Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.109
123.163.114
 
Hoàng hôn đỏ
Nguyễn Lâm Cúc
R>

Hay thật, rựa phát làm bằng thép có khác, cây rắn mấy cũng chặt băng băng,Vận thấy lòng khoan khoái. Thế là xong, xong sớm hơn 1 ngày, đáng lẽ mai mới về thì chiều nay Vận sẽ về, mà còn về sớm nữa chứ.Vận hối hả thu dọn vài thứ lỉnh kỉnh, bình đựng nước, hộp nhựa có nắp để lúc trở vào còn có cái đựng thức ăn mang vào. Tất cả cho vào trong túi vải. Nhìn qua một lượt, đám rẫy mới phát ngổn ngang cây đổ, Vận nhủ thầm, bấm gốc, dọn đốt cũng phải mất một tuần nữa, thôi cứ về đã, mai vào lại sẽ hay.

 

Con đường từ rẫy về nhà đi mất 2 giờ, Vận sải từng bước dài, chân đạp băng băng lên những hòn đá lô nhô dày đặc trên mặt đường. Nắng chiều hắt lên ngọn cây từng vạt sáng lấp loá, phía chân trời  mây tụ lại một mảng sẩm tối, phía trên, những tia sáng xoè ra đỏ ối, bên dưới,  lại âm u với những  hình thù quái dị. Nhưng bao trùm lên tất cả là một màu đỏ,  từ màu của nền trời, của dải mây rộng phía dòng sông La Ngà, của mặt trời. Một hoàng hôn đỏ lừ! Mặt trời càng đỏ, khối tròn ấy không lao nhanh mà nó đang dần dần hạ xuống chân trời. Sao nó lại giống quả cà chua chín? Chỉ khác là nó to và xa quá. Nếu mà gần, Vận chỉ cần dùng cây rựa phát chích nhẹ vào, chắc chắn từng dòng nhựa đỏ lửa từ quả cà kia sẽ loang chảy rừng rực. Vận buồn cười. “ Mình quả là hay nghĩ vớ vẩn”, chả trách Phương hay mắng Vận là   “thuộc diện  hoang tưởng”.

 

Nhờ nghĩ vẩn vơ mà đoạn đường như ngắn hơn mọi ngày.

 

Vận đẩy cửa thật nhẹ nhàng, nếu Phương đang mãi mê với chiếc nón lá chằm dở, Vận sẽ đập khẽ lên vai một cái, thế nào Phương cũng giật nẩy mình, mặt đỏ bừng vì giận, hai tay đấm túi bụi vào ngực Vận, những nắm đấm nho nhỏ nhẹ nhẹ đầy dằn dỗi. Vận cười khì khì ôm riết vợ vào lòng…Nhưng cái gì vậy nhỉ? Vận đờ người, căng mắt nhìn, trên chiếc gường trong góc nhà, lẫn vào bóng chiều lờ mờ, giữa đống quấn áo nhàu nát, 2 thân hình trắng toát đang ghì riết lấy nhau. Vận nghe tiếng rên khe khẽ đầy phấn khích của gã đàn ông, Vận thấy tấm thân nõn nà của Phương bên dưới tấm thân kia,  nó đang oằn lên theo từng cơn sóng đầy nhục dục. Gã đàn ông ấy  là ai ? Đầu óc Vận căng ra bừng bừng nóng, rồi thoắt lạnh toát, tay chân  run rẩy, giây lát thôi mắt Vận đã ngầu đỏ, khoé mắt toé ra ngọn lửa hung tợn. Vận gầm lên:

-Đồ chó đ..é..o!…Cho chúng mày chết này!...- Cùng với tiếng gầm, con dao phát rẫy loé sáng, bổ phập xuống trên hai tấm thân đang chồng lên nhau.

