Khi thực hiện bọ phim tài liệu Tấm lòng Đất Mũi của Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi đã tìm đến chị - một phụ nữ với một trận đánh tàu binh Mỹ đã đi vào sử sách. Quê chị ở Khánh Bình Đông, một vùng quê hẻo lánh, một trong những xã nghèo nhất của Cà Mau.
Hôm ấy, chúng tôi đặt hai chiếc caméra, một toàn cảnh, một cận cảnh, mở máy suốt một buổi ngồi nghe chị kể:
Đêm ấy, đêm 22 tháng 10 năm 1969, đơn vị Quân báo của Tỉnh đội làm lễ truy điệu cho ba chị em tôi ngay trong khu vườn này, còn hai trái bom thì cột sẵn dưới đáy ghe đạu trong con rạch bên kia - chị chỉ tay về phía rặng trâm bầu trước cửa nhà. Thật ra, nói làm lễ truy điệu trước cũng không đúng, đó là một buổi tiệc tiễn đưa, coi như tiễn đưa vĩnh viễn vì không ai nghĩ rằng chúng tôi trở lại. Tôi còn nhớ chị Năm Sáng đã trao bộ quần áo cho má tôi và nói rằng: Con chỉ có bộ đồ này đẹp nhất, nếu con không về, nhờ cô gởi cho mẹ con để làm kỷ niệm. Lúc ấy không ai cầm được nước mắt nhưng cố nén lại để động viên nhau, chúc cho ngày mai chiến thắng.
Đây là một trận đánh lớn, mang một ý nghĩa lớn nhưng lại diễn ra một cách lặng lẽ, âm thầm mà đội quân chỉ là ba cô gái trẻ.
Để thực hiện chiến dịch Nhổ cỏ U Minh nhằm tiêu diệt vùng căn cứ của Khu ủy Khu 9 và Tỉnh ủy Cà Mau, tháng 10 năm 1969, người Mỹ đã đưa sáu mươi tàu chiến đến sông Ông Đốc. Tỉnh đội Cà Mau quyết định đánh phủ đầu để ngăn chặn chiến dịch này. Thế nhưng, nếu đánh bằng chủ lực quân thì có thể hy sinh nhiều mà hiệu quả chưa chắc đã cao bởi đoàn tàu giặc được trang bị những phương tiện chiến tranh rất quy mô và hiện đại. Cuối cùng, một phương án tối ưu được chọn là dùng tổ Quân báo để đánh bằng bom nổ chậm.
Sau mấy ngày đóng vai người chèo xuồng đi bán hàng bông để do thám tình hình, chị Năm Nhi đã xác định: Trong đoàn tàu đậu dọc theo sông Ông Đốc, có một cụm hơn mười chiếc tập trung tại Chi khu Rạch Ráng, trong đó có hai chiếc tiểu pháo hạm đậu cách nhau chừng vài trăm mét, hai chiếc này là đầu não chỉ huy, vừa là nơi đặt những khẩu pháo lớn nhất. Nếu tiêu diệt được hai chiếc này thì có thể bẻ gãy chiến dịch Nhổ cỏ U Minh.
Sáng ngày 23 tháng 10, chị Năm Nhi chỉ huy tổ Quân báo chở hai quả bom từ Khánh Bình ra sông Ông Đốc. Mỗi quả bom nặng năm trăm ký được treo dưới lườn ghe. Trên ghe được ngụy trang bằng trấu và gạo. Cùng đi với chị Năm Nhi là chị Năm Sáng và chị Lệ Quân. Theo kế hoạch phân công, chị Năm Nhi lái máy, khi có mật lệnh đầu tiên thì chị Năm Sáng cắt dây quả bom thứ nhất, mật lệnh thứ hai thì chị Lệ Quân cắt dây quả bom còn lại. Nếu lỡ bị bắt thì khai rằng các chị đi chà gạo về để lo đám tang cho bà nội.
