Cuối cùng thì tôi cũng thực hiện được chuyến đi Ban Mê Thuột. Chiếc xe chở đầy những anh em của Đài Phát thanh truyền hình Tây Ninh cũng chất đầy cả sự khao khát đến với vùng đất cao nguyên kia. Nhiều ngừơi còn lạ với những con đường dốc, còn lạ với những khúc cua quẹo quanh co. Khác với đất Tây Ninh bằng phẳng. Những ngọn đồi, ngọn núi nhấp nhô. Rừng đây cũng giống rừng Tây Ninh , phần lớn đã bị cạo trọc để cho con người kiếm kế sinh nhai. Thay vào những cây hoang dại là cao su, là những cây càri có những bông hoa đỏ chói, là những chùm hoa cà phê trắng nõn nường. Những cây điều chưa cho bông phô những chiếc lá đỏ mỡ màng. Cả những cây bơ, lá xanh mướt… Tất cả trôi dài theo dọc con đường lúc nhao lên, lúc trườn xuống.
Cuối mùa mưa, thành phố Ban Mê Thuột đã đón chúng tôi bằng một trận mưa cuối mùa như trút nước. Anh em trong đoàn xem ra thất vọng. Đã vào đến quán cơm Sài Gòn rồi , bụng đã đói lắm rồi, thế mà ai cũng ra ban công nhìn trời. Không thiếu gì những lời than trách ông trời không cho một chuyến đi trọn vẹn. Ông Y Tuin Kmăm, phó giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Đắc Lắc rất hiểu tâm trạng chúng tôi. Ông cười hiền lành:
- Không sao đâu. Không đi chơi được thì kiếm mấy ché rượu cần, anh em mình nhậu chơi. Thế cũng là Ban Mê Thuột rồi…
Gì chớ rượu cần là nhất. Tôi chưa có cái may mắn uống rượu cần ở Tây Nguyên, nhưng đã từng uống rượu cần với mấy anh em ở Tây Ninh. Nói thực, không khí miền Đông Nam bộ, lại trong nhà hàng, rượu cần thực chẳng lý thú gì. Nhưng nếu ở Ban Mê Thuột, với rừng hoang vắng, với đồng bào dân tộc, với những cô gái Ba na, Ê đê, với cồng chiêng, với tiếng hát bốc lửa của các chàng trai, thêm những âm thanh của những cây đàn từ những ống tre thì chắc hẳn rượu cần nhất định phải khác.
May sao, sáng hôm sau, trời lại quang, mây lại tạnh. Chúng tôi tìm đến Bản Đôn. Không muốn tả nhiều về những gì mà Bản Đôn có. Như voi chẳng hạn. Những con voi thuần dưỡng chở những người hiếu kỳ trên lưng, lững thững đưa du khách đi dạo. Như con sông chảy ngược về phía Tây chẳng hạn. Có mô tả ra cũng là thừa vì đã quá nhiều người biết rồi. Cũng không muốn kể về chiếc cầu treo kết bằng những dóng tre ngà vắt vẻo qua sông để du khách lắc lư qua lại, nhìn con nước dưới sông mùa này cuồn cuộn chảy. Đất nước bình yên, Ban Mê Thuột đâu còn xa lạ gì với du khách. Dòng sông và cây cầu cũng không lạ gì với hàng triệu ngừơi đặt chân đến đây.
