ khi cả nhà đang còn chim trong giấc ngủ, mấy chị em Phin đang cuộn tròn như những con cuốn chiếu thì bàn chân cha đã đi nhè nhẹ trên sàn nhà làm bằng những thân nứa đập dập, vì vậy mà dù cha đi nhè nhẹ như thế nào thì sàn nhà vẫn cứ nhịp nhịp lên xuống theo nhịp chân mạnh mẽ của cha.

Phin chỉ giật mình tỉnh giấc sau cha, cô bé lẳng lặng nhìn ông đang khơi bếp nấu nước, không nói gì, khi nào ông cũng vậy, cha bảo:

-  Ngủ nữa đi chứ, dậy làm gì?

-  Con không ngủ được nữa, sáng nào cha cũng nói câu này.

-  Ừ, tao quen ấy mà.

-  Cha cho con đi học trên tỉnh nha cha?

-  Tiền đâu mà cho mày đi học, mí ốm suốt thì tiền đâu tao nuôi mày đi học xa như vậy được.

-  Nhưng con không xin tiền cha nhiều đâu, con cố gắng thi vào trường nội trú tỉnh, bạn con bảo học ở đó có học bổng, không phải mất tiền đâu mà cha lo.

-  Ai bảo với mày thế?

-  Thầy giáo con.

-  Tao không biết, mày muốn làm gì thì tùy, tao thương mày nhưng nhà mình nghèo, mày mà đi học thì ai ở nhà giúp cha làm rẫy, mấy đứa còn nhỏ...

Cha bỏ không nói tiếp, Phin ngồi im nhìn cha chuẩn bị xà gạc, chế nước vào bi đông. Mí dậy từ bao giờ, đang loay hoay chụm lửa nấu cơm cho cha đem lên rẫy, chắc mí cũng nghe chuyện của Phin nói với cha nhưng lại không có ý kiến gì, mí vẫn hay im lặng như thế.

 

Nhà Phin thuộc hộ nghèo nhất buôn, cha làm cả ngày trên buôn cũng chẳng đủ gạo ăn vì mí đau ốm suốt, phải mua thuốc tây uống mới đỡ, thuốc tây lại tốn nhiều tiền, nhà Phin là hộ nghèo có sổ khám bệnh miễn phí đấy nhưng cũng phải mua nhiều thuốc. Ay vậy mà Phin học giỏi lắm, Phin vất vả hơn nhiều bạn trong lớp nhưng lại chăm học, cứ rảnh chút thời gian là lấy sách vở ra lẩm nhẩm, vì vậy mà chẳng khi nào đến lớp mà không thuộc bài hết.

 

Mỗi buổi sáng, Phin theo cha lên rẫy, cha đi phát cỏ đốt cây, tỉa cành cà phê còn cô bé len lỏi vào rừng, tìm những bụi tre um tùm, thế nào cũng có măng, có cà mang về nấu canh măng đắng, cà đắng. Rảnh rỗi lúc nào là cặm cụi học bài, vừa học để thi đậu kì thi tốt nghiệp, vừa ôn thi vào trường dân tộc nội trú tỉnh.

Phin đậu vào trường nội trú tỉnh cũng không khó khăn gì, mà thậm chí còn được vào lớp chọn của trường nữa. Cha Phin đi họp phụ huynh, mắt cứ rơm rớm muốn khóc. Có lẽ cha cảm động khi nhận được kết quả kiểm tra chất lượng đầu năm học của cô con gái lớn duy nhất trong nhà.

 

Mí thương Phin, nhưng mí chẳng có tiền cho mà chỉ ôm vai Phin khóc, nước mắt mí thấm ướt vai áo thổ cẩm của Phin, người trong buôn đến mừng cho nhà có người đi học trên tỉnh, tiếng nói, tiếng cười rộn ràng cả dãy nhà xập xệ, cũ kỹ. Thế là Phin đi học, học để sau này làm cô giáo hay bác sĩ rồi trở lại buôn Tun của Phin, buôn Tun còn nghèo lắm mà.

...

Học hai năm ở trường nội trú, Phin lớn hơn ngày mới vào trường rất nhiều: mái tóc xoăn tít được thắn thành hai bím nhìn xinh như bông hoa rừng, nhất là khi nào trường biểu diễn văn nghệ, điệu múa công-tua rộn ràng âm thanh lục lạc của Phin được cả trường khen rất nhiều.

