Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.272
123.157.737
 
Khi những quả mìn ý tưởng phát nổ
Lê Anh Hoài

(Ðọc "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư)

 

Ở "Cánh đồng bất tận", Nguyễn Ngọc Tư chưa thuyết phục được người đọc khó tính vì sao các nhân vật của chị lại hành động như thế này, như thế kia. Có những điều lớn khó chấp nhận về tính/ nhân cách của nhân vật nếu gạt bỏ cái vỏ lãng mạn để nhìn nhận theo logic nội tại và quy luật tâm lý mà bất cứ nhân vật nào cũng nên/cần tuân theo. Những điều này bộc lộ trên toàn truyện và rất rõ ở hai trong bốn nhân vật chính của truyện. Ðó là chị (cô gái làm tiền đã được gia đình tôi cứu) và Ðiền (em trai nhân vật tôi).

1. Về nhân vật chị

Nhân vật cô gái làm tiền trong truyện bị đánh đập dã man, bị "người ta đổ keo dán sắt vào cửa mình..." [1] , thậm chí gần như bị truy sát nhưng cô vẫn hết sức vui vẻ, yêu đời?

Tác giả cho biết "...nhiều, rất nhiều người phụ nữ giống chị. (…) Họ cố làm ra vẻ trẻ trung, tươi tắn nhưng mặt và cổ đã nhão, nhìn kỹ phát ứa nước mắt. (…) Sáng sau, họ xiêu xiêu biến mất, đem theo mớ tiền công ít ỏi suốt một ngày làm việc quần quật của đám đàn ông. Chị, cũng giống như họ, chớm tàn tạ, đói rã ruột ở thị thành mới chạy xuống quê, cất cái quán nhỏ, giả đò buôn bán bánh kẹo lặt vặt, thực chất là làm nghề. (...) Chị sống nhờ những món tiền họ cắm câu đêm đêm, bằng tiền bán lúa, dừa khô hay những buồng chuối chín".

Như vậy, chị đây nằm trong số gái bán hoa không kiếm ăn nổi ở thị thành, phải về nông thôn - nghĩa là rất khốn nạn, khổ sở, cả thể xác lẫn linh hồn. Thế nhưng: "Những vết thương đã lành rất mau. Chị cười, bị đánh hoài riết cũng quen. Tôi hỏi chị làm gì để bị đánh. Chị cười, "Làm đĩ". Việc "làm đĩ" được nhân vật này nhắc đi nhắc lại (với "tôi" và "Ðiền" - là hai đứa giáp ranh tuổi mới lớn) trong vài hoàn cảnh nữa, lần nào cũng rất vui vẻ, nhẹ tâng. Hơn thế, chị ý thức rất rõ việc mình làm: "Ăn trên mồ hôi nước mắt của người ta nên lâu lâu bị đánh cũng đáng đời, hen mấy cưng? Chị nói, và ngả nghiêng cười, dường như chị thấy mình trả giá vậy cũng vừa". Ở đây, tác giả đã khoác cho chị một trạng thái đại loại thân xác bị hành hạ nhưng tâm hồn phơi phới hoặc tuy khổ ải nhưng vẫn vững niềm tin. Một kiểu nhân vật chiến sĩ/nhà cách mạng/nhà truyền giáo đang thực hiện lý tưởng.

Tác giả đã xây dựng cho nhân vật này một tình cảm gần như tình yêu (với nhân vật cha), một mong muốn được làm vợ (tình huống này, dân gian gọi là "muốn hoàn lương"). Hãy đọc (sau một đêm ân ái với cha):

"Chị bước ra khỏi chòi, khoan khoái vươn vai. Sự ưng ý, mãn nguyện lấp lánh trên khoé mắt. Chị cười, bảo:

- Hồi hôm sương nhiều ghê, nó nhiểu lên mặt chị hoài, nhột gần chết.

Rồi chị giành nấu cơm. Chị xoắn tay áo lên hì hụi thổi lửa, đầu tóc xấp xãi dính đầy vẩy cá. Trông chị như bà vợ tảo tần. Hình ảnh ấy làm tôi ứa nước mắt...".