Cô gái thuyết trình viên của khu du lịch Bản Đôn cũng giống như bao nhiêu cô gái hướng dẫn viên du lịch khác có cái miệng dẻo quẹo. Nhỏ nhẹ đến mức phải dỏng tai lên mới nghe được những lời cô nói. Cô không phải người xứ này. Quê cô ở mãi Nha Trang. Có lẽ bài hướng dẫn này cô nói có đến cả trăm cả, ngàn lần rồi cũng nên. Nên cứ thuộc làu làu. Ban đầu thì tôi nghĩ vậy. Nhưng rồi câu chuyện của cô cứ hút dần, hút dần tâm trí tôi. Không đâu nhiều dân tộc như ở đất Đắc Lắc này. Cả nước có 54 dân tộc anh em thì ở đây có tới 44 dân tộc. Họ sống xen kẽ nhau. Người dân tộc này có thể nói được tiếng của dân tộc khác. Lỡ không nghe được tiếng nhau thì nói với nhau bằng tiếng Lào. Cái ghế dài chạy dọc căn nhà chúng tôi ngồi được làm bằng cả một cây rừng. Không có một chỗ nào chắp nối. Bảy người vào rừng tìm cây. Người muốn lấy cây phải cúng thân cây mấy ngày. Trước khi hạ phải đi vòng quanh cây bảy vòng để xua tà đuổi qủy. Con số bảy với người dân tộc ở đây là con số may mắn. Cái ghế này dành để khách qúy ngồi. Cái ghế càng dài thì càng nói lên sự giàu sang của chủ nhà. Lại có một cái ghế cũng làm bằng một thân cây, không hề có một vết nối, gần như vuông kia là ghế dành cho bà chủ trong nhà. Mẫu hệ. Đàn bà có quyền lực hơn đàn ông. Nhà có con gái chưa chồng thì cửa sổ phòng cô ở không mở. Chàng trai nào muốn gần cô gái đêm phải kiếm gậy chọc lên sàn đúng nơi cô ở. Cô gái ưng, cho lên nhà nói chuyện. Thật ưng rồi thì nói với mẹ cha cho bắt chồng. Bảy điều cấm kỵ đi săn voi. Nào là khi người trong nhà đi săn voi thì trong nhà không ai được quan hệ vợ chồng. Làm thế người săn voi nhớ nhà mà quên việc. Những cô gái chưa chồng không được tắm bằng nước vo gạo. Làm thế, hương thơm da thịt con gái sẽ làm bầy voi đực theo bầy voi cái trong rừng mà quên việc săn đuổi. Người săn voi chỉ được quăng dây trói vào chân sau phía trái con voi vì , ngày xưa có người thợ bẫy voi đã bị voi dẫn đạp đến chết. Ba chân kia đẫm máu, chỉ chân trái phía sau là không có máu. Người nào không làm đúng như thế sẽ bị phạt vạ. Ngừơi đi săn voi trước đây đi săn không được mặc áo quần vì đã có một người săn voi, voi đuổi áo mắc vào cây, chạy hết nổi, bị voi giày xéo cho đến chết. Sau này mới được nới lỏng, săn được hai mươi con voi được mặc thêm cái khố. Săn được ba mươi sáu con voi mới được mặc thêm cái áo. Ngay trong ngày người chồng chết người trong nhà đã họp lại để xem em, cháu nào sẽ là chồng mới của người đàn bà mất chồng, theo tục nối dòng. Người ở đây coi người chết là đi sống ở cõi khác, nên mộ ai cũng có phải có mái che. Che bằng cỏ tranh, che bằng tôn, che bằng ngói thứ gì cũng được miễn là có che. Có cả một khu nhà mồ dành cho những người cao qúy trong buôn. Ở đây còn có một ngôi nhà đã hơn một trăm tuổi. Căn nhà được làm toàn bằng gỗ. Không hề có một cái đinh sắt. Mái lợp cũng bằng một thứ gỗ, nắng thì co lại, hở toác mái cho gió lùa vào. Mưa gặp nước, nở ra che kín, không cho một giọt nào nhểu vào trong nhà. Trong đó, có một thanh kiếm mà vua Bảo đại đã ban cho một người đứng đầu đội săn voi của Bản Đôn. Đó là ông nội của ông Amakông, người được cả bản kính trọng vì đã từng săn được ba trăm con voi rừng. Chín mươi hai tuổi vẫn còn khoẻ. Tám mươi bảy tuổi còn lấy thêm bà vợ thứ tư mới có gần ba chục tuổi và vẫn sinh con. Ông Amakông vẫn vào rừng hái thuốc. Thuốc của ông làm cho người đàn ông khoẻ có thể làm cho đàn bà sanh con ở tuổi nào cũng được…
- Chắc bài nói này nói nhiều em thuộc rồi phải không? – Tôi hỏi cô gái như thế.