 

Nhiều tiếng hét kinh hoàng, tiếng rú đau đớn đột ngột đứt quãng của gã đàn ông, âm thanh chưa kịp thoát hết ra đã tắt nghẹn thành tiếng rên lụng bụng trong cổ họng. Mắt gã trợn ngược lên, khựng lại đầy kinh ngạc, rồi mí mắt xuôi dần, khép kín. Ngang tấm thân của gã, máu phụt ra lêng láng. Tiếng hét của Phương, chói vút lên tột đỉnh hoảng loạn, nó không là tiếng người, nó cũng không hẳn là tiếng của con vật nào, đó là như tiếng gào, lại như  tiếng rú. Thứ tiếng ấy truyền cho người nghe cảm giác kinh hoàng và thật huyền bí, rúng động tâm can của những người lì lợm nhất.

 

Vận buông con dao xuống nền nhà, chạy ra sân gào thật to: “Tôi giết người! Thằng Vận giết người rồi bà con ơi!”

*

Nhiều tháng sau khi sự việc ấy xảy ra, làng Yên Thượng vẫn chưa hoàn hồn. Chiều lại, phụ nữ trẻ em dúm vào nhau trong sợ sệt, những tiếng nói chuyện thì  thào như sợ  ai đó nghe thấy rồi bất thần giáng điều tai ương  xuống ngay trên mái nhà của  họ. Những người già  ngơ ngác nhìn nhau. Cụ Chín, rắn rỏi nhất trong làng, việc gì cũng điềm nhiên  mỉm cười cũng phải rên lên: Chưa từng thấy, chưa từng thấy việc như thế bao giờ, hãi hùng quá!

 

Ngọn khói từ mái bếp các căn nhà vẫn êm đềm toả ra, mà sao nó không còn có cái vẻ ấm áp. Sợi khói mỏng, tan dần vào không trung lạnh lẻo, loang chảy trên bầu trời một cách  vô vọng. Nhiều gia đình lục tục dọn đi. Nhà chị Dân cũng đã gửi bầy trẻ về ngoại hôm qua rồi. Những ngôi nhà trước đây luôn mở cửa thì nay đã cẩn thận làm cổng ngỏ và cài kín. Trong làng vắng lặng. Bà cụ mẹ của Vận cũng đã thu xếp hành lý, nhưng bà chưa thể nào rời khỏi. Sáu tháng qua, ngày nào bà cũng  khóc, có những lúc thấy bà nằm im như một cái xác, nhưng nếu ai đó gọi đến thì lập tức dòng suối từ hai hố mắt lõm sâu của bà lại tuôn tràn. Thằng Vận con bà, một thanh niên chịu thương chịu khó, khoẻ khoắn và lành tính. Bà không bao giờ có thể tin rằng thằng Vận chính là tên giết người man rợ. Ôi! Sao cái số phận lại cay nghiệt đến như thế này! Bà gào lên, bà  nấc hờ lên não nề, uất nghẹn… Vận ới!.. Vận ơi sao con khổ thế con! Trời cao đất dày, sao ông làm cho chúng tôi khổ đến như thế này? ....

 

Đứng gục đầu trước vành móng ngựa, tư thế của Vận ngay lúc này đây đã đứt lìa mọi ràng buộc liên quan đến các sự vật và con người chung quanh. Mà không phải bây giờ, nó đứt lìa từ nhát chém Vận bổ xuống với sức nặng phồng căng mọi cơ bắp trên cánh tay giận dữ và oan nghiệt từ buổi chiều ấy, ngay trong ngôi nhà nhỏ, trước đó còn đầy tiếng cười, còn ấp ủ bao nhiêu dự định.( Trong dự định của Vận lại chưa từng có nó, cái nhát chém tiện ngang đời Vận, thế mà nó đã đâm bổ xuống, vô phương chống đỡ ). Cái của Vận chỉ ngời lên một chút khi nó lướt qua chỗ ngồi của người mẹ già. Nhưng hôm nay, ánh mắt đó không hề liếc qua chỗ bà cụ thường đến ngồi ở những phiên toà trước. Chỗ ngồi đó, giờ chen chúc những người khác, họ nhìn vào Vận chằm chằm, những con mắt soi mói  và xa lạ.Trong những  tia nhìn ấy chứa đựng nhiều lời phán xét, kết tội, khinh miệt và sợ hãi. Người mẹ của tên giết người hôm nay không đến. Bà đã ôm khăn áo ra đi từ sáng sớm, trên một chuyến  xe, mặt úp vào chiếc khăn dày đẫm nước, người bà rung lên bần bật từng hồi, từ chối mọi lời thăm hỏi, cả ly nước uống của những người ái ngại chung quanh bằng những cái lắc đầu nguây nguẩy. Bà chạy trốn một kết cuộc mà không một người mẹ nào trên đời có thể có đủ cam đảm chứng kiến. Nghe đâu bà được một sư cụ, ở một ngôi chùa nhận vào quét dọn.

