Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.163.736
 
Đau thương trên đất Cà Mau
Võ Ðắc Danh

            ĐÔI DÒNG NHẬT KÝ:

 

            Chiều thứ bảy, ngày 1 tháng 11:

 

            Tòa soạn nhận được một phong thư, bên ngoài có hàng chữ đỏ: Mời họp hỏa tốc. Bên trong là hai công văn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, mang số 905 và 906.

            Công văn 905 mời các cơ quan báo chí có mặt tại Văn phòng Ủy ban Nhân dân vào 13 giờ 30 ngày thứ hai, 3-11, để được Chủ tịch tỉnh hướng dẫn nội dung tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XI sẽ khai mạc vào ngày 6-11.

           

            Công văn 906 mời đại diện các ban ngành tỉnh, phó chủ tịch và trưởng phòng giáo dục các huyện thị, phóng viên báo chí địa phương và trung ương thường trú tại Cà Mau… có mặt tại Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh vào 6 giờ sáng thứ ba 4-11 để dự cuộc họp tổng kết đợt xây dựng 500 phòng học phục vụ cho khai giảng năm học mới 1997-1998.

 

            Tối thứ bảy, ngày 1 tháng 11:

 

            Thông báo số 1 của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Cà Mau:  "Hồi 7 giờ sáng hôm nay, ngày 1-11-97, áp thấp nhiệt đới có vị trí trung tâm ở vào khoảng 7,5- 8,5 độ vĩ bắc, 113,0- 114,0 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất ở gần trung tâm lên cấp 7 tức là từ  60-65 km/h, cách quần đảo Trường Sa khoảng 180 km về hướng Đông Đông Nam.

           

            Dự báo trong 24 giờ tới áp thấp nhiệt đới di chuyển về phía Tây với tốc độ khoảng 20 km/h, và có khả năng mạnh lên thành bão.

 

            Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Cà Mau yêu cầu các phương tiện tàu thuyền đang khai thác biển hãy tìm nơi trú ẩn. Tàu còn ở trong sông không ra biển. Các địa phương có ý thức bảo vệ tài sản khi có mưa to gió lớn.

 

            Đề nghị theo dõi diễn biến tin về áp thấp nhiệt đới. Các cấp chính quyền, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các cấp có kế hoạch sẵn sàng ứng phó khi có bão gần".

 

            Trưa chủ nhật, ngày 2 tháng 11:

 

             Trời bắt đầu mưa to gió lớn, hàng dừa trước cửa ngả nghiêng, cây bàng lật gốc, một vài căn nhà bị tốc mái, điện cúp, không biết có phải đây là bão hay không? 40 tuổi đời, tôi chưa bao giờ thấy bão. Hỏi người lớn tuổi xung quanh, cũng không ai biết.

           

            Chiều chủ nhật, ngày 2 tháng 11:

 

             "Mời các bạn nghe tin báo khẩn cấp cơn bão số 5. Hồi 13 giờ chiều nay mồng 2 tháng 11, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 8,5 độ vĩ bắc, 108,3 độ kinh đông, cách bờ biển Bạc Liêu- Cà Mau khoảng 100 km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10 tức là từ 75 đến 102 km/h. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc một giờ đi được khoảng 20 km. Như vậy , chiều và đêm nay bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Bà Rịa-Vũng Tàu. Do ảnh hưởng của cơn bão, ở vùng biển ngoài khơi từ  Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có gió bão mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10, biển động rất mạnh, các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Bà Rịa - Vũng Tàu, chiều tối và đêm nay, gió bão mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10. Ở vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan, đêm nay và ngày mai có gió bão mạnh cấp 7, cấp 8. Vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10, biển động rất mạnh, ở các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ có mưa to đến rất to. Ở vùng ven biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau cần đề phòng nước dâng cao  3 mét rưỡi đến 4 mét rưỡi".

 

            Tối chủ nhật, ngày 2 tháng 11:

 

             Điện cúp. Trời tối đen, gió mạnh và giật dữ đội. Vào lúc 21 giờ tôi ghi âm lại bản tin "bão khẩn cấp" của Đài Tiếng nói Việt Nam rồi mở lại cho đồng chí Tổng Biên tập nghe qua điện thoại và cùng theo dõi việc chuẩn bị cử phóng viên đi theo các đoàn chống bão lụt.

 

            21 giờ 30 tôi gọi điện thoại xuống các huyện và các xã vùng ven biển, hầu hết đường dây đã mất liên lạc. Lúc này, tôi bắt đầu đã ý thức được sự nguy hại của cơn bão số 5 đang hoành hành tại Cà Mau.

