Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
710
123.238.966
 
Chuyện cũ
Võ Ðắc Danh

Nếu sự thật là điều không nghe nổi

Thì còn gì ta đến với nhân dân

                                                      Lê Chí

 

- Sao rồi cậu?


Không biết đây là lần thứ mấy chị Hấn đã hỏi tôi như vậy. Câu hỏi cứ xoáy vào lòng tôi một nỗi đau bất lực. Đã hơn một năm qua, cách vài tuần lễ, sau giờ làm việc tôi từ cơ quan chạy xe về thì gặp chị ngồi trên ghế đá trước cửa nhà tôi, dáng rụt rè, chiếc nón lá úp lên đầu gối, ánh mắt như cầu khẩn đến mỏi mòn:

 

- Sao rồi cậu?

 

Tôi lại ngồi cạnh chị, mùi phân heo bốc lên từ những ngón tay, những ngón chân thúi móng, từ bộ bà ba nhàu nát, từ cả trong gương mặt trái xoan đầy nhân hậu còn toát lên vẻ đẹp của một thời con gái - dù tuổi chị đã quá năm mươi.

 

- Em muốn vô nhà chị nhậu chơi với anh Hai - Tôi nói.

 

- Đi bây giờ?

 

- Ừ, ghé chợ mua lươn với trái giác vô nấu canh chua.

 

Chị tỏ ra mừng lắm, cái mừng của người nghèo được đón khách đến nhà.

Từ trung tâm thành phố Cà Mau đi theo Quốc lộ 1A về hướng Năm Căn chừng bảy cây số là đến nhà chị. Thật ra gọi là nhà chị thì hoàn toàn không phải, đó là cái chuồng heo khoảng hai mươi mét vuông. Hai vợ chồng chị ở chung với mười sáu con heo, cũng không phải là gia tài của chị. Vợ anh trưởng phòng công chứng có đất vườn, bỏ tiền ra cất nhà và mua heo giống, chị Hấn nấu rượu lấy hèm nuôi heo.

 

Thấy tôi lấy xô múc nước dội chuồng, chị nói:

 

- Tại cậu không quen, chớ anh chị ở chung với chúng nó quen rồi, dội suốt ngày sao chịu nổi.

 

Tôi với anh Chủ - chồng chị - ngồi nhậu trên chiếc giường bên cạnh đàn heo, bốn bề ruồi nhặng vây quanh, chúng đậu lên cả thức ăn. Chị Hấn ngồi quạt ruồi, anh Chủ ngà ngà say nhìn chị nói:

 

- Chị Hai mày ngày xưa đẹp lắm, hồi tao cưới bả mới mười bảy tuổi, tóc dài, thắt  đáy lưng ong. Nhiều thằng mê bả đâm ra thất tình, tụi nó nhậu say rồi đi ngang chửi tao...

 

Chị Hấn nói sang chuyện khác:

 

- Hồi đó chị giàu có nhất ở xóm Rau Dừa... vậy mà...

 

Chị cúi xuống gỡ móng tay, dường như chị muốn khóc.

 

                                                         

Đã nhiều lần tôi đọc đi đọc lại chồng hồ sơ hàng chục trang về cuộc đời và ngôi nhà của chị, rồi lặn lội đi tìm các nhân chứng, hầu hết những người xác nhận cho chị là những cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, có người đã qua đời, có người đã nghỉ hưu, có người còn đương chức. Họ kể rằng, chị Đoàn Thị Hấn là con của một gia đình có truyền thống cách mạng, cha chị là liệt sĩ, mẹ chị là biệt động thành bị giặc bắt giam ở Rạch Giá. Vợ chồng chị Hấn là cơ sở hoạt động bí mật của Ban An ninh tỉnh Cà Mau từ năm 1972. Hồi ấy, chị là một người giàu có nổi tiếng ở Rau Dừa, cơ ngơi của chị gồm một vựa cá đồng, một lò đường và một nhà máy chà gạo.

Với công việc kinh doanh cá đồng trên tuyến đường Rau Dừa - Cà Mau thời ấy, chị làm mạch máu giao thông giữa Ban Chỉ huy An ninh và các cơ sở cách mạng trong lòng thị xã: nắm tình hình hoạt động của đối phương để báo cáo về Ban An ninh; mua hàng hóa phục vụ cho chiến đấu; tạo cơ sở hợp pháp để mở rộng chiến thuật nở hoa trong lòng địch; đưa trinh sát vào bám trụ trong địa bàn thị xã...