Ðể rồi, khi "Cha đưa chị một ít tiền ngay trong bữa cơm, khi nhà đủ mặt, "Tôi trả cho hồi hôm…". Rồi cha điềm nhiên phủi đít đủng đỉnh đứng lên, sự khinh miệt và đắc thắng no nê trong mắt. Chị nhét tiền vào trong áo ngực, cười, "Trời ơi, ba mấy cưng sộp quá chừng".

Chị luôn ứng xử như thế: Vừa có vẻ hướng thiện (theo những tiêu chuẩn đạo đức thông thường, với rất nhiều cảm khái của Nguyễn Ngọc Tư), lại vừa đập phá cố gắng ấy một cách trơ trẽn, nhanh gọn!? Ðây chính là nơi thể hiện sự lúng túng của tác giả trong cố gắng gắn quá nhiều ý nghĩa cho hành xử của một nhân vật.

Gần đây, nhiều người ưa dùng từ "giải mã" với ý nghĩa dường như nhà văn đã cài đặt những "ý tưởng" như những quả mìn trên cánh đồng tác phẩm. Và việc dò mìn/ giải mã là việc của nhà phê bình. Thử đua đòi theo cái lối này, tôi xin "giải mã" chị:

Thật ra, sau hàng loạt những chi tiết đầy bối rối với nhân vật này, tác giả chỉ muốn nhấn mạnh chị là biểu tượng tự do tình dục. Chị là một chiến sĩ trên mặt trận giải phóng tình dục. Chị là một nhà cách mạng/truyền giáo, theo đường lối/đạo tình dục. "Tự dưng nét mặt chị bỗng âu yếm lạ, như đang nựng nịu một đứa bé con và thằng em trai mười bảy tuổi của tôi đứng đực ra, chết lặng trong nỗi ngượng ngùng. Nước cồn cào chỗ bụng nó, tôi biết chị đang táo tợn làm gì đó phía dưới. Rồi phát hiện ra một mất mát lớn lao, chị thảng thốt kêu lên: - Trời đất ơi, sao vầy nè, cưng?

Nhưng chính tác giả cũng không dám bạo hơn nữa, nên vội vàng viết ngay sau đoạn này như sau: “Chị toàn hỏi những câu hỏi khó. Chỉ nghe thôi đã đau, nói chi trả lời" – một cách lấy cái bi, cái lãng mạn để khỏa lấp sự trần trụi (về vấn đề này, xin phép sẽ trở lại sau, nếu có dịp).

Cao trào của lối xây hình tượng này là việc cho nhân vật dùng thân mình để mua lấy sự an toàn cho đàn vịt (qua đó cứu gia đình tôi). Một kiểu "bán mình chuộc...". Tác giả tiếp tục cho chị một tâm lý dùng dằng, một mô-típ cổ điển "bên tình, bên..." (những chỗ chấm chấm là chỗ có thể điền vào khá nhiều từ). "Tôi biết chị chờ, hy vọng. Tôi biết, đi một quãng xa, chị vẫn còn dỏng tai đợi một tiếng gọi (của cha - chú thích của LAH), "quay lại đi, Sương". Nhưng chỉ gió ngêu ngao xoi mói vào mảng thịt sau tà áo người phụ nữ đang xiên xiên trên bờ cỏ rập rờn".

Ðể ý nghĩa hành động của nhân vật đi đến chỗ toàn thiện, tác giả đã cho nhân vật này đối diện với những "ông cán bộ" rất bẩn thỉu, lạnh lùng muốn giết sạch đàn vịt: "...họ luôn mang tai họa đến. Dường như sự trừng phạt đang núp sau hai khuôn mặt bị nướng dưới mặt trời, bóng nhẫy, tươm mỡ. Họ phơ phởn nói bằng thứ ngôn ngữ buồn cười". Lại một mô-típ rất cổ điển.

