Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.276
123.158.908
 
Chuyện bờ bao
Ngọc Hiệp

Như bao cù lao khác, cù lao An Bình mọc lên hơn ba trăm năm nay. Thuở xa xưa, lúc triều lên, cù lao chìm trong nước. Phương tiện đi lại từ nhà này sang nhà kia là chiếc tam bản. Vì sự sống còn, cư dân trên cù lao đấp đất bao quanh không cho nước sông tràn vào vùng trũng. Ai định cư, sinh sống trong khu lòng chão phía trong được gọi là “dân bờ bao”.

 

Nghe đồn ông Tám Cồ ở cú lao An Bình là kho chuyện dóc đầy tính dân gian, tôi tìm đến nhà ông. Nơi ấy, tôi gặp một người thợ mộc tuổi ngoài sáu mươi, chỉ tay lên tấm hình ông già mặc áo dài đội khăn đóng trên bàn thờ Cửu huyền Thất tổ, giải thích:

- Lâu nay có nhiều người cứ tưởng tui là Tám Cồ. Thật ra, cha tui theo ông theo bà lâu rồi. Những chuyện vui mà ba tôi kể lúc mới về đây xây cơ lập nghiệp tui còn nhớ chút đỉnh, thỉnh thoảng tui cũng kể cho mấy ông nhà báo ghi lại.

 

Hỏi chú Bé Đỏ, con ông Tám, tôi mới biết ông Tám Cồ gốc ở Kế Sách, lưu lạc tha phương cưới bà Tám rồi định canh định cư ở An Bình, quê vợ. Lúc mới về cù lao, ông Tám nghèo đến nỗi chỉ có mỗi một bộ quần áo duy nhất. Cứ mỗi lần đi móc đất be bờ bao ngạn, ông trần truồng rồi trầm mình xuống nước cho người ta đừng nhìn thấy cái…”của quí”. Ông Tám tha từng cục đất ngoài vàm Bà Vú mang vô cù lao đấp be mé sông. Nước mênh mông, ông thả đất xuống cái ùm mất hút. Dân Hòa Ninh chèo xuồng đi chợ ngang thấy vậy bảo nhau:

- Thằng Tám nầy làm chuyện dã tràng xe cát.

Mặc mọi người bàn ra tán vào, ông Tám Cồ cứ như “kiến tha lâu đầy tổ”. Ông đã hoàn tất một bờ bao ngạn  ngăn nước sông tràn vào. Ông lên rẫy trồng dưa hấu. Dưa hấu có trái, ông mời bà con ăn, vừa ăn vừa nói dóc:

- …Trái dưa này còn nhỏ. Trái dưa đầu tiên bự bằng cái nhà. Tui bắt thang leo lên trái dưa để vạt cái mặt của nó. Còn cái vỏ bọng không tui mang ra sau hè hứng nước mưa xài đến cả năm chưa hết. Hỏng tin bà con ra sau hè coi.

 

Người lớn cười ồ, trẻ con quýnh quáng chạy ra sau hè nhà ông Tám coi cái lu bằng vỏ dưa hấu khổng lồ. Khi tụi trẻ con tiu nghĩu trở lại, ông cười hà hà: “Lêu lêu mắc cỡ chạy lỡ giồng khoai…”. Cứ như vậy, ruộng vườn cây trái chen nhau mọc lên trên vùng đất bờ bao. Nỗi cơ cực theo dòng kinh Bà Vú trôi ra sông cái.

Thấy ông Tám Cồ biết quăng cái nghèo khổ xuống dòng Cổ Chiên mà không than vãn, bà con bắt chước tha đất bồi thêm cho cái bờ bao dài ra, kiên cố hơn. Người ta gọi dãy đất ngăn nước sông ấy là bờ bao Tân Tạo.

Thuở cơ hàn, dân bờ bao cất nhà rất tạm bợ. Loại nhà này có tên là “nhà đá, nhà đạp”, có thể đá hoặc đạp bỏ nếu lỡ có thiên tai. Mặt nước lúc triều lên bao giờ cũng xấp xỉ nóc nhà bên trong bờ bao. Bờ bao bể là đại nạn cho khu lòng chão. Dân bờ bao đối phó với lũ lụt như  đối phó với giặc lúc chúng đi săn người yêu nước.