“Bị cáo được phép nói lời cuối cùng.” Tiếng của ngài chánh án vang rền.

-Thưa toà - Tiếng rì rầm của những người hiếu kỳ, của bên nguyên cáo im bặt- Tiếng Vận rõ và đượm buồn. -Thưa toà, thưa ngài chánh án, tôi xin được dùng lời nói cuối cùng của mình để hỏi ngài chánh án một việc.

-Toà cho phép.

-Thưa ngài tôi xin hỏi ngài, giả sử ngài bắt gặp tôi đang ngủ với vợ của  ngài, ngài sẽ xử sự ra sao?

-Này, cái anh kia!- Ngài chánh án quát gắt lên, khiến cho viên thư ký giật mình rơi cả bút xuống nền gạch.- Đây là  phiên toà, ai cho phép anh ăn nói bậy bạ như thế hả?

-Thưa ngài, tôi được phép, ngài đã vừa đồng ý mà… Ngài thấy chưa, ngài đã được chuẩn bị tâm lý, đang ở một nơi mà nhiệm vụ bắt buộc ngài phải điềm tĩnh. Tôi thì chỉ mới ví dụ thôi, mới giả sử chứ đã có làm gì đâu mà ngài đã mất hết vẻ oai nghiêm của mình rồi. Tôi lại hỏi ngài, tôi có tội, tôi chịu hình phạt của pháp luật nhưng nỗi oan uổng của đời tôi, ai đền  cho tôi, thưa ngài?

Mặt ngài chánh án bựng đỏ, ngài nhô người lên khỏi ghế rồi rơi phịch xuống, tay ôm ngực đổ gục xuống bàn. Cả phiên toà nhốn nháo, tạm hoãn vội, để đưa ngài chánh án đi cấp cứu vì ngài lên một cơn nhồi máu cơ tim.

 

Vận bị đẩy lên một chiếc xe bít bùng. Đám đông ra về lao nhao bàn tán.

- Ông chánh án liệu có sao không nhỉ?

- Tên giết người, nó nói điên,  hơi đâu mà nghe nó chứ.

- Này, có khi nào ông chánh án là người nhà của thằng cha bị chặt đôi ấy không?

- Ai mà biết, nếu biết, nãy giờ chẳng đã loa lên rồi, nhưng rõ ràng là hắn đã chơi ông ta một cú thấu tim.

- Chắc hắn có tư thù gì với ông chánh ấy rồi.

- Thôi đừng làm thầy bói nữa. Sự đời phức tạp, ta về coi lại việc nhà ta biết đâu lại chẳng…mà cái thằng ấy nói cũng có cái lý của nó, cứ thử ở vào tình cảnh của nó thì khắc biết.

- Ê, bộ muốn như thằng đó lắm hả? Sướng lắm hay sao mà phải ước?Về thôi!

Tiếng rân ran trong dư luận càng lúc càng nhiễu loạn, vì sau đó ít lâu ngài chánh án từ chức. Người ta nói rằng ngài bị phiên toà xử Vận ám ảnh, từ đó đổ ra nhiều chứng bệnh.