- Không. Đây nhiều người biết những chuyện em nói lắm. Không tin anh xuống hỏi mấy người bán hàng dưới đường kia coi…có điều người ta không kể tuần tự như em thôi. Chớ hỏi cái gì người ta cũng biết hết á.
- Giống như chuyện ai thấp khớp, thấy voi ỉa thì thọc chân vào đống phân nóng của nó để chữa bệnh chớ gì?- Tôi cười chọc thêm cô câu nữa.
Ai dè cô cũng cười:
- Anh có muốn mua gậy, tối nay ở Bản Đôn đi tìm những cô gái trong bản mà chọc sàn không? Dỡn với anh thôi. Sống ở đây, quen ở đây, chuyện về đất này nó thấm vào người rồi mỗi lần kể là một lần khác. Mà lần nào cũng thấy thích anh ơi.
Chiếc váy thổ cẩm, chiếc áo thổ cẩm cổ tròn. Cô chỉ thiếu có nước da mái mái đen nữa là lẫn ngay vào những người Ba Na, Ê đê của xứ này rồi. Thế rồi, anh em trong đoàn biến đi trong cái Bản Đôn nhiều huyền thoại kia. Còn tôi, nán lại trong căn nhà sàn đơn sơ, lẳng lặng ngắm nghía những gì đang trưng bày trong đó. Những sợi dây của thợ săn voi được làm da trâu đực. Chiếc gậy của nài voi , đã mất đi cái mấu sắt đầu nhọn. Con voi nhỏ mười mấy tháng tuổi nhồi bông, tất cả đều thực, chỉ có hai con mắt là giả. Mô hình nhà người dân tộc, với chiếc cầu thang cái có tạc bầu ngực ngừơi đàn bà và hình chiếc mui thuyền. Chiếc cầu thang đực nhỏ hơn, cũng có hình mui thuyền. Những bộ chiêng đồng, những bức ảnh những người thợ săn voi… kể ra như thế hình như thừa. Vì nhiều người từng đã biết như tôi. Có một cái gì đó thực mơ hồ trong tâm trí tôi mà tôi không sao lý giải được. Cái gì mới mới hình thành đâu đó trong tôi.
*
Chiều hôm sau, tôi mới gặp được được những người cần gặp trên đất Ban Mê Thuột này. Ngày xưa, có hồi tôi đã từng làm một công việc bất đắc dĩ ở Khu gang thép Thái Nguyên, đó là phụ trách mảng văn hoá, văn nghệ ở đây. Cũng đã từng lên sân khấu múa may quay cuồng làm công việc của một anh chỉ đạo nghệ thuật. Vì thế mà các diễn viên là công nhân ở đó trở thành quen thuộc với tôi. Cách đây khá lâu, tôi biết được ở Ban Mê Thuột có ba ngừơi ngày đó ở trong đoàn nghệ thuật Gang thép, đó là Thanh Hường và Hồng Nghĩa công nhân Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng. Bế Kha công nhân Trạm đo lường. Một anh bạn nào nữa chơi đàn Accoocdeon mà tôi không nhớ được tên. Thanh Hường đã từng đoạt huy chương Bạc trong một liên hoan ca khúc chính trị toàn quốc. Hồng Nghĩa thì đã từng tham gia liên hoan ca khúc chính trị ở Cộng hoà dân chủ Đức cũ. Còn Bế Kha có một ca khúc không kỳ hội diễn nào của Khu gang thép lại thiếu trên sân khấu. Ca khúc về ngọn lửa hồng khi ra gang ở lò cao. Một ngày kia, bỗng nhiên ở Khu gang thép Thái nguyên, trong danh sách các diễn viên nghiệp dư không còn tên họ nữa. Tất cả đã vào Đắc Lắc. Thanh Hừơng, Hồng Nghĩa theo đoàn văn công Đắc Lắc. Còn Bế Kha… tôi không rõ anh đi bằng đường nào.