 

Phin ít về nhà. Không phải không nhớ nhà đâu, nắm nay học lớp 11 rồi mà vẫn cứ khóc suốt vì nhớ mí, nhớ mấy đứa em lau nhau nghịch như quỷ sứ, nhưng mỗi lầm về nhà thì tốn nhiều tiền lắm, tiền xe, tiền mua quà cho hai em. Về như thế đỡ nhớ nhà nhưng cha lại nhiu nhíu mày cả đêm, sáng hôm sau Phin lên trường, lại dúi vào tay con gái mấy chục ngàn nhàu nhàu, dặn vài câu...

Cả mấy tháng rồi không về, nhưng hôm nay nhận học bổng Vừ A Dính của tỉnh trao tặng cho học sinh nghèo học giỏi, phải về khoe cho cha , mí vui.

 

Vừa về đến nhà, mí trông thấy mặt Phin thì hoảng lên:

-  Về làm gì vậy Phin?

-  Con nhớ nhà thì về chứ sao, mí không nhớ con à?

-  Có nhưng mày đừng về nhà làm gì, khi nào học xong lớp 12 rồi về luôn.

-  Mí ơi, con có làm gì cho mí giận con đâu mà mí lại không cho con về nhà hả mí?

Phin bật khóc hu hu, cũng chưa vào nhà, cứ thế mà khóc ở ngay đầu hồi, túi quà mua cho hai đứa em lăn lóc ở bên cạnh, tủi thân lắm mà cũng đã hiểu chuyện gì đâu. Đứa em trai của Phin kéo chị vào nhà, chùi bàn tay ram ráp của nó lên má chị:

-  Phin nín đi, mí nói Phin đừng về là thương Phin đấy.

-  Sao lạ đời như vậy? Nói chị nghe đi.

-  Anh Y Song ở đầu bến nước muốn lấy chị đấy!

-  Nhưng chị có quen thân gì với người ta đâu?

-  Cha anh Y Song cho nhà mình vay tiền, họ không muốn đòi tiền, chỉ muốn chị lấy con trai họ thôi.

 

Phin giãy lên: “chị không lấy anh ta đâu, nhà mình làm gì có tiền, có trâu để chị đi cưới người ta ngay bây giờ. Mà chị không muốn đâu”.

-  Cha cũng không muốn, nhưng nhà mình đang nợ người ta nhiều tiền. Hôm mí bị cấp cứu ở bệnh viện trên tỉnh đó, chị không biết à?

-  Ừ.

 

Phin gật đầu, thấy lòng mình nặng như đeo đá. Đến bữa cơm, cái tin vui mà Phin chạy vội vàng về nhà báo cho cả nhà cũng không làm cho không khí vui hơn một chút nào. Cha bảo là người ta đòi cưới ngay trong tháng ba này. Phin khóc, khóc nhiều đến mức mắt sưng lên mọng đỏ, mí cũng khóc, cả hai đứa em cũng vậy, nhà như có đám.

...

Chiều ở buôn bình yên, khi mặt trời uể oải lặn xuống sau những rặng núi xanh rì có những tiếng chim cu kêu mệt mỏi văng vẳng. Phin ngồi bó gối ở đầu hồi, không hiểu nghĩ gì mà cô vùng dậy, chạy xầm xập xuống cầu thang, cắm đầu chạy mải miết như đang vội vã lắm vậy.

Phin đi đến nhà Y Song. Vừa trông thấy cô, Y Song bật dậy, nhảy thoắt một cái đã từ trên sàn nhà đứng bên cạnh cô rồi, nét mặt anh hớn hở lạ lùng:

-  Phin về nhà từ bao giờ thế?

-  Tôi mới về từ chiều. Tôi nghe cha nói chuyện anh muốn cưới tôi.

Y Song nghe câu nói của Phin thì cúi đầu gãi tai tỏ vẻ lúng túng:

-Thế ý của Phin thế nào?

-  Tôi còn đang đi học mà. Anh Y Song này, tôi và anh đã có gì với nhau đâu mà bảo lấy nhau thành vợ thành chồng được. Tôi mới học lớp 11 thôi, còn nhỏ lắm mà.

 

Giọng Phin cứ đều đều, nét mặt rất nghiêm, đôi mắt nhìn thẳng và không chớp như chờ đợi câu trả lời. Y Song ngẩng lên nhìn sâu vào mắt Phin:

-  Tôi sẽ đợi Phin học hết 12 mà, cũng không lâu lắm đâu.