 

            Sáng thứ hai, ngày 3 tháng 11:

 

             Mưa lớn, một số đường trong thị xã bị ách tắc giao thông vì cây ngã, cột điện gãy. Tại trụ sở UBND tỉnh, hàng bạch đàn trước sân nằm sắp lớp, nhà xe bị sập. Tôi bước vào trong, đã hơn 8 giờ sáng mà văn phòng vẫn còn vắng lặng, bất ngờ gặp chị Năm Niêm, Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch, với nét mặt buồn lạnh, chị lắc đầu nói:

            - Không có ai trong đó đâu, đừng vô mắc công. Mấy anh lãnh đạo đi xuống các huyện từ sáng sớm rồi.

            - Chị có nghe thông tin gì không? - Tôi hỏi.

            - Chưa nghe nguồn tin nào chính xác vì điện thoại ở các huyện bị mất liên lạc, chỉ biết sơ bộ là 12.000 căn nhà bị sập, 600 tàu biển chưa vào đất liền.

 

            Trưa thứ hai, ngày 3 tháng 11:

 

            Tôi bước lên phòng họp A của Văn phòng UBND tỉnh theo Công văn 905. Cũng đúng giờ giấc và vị trí ấy nhưng thành phần tham dự và nội dung cuộc họp thì khác.

Anh Ba Cầu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo:

 

            - Toàn bộ hệ thống trường học ở huyện Cái Nước bị thiệt hại nặng trong đó có 450 phòng học bị bão xóa sạch. Nhà dân bị thiệt khoảng 90%. Riêng các cửa biển từ Cái Đôi Vàm đến Rạch Chèo, hầu như không còn sót căn nào.

 

            Chiều thứ hai, ngày 3 tháng 11:

 

             Tòa soạn nhận được thông báo của Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau, một văn bản hành chính mà sao giống như một bản tin buồn.

 

            Ngày 25/10/97 Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Cà Mau có thông báo số 17-TB/TU triệu tập Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XI vào các ngày  6, 7 và 8/11/97.

Nay trước tình hình thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản do cơn bão số 5 gây ra, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Cà Mau quyết định hoãn thời gian Đại hội nói trên và sẽ tiến hành Đại hội vào thời điểm thích hợp để có thời gian toàn Đảng, toàn quân trong tỉnh dồn sức quyết tâm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân trong tỉnh".

 

            NHỮNG BUỔI CHIỀU TANG TÓC

 

            Chiều thứ ba, ngày 4 tháng 11, con số thống kê tạm thời:

 

            - Chết 28 người, bị thương 367 người, mất tích 622 người, 42.156 căn nhà bị sập, 75.085 căn nhà bị hư hỏng, 1.650 phòng học bị sập, 1.900 phòng học kiên cố bị hư hỏng, 144 tàu đánh cá bị chìm và 604 chiếc mất tích, 68.000 ha đất nuôi tôm bị thiệt hại, 600 miệng đáy hàng khơi bị bão cuốn mất v.v… tổng giá trị thiệt hại ước tính 1.783 tỷ đồng.

 

            Chiều thứ tư, ngày 5 tháng 11:

           

            - Chết 64 người, bị thương 373 người, mất tích 202 người, 49.086 căn nhà bị sập, 75.085 căn nhà bị hư hỏng, 2.989 phòng học bị thiệt hại, 278 tàu cá bị chìm và 195 tàu bị mất tích, 30.000 ha rừng bị thiệt hại nặng, 50.000 ha lúa bị thiệt hại từ 50% trở lên v.v…

 

            Chiều thứ năm, ngày 6 tháng 11:

 

            - Chết 93 người, bị thương 373 người, mất tích 734 người, 56.291 căn nhà bị sập, 79.054 căn nhà bị hư hỏng, 3.190 phòng học bị thiệt hại, 328 tàu đánh cá bị chìm, 353 tàu bị mất tích, 91.000 ha đất nuôi tôm bị thiệt hại v.v…

 

            Chiều thứ sáu, ngày 7 tháng 11:

 

            - Chết 132 người, bị thương 412 người, mất tích 260 người, 1.974 phòng học bị sập và 2.203 phòng bị tốc mái hư hỏng, 366 tàu chìm và 259 tàu mất tích, 695 hàng đáy bị bão cuốn trôi.

 

            Chiều thứ bảy , ngày 8 tháng 11:

 

            - Chết 141 người, bị thương 464 người, mất tích 273 người, 429 tàu cá bị chìm và 206 tàu bị mất tích, 3.895 miệng đáy bị nước cuốn trôi. 40.570 ha rừng bị thiệt hại, 45 cống thủy lợi bị phá vỡ, 82 km đê biển và 131 km đê sông bị hư hỏng nặng vân vân và vân vân.

 

            Ước tính thiệt hại vật chất là 2.500 tỷ đồng.