Vừa tới Chi khu Rạch Ráng, thấy bọn Mỹ ôm phao lội tắm đầy sông, lòng các chị rộn lên như người đi săn phát hiện bầy thú. Đến gần chiếc tiểu pháo hạm thứ nhất, chị Năm Nhi ra hiệu, một quả bom chìm xuống đáy sông. Chuẩn bị cắt quả bom thứ hai thì bất thần bọn Mỹ bắn ba phát súng gọi các chị lên tàu. Viên thông ngôn nói rằng mấy ông sĩ quan Mỹ mời các cô lên ăn sáng. Chị Nhi nói phải về gấp để kịp lo đám tang cho bà nội. Bọn Mỹ cứ vồn vã nắm tay chị kéo vào bàn ăn, chị nhìn đồng hồ, chỉ còn hai mươi lăm phút nửa là bom nổ. Không còn cách nào khác, chị nói với viên thông ngôn rằng, để cho hai đứa em tôi chở gạo về lo đám tang, còn tôi sẽ ở lại vui với các anh. Hiểu được quyết định hy sinh của chị Nhi, chị Sáng và chị Quân đã khóc và kiên quyết không chịu về. Chị Nhi kéo hai người sang một bên nói rằng đây là mệnh lệnh, các em phải thi hành, chị hy sinh để hai em tiêu diệt chiếc tiểu pháo hạm thứ hai và trở về một cách an toàn. Chị Sáng khẳng định nếu phải hy sinh thì hy sinh hết cả ba người. Cuối cùng, chị Nhi lại nghĩ ra một kế khác, chị nói: Hay là mời anh vô nhà tôi chơi, cách đây chỉ vài cây số thôi, rất an toàn. Chiều nay xong đám tang rồi, cả ba chị em tôi sẽ trở ra với các anh, chớ bây giờ cả nhà đang đợi, chúng tôi không có lòng dạ nào để vui vẻ mà chiều chuộng các anh được. Viên thông ngôn nói lại với mấy tên sĩ quan Mỹ, chúng gật đầu. Lúc ấy chỉ còn mười lăm phút nữa là bom nổ. Viên thông ngôn cùng với chị Nhi bước xuống ghe, nhưng khi chiếc ghe chuẩn bị lui ra thì tên sĩ quan Mỹ lại gọi hắn lên tàu. Chị Nhi nghĩ bụng, nếu hắn chịu đi theo thì may ra cái mạng hắn còn sống.
Đến chiếc tiểu pháo hạm thứ hai, chị Nhi ra hiệu, quả bom chìm ngay vị trí. Khi các chị vừa kịp rẽ vào Rạch Bần thì đã nghe hai tiếng nổ long trời lở đất cùng với hai cột nước dựng lên.
Đêm ấy, tin của Quân báo từ Chi khu Rạch Ráng báo về Tỉnh đội Cà Mau: Hai chiếc tiểu pháo hạm và hai chiếc PCF bị phá hủy hoàn toàn, sáu chiếc tàu khác bị hư hỏng nặng, toàn bộ lính Mỹ tắm trên sông bị thiệt mạng, con số cụ thể chưa nắm được...
Cho đến bây giờ, vẫn chưa ai biết được các nhà tổng kết chiến tranh Việt Nam của Mỹ đã đánh giá về sự thất bại của chiến dịch Nhổ cỏ U Minh như thế nào? Có lẽ, họ không thể ngờ nổi những người con gái xinh xắn, bình dị trên đất U Minh từng làm rung động trái tim họ lại có sức mạnh phá vỡ những phương tiện chiến tranh hiện đại cùng với những âm mưu tội ác của một siêu cường quốc Hoa Kỳ.
Trong quyển sách MINH HẢI - BA MƯƠI NĂM CHIẾN TRANH có một đoạn viết như sau: Ngày 23 tháng 10 năm 1969, đơn vị Quân báo hợp pháp Tỉnh đội Cà Mau tổ chức ba đồng chí: Võ Lệ Quân, Phạm Thị Năm (Năm Sáng) do đồng chí Nguyễn Thị Nhi chỉ huy đánh cụm tàu sắt tại Chi khu Rạch Ráng bằng hai quả bom nổ chậm, mỗi quả nặng 700 cân gắn kíp hẹn giờ do đồng chí Trần Lượm, ban công binh tỉnh, cải tiến từ bom lép của giặc. Xuất phát từ đập Thăm Trơi đến cụm tàu, mặc dù địch tuần tra, đề phòng rất nghiêm ngặt nhưng ba đồng chí đã mưu trí, linh hoạt lọt qua mắt địch. Khi đến vị trí, đồng chí Phạm Thị Năm cắt dây quả bom thứ nhất, đồng chí Võ Lệ Quân cắt dây quả bom thứ hai. Ba mươi phút sau, hai tiếng nổ, nước bốc cao trắng xóa, 4 chiếc tàu săt chìm tại chỗ, 6 chiếc hư nặng, 100 tên giặc đền tội ác, có 67 sĩ quan và lính Mỹ . Với chiến công này, các đồng chí Nguyễn Thị Nhi, Phạm Thị Năm và Võ Lệ Quân được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba...