-  Tôi còn học đại học nữa, tôi muốn làm bác sĩ đấy, mẹ tôi ốm hoài từ bao nhiêu năm nay, tôi muốn chữa cho mẹ. Tôi chưa muốn lấy chồng đâu anh Y Song à. Anh đừng đợi tôi làm gì, tôi sẽ cố làm việc trả nợ cho nhà anh mà.

Phin quay người chạy như bay ra khỏi nhà Y Song, đôi bàn chân vướng vít như ánh mắt của Y Song đang dõi theo.

*

Suốt mấy hôm Phin cứ như người mất hồn, học bài cũng không vào được, cứ buổi chiều lại ngồi bó gối trong phòng nhìn mông lung ra cửa sổ. Bạn bè trong phòng cứ gặng mãi nhưng đâu phsỉ chuyện gì cũng kể hết được.

 

Y Song lên thăm Phin vào chiều thứ bảy. Phin muốn bật khóc khi thấy Y Song ngồi dưới cây trứng cá xanh um chờ mình. phin bảo:

-  Anh Y Song đừng đến trường nữa, bạn bè Phin biết thì không hay cho Phin đâu.

Y Song không nói gì, chỉ cười, hàm răng trắng đều.nhìn Y Song ra dáng con trai miền núi lắm nhưng Phin vẫn thấy ghét ghét thế nào ấy. Cho dù Phin nói thế nhưng Y Song vẫn lên thăm cô vào mỗi chiều thứ bảy, chẳng bao giờ nhắc lại chuyện cưới. Lâu dần Phin cảm thấy hết mặc cảm với chàng trai có nụ cười hiền lành mà tươi rói ấy.

 

Ba năm rồi, Phin bây giờ không còn học trường nội trú nữa,. Tốt nghệp lớp 12 với kết quả học cũng tốt, dù không vào được đại học nhưng Phin được trường cho đi học cử tuyển ở Nha Trang, ngành Y. Cha tự hào về con gái của mình lắm, cả buôn mới có hai đứa đi học cấp ba, giờ chỉ còn Phin được đi học đại học dự bị, mai mốt về làm bác sĩ, oai lắm.

 

Y Song không chờ được Phin học xong đại học để lấy làm vợ. Cha Y Song già yếu lắm, chân đi run run dâu có đi làm rẫy từ năm sáu năm nay rồi, vì vậy Phin không chịu về thì Y Song phải lấy vợ thôi. Y Song lấy một cô gái cùng buôn khỏe mạnh và có nước da nâu giòn, không xinh và cũng không đi học như Phin. Chỉ sau một năm lấy vợ, Y Song đã có một đứa con trai có ánh mắt hệt như mình.

 

Y Song khỏe mạnh, nhưng đời Y Song lắm trắc trở: con trai sinh ra chưa đầy một năm thì mẹ nó bị đau suốt. Dành dụm và cố gắng cả một thời gian dài rồi người trong buôn xúm vào giúp Y Song mới đủ tiền đưa vợ lên tỉnh khám bệnh (Huyện cũng có bệnh viện nhưng người ta bảo là bệnh nặng quá, cho về nhà, Y Song hy vọng người ta nhầm nên quyết tâm đưa vợ đi bằng được).

 

Phin gặp Y Song ở bệnh viện tỉnh, nơi cô đang thực tập. Nhìn thấy vẻ mặt hốc hác của Y Song khi vác mùng mền vào cho vợ, cô thấy thương Y Song lạ lùng. Nhưng vợ Y Song bị ung thư buồng trứng, bây giờ có phẫu thuật cũng chẳng cứu được. Nghe Phin nói thật bệnh của vợ, Y Song ngồi phịch xuống nền gạch của bệnh viện khóc tu tu như đứa trẻ.

 

Chẳng bao lâu thì vợ Y Song mất, cảnh gà trông nuôi con làm cho cả buôn rơi nước mắt.

*

Phin trở về buôn sau sau năm học đại học Y. Bệnh viện tỉnh giữ cô lại vì cô là học sinh giỏi và có năng lực làm việc, ai cũng bảo Phin gặp may, thậm chí ghen ghét với Phin mà có đứa bạn học lại âm thầm nói xấu sau lưng Phin nữa. Cha mẹ tự hào vì có đứa con gái giỏi giang như vậy, đi đâu ông bà cũng khoe, cũng muốn người ta biết, vì vậy mà ai có con trai lớn trong nhà cũng muốn gả cho Phin cả.