Ba giờ chiều, tôi đến Sở Văn hoá Thông tin Đắc Lắc. Thanh Hường chờ tôi trong phòng làm việc của cô. Trước mặt là tấm bảng ghi rõ tên cô và kèm theo chức vụ: Phó giám đốc. Cái cô công nhân điện ngày xưa biến đi đâu mất rồi. Thanh Hường thông báo ngay chương trình làm việc với tôi: giao lưu với những người có am hiểu về văn hoá Đắc Lắc. Chốc lát sau một cô gái thấp, đậm người ở đâu chạy đến:
- Anh Thiện đây phải không? Em Hồng Nghĩa nè…nhớ không?
- Nhớ. Còn làm ở Nhà văn hoá thông tin không?
- Không. Sang làm giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị của tỉnh rồi…
- Cha cha… mấy cô công nhân này tiến bộ gớm há. Giám đốc, phó giám đốc cả rồi… Vậy thì sống chết với đất Đắc Lắc này rồi còn gì nữa.
Thanh Hường cười:
- Không. Sống chết với Đắc Lắc đâu có đủ. Mà còn nối dòng, nối dây trên đất này nữa kìa. Nghĩa nó có hai thằng con trai. Một thằng làm công an ở đây rồi…
- Nó chuyển với bố nó đi Đắc Nông rồi bà ơi.
- Đắc Nông thì cũng tách từ Đắc Lắc mà ra. Thì cũng nối dòng, nối giống ở đấy chớ còn gì nữa…
Hai cô gái tranh nhau nói về mảnh đất mà các cô đang sống, đang cống hiến. Hồng Nghĩa nói ít hơn, nhưng khi đòi cô hát một bài để nhớ lại giọng hát cô ngày xưa, cô cất ngay giọng hát bài “ Cà phê Ban Mê”. Khác hẳn cái chất hừng hực lửa thép ngày xưa mà cô từng hát về những bài về khu Gang thép Thái Nguyên. Ngoài bốn mươi. Lâu không hát, ban đầu giọng Nghĩa cứ run run. Nhưng chỉ lát sau thôi, cô đã bình tĩnh lại và tiếng hát cô ngân lên trong sáng và say sưa. Còn Hường thì không hát. Cô kể về Ban Mê Thuột, về Đắc Lắc. Tôi không tin vào tai mình nữa. Cô công nhân điện ngày xưa đấy ư? Không phải. Cô là người bản xứ này hay sao ấy. Chuyện về đất này cô kể cứ vanh vách. Nào tên núi, tên sông, tên thác, tên ghềnh, tên những phong tục tập quán, tên những dân tộc, những chuyện ma0 chay, cưới xin, chuyện trai gái dân tộc yêu nhau và cưới hỏi, chuyện về những bộ váy áo. Nhất là khi kể về đội cồng chiêng của Đắc Lắc. Cô kể bằng một giọng tự hào hiếm thấy. Cô ráng nhớ cho hết những nước trên thế giới mà đội cồng chiêng Đắc Lắc đã từng đi biểu diễn. Cô kể về những cuộc tham gia hoạt động văn hoá của đội cồng chiêng, kể cả khi tham gia liên hoan nhạc dân tộc các nước Đông Nam Á- Thái Bình dương. Tôi nghe trong lời kể của Hường cả những tiếng reo vui, cả niềm tự hào và cả tiếng ngân nga như tiếng cồng, tiếng chiêng rền vang trên sông suối, rừng núi xưa này… Giá mà Hường mặc trên người một bộ đồ thổ cẩm, giá như Hường không làm duyên chút ít bằng mấy thứ mỹ phẩm, thì nhất định tôi đã quên phứt cô vốn là một người từng là công nhân Khu Gang thép Thái nguyên ngày xưa. Chuyện về Đắc Lắc, về Ban Mê Thuột rành rẽ đến thế kia mà. Thì nhất định cô phải là người xứ này rồi. Mới sực nhớ ra, Hường, Nghĩa đã về sống với với Đắc lắc, với Ban Mê Thuột này trên hai mươi năm rồi. Hai mươi năm với những người tối ngày chỉ biết làm ăn có thể chỉ có thể trở thành những chủ doanh nghiệp, có thể có vốn bạc tỷ, chớ nhất định không thể hiểu về đất này như thế được.
