Trên đỉnh non thiêng Yên Tử, giữa mùa xuân uy nghi và hồn hậu - mùa hành hương về miền phúc địa lừng danh – tôi bấm máy nhắn tin về nhà, ngoài những cầu ước truyền thống là cảm thức lịch sử, bằng một dòng cổ điển rằng mãi mãi nước non thánh thiện này hãy còn bên ta. Tôi trầm tĩnh nhưng không giấu được nỗi hào sảng, nói những lời như vậy khi hít thở hương vị và ánh sáng trong sự ứng thuận đầy khoan dung của vùng non nước thiền định đời Trần. Trải vạn dặm đường bay, một vạn mét cao và một triệu mét giờ, từ Phù Cát bay vào Tân Sơn Nhất rồi bay ra Nội Bài, trên chuyến xe tinh mơ về Uông Bí, rừng tùng hãy rất khói sương và bầu trời xiết bao huyền ảo. Chống gậy trúc trèo qua nghìn nghìn bậc đá, tôi gắng giữ bước chân và hơi thở vững chãi để đúng lúc chính ngọ có thể thong dong ở đỉnh cao này, bên chùa Đồng và giữa mây trắng.
Giữa mây trắng là những nụ cười, của vĩnh hằng và của hữu hạn, của giải thoát và của tục luỵ, của siêu hình và của cụ thể, của lịch sử và của hiện tại. Tôi khoan thai cầm lấy sự yên lặng trong trẻo đặt lên môi, như ánh sáng cứu giá của ngôn từ. ở đó, cơ hồ tôi bắt gặp chính mình, cuộc đối thoại hoà điệu giữa thân và tâm, giữa giây lát và vô biên, giữa hạt bụi và trái đất, giữa khối lượng và năng lượng, giữa chất liệu và mối liên hệ. Trong thinh không vững bền, dường như nụ cười không phải là đặc quyền của chỉ con người mà còn là của cỏ cây, hoa lá, của đá sỏi, của bao sinh linh nương tựa giữa đất trời. Người ta đã ví vùng chóp núi này là đôi cánh én, là đoá hoa sen, là xứ trán voi đầu rồng, những ví von biểu hiện sự ngưỡng mộ, chở che, nâng đỡ. Nâng đỡ cả cái bờ biển của triệu năm trước, qua cơn điạ chấn đã hoá núi, dấu vết trầm tích hãy còn trên đá, chứng nhân là những mảnh san hô và vỏ ốc vỏ sò hoá thạch. Nâng đỡ những trái tim Việt ngàn xưa, rằng đằng sau cuộc chiến thắng oanh liệt huy hoàng, đằng sau khói ấm nô nức của mùa màng phong vượng, còn cả tiếng thầm thĩ của phận người trong vũ trụ, của lẽ tử sinh, của cuộc dung thông huyền nhiệm. Khát vọng hiểu biết lớn và tình thương lớn được gây dựng tại trung tâm Yên Tử, mái nhà tâm cảm sau cuộc chiến tranh. Đứng ở đây, chân trời góc bể có thể thành giới hạn khi ta phóng tầm mắt ra xa nhưng không thành giới hạn trong ánh mắt soi vào nội tâm của mình.