  

Xóm biển Thanh Hà, một vùng biển có bãi đá Thạch Cổ, với muôn vàn những hòn đá cuội nhẳn thín, nho nhỏ đủ màu sắc trải dài dưới chân những đụn cát  đầy những bụi xương rồng, nơi đó từng là quê của Lương, của ngài chánh án. Tại đó, Lương từng đã có một gia đình. Vợ Lương, con gái của nhà ông Nhại, sống bằng  nghề buôn bán mực khô  giàu có. Lương cũng đã có một con trai. Cuộc sống của họ sung túc vì Hạnh theo được nghề cha, buôn bán cũng giỏi. Một ngày kia, Lương bỏ làng biển đi biệt tăm, sau khi chứng kiến Hạnh bên một gốc cây dương  trần truồng cùng với gã chủ quán nhậu. Lương  không đánh đập, không sỉ vả gì Hạnh. Lặng lẽ bỏ đi đã là quá tốt cho Hạnh rồi. khi Lương chụp chiếc mũ lưỡi trai lên đầu, Hạnh tọp xuống như chiếc lá vừa tuốt qua nước sôi, quì sụp ngay cửa, đầu dập sát đất, hướng về Lương miệng không ngớt kêu xin: Anh ơi hãy tha thứ cho em! Lương vòng ra lối sau để ra đi mà không phải đến gần Hạnh. Cử chỉ ấy khiến Hạnh đủ hiểu Luơng  khinh bỉ đến tận xương tủy. Đòi hỏi gì hơn được ở Lương nữa chứ, đó đã là ranh giới tột cùng của sự chịu đựng. Xăm xăm bước, Lương giật mình khi có ai đó xô vào chân mình

 

Ba, ba đi đâu ba?

-  Về nhà với mẹ ngay!- Tiếng quát làm thằng bé ngơ ngác, nó nhìn Lương bằng đôi mắt mở to hết cỡ rồi bất thần quay đầu chạy bổ trở ngược vào ngỏ, vừa chạy vừa khóc ré lên như vừa gặp ma- Đó cũng là lần cuối cùng Lương nhìn thấy thằng Củn.  

 

Chỉ sau đó vài ngày, Hạnh vì xấu hổ mà đầu độc con rồi kết thúc đời mình bằng thuốc ngủ. Lương biết nhưng không về. Lương không bao giờ cho phép mình quay về, cho dù chỉ quay về bằng ý nghĩ, vùng biển Thanh Hà không có trên đời. Đôi lúc Lương ước ao giá như cuộc đời mình bắt đầu chỉ từ sau tuổi 30 thì tốt biết bao. Khi nào đó, nếu chợt nhớ, Lương vùng lên cắt đứt suy tư  của mình bằng một câu nói đứt khoát: “ Đủ rồi, chấm hết !” Thế nhưng cái trí nhớ lại ngoan cố, nó lại len lén trở về trong đêm khó ngủ, nó lải nhải day tới, day lui hình ảnh thằng Củn hàng nghìn lần. Lương cố gọt bỏ cũng không sao đứt được, nó đeo bám quyết liệt… Cho đến cái ngày, Vận gã tử tù, cái con người mà Lương nhân danh pháp luật xét xử, đã chỉa hẳn họng súng truy xét nhằm thẳng vào sâu thẳm lòng  Lương nhả đạn. Hắn bắn tan tành tấm áo giáp bấy lâu Lương ẩn mình. Tại sao Lương không tha thứ cho Hạnh? Phải, nếu Lương tha thứ…Nếu Lương đừng quá kiêu hãnh như thế thì con trai của Lương đã không chết, nay có thể đã là một thẩm phán và cả Hạnh nữa biết đâu…

 

Ngày và đêm tiếng nói bé bỏng của cu Củn luôn  vang lên trong tâm tư Lương “Ba ơi! Ba đi đâu ba? ” và thằng bé ù té chạy, vừa chạy vừa khóc ré lên.