Trong những năm tháng chiến tranh, đứng ở cù lao An Bình nhìn qua sông Cổ Chiên, thấy cái cơ ngơi đồ sộ của “Dinh Tỉnh trưởng” Vĩnh Long, mấy ai không khỏi ngậm ngùi nhớ bài thơ “Nhà tôi” của Yên Thao:

“Tôi ở bên này sông – bên kia vùng địch đóng – Làng tôi đấy xám đen màu biếc đọng – Tre cau buồn rũ rượi ướt mưa sương…”

 

Như những hạt phù sa bồi lên bờ bãi, những người yêu nước từ các nơi tụ về An Bình gầy dựng cơ sở chống giặc. Vùng bờ bao có rất nhiều hầm bí mật. Lúc đó, có một người ở hầm bí mật làm bằng cái lu 25 giạ âm dưới lòng đất cù lao. Giặc đi càn ngang hầm bí mật của anh, một thằng lính bị vướng dây đậy nắp hầm, nó phăng tới. Ngồi phía dưới, anh nghe tiếng chân của lính như dùi xoáy vào tim. Trong tay không có một tấc sắt tự vệ, anh đành nhắm mắt lại chờ một trái lựu đạn của giặc ném xuống. Một phút trôi qua, trên mặt đất vẫn yên lặng đáng sợ. Bỗng có một giọng thì thào nho nhỏ vọng xuống miệng lu: “Trời ơi! Kỹ một chút cha nội!”. Sau đó, tiếng chân xa dần và mất hút. Người ấy là anh Ba Nghĩa. Chuyện của anh chắc có liên quan đến một chi tiết chú Sáu Yên, nguyên phó Bí thư chi bộ An Bình vào thập niên 60, đã kể:

- Hồi đó chú làm công tác binh vận ở vùng này. Mấy đứa đi lính nghĩa quân cho giặc là con cháu trong làng trong xóm. Tụi nó thuộc loại cầu an, không muốn giặc tống cổ ra vùng ngoài chết thay cho chúng. Chú khuyên tụi nó ở hiền gặp lành và cho tụi nó biết những người đi làm cách mạng là bà con giòng họ của tụi nó. Bản thân tụi nó cũng là nạn nhân chiến tranh sống nay chết mai. Ngày giải phóng, Ba Trát kéo cả đám ra nộp súng cho cách mạng. Nhờ đó mình có thêm vũ khí đi bao vây đồn Lớn, giải phóng cù lao.

 

Tạm biệt bờ bao Tân Tạo, tôi sang sông về lại Thị Xã Vĩnh Long. Đi ngang Bảo Tàng tỉnh, tôi nhớ lại hồi mùa xuân năm Mậu Ngọ, 1978, trong nhà trưng bày hiện vật, có một đoàn khách tham quan như bao nhiêu đoàn khách đã đến và đi. Cô gái thuyết minh là Ngọc Hải. Theo văn bản đã thuộc nằm lòng, Ngọc Hải chỉ vào bộ đi văng hai lớp thao thao bất tuyệt trước đoàn khách:

- Thưa quý khách, đây là bộ đi văng hai lớp. Chủ nhân của nó là ông Trưởng Bộn ở vùng bờ bao An Bình.

 

Ông Trưởng Bộn là một người dân yêu nước, thấy lực lượng cách mạng về hoạt động trong vùng cù lao giữa lúc giặc thường xuyên đánh phá cách mạng, ông nghĩ ra cách làm cái đi văng này để nuôi chứa nhiều cán bộ chiến sĩ thoát qua cơn hiểm nguy khi giặc về càn quét. Trong những cán bộ cách mạng ấy có một Huyện Ủy viên của Huyện Châu Thành về chỉ đạo phong trào…

 

Đang thuyết minh nữa chừng, có một người đàn ông mặc bộ com lê xám, dội nón nĩ, dáng gầy gầy, khuôn mặt xương, má hơi hóp lưỡng quyền dô ra hơi cao, ông tách khỏi đoàn khách, hỏi nhỏ:

- Nè cháu, cháu có biết hồi đó, ai nằm trong bộ đi văng này không?