Chùa Đồng tên chữ là Thiên Trúc, cái tên nguyên thuỷ từ đất Phật, là ngôi chùa chót vót trong hệ di tích Yên Tử. Lên đến nơi này, một cõi đá, đá to đá nhỏ xếp chồng như chim, như hoa, như linh thú là đã trải qua chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Lân, chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu và các am tháp, đá tượng, cổng trời. ức Trai đã đề thơ núi Yên Tử: “Nhân miếu đương niên di tích tại – Bạch hào quang lý đổ trùng đồng” (Vua Trần Nhân Tông bấy giờ còn để dấu – Trông ánh hào quang trắng thấy rõ mắt đôi con ngươi). Thật kỳ diệu là Trần Nhân Tông, ông vua thứ ba của triều Trần, với những chiến công hiển hách và với công cuộc tu tập đắc đạo. Người Việt nào mà chẳng nghe tên những hội nghị nức lòng như Diên Hồng và Bình Than hay danh tiếng những tướng lĩnh kiệt xuất Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật… Tất cả đều diễn ra dưới thời ông trị vì, làm nên hai lần chiến thắng Nguyên Mông, uy linh Đại Việt ngàn năm còn sáng chói. Sau mười lăm năm trên ngôi báu rạng rỡ “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã – Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Thơ Trần Nhân Tông: Xã tắc hai phen bon ngựa đá – Non sông muôn thuở vững âu vàng), ông nhường ngôi cho con, đi chu du khắp hương ấp, sang tận láng giềng Chiêm Thành, sau vào núi tu hành với pháp hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà, trở thành ông tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được tôn xưng là Điều Ngự Giác Hoàng. Điều lạ lùng là lúc ông còn thơ ấu, khi vua cha Trần Thánh Tông đưa đi hành hương Yên Tử, ông đã có ý định ở lại cùng hạc nội mây ngàn và kinh điển nhà Phật. Vua cha nghe vậy vội đưa về kinh, truyền ngay ngôi báu. Trong năm mươi năm cuộc đời, dù rằng ở chức phận nào, từ thái tử đến hoàng đế, từ thái thượng hoàng đến thiền sư, ông đều thể hiện bản lĩnh tự tại sáng suốt với tính cách phóng khoáng, nhân từ mà sử sách mô tả là “được tinh anh thánh nhân, thuần tuý đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng”. Ông chính là cha đẻ của Huyền Trân công chúa, người con dâu xứ Bình Định. Tôi muốn được nhắc những điều trên với niềm ngưỡng mộ khi được trở về cùng mây trắng rừng tùng, cùng khói sương núi trúc, với một niềm kỳ vọng mãnh liệt của tâm thức. Trên đất nước này, dù tôi ở chốn Bình Định xa xôi, vẫn chìm trong ảo diệu tơ vương của những mối liên hệ nguồn mạch, với ngàn năm hồn Việt. Im lặng trên đá, tôi nối hơi thở của mình với thời gian đã qua và thời gian chưa tới, giữa núi cao trời rộng.
Không có nỗi niềm ấy, tôi không thể mang nổi thể xác nặng nề của mình lên tới đỉnh núi thiêng. Người bảy tám mươi vẫn tới đích nhưng người chỉ bằng nửa số tuổi ấy có khi vẫn không thể, ấy là điều bình thường trong cuộc hành hương qua nghìn nghìn bậc đá, với đỉnh cao 1068 mét, thời gian lại gói gọn trong ngày. Thường những người tín mộ, hằng năm đều đi, bắt đầu từ tinh mơ, tối ngủ ở chùa Bảo Sái nửa chặng đường, sáng mai dậy sớm đi tiếp. Ngày cao điểm núi có thể lên đến vài ba nghìn người, như một xâu chuỗi linh động qua các sườn non, các bậc đá nối tiếp không hề có giây phút thiếu một bàn chân. Nói chung, khát vọng vẫn là ưu thế so với sức vóc. Khi mặt trời chênh chếch về tây, tôi cùng những người bạn đi thơ thẩn xuống núi trong gió chiều thanh thản, thỉnh thoảng điểm xuyết những hạt mưa xuân tinh trong và ngọt mát. Thấy các cụ già và em bé chào mời, tôi cầm ít bó măng trúc nõn nà rất dễ thương, những trái cà tiên xinh xắn vàng ươm, những lá trầu tiên thơm đượm nghe đâu do An Kỳ Sinh, một người tu tiên giờ hoá đá trên sườn núi, là người có công tìm ra chữa bệnh cho nhân gian. Bên cạnh đó, không thể thiếu giò phong lan và một chai rượu mơ óng ả, thỉnh thoảng dừng lại anh em ngửa cổ dốc một ngụm. Tất cả, đó là kỷ niệm Yên Tử , lạ lùng thay, lại hết sức quen thuộc dù lần đầu tiên tôi đặt chân về đây. Tôi cảm nhận Yên Tử như cảm nhận những vần thơ của Trần Nhân Tông, cổ điển lại hiện đại đến không ngờ: “Vạn sự thuỷ lưu thuỷ – Bách niên tâm ngữ tâm – ỷ Lan hoành ngọc địch – Minh nguyệt mãn hung khâm” (Muôn việc như nước chảy theo nước – Trăm năm riêng lòng nói với lòng – Tựa lan can, cầm ngang sáo ngọc – Trăng sáng đầy ngực và bụng). Dường như ông vua anh hùng và thi sĩ muốn “chiết xuất” từ bước chân và hơi thở của thiên nhiên, chút mật ngọt của vũ trụ, nạp thêm năng lượng cho triều đại, cho trăm họ và cho chính mình.