Thế rồi "Chị về khi trăng rạng rỡ trên đầu (mãi sau này, tôi vẫn còn ghê sợ cái màu trăng ấy). Ống quần quệt vào cỏ ướt đẫm sương. Hơi rượu quyện với mùi thuốc lá làm tôi chạo chực. Nhác thấy hai chị em tôi ngồi thù lù, chị kêu lên, trời đất, hai cưng chờ chị chi vậy. "Chị... làm đĩ quen rồi, mấy chuyện này nhằm bà gì mà mấy cưng buồn?".

Vậy là nhiều "ý tưởng" đã hoàn thành, còn nhân vật thì thật sự là giả.


2. Về nhân vật Ðiền

Tác giả tả một chàng trai mới lớn. Do những xung đột tâm lý nặng nề, do phải chứng kiến "trên chiếc giường tre quen thuộc, má oằn uốn người dưới tấm lưng chơm chởm những nốt ruồi. Họ cấu víu. Vật vã. Rên xiết" và sự tàn nhẫn của người cha khi lạnh lùng lừa tình, lạnh lùng chiếm đoạt thân xác nhiều người phụ nữ, chàng trai ấy "nổi loạn" bằng cách đánh đập tàn nhẫn đôi chó nhảy nhau. Nguyễn Ngọc Tư diễn giải: "Ðiền chối bỏ niềm vui được trở thành một người đàn ông thực thụ. Nó tự kìm hãm bản năng trỗi dậy mạnh mẽ ở tuổi dậy thì bằng tất cả sự miệt thị, giận dữ, căm thù. Nó phản kháng bằng cách trút sạch những gì cha tôi có, cha tôi làm. Giãy dụa đến rã rời..." Kết quả cuả việc ấy là: "Ðiền mười sáu tuổi, nó có thể mãn nguyện nằm bên tôi, dái tai để mặc tôi mân mê. Ðiền đã lạnh ngắt. Nó dửng dưng nhìn những đứa con gái làm cỏ lúa, quần xoắn cao, đùi non mởn. Ðôi lúc bắt gặp những đôi người quấn nhau giữa các chòi ruộng hay lùm cây, nó khinh khỉnh cười khào".

Ðương nhiên, tâm lý/tâm thần ức chế (hay hưng phấn) đến một mức độ sẽ dẫn đến tình dục lệch lạc, nhưng không giản đơn là bỗng nhiên lại chẳng có rung động gì nữa. Có lẽ tác giả không lưu ý hoặc không biết sự phát dục ở phái nam là cực mạnh! Và chỉ có thể làm nó biến mất khi dùng phép tịnh thân! Cái này khoa học đã chứng nghiệm. Trong trường hợp nhân vật Ðiền, cái bản năng trỗi dậy mạnh mẽ ở tuổi dậy thì sẽ như đoàn tàu hoả lao ầm ầm nhưng đi sai đường, thậm chí trật bánh, tàn phá và gây tai họa chứ không thể dùng lý trí chối bỏ và dùng thao tác tự kìm hãm được. Tác giả đã vẽ ra một bối cảnh rất đặc trưng của cái gọi là “mặc cảm Ơ-đíp”. Xem xét vấn đề theo ánh sáng của phân tâm học, thằng bé ấy sẽ giành giật người đàn bà kia với cha, và hoàn toàn có thể, nó muốn giết cha chứ không phải như tác giả tả, đầy yếm thế và cam chịu, khi nổi loạn chỉ biết đánh chó! (Có thể khảo cứu vấn đề này bằng nhiều học thuật khác nhau, tôi rất tri ân nếu được chỉ giáo thêm).

Khi viết về Ðiền, hoặc tác giả đã quá say sưa với một hình tượng nữa, nó phù hợp với vai trò nạn nhân của một ông bố tàn nhẫn, nó phù hợp với vai trò một người nam ngây thơ trong trắng sẵn sàng ra đấy cho một người nữ từng trải, thậm chí điếm đàng khai tâm, khai mở cơ thể? Quả nhiên, với kiểu dựng nhân vật - hình tượng này, Nguyễn Ngọc Tư đã cho thằng bé Ðiền một ngày kia bỏ đi với người chị làm tiền/truyền giáo kia?! Ðây cũng lại là một mô-típ xưa cũ.