Ngọc Hải lúng túng mỉm cười. Một người khách khác quê ở An Bình quay sang nói nhỏ với tôi:

- Ông Ba Lu ở trong bộ đi văng đó chớ ai.

Nhưng lúc đó, Ngọc Hải nhớ ra và trả lời ngay:

- Dạ, đó là chú Hồ Minh Mẫn…

Người đàn ông mỉm cười thân thiện:

- Thì là chú nè.

Từ đó, tôi làm quen và tìm đến nhà chú Mười Mẫn (Tức Hồ Minh Mẫn) để hỏi cho rõ hơn về cái biệt danh ông Ba Lu. Chú nói:

- Đầu tiên ông Tư Dần là Huyện Ủy viên ở Rạch Giá có nghề làm lu xi măng. Ổng chỉ cho chú cách đúc lu xi măng.

 

Lúc đó, lu xi măng có thể đúc rất to, chứa nước rất nhiều và làm hầm rất rộng. Năm ấy, để che mắt giặc, chú Mười đúc sẵn vài cái lu xi măng, chú bỏ mấy cái lu đó xuống tam bản chèo đi… “bán”, bán mà không cần người mua. Chú bán để được đi từ nơi này sang nơi khác.  Bà con không gọi chú bằng cái tên trong giấy tờ nữa mà gọi là ông Ba Lu. Trong buổi gặp gỡ chú Mười Mẫn, tôi còn biết thêm một chuyện khá lý thú. Ở An Bình không chỉ có cái đi văng hai lớp mà còn có ngôi mộ không hài cốt. Dân bờ bao đã xây lên một ngôi mộ phía dưới chỉ có cái kim tĩnh trống không. Cái kim tĩnh ấy giành cho cán bộ cách mạng tránh giặc mỗi khi chúng đi càn quét trong vùng. Chỗ chứa người chết biến thành nơi cưu mang người sống.

 

Kể chuyện một lúc, chú Mười Mẫn lại trầm ngâm nhớ những ngày gắn bó với nhân dân. Những người đùm bọc chú hiện về rất rõ trong trí nhớ. Lúc ở An Bình, chú đã tá túc với Sáu Thôi, Sáu Tẽn trên bờ bao Ông Phán. Sau đó chú về ở với gia đình ông thợ mộc Tư Lý. Tại đây, chú trực tiếp chạm mặt với giặc. Chú kể:

- …Chú đang nằm trong buồng, cảnh sát Lắm tới. Ông Tư Lý vội  mời cảnh sát Lắm vô nhà nói: “Trời ơi! Gặp ông ở đây tui mừng quá. Có thằng em bên chợ nó qua chơi mà tui chưa kịp lên trình với ông”. Cảnh sát Lắm bước vô trong buồng thấy chú nằm đó, lay chú dậy uống trà. Chú chối từ, viện cớ là bị đau bụng phải nằm nghỉ một chút. Sáng hôm sau, trên bãi đất trống của xã có đá banh, cảnh sát Lắm lơn tơn đến một mình, gặp chú, nó hỏi: Sao không đi coi đá banh? Chú trả lời: cái bụng còn đau quá không đi được. Lúc đó, ông Tư Lý hết sức bình tĩnh đối phó với cảnh sát Lắm. Không có những người như Chín Thẹo, Tư Lý thì chú khó sống trong giai đoạn đó. Dân mình tốt lắm, cù lao An Bình ở sát nách giặc mà vẫn bảo vệ cơ sở cách mạng rất an toàn.

 

Nhận xét của chú Mười Mẫn thôi thúc tôi sang nhà chú Sáu Yên để cùng trở lại bờ bao Ông Phán tìm chú Tám Trai. Chú Tám Trai là người rất gắn bó bờ bao Ông Phán. Ngồi sau xe honda. chú Sáu Yên giới thiệu thêm về chú Tám Trai:

- Ổng là một người tốt,  ổng tuyên bố với mọi người rằng: “nẻo chánh cứ đi, nẻo tà không đến, ai yêu nước tôi bảo vệ tới cùng…”.