 

Nhưng Phin không chịu ở lại bệnh viện lớn của tỉnh, Phin muốn về buôn như lời hứa với mẹ khi đi học. Cha không vui nhưng cũng chẳng nói gì nhiều, mí thì mừng ra mặt (ai mà không muốn gần con cơ chứ).

Phin về làm bác sĩ trẻ của bệnh viện huyện, cái bệnh viện chỉ có mấy phòng, so với bệnh viện trên tỉnh sao nó nhỏ bé như thế. Nghe cha chắp miệng, Phin cười: “Ai cũng muốn làm ở bệnh viện trên tỉnh thì người trong buôn mình ốm đau ai chăm hả cha?”.

 

Từ hôm đó ông mới nguôi nguôi, chẳng thấy nhắc chuyện Phin không chịu ở thành phố nữa. Hơn nữa cha Phin đang rất hài lòng khi thấy có anh Hào – bộ đội biên phòng đóng quân cách buôn mười hai cây số – dạo này hay đến thăm nhà. Nhưng ông lại không vui khi nghe người làng cứ trêu chọc khi gặp ông ngoài đường rằng con gái ông chắc là sẽ chắp duyên với Y Song.

 

Ma Phin không thích con gái gặp Y Song. Hồi trước khi gia đình còn túng thiếu đúng là có nhờ gia đình Y Song nhiều, cũng có ý định gả con gái để trừ nợ đấy, nhưng nó đã đồng ý để Phin học đại học rồi về nhà tính sau. Con gái ông vẫn giữ lời hứa chưa hề yêu ai khi đang học, nhưng nó không chờ được đã đi lấy vợ rồi, con gái ông là bác sĩ, lại chưa chồng lần nào, ông không muốn thấy nó đi lại làm bạn với Y Song.

 

Dường như biết được lòng ma Phin nghĩ gì, Y Song luôn tỏ ra tránh Phin, chẳng khi nào anh chủ động đến nói chuyện với Phin cả. Nhưng thằng bé con Y Song hay đau, hở chút là nó lại nóng hầm hập, người vã đầy mồ hôi. Không muốn gặp Phin nhưng Y Song vẫn phải mang con đến bệnh viện rồi ngồi nhìn Phin dỗ thằng bé uống thuốc với ánh mắt ngượng nghịu.

 

Phin hay đến nhà Y Song, chủ yếu là để thăm nom thằng bé. Không hiểu sao nó quấn lấy Phin không hề rời, khi về lúc nào nó cũng đòi theo cô Phin, nếu không thì giẫy lên khóc ầm ĩ. Rồi không hiểu vì lí do gì mà một buổi sáng sớm Y Song dắt con đi khỏi buôn, xách theo cả quần áo. Phin gặp anh ở ngoài đường, ngạc nhiên níu tay lại hỏi, Y Song chỉ bảo đưa con đi khám bệnh ở trên tỉnh. Y Song cứ nằng nặc khiến Phin rất bối rối. Nhưng đi khám là quyền của Y Song cơ mà.

 

Ay vậy mà vừa về đến nhà, cha Phin đã gọi Phin lại, răn:

-  Phin à, nó có một đời vợ rồi, đừng có đi lại làm bạn với nó mà người làng cười cho đấy.

-  Cha à, sao người làng lại cười con, con với Y Song trong sáng mà. Cha à, cha có nói gì với Y Song không mà anh ấy chào con bảo là phải lên phố vậy cha?

-  Nùi dẻ gần lửa thì nùi dẻ bén thôi con à, mày đừng để họ nói thì mang tiếng đấy, không lấy được chồng đâu. Tao không nói gì cả đâu, tao có quyền gì mà nói, chắc nó muốn đi xa cho mày dễ lấy chồng đấy. Cái bụng nó cũng không đến nỗi nào.

-  Ngày trước cha chẳng bảo con lấy anh Y Song là gì? Sao bây giờ cha lại nói thế?

Phin nhìn lơ đãng ra ngoài sân. Cha bật dậy, giọng ông tỏ vẻ gay gắt:

-  Trước khác, giờ khác. Mày đi học rồi, tao nói ít thôi mày hiểu mà.

Cha bỏ xuống thang, lát sau nghe thấy tiếng cưa đục ở đầu hồi. Phin biết bụng cha chỉ ưng anh Hào bộ đội biên phòng.