            Cứ thế những con số thiệt hại cứ kéo dài theo những buổi chiều u ám. Tại Văn phòng UBND tỉnh - nơi làm việc của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão, không khí nặng nề khó thở, gương mặt đồng chí chủ tịch UBND tỉnh lúc nào cũng ủ dột, mắt đỏ hoe như người chủ tang gia. Khách trong nước, khách nước ngoài cứ liên tục đến, những cái bắt tay kèm theo những ánh mắt chia buồn và những đồng tiền cứu trợ đầy nặng nghĩa tình được gửi đến.

 

            Trước cửa phòng vi tính, vào cuối mỗi ngày, các phóng viên báo chí chen nhau chờ đợi những đáp số dừng lại trên màn hình dù biết rằng đó là những con số đau thương. Nhưng con số cứ tăng dần, tăng dần không cách nào cưỡng lại. Mà làm sao cưỡng lại được vì đó là sự thật. Làm sao cưỡng lại được vì đó là BÃO TÁP. Đã là bão táp thì thiệt hại đâu thể tính bằng vi tính.

 

 

            QUÊ HƯƠNG BÂY GIỜ NHƯ THẾ NÀY SAO ?

           

Đi trên sông rạch Cà Mau, nhìn sự đổ nát của nhà cửa, cây cối hai bên bờ sông mà lòng quặn đau như dao cắt. Quê hương bây giờ như thế này sao? Chúng tôi đi hàng trăm cây số trên các tuyến sông từ Cái Tàu qua sông Ông Đốc, Phú Tân, Rạch Chèo, Tam Giang, Đầm Dơi, Đất Mũi… để rồi chỉ hỏi lòng mình một câu như thế!

 

            Trời thì mưa dầm dề mà cỏ cây thì úa màu tang tóc. Lau sậy thì bầm dập. Dừa nước thì tưa tải, rừng chồi thì trụi lá, cây to thì gãy cành, lật gốc.

 

            Chúng tôi đến Lâm ngư trường Tam Giang III, nơi đây còn lại 500 ha rừng đước nguyên thủy, một khu rừng duy nhứt của tỉnh Cà Mau được gọi là rừng giống, được giữ gìn nghiêm ngặt vì nó cung cấp trái đước cho kế hoạch khôi phục hàng chục ngàn hecta rừng ngập mặn của tỉnh nhà.

 

            Vậy mà bây giờ cảnh tượng của khu rừng giống như một trận bom vừa đi qua. Từng thân cây gãy đỗ gục ngã, nằm chồng chéo lên nhau. Có những thân cây to đến một người dang tay ôm không hết. Vậy mà bão giật chúng gãy ngang như sét đánh.

Nhìn khu rừng bị xóa sổ, tôi hỏi thiệt hại bao nhiêu, anh Hai On, Giám đốc lâm ngư trường, nói gọn:

 

            - Khoảng 40 tỷ.

 

            - Để tái tạo khu rừng như thế này, phải mất bao nhiêu năm?

 

            - Khoảng 40 năm.

 

            - Rừng giống mất rồi, từ nay lấy đâu ra trái đước để khôi phục rừng ngập mặn? - Anh không trả lời tôi mà chỉ thở dài.

 

            Như vậy con số 40 tỷ đâu có thể đo được mức độ thiệt hại của 500 ha rừng nguyên thủy, trong khi diện tích rừng bị thiệt hại trong toàn tỉnh đã lên đến 40.000 ha.

            Vẫn chưa hết, rừng trụi lá, lá thúi làm chết cá tôm. Nước thúi từ trong rừng đổ ra, đen quánh các dòng kinh, bốc lên nồng nặc.

 

            Anh Quang Minh Nhật, phóng viên báo Thanh Niên, nói như tổng kết:

           

            - Lên rừng thì ngửi mùi thúi của lá cây, xuống biển thì ngửi mùi thúi của xác người. Thử hỏi trên trái đất này có trận bão nào khủng khiếp thế không?

 

            ƯỚC GÌ "BỎ CỦA LẤY NGƯỜI"

 

            Dọc theo hai bên bờ sông Tam Giang và Kinh 17 có hàng ngàn hộ dân nghèo sống trong căn chòi lá với chiếc xuồng câu. Cơn bão đi qua, tất cả chỉ còn lại hai bàn tay trắng.

 

            Chúng tôi gặp bà Quách Ngọc Anh trong tình cảnh ấy, bà bị mất hồn đến nỗi không nhớ mình có mấy đứa con, không nhớ mình bao nhiêu tuổi.

 

            Người ta cho biết bà khoảng ngoài 40 tuổi có 11 đứa con, hai vợ chồng  sống nghề câu cá  dứa trên sông Tam Giang. Bão đã cuốn sạch của bà  tất cả những gì gọi là "tài sản" kể cả phương tiện sống duy nhất là chiếc cần câu.