Đau lòng quá đi !

*

Vết sẹo trên bụng của Phương chẳng xấu mấy nhờ được may thẩm mỹ, nhưng điều ấy  còn ý nghĩa gì khi Phương suốt ngày la hét, xé tung quần áo của mình và đòi đi tắm sông kẻo nhiều máu quá. Tội nghiệp, ngày ấy Phương vùng chạy ra khỏi gường với thân thể trần truồng đầy máu, Phương chui vào ngồi co ro, run lẩy bẩy giữa hàng rào dâm bụt. Khi chị Lựu và anh Bảy lôi Phương ra, đưa Phương đi cấp cứu, Phương thét lên “ Em không giết người, em không giêt người !”. Từ đó, Phương hoảng loạn cho đến bây giờ. Gia đình Phương, đưa Phương về một bệnh viện tâm thần nổi tiếng ở thành phố để chữa trị. Ngày tháng trôi qua, mọi người bám víu vào liều thuốc thời gian, nhưng Phương vẫn chưa tỉnh lại. Phương có thể còn hồi tỉnh không ? Chẳng ai dám nói chắc.  Một ngày kia, mẹ Phương ngạc nhiên khi nghe Phương đòi mua vở để chép bài học. Chiều con, mẹ Phương mua  quyển vở có in hình những chú bướm nhiều màu sắc và một cây bút chì. Một buổi chiều, Phương nói đi nhà vệ sinh mà mãi không trở về phòng, mẹ Phương đi tìm. Tìm khắp nơi chẳng thấy  Phương đâu, bà hốt hoảng định lên báo với phòng bảo vệ, lúc ngang qua ngả sau một vườn hoa nhỏ, đầy những lùm hoa ổi khoe sắc sặc sở, những bụi sứ trắng thơm nức. Bà ngạc nhiên thấy trên một vạt cỏ, Phương đang ngồi bệt, cắm cúi  ghi chép. Mẹ Phương trố mắt, suýt chút nữa bà la to lên “ Trời ơi !”…Trên chiếc ghế đá, dưới một gốc sứ to toả đầy bóng mát, một ông già điên đang hăng hái giảng bài.

- Nào, mọi người đã ghi chép cẩn thận chưa?...  tình yêu thương… nằm chung với  điều luật.

 

Điều luật thứ 43…yêu  cầu thương con bằng tình yêu từ tâm…Ghi cẩn thận, việc học hành không thể lơ mơ đâu… Phù hợp với điều luật…Lý trí thống trị con người đã quá lâu…

Mẹ Phương kinh ngạc nhận ra đó chính là ngài chánh án, đôi mắt của người điên già mờ đục, cái nhìn của ông không còn minh mẫn, nhưng lại   hằn in đau đớn. Bà nhìn vào cuốn vở Phương đang viết, ở trên giấy trắng hiện ra nét vẽ loằng ngoằng hình hài một đứa trẻ. Phương làm thật chăm chú, thỉnh thoảng ngước nhìn mẹ, môi xoè ra nụ cười ngây ngô, Phương nói:

- Con học để thi đại học.

 

Hai người điên, một người dạy, một người học bài học riêng của đời họ.

 

3/7/2006
Nguyễn Lâm Cúc
Số lần đọc: 2665
Ngày đăng: 26.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cho Esmé - với tình yêu và nỗi khốn cùng - Jerome David Salinger
Đại ca Tẩn - Lê Xuân Quang
Những buổi chiều - Nie Thanh Mai
Nguyên tử của thời gian - Nguyễn Nguyên An
Mưa - Nguyễn Lâm Cúc
Ngôi mả đá - Nguyễn Nguyên An
Nỗi Buồn rực rỡ - Nguyễn Nguyên An
Lạc lõng - Trần Huyền Trang
Khát vọng - Triệu Xuân
Mưa - Nguyễn Thành Nhân