Dọc đường, thỉnh thoảng có người hỏi: “Cậu Sáu… đi đâu lên phía đầu cồn?”; Chú Sáu trả lời rất trỏng và gọn:

- Lên “nhà binh phịch”.

Thì ra “Nhà binh phịch” là biệt danh của chú Tám Trai. Cái biệt danh đó có từ một qui ước của cô Tám Phụng. Cứ nghe “phịch nhà binh” là tình hình yên tĩnh, còn “nhà binh phịch” là có giặc đi càn. Cứ mỗi lần giặc vô đóng trong bờ bao là mỗi lần Tám Trai say xĩn với chúng. Chú bưng ly rượu hò hét cổ vũ:

- “Phịch”… “Ê… nhà binh…Phịch”.

Đến nơi, tôi đứng bên này con rạch nhìn sang căn nhà của chú Tám nằm khiêm tốn dưới mấy tàng mận, bắt loa tay gọi: “Nhà binh phịch”. Lập tức chú đẩy tam bản sang rước chúng tôi. Chú Tám đón tôi trong bộ đồ Pyjama màu hột gà có viền nâu, tóc hớt cua dựng đứng, miệng nói chuyện nghe rang rãng. Ở tuổi bảy mươi ngoài mà sức khỏe của chú còn tốt. Chú mang ra chai rượu rắn đặt lên bàn:

 - Anh Sáu với chú em lâu lâu mới tới nhà chơi, “nhà binh phịch” đi.

 

Trong cuộc gặp gỡ này, chuyện “Nhà binh phịch” năm xưa cứ râm ran bên ly rượu. Qua câu chuyện của hai người, chân dung “dân bờ bao” có thêm nhiều nét đẹp.

Năm ấy, Ba Tão là Trung đội trưởng “nghĩa quân”, chỉ huy lính địa phương. Ba Tão dẫn quân tới đòi phá cái bờ bao, hắn ra lịnh cho lính:

- Đ…m… cái vườn nhà ông Tám Trai này có chứa Cộng Sản. Mở kiến đập ra cho nước tràn vô bờ bao để tụi nó chết hết cho rồi. Đứa nào chịu không nổ trồi lên thì mình dứt họng.

Tám Trai ngăn chúng lại:

- Ê! Nhà binh phịch đừng nói bậy. Nếu thiệt sự vườn nhà tui có Cộng sản tui mở nắp bọng liền, mấy ông khỏi mở. Còn không có Cộng sản mấy ông tính với tui sao đây? Nếu có…- Sợ mắc lời thề, chú Tám Trai nói trỏng -… nhà binh phịch đứt đầu cả nhà tui cũng được… Nếu không có mấy ông bồi thường tổn thất vườn tược cho cả xóm tui à nghen.

 

Nói cứng như vậy chứ trong lòng Tám Trai nghĩ đến công sức mình sẽ tiêu tan theo dòng Cổ Chiên trôi ra biển, mặt khác, trong bờ bao còn chị Tám Phụng, Hai Thanh và rất nhiều anh em khác đang ở trong lòng đất. Lính xả nước vô chẳng khác nào con dế cơm dưới hang bị đổ nước ngộp phải trồi lên thôi. Lúc đó, mấy cái đầu trong căn nhà chú Tám Trai cũng khó an toàn. Nhưng mấy thằng lính đi theo xếp Ba Tão thấy cũng ớn trước lý lẽ của Tám Trai, chúng bàn ra:

- Vườn nhà ông Tám Trai trồng cây đặc rật chó chui không lọt, làm gì có Cộng sản?

Ba Tão coi Tám Trai là bạn nhậu nên hắn cũng nhân nhượng:

- Tám Trai cam đoan như vậy, tôi bỏ qua.