 

Phin quen anh Hào trong dịp chi đoàn thanh niên của bệnh viện huyện vào giao lưu kết nghĩa với bộ đội biên phòng. Cô gái có nét mặt hồ hởi, hay cười và đứng dậy ngay sau khi được giới thiệu lên hát đã thu hút anh sĩ quan có đôi mắt ươn ướt như biết nói. Trước khi cả đoàn ra về, anh bộ đội ấy trao cho Phin một giò lan trổ hoa tim tím “Phin mang về treo cho đẹp”. Trông thấy cảnh ấy, cả đoàn ai cũng trêu. Phin xấu hổ, cúi mặt xuống đất, di di mũi chân dưới lớp đất đỏ dịu dàng.

 

Anh Hào trạc 30 tuổi, khuôn mặt hơi xương xương, lớp da rám nắng là người tháo vát. Anh đến nhà Phin chơi là do cấp trên trong đơn vị tạo điều kiện cho anh thường xuyên đi xuống buôn liên lạc công việc hay thoả thuận mua thực phẩm của dân. Mỗi khi đến, gặp nhà Phin đang bận công việc gì anh cũng xắn tay áo lên làm cùng một cách hăng hái, vì vậy mà không chỉ mình  nhà cô mà cả buôn đều khen anh hiền lành và tốt bụng.

 

Anh Hào thương Phin nhưng không bao giờ nói cả, đôi lúc gần hết cả buổi chiều Phin đi làm về, đi qua cây cầu gỗ thấy anh ngồi đó từ bao giờ. Anh ngước nhìn Phin cười, mặt Phin cứ đỏ ửng lên, không biết vì nắng chiều hồng hồng cuối chân trời hay vì điều gì khác nữa. Và rồi Phin đồng ý làm vợ anh Hào, tin ấy làm cả đơn vị bộ đội biên phòng và cả buôn Tun vui khôn xiết.

 

Thế là thấm thoắt gần đến ngày Phin tổ chức đám cưới anh bộ đội về làm chồng. Anh là người Kinh, tập tục người Kinh không giống như đồng bào Êđê nhưng anh và đơn vị đồng ý cho dòng họ của Phin tổ chứclễ cưới với truyền thống của đồng bào mình. Vì vậy cả buôn vui lắm.

 

Chưa bao giờ buôn Tun vui như vậy, trai gái trong buôn nhộn nhịp chuẩn bị lễ cưới theo kiểu của mình. Đêm đêm ở nhà văn hóa xã cách buôn Tun chừng 500m, tiếng hát, tiếng cười cứ ồn ã cả góc trời, có cả tiếng đàn T’rưng nhịp nhàng thi thoảng vang lên thánh thót. Người già ngồi lại với nhau bàn chuyện. Bếp lửa trong gian nhà dài của Phin cứ hừng hực màu đỏ của than hồng. Phin hay cười hơn, má lúc nào cũng hồng như mùa hoa Pơ-lang vào vụ. Anh Hào bận rộn nhiều việc, nhưng cứ hễ có thời gian rảnh, anh lại vượt mười hai cây số vào buôn, ngồi với những người già bàn chuyện làm lễ cưới.

 

Chiều hôm ấy, trời nắng gay gắt, cây cối đứng im lìm rũ lá xuống trông mệt mỏi. Trời càng nắng thì càng nhiều bụi, bụi tung đỏ mù khi bước chân người đi trên những con đường đất đỏ trên buôn. Nhận được tin báo bọn lâm tặc đưa quân vào rừng, cả đồn biên phòng phối hợp cùng với kiểm lâm có kế hoạch truy bắt và ngăn chặn chúng chặt phá. Anh Hào cũng trong số ấy, chưa bao giờ anh vắng mặt trong những buổi truy bắt đột xuất như thế, vì anh là chỉ huy trực tiếp của đồn biên phòng 8 này.

 

Bọn phá rừng hung hãn có tiếng, chúng không chỉ vào rừng khai thác gỗ mà còn kết hợp săn bắn cả thú rừng bán cho các tiệm đặc sản ngoài phố. Vì vậy chúng bất chấp mọi thủ đoạn, thậm chí còn mang theo cả vũ khí để đối phó với kiểm lâm và bộ đội biên phòng. Khi phát hiện bị mai phục, một tên trong bọn hét lên: “Có mai phục, rút tụi bay”, tức khắc chúng túa chạy ào ào, bỏ xe máy, bỏ cả cái máy cưa có tiếng rú gằng gằng đã làm đổ bao nhiêu cây to, cây nhỏ. Bộ đội, kiểm lâm chạy nhào ra, đuổi theo bọn chúng, hét đứng lại nhưng bọn chúng lì lắm, cứ cắm đầu chạy, mặc kệ gai rừng cào lên vai, lên cổ.