 

            Trời ơi! Rồi đây hàng ngàn gia đình ấy sẽ về đâu khi hiện tại đã trắng tay trong cảnh màn trời chiếu đất.

 

            Xóm Rạch Chèo, một cửa biển sung túc vừa được hình thành cách mấy năm nay, có thể gọi đây là một trong những cụm kinh tế của huyện Cái Nước. Vậy mà trong một đêm bỗng hóa ra bình địa. Chị Ngọc Nữ, một chủ doanh nghiệp kinh doanh hàng thủy sản giàu có nhất nơi này, thoáng chốc đã trở thành tay trắng, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần. Chị nói: "Tôi bị thiệt hại gần 500 triệu đồng. Mấy ngày đầu chỉ biết khóc. Nhưng mấy ngày nay thấy cảnh bà con chết chóc tang thương, nghĩ lại dù sao mình cũng chỉ mất của, còn người…".

 

            Ôi! Giá như tất cả chỉ mất của còn người sau cơn bão…

            Nhưng làm sao mà "giá như" được khi trước mắt chúng tôi người thiếu phụ  39 tuổi - chị Phan Thị Lệ, ấp Rạch Tàu, xã Đất Mũi, đang ngồi gào thét dưới sàn nhà, chị đã bị mất cả của cải lẫn người thân. Bão đã cướp của chị 1 chiếc ghe biển, 20 miệng đáy trị giá 300 triệu đồng cùng với người chồng và 2 đứa con trai. Nhưng đâu chỉ có thế, trên chiếc ghe ấy còn có cả 6 người bạn chòi cùng mất tích.

Chị lập một bàn hương án trước cửa nhà ngày đêm khấn nguyện "nếu chồng con trở về, tôi sẽ xuống tóc".

 

            Một ông lão ngồi cạnh chị nói với chúng tôi:

            - Tội nghiệp nó, chín năm trước, thằng Hiển, chồng trước của nó, cũng chết ngoài biển. Giờ đến thằng chồng sau.

 

            Chị Nguyễn Thị Tụi, 41 tuổi, một trong những chủ tàu giàu có ở cửa biển Sông Đốc. Nhà chị có đến 3 chiếc ghe lưới đèn trị giá gần 2 tỷ đồng. Vậy mà, tất cả đều ra đi cùng với 23  thuyền viên, trong đó có chồng chị - anh Trương Tấn Hòa - và người con rể - Trần Minh Hiếu. Vợ của Hiếu - cô Trương Việt Tân - 22 tuổi, vừa mới sinh con, giờ trở thành quả phụ, đồng cảnh ngộ với mẹ mình. Có lẽ từ nay, biển sẽ trở thành tiếng ru buồn đối với hai mẹ con người quả phụ ấy đến suốt cuộc đời.

 

            Ở cửa sông Ông Đốc, mỗi ngày có hàng trăm người, đứng chen chân nhìn ra biển để ngóng trông tin tức của người thân đang mất tích.

 

            Trên bờ sông, mỗi ngày có vài chục xác người được chở về từ biển. Nhưng những xác chết đã trở nên vô thừa nhận bởi đã sình trương, biến dạng, không còn lại dấu vết gì để người thân nhận dạng người thân.

 

            Tôi gặp má Nguyễn Thị Mười ở Mỹ Tho xuống đây tìm kiếm con mình. Má nói, con má tên Trần Đức Lợi, bên tai trái có đeo một chiếc bông tai. Hai ngày qua, má cứ lật tìm chiếc bông tai trên gần 30 thi thể. Đến ngày thứ ba, người ta thấy má gào lên:

- Con ơi là con! Trời ơi tôi chỉ có một thằng con trai duy nhất.

Má chỉ nói được bao nhiêu đó rồi ngất xỉu. Những người đồng cảnh ngộ  xúm lại dìu má đến gò đất khô và cạo gió cho má. Tất cả đều khóc, không biết rằng họ khóc cho ai. Một thiếu phụ ngồi kế bên, úp mặt xuống đầu gối nức nở: "Anh ơi! Dù anh có chết đi cũng phải về đây cho em chôn cất đàng hoàng…".

 

            Tôi rời cửa Sông Đốc trước cảnh tượng ấy trong một cơn mưa tầm tã, mưa trắng xóa cả một vùng biển, vùng trời. Cứ tưởng như những ngày sau cơn bão, nước mưa hòa trong nước mắt của hàng vạn con người, mà đâu chỉ riêng gì trên đất Cà Mau.

 

            Hỡi các thế hệ mai sau! Xin nhớ cho rằng từ nay, những giọt nước tinh khôi lấy lên từ lòng đất, trong đó có lẫn nước mắt của một lớp người.

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 3662
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)