 

Trong văn bản số 04 của Ban Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau ký ngày 9 tháng 8 năm 1999 có đoạn viết: Năm 1974, do yêu cầu tăng cường phát triển cơ sở nội thị, lãnh đạo Ban An ninh tỉnh quyết định đưa chị Hấn vào bám trụ tại thị xã Cà Mau. Quyết định này được vợ chồng anh Chủ và chị Hấn chấp hành nhưng thực tế Ban An ninh không có tiền mua nhà để tạo cơ sở cho vợ chồng chị Hấn hoạt động hợp pháp. Vì sự nghiệp Cách mạng, vợ chồng chị Hấn đã bán toàn bộ đất đai, tài sản của mình tại ấp Ba Vinh, xã Hưng Mỹ để ra Cà Mau mua nhà, vừa có chỗ dựa để hoạt động, vừa có nơi buôn bán tạo điều kiện nuôi sống gia đình. Quyết định trên của vợ chồng anh Chủ đã được Ban lãnh đạo An ninh tỉnh khen ngợi và ghi nhận sự cống hiến ấy. Tài sản anh Chủ và chị Hấn bán bao gồm: đất đai, nhà ở, một phần hùn nhà máy xay lúa trị giá 1,2 triệu đồng; một phần hùn nhà máy đường trị giá 1,6 triệu đồng; một vựa cá lớn tại Rau Dừa trị giá trên 1 triệu đồng.

 

Tháng 1 năm 1974, vợ chồng anh Chủ và chị Hấn mua căn nhà số 84 đường Quang Trung, thị xã Cà Mau của ông Quách Hữu Danh với giá tám triệu đồng. Kể từ đó căn nhà này vừa là vựa cá của chị Hấn, vừa là nơi hoạt động bí mật của Ban An ninh tỉnh Cà Mau.

 

Trong văn bản số 25 ngày 27 tháng 4 năm 1995 của Ban Nội chính Tỉnh ủy Minh Hải có đoạn viết: Quá trình hoạt động của chị Hấn, bọn an ninh quân đội theo dõi và hai lần bắt chị tra tấn nhiều cực hình, cả việc giam chuồng cọp mười ngày đêm nhưng chị vẫn giữ được cơ sở. Qua hai lần bị bắt giam, chị Hấn và tổ chức phải lót tay cho tên thiếu tá Trình, phụ trách an ninh quân đội, số tiền hai trăm ba chục ngàn đồng (trị giá tương đương 9 chiếc Honda) - cũng chính bằng đồng tiền của chị Hấn - để được thả ra và lại tiếp tục hoạt động.

 

Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính chị Hấn là người dẫn đường đưa lực lượng Ban An ninh tỉnh vào thị xã Cà Mau đồng thời giúp ta truy quét số tàn quân địch còn lẩn trốn trong những ngày đầu giải phóng. Thế nhưng sau đó ta tiến hành "cải tạo công thương nghiệp" thì nhà của chị bị xếp vào đối tượng bị kiểm kê, niêm phong và tịch thu toàn bộ tài sản hiện có trong nhà và khẩu súng K54 của chị được trang bị để hoạt động.

 

Theo bản kê của Công an tỉnh Cà Mau thì ngoài căn nhà ra, tài sản của chị Hấn bị tịch thu gồm có: mười hai cây vàng 24K; bốn triệu đồng tiền mặt; mười sáu cây vải; hai tấn rưỡi mắm lóc; bảy mươi thùng cá đang sử dụng; ba trăm tấm tôn dùng để làm thùng cá; một chiếc xe Honda và toàn bộ đồ trang trí nội thất và gia dụng.

 

Ông Lê Văn Biểu, tức Sáu Đe, nguyên Phó Ty Công an tỉnh Cà Mau, người trực tiếp tổ chức và lãnh đạo chị Hấn trong thời kỳ hoạt động bí mật, đã kể lại với tôi rằng mấy ngày đầu giải phóng, vựa cá chị Hấn còn hơn một tấn cá lóc nhưng chị không bán mà để nuôi một Đại đội An ninh vũ trang ở trong nhà chị. Những ngày ấy, chị phải thuê người nấu cơm để chị cùng các anh An ninh đi truy quét tàn quân.