Hường kéo đến giới thiệu cho tôi một người còn lạ hơn. Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Trương Bi. Nghe giọng nói , có thể đoán anh là người ở Quảng Nam, hay Quảng Ngãi gì đó. Thanh Hường kể về anh thế này. Hồi trước Trương Bi đã từng sống ở Ban Mê Thuột. Nhưng bỗng nhiên, không hiểu vì lý do gì đó, anh bỏ Ban Mê Thuột về sống ở Đồng Nai. Rồi lại chán Đồng Nai, anh đi Miền Tây sống. Sông nước Miền Tây không đủ sức hấp dẫn anh, vợ chồng lại đèo bòng nhau trở lại Ban Mê Thuột. Đường đất và những năm tháng sống trôi nổi ấy như bảo với Trương Bi rằng: Chỉ có Đắc Lắc mới thực sự là nơi cần anh và cũng là nơi anh cần. Anh đưa tặng tôi một lúc năm tập sách. Cuốn sử thi Eđê Mdhur: DĂM TIÔNG in khổ lớn mà dày tới gần năm trăm trang , do anh và Kna Y Wơn sưu tầm và biên soạn. Cuốn : NGHI LỄ CỔ TRUYỀN CỦA ĐỒNG BÀO M’NÔNG, do anh và thạc sĩ Tô Đông Hải cùng nghệ nhân Điểu Kâu sưu tầm và biên soạn …Thêm mấy cuốn truyện cổ tích của người Ba Na, Ê đê, M’ nông … Mở ra đọc, tôi choáng người. Cuốn nào cũng in bằng hai thứ chữ phổ thông và chữ dân tộc Ê đê. Không chờ tôi hỏi. Trương Bi kể vanh vách không biết bao nhiêu chuyện về Giàng, về đất, về tục nối dây, nối dòng… Nhiều, rất nhiều không làm nhớ hết. Nhưng có một điều tôi không thể quên khi anh nói:
- Nói riêng về sử thi thì đất Đắc Lắc nó riêng , Tây Nguyên nói chung, có lẽ sưu tầm hết cả đời tôi cũng không thể hết được. Có lẽ, bao nhiêu đời sống với núi, với rừng, người dân tộc Tây Nguyên đã tìm cho mình được một cách ghi lại lịch sử của dân tộc mình bằng những câu hát. Mỗi ngày hát một ít, càng lâu, những câu hát càng nhiều hơn mà thành sử thi. Mà đã là sử thi bao giờ cũng gắn vào một con người nào đó mà người dân tộc tôn thờ. Khi đi sưu tầm tôi mới ngạc nhiện và kính sợ sử thi của các dân tộc Tây Nguyên. Sử thi Hôme của Hy lạp có chừng một ngàn câu thôi phải không. Sử thi ở Tây Nguyên này đã có cái lên đến ba ngàn câu rồi đó… Đây như sử thi DĂM TIÔNG này, anh coi . Đây là sử thi chúng tôi sưu tầm được ở huyện M’Drăk cửa ngõ phía Đông của tỉnh Đác Lắc . Sử thi này là của người Ê đê Mdhur. Chỉ một tộc người Ê dê Mdhur thôi chúng tôi đã sưu tầm được hàng loạt sử thi. Dămtiông, H’Bia Tô Ngô , H’Bia Plêô, H’Bia Jắc Yõng, Dăm Téc Mlan, Y sing và Kliêng. H’õng và Y Dia, Dăm Tak – Đăm Tô… Mới có một dân tộc thôi mà đã có ngần ấy sử thi rồi, biết đến bao giờ mới sưu tầm hết đây…
Trong con mắt của Trương Bi hình như có một nỗi buồn. Tôi hiểu anh mang sách ra không chỉ là để khoe mà còn là để nói với chúng tôi rằng: ngần ấy trang sách chưa đủ ghi lại cho hết những gì gọi là văn hoá Đắc Lắc.