Việc tác giả cho nhân vật này bị căn bệnh tự nhiên cứ chảy nước mắt làm cho sự việc tệ hơn rất nhiều vì nó sáo quá.

Xin lưu ý, những điều mà Nguyễn Ngọc Tư xây dựng qua nhân vật có hạt nhân trung tâm không có gì đáng chê, nhưng cái cách chị cho hạt cây ấy mọc để rồi cắt tỉa nó như bon sai mới là điều đáng nói. Cũng nhấn mạnh thêm, tôi không bàn đến chuyện đạo đức các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư. Chị muốn nghiện tình dục, muốn quyến rũ tất cả đàn ông trên đời, muốn tự do tình dục? Tùy! Ðiền đánh chó tơ nhau và chảy nước mắt? Tùy. Cha đánh bẫy phụ nữ để trả thù phụ nữ? Tùy! Tôi bị hiếp nhưng vẫn nghĩ về tương lai thật nhân ái? Tùy! Có ý kiến cho rằng Nguyễn Ngọc Tư đã đem đến một tác phẩm thấm đẫm nhân văn/ái/đạo... Tốt thôi! Nhưng theo tôi, đừng tạo ra vài nhân vật giản đơn, thô lược rồi để cho nhân vật tuyên ngôn, những điều to tát.

Cũng cần nói thêm: Bởi Nguyễn Ngọc Tư viết trên nền phong cách hiện thực, nên tôi mới đưa ra những nhận xét trên. Gần đây, có cái khổ là nhiều nhà văn, vốn vẫn là hiện thực, nhưng vì sốt ruột, cố đưa tác phẩm của mình lên "tầm", bằng cách gài những quả mìn ý tưởng vào cánh đồng tác phẩm. Nhưng chính thao tác này lại dẫn đến thất bại: Những quả mìn nổ, lung tung hỗn độn và cánh đồng tác phẩm với những cây lúa, cây ngô vốn rất chân phương, thật thà nát bét.

© 2006 talawas

[1]Tất cả những đoạn trích dẫn in nghiêng, người viết tham chiếu tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư đăng tại http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=2396&LOAIID=2&LOAIREF=1&TGID=218 -Do tác giả gửi SCL
Lê Anh Hoài
Số lần đọc: 3666
Ngày đăng: 26.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rộn ràng ơi , những ý nghĩa rời : Đọc tập thơ “Vạn Xuân” của Trần Hữu Lục – NXB Trẻ 2006 - Lê Thiếu Nhơn
Nghe ấm một tình yêu : Đọc tập thơ Phía sau tôi của Nguyễn Đông Nhật - Huỳnh Minh Tâm
Nhà văn Đồng bằng sông Cửu Long đang cần liên kết lại - Tường Vi
Nỗi niềm tha hương, tha nhân trong thơ Đặng Ca Việt (*) - Thai Sắc
Hoa xuân Trong tĩnh lặng : Đọc tập thơ Trong tĩnh lặng của Trần Thị Huyền Trang . - Trương Tham
Dặm đường văn học: Nguyễn Lương Ngọc , sự sống hát lời lửa nước. - Nguyễn Thanh Mừng
Thơ là câu bắc bơ vơ - Phạm Lưu Vũ
Văn học trong - Tường Vi
Trần Đức Tiến trong nỗi mơ yên tĩnh Tuyệt đối - Inrasara
Lê Vĩnh Tài,Đi tìm huyền thoại mới cho Tây Nguyên :Đọc: Vỡ ra mưa ấm (trường ca), Lê Vĩnh Tài, Nxb. Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2005. - Inrasara
Cùng một tác giả
Tìh êu (truyện dài)
(thơ)
Lời (thơ)
Thẩm tranh (tuyển truyện)
Khóc (thơ)
Bộ râu (tuyển truyện)
Viên đạn lạc (truyện ngắn)
Lưỡng lự * (truyện ngắn)
Lãnh đạo cười (truyện ngắn)
Tìh êu (kịch)