 

Anh Hào đuổi theo tên cầm đầu, anh quyết bắt cho được vì bao nhiêu lần tên đầu sỏ xảo quyệt này làm cho mấy anh em không ngủ được. Nhưng hắn là tên lì lợm, bỏ chạy cuống quýt, đầu chúi xuống đất đến hơi thở không còn là của mình nữa. Biết bị bắt đến nơi thì đâm cùn, hắn đứng lại hét lên: “Tao bắn đấy, hai đứa cùng chết thì tao mới hả dạ”. Anh Hào lắc đầu: “Mày đầu hàng đi, đồng bọn của mày bị bắt hết rồi”. Tên đầu sỏ nhìn anh với ánh mắt căm tức, đỏ ngầu, không thèm nghe anh nói gì nữa. Vừa lúc ấy đồng đội anh xông đến, biết là không thể chạy đi đâu được nữa, hắn đột ngột chĩa thẳng súng vào ngực anh, gầm gào tiếng gì không rõ, chỉ nghe như một tiếng hú và tiếng súng chát chúa vang lên. Anh ngã xuống. Còn hắn, hắn quay súng định chĩa vào thái dương tự tử nhưng đồng đội anh đã kịp khóa tay hắn lại, buộc hắn phải đền tội trước pháp luật. Đồng đội chưa kịp đưa anh vào bệnh viện thì anh đã hy sinh. Mắt anh nhắm nghiền trông bình yên như đang ngủ.

 

Đồng đội đưa xác anh về đơn vị, ai cũng khóc, nhưng Phin không khóc mà ngồi ngây dại bên anh, mái tóc dài không búi xõa xuống, xơ xác, đôi mắt thất thần. Con trai, con gái trong buôn vừa khóc, vừa mang chiêng ra đánh, tiếng chiêng nghe não nùng theo nhịp trống cái đếm từng tiếng một. Người già trong các nhà vừa khóc vừa mang cất hết rượu mừng đám cưới của Phin vào nhà.

*

Đã sáu năm sau khi anh Hào mất, khuôn mặt của Phin đã hết u uất nhưng nét buồn thì không thể giấu đi đâu được. Con trai, con gái trong buôn bằng lứa hay ít tuổi hơn cũng đã có gia đình hết rồi. Mí Phin cũng đã đi vào lòng đất với cây cỏ, chỉ còn lại ma Phin thì lúc nào cũng lo, cũng giục con gái đi bắt chồng, chồng già, chồng xấu gì ông cũng vui lòng. Nhưng Phin vẫn không đi lấy chồng. Mỗi buổi chiều, khi nắng chiều vương vãi tia cuối cùng trên những tán cây xanh um, Phin lại từ bệnh viện huyện trở về nhà trên con đường đỏ bụi mù nhưng đã hết gập ghềnh, bóng Phin trải dài hiu hắt.

 

Thế rồi một buổi chiều, Phin trở về nhà sau giờ làm việc ở bệnh viện, vừa lên cầu thang thì biết nhà mình có khách. Khách là người quen của nhiều năm trước: Y Song! Anh vẫn cao lớn nhưng bây giờ trông xạm đi nhiều. Cha nhìn Phin, đôi mắt hiền từ, không bảo gì, ông đứng dậy lẳng lặng đi ra và lát sau Phin nghe thấy tiếng cưa đục ở đầu hồi.

...

Chuyện tôi nghe mí kể lại chỉ có vậy, mí không kể tiếp vì đoạn kết của câu chuyện ấy tôi cũng đã biết, cũng như bây giờ tôi kể lại cho các bạn nghe, như là đang nhớ lại những gập ghềnh về cuộc đời của mí tôi.

 

Buôn maThuột, Ngày 24/02/2004.

Nie Thanh Mai
Số lần đọc: 2408
Ngày đăng: 24.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyên tử của thời gian - Nguyễn Nguyên An
Mưa - Nguyễn Lâm Cúc
Ngôi mả đá - Nguyễn Nguyên An
Nỗi Buồn rực rỡ - Nguyễn Nguyên An
Lạc lõng - Trần Huyền Trang
Khát vọng - Triệu Xuân
Mưa - Nguyễn Thành Nhân
Ầu Ơ Tình Bậu - Lưu Thành Tựu
Hương xa xứ - Lê Hoài Lương
Chiếc đĩa sứt - Đinh Lê Vũ