Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.225
123.153.260
 
Ngó về quê Mẹ…
Lê Huỳnh Lâm

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”

(Ca dao)

 

Tôi không có ý phân tích hai câu ca dao trên, bởi cái âm hưởng thắm đượm tình cảm của nó đã vượt qua cõi duy lý và nhập vào tâm khảm mỗi con người. Tôi chỉ xin được nêu lên một vài câu hỏi: Ai đứng ngõ sau? Tại sao lại đứng ngõ sau mà không đứng ngõ trước? Sao lại chiều chiều mà không tối tối? Tại sao lại ngó về quê mẹ mà không phải quê cha? Và vì sao lại chín chiều? Câu trả lời chính là sự cảm nhận của mỗi người.  

 

Xưa nay người ta thường nói đến quê quán của một ai đó bởi cụm từ “quê cha đất tổ” mà hầu như quên hẳn quê mẹ, và tình cảm của mẹ đã được gửi gắm qua dòng xúc cảm bất tận của điệu hò ru con, hay trong nhiều bài thơ, những bản nhạc, các tác phẩm nghệ thuật, và lạ lùng thay người ta lại thường nói đến cụm từ “tiếng mẹ đẻ” mà chưa bao giờ nói đến “tiếng cha đẻ”. Trong thực tế quê mẹ như bị nhạt nhoà bởi thời gian, bởi thân phận người phụ nữ. Có điều qua nỗi xót xa đó, người con gái còn có thiên chức rất cao cả: “Làm mẹ“. Phải chăng từ khi những cuộc chiến tranh xuất hiện, vai trò của người đàn ông dần được khẳng định, đặt nền móng chuẩn bị cho chế độ phụ hệ ra đời và từ đó chế độ mẫu hệ dần suy tàn? Hình ảnh người phụ nữ không còn được tôn sùng trong tâm tưởng của mọi người như ở thời đại mẫu hệ. Dần dà sự phân biệt trọng nam khinh nữ đã hình thành trong xã hội và có lẽ sự phân biệt đó đạt đỉnh cao ở thời phong kiến, để rồi nó dai dẳng đến bây giờ qua sự tái hiện của ngôn ngữ bởi hai từ: nội - ngoại. Và điều đó đã được thể hiện qua cách đặt tên con lấy họ cha, hay trong những lễ chạp mồ chạp mả, trong những vị trí của xã hội,… và tồi tệ nhất từ xưa đến nay hầu hết phái nam xem phái nữ như “vật dụng” nhằm phục vụ cho sự thoả mãn của giác quan hơn là ý thức về sự bảo tồn giống nòi. Sự thoả mãn đó đã được ngầm định bởi dục năng, một loại trạng thái luôn tiềm ẩn dưới mỗi tế bào, mỗi phân tử, mỗi nơ ron thần kinh đang đợi chờ một niệm lực, hay tự lực của mỗi mầm sống sẽ hội tụ lại để tạo thành một dòng ý lực chi phối và điều động các giác quan để biểu hiện dục tính con người. Những dục năng tiềm ẩn đó phần nào xoá nhoà hình bóng thiêng liêng của người mẹ, làm mờ nhạt thiên tính cao cả và tuyệt vời của mẹ, và phải chăng bởi vì mẹ biểu tượng của cái âm tĩnh lặng như hư không ôm ấp tất cả mọi vật, đã khiến cho phái nam biểu tượng cái dương, cái động luôn vần vũ, quay cuồng, hiềm kỵ… kiếm tìm trong cơn mê hoang? Câu chuyện ngụ ngôn về Adam và Eva ở vườn địa đàng đã cho thấy sự trọng nam khinh nữ khi người ta chỉ xem Eva có nguồn gốc từ một cái xương sườn của Adam và tội lỗi ở vườn địa đàng do người nữ gây ra. Sự phân biệt nam nữ còn được biểu hiện qua sự trừng phạt của Hồi giáo khi ném đá đến chết những người phụ nữ phạm tội ngoại tình.