Ngày giải phóng miền Nam, các chị cho rằng mình đã làm tròn bổn phận của người dân mất nước. Được sống sót, được hưởng độc lập tự do, được làm vợ, làm mẹ là một hạnh phúc quá lớn lao so với những người đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, mang theo những khát vọng tình yêu và hạnh phúc. Chị kể về chị Chín Mai, một phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng mà gan góc. Chồng đi tập kết, chị Mai biến nỗi nhớ thương thành lòng dũng cãm, kiên cường trong chiến đấu. Năm 1962, được tin chồng vượt Trường Sơn về Nam, chị mừng đến chảy nước mắt. Sau đó chị âm thầm may một cái mùng thật lớn, chị nói may sẵn để anh Chín về ngủ chung cho nó rộng, tao với anh Chín bây sẽ ngủ một đêm để bù lại tám năm thương nhớ. Nhưng rồi mấy hôm sau, trên đường đi công tác chị rơi vào ổ phục kích của giặc. Chị đã bắn trả đến viên đạn cuối cùng và ném trái lựu đạn cuối cùng, giặc chết nhiều, chị bị thương. Chúng trả thù chị bằng cách lột hết áo quần, thay nhau hãm hiếp và giết chết. Đúng hai mươi mốt ngày sau, anh Chín trở về, nắm mồ hãy còn nhão ướt!
Phải chăng vì lẽ ấy mà các chị đã từ chối khi những người lãnh đạo cũ yêu cầu làm thủ tục báo công để được phong tặng danh hiệu Anh hùng? Chị Lệ Quân theo chồng về Giá Rai làm ruộng, chị Năm Sáng theo chồng về Ngọc Hiển nuôi tôm, các chị đều khá giả. Riêng chị Năm Nhi ở lại Khánh Bình Đông gắn chặt cuộc đời mình với một vùng quê nghèo khó. Chồng chị, anh Tô Minh Hoàng, hồi trước là Huyện đội trưởng Cái Nước, cũng đánh giặc nổi tiếng một thời nhưng bị thương nặng rồi nghỉ luôn ở nhà với chị. Hai công vườn tạp và bảy công đất ruộng không thể đưa anh chị vượt qua cảnh nghèo túng quanh năm, lại thêm năm đứa con cứ lần lượt ra đời, cũng như hàng trăm, hàng ngàn hộ dân trong xã, gia đình chị luôn luôn nằm trong danh sách nghèo và nghèo gay gắt.
Với chị, nghèo vốn là số phận đã đành, nhưng nỗi ray rứt xé lòng là tương lai học hành của những đứa con. Chị nhớ, hồi năm 1968, Tỉnh đội quyết định cho chị đi học lớp tình báo ở Trung ương Cục, nhưng cuối cùng do trình dộ học vấn không đạt tiêu chuẩn nên không được đi. Chị đã khóc đến khô nước mắt. Thỉnh thoảng chị đem chuyện ấy ra kể với các con để đi đến một kết luận rằng: Trong chiến tranh, dốt thì còn có thể đánh giặc. Nhưng trong hòa bình, dốt là nghèo đói, bần cùng.
Năm 1988, khi đứa con trai đầu lòng học xong cấp I, hai đứa con gái học hết lớp ba, chị ra Cà Mau mượn miếng đất trước nhà người em trai trong khu tập thể Sĩ quan Quân đội để cất căn chòi nhỏ cho ba đứa con mình ở đó đi học, chị nhờ người em dâu trông nom, dạy dỗ, kiểm tra giờ giấc học hành.
Một căn chòi lá ọp ẹp mọc lên giữa phố phường trong lòng thị xã, thật chẳng giống ai, vậy mà...