Nhưng vài ngày sau, Ba Tão đột ngột kéo quân vô bờ bao ông Phán. Nước đang lớn, thủy triều của dòng Cổ Chiên dâng lên rất nhanh. Ba Tão đanh thép ra lệnh:

- Đ…M… Tháo nước vô bờ bao cho tao. Ai cản bắn bỏ…

Lính miểng cưỡng lội xuống đập mở mặt cống. Nước tràn vào khu lòng chão. Trước hành động bất ngờ của Ba Tão, chú Tám vội vã gõ mõ huy động gần ba mươi gia đình trong bờ bao xúm lại chận dòng nước oan nghiệt đang ào ạt chảy. Bà con đẩy lính ra, lấy người làm rào cản không cho chúng đến mặt đập. Tốp khác hì hụt kéo kiến đập lại không cho nước tràn vô. Chú Tám nói với Ba Tão bằng giọng thân thiện pha lẫn hằn học:

- Ba Tão! Tao đã đem cái đầu tao ra cam kết với mầy rồi mà mầy không tin nữa sao?

Trong bà con có người chữi đổng:

- Đồ vô ơn bạc nghĩa thiệt. Hồi nào đến ăn nhậu ngập mặt, bây giờ, xả nước tiêu mẹ hoa màu còn cái cứt gì mà ăn với nhậu chớ.

Ba Tão không hiểu bà con chữi lính hay chữi mình, hắn lên cò súng nghe cái “rơp” định sững cồ ra oai với người vừa chữi đổng, nhưng Tám Trai kịp thời câu cổ Ba Tão:

- Mầy muốn gì? Muốn phịch nhà binh thì về nhà tao… đừng làm cái trò này.

 

Tám Trai về nhà bắt con gà mái đẻ làm thịt. Còn bà con, người lo chận nước tràn vô, tốp khác kéo lính vô nhà bày tiệc nhậu vả lã đôi câu làm hòa chuyện xô xát nơi mặt cống.

Tôi lặng nhìn chú Tám Trai trầm mình trong quá khứ. Chuyện cái bờ bao muốn tồn tại cũng trải qua nhiều nỗi gian truân. Chú Tám Trai chuyển sang đề tài những ngày chạy giặc. Chú nói với chú Sáu Yên:

- Nghĩ có lúc tôi cũng liều mạng. Nhớ vụ anh Hai Thanh, cán bộ kinh tài xã, mới vừa thu tiền đầy bao bố tời may miệng. Anh để bao bạc trên nóc trảng xê cho vợ coi chừng. Thình lình, giặc kéo vô một trăm ba mươi mấy mạng. Nhà binh phịch! Nhà binh phịch! Chị Tám Phụng với anh Hai Thanh chưa kịp đi nộp tiền về trên. Chị Tám Phụng kêu Hai Thanh chạy ra bờ sông cái tránh giặc.Hai Thanh không chịu, đòi “đi đại lộ về đại lộ”. Thiệt lúc đó cũng ngặt mình. Tôi lật đật vác bao bạc để xuống mũi tam bản. Chị Tám Phụng với anh Hai Thanh ôm nhau núp dưới lườn tam bản, tôi lấy tấm đệm đậy lên rồi giựt máy đuôi tôm tốc chạy hết ga…

Kể tới đó sợ tôi hiểu lầm, chú Tám Trai phân trần:

- Họ ôm nhau thôi chớ hỏng có cái vụ đó à nghen…

Nói xong, chú Tám Trai cười sãng khoái, kể tiếp:

- …Lúc đó, nước ngang lưng quần vậy mà tôi chạy bất kể chết. Ông “đạo già” (Biệt danh của tên chỉ huy đám lính) đứng trên bờ móc súng lục nổ cái chát, la lên: “Tám Trai!”. Tôi hoảng hồn hoảng vía nói với chả: “Trời ơi! Tội nghiệp con tôi bệnh phải đi gấp. Tôi  đem thuốc xuống nhà cho con tôi uống, xong, chạy lên liền. phải lai rai với mấy cha chớ!”…

 

Hôm ấy, chú Tám đưa Hai Thanh và Tám Phụng đến điểm an toàn xong quay lại chỗ căn nhà giặc đóng quân. Tụi nó đang …”hạ cờ tây”. Thấy ông “đạo già” không ăn thịt chó, chú Tám mang lên hai chục trứng vịt với năm lít rượu để chiên nhậu. Bữa đó, chú lâm trận “Nhà binh phịch” …”Nhà binh phịch”  đến…”hoắc cần câu”.