 

Người con gái từ khi xa gia tộc đi làm dâu là đã thực hiện một cuộc viễn ly rời xa tổ ấm gia đình, rời xa vòng tay ấm áp của mẹ, xa vắng những câu hỏi ân cần của cha, xa anh chị em ruột thịt, xa xứ sở thân quen, xa làng trên xóm dưới, xa khung trời hồn nhiên của tuổi thơ mà đã hàng chục năm gắn bó.

 

Ôi! Sự ly biệt. Cách mà không xa. Không phải là cái khoảng cách vật lý, cái khoảng trống của không gian mà chính là sự xa cách tâm lý. Những tình cảm, những kỷ niệm đã được hình thành hàng chục năm, và rồi bỗng nhiên một ngày mà hầu như mọi người đều vui, một ngày mà các quyển sách bói toán đều cho là tốt là cát lợi,… một sự xa cách tiền định giáng xuống mà thân phận người con gái trước sau gì phải lãnh nhận. Cam chịu vì định kiến cay nghiệt của xã hội, cam chịu vì hủ tục xưa bày nay làm, vì lễ nghi phong tục… nhưng cao cả nhất là sự hy sinh vì tình yêu, vì thiên chức mà tạo hoá đã giao phó.

 

Nhưng tạo hoá rất công bằng, đã ban cho người nữ thiên chức, ắt phải lấy đi rất nhiều thứ, để rồi: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.” Người con gái khi về nhà chồng làm dâu, rồi làm mẹ và từ lúc được làm mẹ cũng là lúc cảm được thân phận người mẹ. Hình ảnh một người chiều chiều đứng ngõ sau rồi ngó về quê mẹ và cũng chính là quê mình, cứ thế hình ảnh đó tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác tạo nên những miền quê mẹ chập chùng nối nhau và mờ dần phía chiều rơi để rồi cõi lòng quặn thắt một nỗi đau, nỗi đau khi nghĩ đến mẹ già, nỗi niềm của chính mình và nỗi đau từ nghìn trùng níu nhau hiện về của bóng hình những người mẹ từ trong quá khứ xa xăm,… hay giữa hiện tại trơ trụi và rồi sẽ đến niềm đau của những đứa con gái thơ dại đã và sẽ ra đời trong tương lai. Nỗi lòng của mẹ rất lớn và chỉ có những người mẹ mới cảm thông nhau, và chiều chiều phải đành ra đứng ngõ sau, cái ngõ che dấu nỗi niềm cô quạnh, u uẩn của phận con dâu hay ngõ hướng vào nội tâm để được ngó về quê mẹ một cách âm thầm trong nỗi rối bời ruột gan. Nhưng rồi tạo hoá lại động lòng trắc ẩn khi thấy người mẹ đau đớn, tan dần giữa đại dương mênh mông, nên đã ban cho phái nữ một tình thương mẫu tử, tình thương cao cả và tuyệt đối giữa thế gian này. Chỉ có người mẹ mới có cái quyền thiêng liêng của tạo hoá, quyền cho mỗi chúng ta “mang nặng kiếp người”, một kiếp người vượt trên mọi dự tưởng. Đúng vậy, kiếp người rất nặng và buồn lắm, buồn như câu ca dao mà người mẹ đã gửi gắm những tình cảm bao la, sâu kín, dập dìu trên vành nôi. “Chiều chiều” là khoảng thời gian u hoài, gợi cảm. Những khoảng khắc ánh mặt trời dần khuất sau rặng núi, để lại một màu chiều ảm đạm, thu lại thế giới quan mỗi người, khiến mẹ chìm trong thăm thẳm cõi hồn cô liêu. Và “chín chiều” phải chăng là những chiều kích của không gian? Hay là chiều của nội tâm, là nỗi niềm của lòng mẹ, mẹ không còn nơi trú ngụ mối sầu lữ thứ, nơi để gửi gắm nỗi đau thắt ruột khi nhớ về quê ngoại. Quan niệm từ xa xưa số chín biểu tượng sự cao cả nhất và nỗi đau khi nghĩ đến mẹ là nỗi khổ đau lớn nhất của đời người. Hay có thể số chín là tượng trưng cho chín vía của phái nữ. Hoặc một ý nghĩa khác “ruột đau chín chiều” là nỗi đau chín muồi, nỗi quặn thắt trong thăm thẳm phận người con gái.