Cứ vài ngày chị chèo xuồng ra một lần. Đoạn đường từ Khánh Bình Đông ra Cà Mau đi về trên năm mươi cây số. Hai giờ khuya là chị đã thức dậy chèo đi, mười giờ trưa chị lại chèo về, bất kể nắng mưa, sóng gió. Có khi là một xuồng lá chuối chị đem bán cho những người gói bánh, có khi là một xuồng chuối chín, bắp chuối, dừa khô, rau cải, rau đồng, cá mắm... tất cả những gì góp nhặt trong khu vườn có thể bán được là chị đem bán để chắt mót từng cắt từng đồng. Những gia đình trong khu tập thể thấy vậy, họ rủ nhau mua hết cá, hết rau của chị với giá cao, ăn một ngày không hết thì để dành trong tủ lạnh để chị khỏi phải ra ngồi chợ ngã giá, mời mọc từng người.
Vậy mà đã mười ba năm! Mười ba năm, đoạn đường chị chèo nối lại bằng mấy vòng trái đất? Căn chòi ấy đã trải qua bao nhiêu xác lá? Vậy mà nó vẫn tồn tại cho đến bây giờ. Mười ba năm! Căn chòi được dựng lên từ khi thằng Út mới lên ba tuổi, nay nó đã học lớp mười, một mình nó ở trong căn chòi ấy, các anh chị nó đã ra đi. Cháu Tô Chí Cường nay đã trở thành một sĩ quan quân đội. Chị Nhi nói không hiểu sao thằng Cường lại thi vào Đại học Quân sự, tánh tình giống y như cậu nó. Cậu nó tức là Đại tá Nguyễn Xuân Hùng, có lẽ nó ở trong khu tập thể sĩ quan nên nó mê mấy cậu. Còn cháu Mộng Cầm và cháu Hồng Cẩm học Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, vừa mới thực tập xong, chuẩn bị thi tốt nghiệp. Thằng con trai thứ tư, cháu Tô Nha là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Công nghệ Thông tin. Chị nói nó thèm cái máy vi tính đến chảy nước miếng nhưng làm sao mua nổi, cái máy loại xoàng nhất bây giờ cũng trị giá gần bốn trăm giạ lúa, lây đâu ra!
Mười mấy năm cực nhọc, bốn đứa con vào đại học rồi, tưởng khỏe, ai ngờ những nỗi lo khác cứ chất chồng lên, nặng nề hơn. Cái máy vi tính cho cháu Tô Nha biết rằng không dám ước mơ hy vọng, nhưng mỗi lần nhớ tới nó thì cứ ray rứt như mình có lỗi với con. Còn hai cháu Mộng Cầm, Hồng Cẩm, chị đã chạy xin việc làm cho cháu từ năm học thứ ba, lúc ấy một người quen đã hứa nhận hai cháu về dạy trường cấp ba của huyện, nhưng mới đây người ta trả lời rằng trường huyện đã đủ giáo viên ngoại ngữ, chị chạy ra Cà Mau nhờ người quen lo giúp. Nhưng người ta lại nói muốn dạy tại Cà Mau thì mỗi đứa phải tốn một cây vàng. Chị nghe choáng cả mặt mày. Nhiều lúc chị nghĩ, nếu cùng đường, hai cây vàng chị sẽ cố gắng chạy vay cũng được, nhưng nếu con mình biết được chuyện ấy thì thái độ và lương tâm nghề nghiệp của nó liệu có còn trong sáng hay không ?
Những lời kể sau cùng của chị nằm ngoài ý đồ bộ phim tài liệu của chúng tôi, nhưng biết làm sao được khi đó là hiện thực, thậm chí một hiện thực vô cùng nghiệt ngã trong khi chúng tôi chỉ muốn ghi nhận hình ảnh chị thời quá khứ với những chiến công hào hùng mà chị đã gởi vào nền độc lập tự do của dân tộc, hình ảnh chị với những nhịp chèo cộng lại bằng mấy vòng trái đất, những con cá, cọng rau, tàu chuối, trái dừa khô... mà chị đã góp nhặt hơn hai mươi năm qua để làm nên những công dân trí thức. Những chất liệu ấy đủ để chúng tôi khắc họa bức chân dung của người mẹ Việt Nam Anh hùng dù chị chưa được tôn vinh bằng danh hiệu. Tiếc thay...
Mà thôi, sở dĩ tôi ngồi viết lại những dòng này là vì tôi đã cắt đi cái phần nghiệt ngã ấy trên phim.
Cà Mau, tháng Tư năm 2001