Thời gian vẫn không cho phép tôi chuyện trò nhiều với Thanh Hường, Hồng Nghĩa và Trương Bi. Những người cùng đoàn với tôi một lần nữa lại toả ra để đi cho biết Thành phố trên cao nguyên này. Còn tôi, tôi ngồi lật từng trang sách mà Trương Bi vừa tặng. Đọc làm sao vào lúc đó được. Tôi cứ nghĩ hoài một điều, cái gì đã làm cho Thanh Hường thì kể về Đắc Lắc say mê thế, Hồng Nghĩa không một cây đàn đệm mà hát bài về Đắc Lắc cũng say mê thế. Nhất là Trương Bi, đến rồi đi, đi rồi lại đến và cuối cùng là lăn lộn đến những buôn, những làng, sưu tập những câu sử thi rơi vãi trong dân mà đem về gom thành sách. Cái gì làm anh say mê thế…
*
Thanh Hường một lần nữa lại chiều tôi. Cô cho Nhà Văn Hoá thông tin triệu tập đội cồng chiêng của buôn lại biểu diễn một chương trình để chúng tôi ghi lại vài hình ảnh bằng máy quay phim mang theo đoàn. Một sân khâu rất nhỏ, bề ngang không đầy ba thước. Bề rộng không đầy năm thước. Đèn không cần sáng. Chỉ có một cây oóc gan. Một chiếc micro. Lấp ló sau cánh gà là những diễn viên với trang phục của người Ê đê. Tôi chạy tọt ra phía sau sân khấu tranh thủ làm quen trước với anh em diễn viên. Không kịp, chỉ mời được anh em mỗi người một điếu thuốc lá thôi. Đến giờ biểu diễn rồi. Hình như diễn viên còn đông hơn cả khán giả. Chỉ có chúng tôi làm khán giả. Không khí sôi nổi ngay từ phút đầu tiên. Một người đàn ông mộc mạc, bước ra. Mái tóc ông cắt ngắn với những sợi tóc bạc trắng như cước, cứng, đâm ra tua tủa. Ông bước ra bằng những bước chân vững chắc. Chiếc micrô trong tay ông giống như một thứ trò chơi cho trẻ con, nhẹ hều. Chiêng nổi lên, trống nổi lên, tiếng hát ông cất lên. Cả phòng ắp đầy tiếng hát của ông. Thanh Hường dịch cho tôi nghe:
- Lời bài hát này đơn giản lắm. Họ hát chào các anh đó. Các bạn ở đâu, ở hướng Đông hay ở hướng Tây, các bạn ở hướng Nam hay hướng Bắc, nhưng khi các bạn đã đến đây, tất cả đều là bạn bè. Đã là bạn bè thì hãy cầm tay nhau, hát lên ca ngợi núi rừng hùng vĩ, ca ngợi con sông chảy không mệt mỏi. Ca ngợi những người dân sống thật thà, chất phác trên mảnh đất Đắc Lắc này.