 

“Đau quá mẹ ơi!” là tiếng kêu vang của con trẻ khi bị ăn đòn hay “Mẹ ơi!”, tiếng gọi thiêng liêng bộc phát ra từ tâm tưởng của những người bị trọng thương nơi núi rừng heo hút đã níu về những hình ảnh âu yếm của mẹ hiền, hình ảnh mẹ ôm ấp con trong vòng tay ấm áp đã xoa dịu nỗi đau, xoá nhoà cơn hãi hùng khi đối diện với nỗi cô độc của kiếp người rồi con sẽ ngất lịm trong cơn mê man mà ngỡ như có bàn tay âm ấm của mẹ đang vỗ về. Ôi! Tình thương của mẹ là loại biệt dược rất quý cho mỗi người con.Phái nữ được xem là phái yếu, nhưng trong suốt chiều dài lịch sử từ những huyền sử như: mẹ Nữ Oa vá trời, tổ mẫu Âu Cơ linh diệu, sự thuỷ chung qua hình ảnh hòn Vọng phu,… và Trưng Nữ Vương vị anh hùng đầu tiên đấu tranh giành độc lập cho nước Việt, và sự hy sinh cao cả còn được thể hiện qua: công chúa Huyền Trần, công chúa Ngọc Hân, nữ tướng Bùi Thị Xuân, Hoàng thái hậu Từ Dũ,… và hình bóng cao cả của mẹ đã tái hiện ở Việt Nam dưới những dạng thức khác nhau như mẹ Quán Thế Âm, dù Quán Thế Âm là vị nam bồ tát ở Ấn Độ có tên Avalokitesvara, hay đức mẹ Maria trinh nguyên, rồi thánh mẫu Yana của người Champa đến bây giờ vẫn được thờ cúng ở điện Hòn Chén của xứ Huế rất thiêng. Trong những thế kỷ gần đây đã xuất hiện rất nhiều bà mẹ quê anh hùng và rất nhiều người mẹ vô danh khác đang âm thầm cam chịu những mất mác quá lớn lao qua những cuộc chiến trên đất Việt. Hình ảnh người mẹ cao cả xuất hiện từ những linh thoại xa xưa và đã khắc ghi vào sử sách của nước Việt tạo nên “huyền thoại mẹ”. Những người mẹ làm nên huyền sử lẫy lừng, nhưng mẹ vẫn sống trong nỗi niềm thầm lặng, sâu kín, bởi tình thương bao la của mẹ không có ngôn từ nào diễn tả trọn vẹn và nỗi niềm của mẹ mãi mãi còn ngân vọng trong âm hưởng bất tận của lời ca dao trầm buồn trên đất Việt.

Lê Huỳnh Lâm
Số lần đọc: 4381
Ngày đăng: 28.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa hoa giữa phố - Nguyễn Ngọc Tư
Tôi đến với Hội Bảo Trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi (NTT&TMC) Thừa Thiên Huế - Nguyễn Nguyên An
Thành phố bây giờ... - Phạm Lưu Vũ
Bóng tối - Bích Ngân
Mẹ Ca Dao - Trần hữu Lục
Nghệ sĩ ở tỉnh… - Đào Đức Tuấn
Kẻ không cần quảng cáo - Phạm Lưu Vũ
Mùi rạ,mùi rơm trong con cá lóc - Võ Ðắc Danh
Cõi âm...Thời hội nhập - Lê Duy
Làng tôi mang cái tên nhức buốt - Trần Nhương
Cùng một tác giả
Đêm (thơ)
Chết (thơ)
Huế (thơ)
Đông ngàn (tạp văn)
Thu Xưa (tạp văn)
Tùy bút cho H. (tạp văn)
Online (thơ)