 

Khi sự cố cải tạo công thương nghiệp xảy ra, chị Hấn đã đến Ty Công an cầu cứu, ông Sáu Đe đích thân đến Ban Chỉ đạo X2 - tức Ban Cải tạo tư sản - để can thiệp rằng gia đình chị Hấn không phải là tư sản mà là cơ sở của Ban An ninh do ông tổ chức. Ông Nguyễn Văn Để, Trưởng Ban Chỉ đạo X2, trả lời rằng: Tình hình lúc này đang phức tạp, việc cải tạo tư sản là một chủ trương lớn nên cứ chấp hành, từng trường hợp cụ thể sẽ xem xét sau. Lúc này tại nhà chị Hấn, tổ công tác của X2 đang tiến hành kiểm kê tài sản. Không kiềm chế được, anh Chủ buộc chị Hấn giao chìa khóa tủ để anh lấy khẩu súng ra ăn thua. Một lần nữa, chị Hấn lại chạy đến ông Sáu Đe cầu cứu, lần này ông gọi anh Chủ lên để động viên, ông nói về công lao đóng góp cho kháng chiến của vợ chồng anh, rằng cháu đã dám xem thường cả tài sản lẫn tính mạng để  ra đây hoạt động vậy là cháu đã chấp nhận hy sinh, rằng hãy tiếp tục hy sinh cái riêng để vì sự nghiệp lớn lao, rằng đừng bốc đồng vì quyền lợi cá nhân mà làm nhục gia đình, xóa sạch cả một đời làm Cách mạng, rằng...

 

Vậy là vợ chồng chị dẫn đứa con trai tám tuổi về quê với hai bàn tay trắng. Năm ấy chị mới tròn hai mươi tám tuổi!

 

Về quê! Tay trắng đã đành! Không còn đất đai nhà cửa đã đành! Ăn nhờ ở đậu với em út cũng đành! Nhưng cái mặc cảm lớn lao là biết giải thích thế nào với chòm xóm, với người thân? Hai vợ chồng dắt díu nhau đi làm thuê, ở mướn...

 

Thời gian trôi qua, hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu nhập lại, bộ máy chính quyền hình thành với nhiều ban bệ xa lạ với người dân. Chị chắt mót được ít tiền tàu xe làm sở phí đi xin lại căn nhà thì không ai biết chị là ai, người ta nói trong danh sách tư sản bị cải tạo không có ai tên Đoàn Thị Hấn. Căn cứ vào hồ sơ thì căn nhà 84 Quang Trung là của ông Quách Hữu Danh, một người có tham gia chế độ cũ đang học tập cải tạo.

 

Khi ông Quách Hữu Danh được trả tự do thì  ông Ba Trường Sơn -  một cán bộ lãnh đạo của Ban An ninh tỉnh Cà Mau cũ - gợi ý nhờ ông Danh lấy danh nghĩa là người chủ cũ để đứng ra xin lại căn nhà cho chị Hấn, vì hiện tại, chị Hấn không chứng minh được mình là chủ căn nhà.

 

Hồ sơ của ông Quách Hữu Danh nhiều lần bị bác bỏ.

 

Thế là không còn cách nào khác, đến năm 1995, chị Hấn mới đứng ra làm đơn kêu cứu để xin lại ngôi nhà. Chị chứng minh quyền sở hữu của mình bằng cách nhờ những người lãnh đạo cũ, những người đồng đội cũ xác nhận cho mình. Trong đó, có những người từng là chiến sĩ trinh sát, là tình báo đã ở trong căn nhà của chị để vẽ sơ đồ thị xã Cà Mau chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công mùa Xuân năm 1975.

 

Đọc chồng hồ sơ của chị, tôi không khỏi bàng hoàng khi gặp bút tích của ông Nguyễn Văn Để, ông xác nhận rằng lúc làm chỉ huy X2, ông Sáu Đe đã nhiều lần đến gặp ông để giải thích về căn nhà chị Hấn, nhưng lúc ấy ông đã dùng quyền lực để bác bỏ một cách lạnh lùng. Ông Nguyễn Văn Để nay đã qua đời, những dòng chữ ông cứ ám ảnh tôi như những lời sám hối! Tiếc rằng nó chẳng làm động lòng ai?!