Tiếng chiêng thanh kéo mượt tiếng ông. Tiếng chiêng trầm làm sâu lắng tiếng hát ông. Tất cả những tiếng chiêng hoà lại làm tiếng hát ông vang rất xa, giống như tiếng gió ngàn, giống như tiếng dòng sông chảy, như muôn ngàn tiếng chim hót. Không biết tôi có hình dung quá lên không, nhưng quả thực lúc đó tôi đã nghĩ như vậy. May mắn bên tôi có Thanh Hường. Cô đã giúp tôi hiểu từng tiết mục đang diễn ra trên sân khấu . Chỉ một chiếc ống tre. Trên miệng ống là một thanh tre. Nhạc công dùng chiếc búa gỗ có quấn vải gõ lên thanh tre. Hường chỉ tôi:
- Anh coi nghe, cái thanh tre trên miệng ống đó. Để đầu thanh tre này lên miệng ống, gõ, âm thanh phát ra khác, quay ngược đầu thanh tre lại âm thanh khác hẳn. Anh thấy không.
Quả thực là như vậy. Bản tấu trước với những âm thanh trầm hùng. Bản tấu sau, cũng những thanh tre, ống tre và chiếc búa ấy lại tạo được những âm thanh rộn rã vui tươi, nghe như có tiếng vó ngựa phi rộn rã trên thảo nguyên mênh mông. Mắt tôi dõi nhìn, tai tôi lắng nghe, một bên là những tiếng nhạc, tiếng hát, một bên là những câu chuyện của Thanh Hường. Tôi đã nghe Siu Blắc hát trên sân khấu, đã nghe Y Moan tung tẩy giọng mình trước hàng trăm, hàng ngàn khán giả. Đã thấy không khí Tây Nguyên tràn ngập trong một không gian chật hẹp của bất cứ sàn diễn nào. Còn hôm nay, căn phòng còn nhỏ hơn , người hát và người nghe ít hơn , không có ánh sáng hào nhoáng, không có phông màn, cảnh trí, vây mà không khí Tây Nguyên cũng vẫn hoành tráng. Thanh Hường giải thích: họ hát, chơi trống, đánh cồng chiêng ở đâu cũng vậy thôi, nhiệt tình hết cỡ.
- Nhưng có thực họ là những nghệ nhân cồng chiêng của một buôn không?
Tôi hỏi giọng nghi ngờ. Hường nói như tự ái:
- Anh có ở Đắc Lắc được một tháng không. Mỗi ngày em đưa anh đi một buôn. Đến buôn nào anh cũng được xem nghệ nhân cồng chiêng biểu diễn. Dám ở lại không?
Tôi không dám đụng đến niềm tự hào của cô. Phải rồi, tôi đâu dám cãi. Cồng chiêng cũng là một thứ mà một gia tộc ở Tây Nguyên thể hiện sự giàu sang phú qúy, thể hiện niềm tự hào của dòng tộc mình mà. Hơn thế nữa hát và múa cồng chiêng là một thứ không thể thiếu được trong các lễ hội Tây nguyên. Ban Mê Thuột này cũng thế thôi. Một tháng, chớ có đến vài tháng cũng chẳng đi hết các buôn làng để mà xem cho hết, nghe cho hết các chương trình biểu diễn cồng chiêng. Cồng chiêng và những ngọn lửa. Cồng chiêng và những con voi. Nhất là cồng chiêng và những người sinh sống đời này qua đời khác trên đất cao nguyên này. Dốc thì cao, đường thì xa, núi non thì hiểm trở, buôn này tìm buôn kia nhờ vào tiếng cồng tiếng chiêng. Và bằng tiếng cồng tiếng chiêng người buôn này hiểu người buôn kia, gắn bó họ lại trên một dải đất mênh mông rộng lớn này. Cồng chiêng báo hội ngày mùa. Cồng chiêng báo ngày hội xuân. Cồng chiêng báo ngày có cô gái bắt được chồng. Cồng chiêng nói với mọi buôn, mọi làng ở đâu có người Giàng gọi về trời. Cồng chiêng rung lên báo có mọi người biết có thú ác về buôn, có giặc ác về làng. Buôn làng sẽ ra sao khi không có tiếng cồng chiêng. Núi rừng Tây Nguyên, đất Ban Mê sẽ thế nào khi không còn vang lên tiếng cồng chiêng. Tôi ngộ ra điều ấy ngay trong lúc ngồi xem những nghệ nhân cồng chiêng của đội thông tin cổ động của Nhà Văn hoá thông tin Đắc Lắc biểu diễn. Nhưng vẫn có một cái gì đó chưa rõ nét trong tôi, khi tôi nghĩ về Thanh Hường, Hồng Nghĩa, Bế Kha, Trương Bi, những người tôi gặp và chưa gặp. Nghĩ cả về những bài hát của Nguyễn Cường, những bài hát lúc nào cất lên cũng sôi sục bốc lửa, lúc nào cũng như những tiếng hú dài gọi nhau trên mênh mông cao nguyên. Cho đến khi rời Ban Mê Thuột tôi vẫn có cái cảm giác mơ hồ, mông lung.