 

Như nhớ một chuyện khá quan trọng, chú Tám Trai bước đến tủ thờ lục lấy ra một cái bọc ni lông gói rất kỹ. Chú đến bộ ngựa lấy ra từng tấm giấy đã ngã màu vàng ố chìa ra một tờ giấy ca rô bị mối ăn nơi góc trái. Chú nói:

- Ngày 19 tháng tư năm 1959 tụi tôi ký hiệp đồng lên bờ bao. Khi bờ bao thành khoảnh, tôi trồng chanh, trồng huệ. Đến năm 1960 về sau ở chung quanh đây có rất nhiều hầm bí mật. Cái hầm của Hai Thanh ở sau giao lại cho chín Dân…

 

Tôi mở tờ giấy ra xem. Đó là tờ “Hiệp đồng bờ bao” có cả thảy 23 người đồng ký tên cùng qui ước  bảo vệ đoạn bờ bao nơi mình đang ở. Người tại chỗ phải biết bồi đấp cho cái bờ bao ngày thêm vững chắc.

Ngoài chú Mười Mẫn, chú Sáu Yên, cô Tám Phụng, chú Hai Thanh, anh Ba Nghĩa… là những người bám đất cù lao chống giặc còn có cả chú Tư Cẩn (Tức ông Trịnh Văn Lâu nguyên Bí Thư Tỉnh Ủy Tây Ninh và Vĩnh Long), anh Bé Sáu (Tức Trương Văn Sáu Chủ Tịch tỉnh Vĩnh Long) cũng từng bám bờ bao trong những ngày kháng chiến.

Sau này, mỗi lần nhắc đến chuyện bờ bao, chú mười Mẫn nói với tôi trong giọng buồn buồn:

- Sau ngày hòa bình, có một số người không hiểu cứ cho là dân bờ bao thân giặc, không có tinh thần cách mạng.

Ở đời, cũng có người hay nhìn cái vỏ mà đánh giá cái ruột, cách nhận xét đó thiếu chính xác. Chỉ khi nào thấu hiểu cái bờ bao, mới thấy quí những người bờ bao chân chất. Trong mắt tôi, An Bình là một vùng quê rất đẹp. Chân dung dân bờ bao chân chất, dung dị và sâu sắc.

 

Bây giờ, bến đò ngang An Bình đưa người sang sông, người ta đi liền một mạch đến tận Đồng Phú. Trên sông Cổ Chiên, hoa lục bình nở tím, nó ngẩng nhìn một chiếc du thuyền bồng bềnh quý phái vào buổi chiều tà. Đêm. Đèn rực sáng, lấp lánh ánh soi xuống dòng nước bạc. Điểm du lịch sinh thái mọc lên nhiều nơi. Thuyền đưa khách đi về như mắc cưỡi.

 

Theo năm dài tháng rộng, vùng trũng đã được bồi cao. Đến mùa nước nổi, dân bờ bao đã chôn nỗi lo vào lòng đất. Mọi người thong dong chạy xe gắn máy khắp hang cùng ngõ hẻm. Tôi lái Honda đến Vàm Bà Vú, không thấy dáng cái bờ bao đâu nữa, nó đã lui về ở ẩn trong lòng quê hương xứ sở. Hình ảnh cái bờ bao cưu mang những nỗi đời chỉ đọng trong tâm khảm của những người biết quí yêu từng tấc đất quê mình.

Ngọc Hiệp
Số lần đọc: 3033
Ngày đăng: 26.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tam Đảo sương mù - Nguyễn Thanh Mừng
Nơi ấy bây giờ-phần 1 - Võ Ðắc Danh
Nới ấy bây giờ-phần 2 - Võ Ðắc Danh
Nới ấy bây giờ-phần 3 hết - Võ Ðắc Danh
Đời cố nông - Võ Ðắc Danh
Nỗi niềm U Minh Hạ - Võ Ðắc Danh
Thới Sơn - Một nông trại - Nguyễn Văn Hầu
Đoàn nhà văn miền núi phía bắc đi thực tế ở nam bộ - Văn Dương
Không thể rời xa - Nguyễn Thành Nhân
Rượu Điện Biên - Nguyễn Thanh Mừng