 

                                                      

Sau Tết Nguyên đán vừa qua, cũng một buổi trưa đi làm về, tôi gặp chị Hấn đã ngồi chờ tôi trên ghế đá trước hàng ba. Nhưng tôi lấy làm lạ vì không nghe chị hỏi cái câu sao rồi cậu như bao nhiêu lần trước.

 

- Tôi đến từ giã cậu - Chị ôn tồn nói.

           

- Chị đi đâu?

 

- Tôi về quê.

 

- Về quê? Còn đàn heo, nó chưa tới ngày xuất chuồng?

 

- Tôi với bà chủ định giá rồi chia đôi, trừ cấn hết mọi thứ tôi còn nợ bà chủ năm triệu, nhưng để đó trả dần.

 

- Sao chị làm như vậy?

           

- Anh Hai bị viêm mũi, đi khám, bác sĩ hỏi gần nhà có ao nước thúi không, tôi đâu dám nói mình ở chung với heo.

 

- Rồi về quê chị ở đâu?

 

- Ở với hai vợ chồng thằng con. Bây giờ tôi tính thế này, hai triệu bạc cậu cho mượn hôm trước cộng với năm triệu Công an tỉnh Cà Mau cho, tôi mang về giúp thằng con sửa lại căn nhà một ít, còn một ít làm vốn buôn bán lặt vặt sống qua ngày, cậu thấy sao?

Tôi chưa biết trả lời sao thì chị nói tiếp:

 

- Chớ không lẽ ở đây hửi cứt heo để chờ Nhà nước trả lại tài sản cho mình. Thôi thì đã sống trong tuyệt vọng hơn hai mươi lăm năm qua rồi, phần đời còn lại cũng chẳng bao lâu. Tại cái số của mình nó vậy!

 

Chị nói bình thản mà tôi nghe gai óc nổi cùng mình.

 

Không hiểu sao lúc ấy tôi cứ ngồi im lặng. Thậm chí định xin lỗi chị vì tôi đã không giúp được gì cho chị, vậy mà cũng không nói được. Cứ thế, tôi cứ ngồi gục xuống cho đến khi chị đứng dậy vỗ vai tôi:

 

- Thôi chị về, anh Hai đang đợi ở bến xe. Hôm nào rảnh chị ra thăm cậu. Hay là cậu có đi công tác xuống Rau Dừa, ghé chị chơi! Chị đi nghen!

 

Vậy rồi chị đi.

 

Từ ấy đến nay, thỉnh thoảng trong những buổi trưa đi làm về, tôi thèm được nghe cái câu sao rồi cậu kèm theo ánh mắt cầu khẩn đến mỏi mòn; thèm nghe cái mùi phân heo bốc lên từ những ngón tay, ngón chân thúi móng, từ bộ bà ba nhàu nát, từ cả trong gương mặt trái xoan đầy nhân hậu. Nhưng tất cả đã không còn vì chị không thèm hỏi tôi sao rồi cậu nữa.

Tôi viết những dòng này để xin lỗi chị.


Xin đừng ai hiểu rằng tôi muốn tranh cãi với ai.

 

Cà Mau, đêm 23 tháng 3 năm 2001

 V . Đ . D

 

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 3530
Ngày đăng: 26.10.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghề hạ bạc - Phan Lữ Hoàng Hà
Vẫn trên vùng đất cũ - Nguyên Tùng
Đua ghe Ngo trên sông Cái Lớn - Nguyễn Thị Diệp Mai
Chái bếp nhà quê - Phan Trung Nghĩa
Chuyện cổ tích của đất - Phan Trung Nghĩa
Ký ức một dòng sông - Phan Trung Nghĩa
Những mùa lúa đã xa xôi - Phan Trung Nghĩa
Người của một dòng sông - Phan Trung Nghĩa
Nhớ tết cũ - Phan Trung Nghĩa
Sản vật của bán đảo Cà Mau - Phan Trung Nghĩa
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)