Sáng hôm sau, trên đường về, chúng tôi ghé Thác Khói. Lại ghé thác Trinh Nữ. Người xứ này thô mộc vậy mà cũng hữu tình dữ. Những con thác đổ nước ầm ầm, suốt đêm ngày sôi réo vậy mà được đặt những cái tên thực thơ mộng. Một khách du lịch đến Thác Khói gặp tôi ngay trên chiếc cầu treo nói trong hơi thở:
- Anh qua bên kia kìa, cách cầu treo chừng một trăm thước, anh sẽ gặp một cái thác nhỏ thôi nhưng ngay cạnh mình, đẹp lắm…
Tôi nghe lời anh. Quả đúng như thế. Một cái thác như trổ ngay ra giữa mênh mông trời đất. Mép thác có một cây sung. Cây sung không lớn. Nhưng có một bộ rễ có lẽ còn lớn hơn cả cây sung. Rễ nó xoè ra, ôm trọn lấy cả một phiến đá khổng lồ và cắm sâu xuống lòng đất ngay dưới chân thác. Cả một bộ rễ như thế mà chỉ giữ một thân cây không đầy một người ôm, cao không quá ba bốn thước và tạo cho nó một thế đứng vững vàng ngay ở miệng thác. Bỗng nhiên, ngay giữa dòng thác một con cá bung ra, rơi tõm ngay xuống chân thác, lẫn vào xoáy nước cuồn cuộn. Vượt thác. Những con cá đang vượt thác tìm nơi sinh nở. Tôi muốn reo lên : Đây rồi, cái mà tôi muốn tìm, cái mà tôi mơ hồ đây rồi. Thanh Hường ơi, Hồng Nghĩa ơi, Trương Bi ơi, em gái nhỏ hướng dẫn viên du lịch ơi, những người đã đến sống gắn bó với Ban Mê ơi, mảnh đất này có những con người kiên cường còn hơn cả cây sung bên miệng thác, có những con người còn dũng cảm hơn cả những con cá vượt thác, còn có những sử thi kéo dài suốt bao đời con người và ăn sâu vào mọi thế hệ, có những tiếng cồng tiếng chiêng ngân nga khắp núi rừng Ban Mê, có những đàn đá, những đàn kết bằng những ống tre, ống lồ ô mà hát lên cùng rừng núi, sông suối Ban Mê. Tất cả, tất cả đã cuốn hút các bạn , thấm vào các bạn để các bạn tự cho mình làm người của Tây Nguyên, sống cùng Tây Nguyên, chết cùng Ban Mê và tự hào cùng Ban Mê.
Xin được cùng các bạn xẻ chia sự giàu có, xẻ chia cái sâu lắng vốn có của các bạn ở Ban Mê. Một chút thôi được không?
Trời Ban Mê bắt đầu bớt mưa. Lại sắp mùa khô. Mùa khô Ban Mê sẽ có gì nhỉ? Hẳn hoa rừng sẽ rộ nở, chuẩn bị cho mùa xuân mới tràn về.