Tôi tưng bừng trong những liên tưởng xa xôi, tận hưởng suối nguồn róc rách trong mát của lịch sử. Trên đường về Bình Định, trời hãy rất xuân trong không khí cả nước đang hướng về kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên chiếc Boeing tôi cùng trên ba trăm hành khách, từ Nội Bài vượt hơn nghìn cây số đường không là là đáp xuống Tân Sơn Nhất, bỗng nghe một giọng nữ êm dịu bằng tiếng Việt và tiếng Anh: “Cơ trưởng Nguyễn Thành Trung và phi hành đoàn xin cám ơn và tạm biệt quý khách…”. Ba mươi năm trước, vào ngày này tháng này, Nguyễn Thành Trung đã có mười giây quý giá để quyết định tách khỏi đội hình bay của không lực cộng hoà, thực thi sứ mệnh trọng đại của người chiến sĩ cách mạng, ném bom vào Dinh Độc Lập. Tôi cũng từng vào Dinh Độc Lập xem chứng tích của tiếng bom Nguyễn Thành Trung, một trong những âm thanh báo hiệu ngày tận thế của chính quyền Sài Gòn mùa xuân 1975. Con đường của anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung là con đường ly kỳ. Anh được tổ chức bố trí đi học lái máy bay phản lực ở Mỹ từ 1969 đến 1972, trải qua các căn cứ không quân ở Texas, Losiana, Mississipi rồi về Biên Hoà trong vai “sĩ quan nguỵ”. Trong chiến công vang dội dùng máy bay địch phản lực F5E đánh lạc hướng phi đội, 8 giờ 30 sáng 8-4-1975 bay về đánh đòn cảnh cáo lên sào huyệt tổng thống nguỵ rồi bay ra sân bay Phước Long hạ cánh an toàn. Cùng với bao nhiêu chiến công nối tiếp chiến công của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiếng bom Nguyễn Thành Trung góp phần làm cho Nguyễn Văn Thiệu và bộ máy của ông ta hết sức hoang mang, đến 21-4-1975 thì buộc phải từ chức và sau đó lã chã rơi nước mắt trên đường lưu vong. Chưa hết, Nguyễn Thành Trung cấp tốc huấn luyện một phi đội bay thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày 28-4-1975 cất cánh với 5 chiếc A37 từ sân bay Phan Rang vào ném bom Tân Sơn Nhất, làm cho Đại sứ Mỹ Martin cùng bọn tàn quân hết sức hãi hùng, vội vàng cuốn gói tháo chạy trước khi Sài Gòn giải phóng. Và giờ đây, tôi rất cảm động khi đi trên chuyến máy bay mà phi công trưởng tổ bay là vị anh hùng không quân nổi tiếng, hiện là một nhà quản lý kinh tế, nhưng không dứt nỗi đam mê mây trời. Chắc chắn, khi Việt Nam mở đường bay tới Hoa Kỳ, anh sẽ là phi công Việt Nam đầu tiên lái Boeing 777 hạ cánh xuống sân bay San Francisco. Qua sự việc ấy, trong mắt thế giới này, hình ảnh đất nước Việt Nam thời mở cửa sẽ rất giàu ý nghĩa khi người thực hiện là một chứng nhân quan trọng của lịch sử, của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kiên cường. Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong việc sẵn sàng mở vòng tay bè bạn với năm châu bốn bể, truyền hơi ấm tin cậy trong cộng đồng nhân loại, chắc chắn đã được xác lập từ cội nguồn văn hoá truyền thống, của tự chủ và khoan dung, giữa bản sắc và hội nhập.
Tôi không dứt những suy nghĩ miên man về không gian và thời gian mà mình hằng sống. Trên đỉnh thiêng Yên Tử, dường như không gian đã làm thay một số việc mà lẽ ra, thời gian phải gánh vác. Thời gian, mầu nhiệm thay, cũng đã đảm đương một số việc của không gian. Tất cả là sự nối kết của cõi người lam lũ và mơ mộng, của những gì đã có và những gì chưa có nhưng sẽ có, khi mình đi trên mặt đất thơm tho vẫn khôn nguôi hướng về cao xanh đầy ánh sáng, khi mỗi hơi thở bé nhỏ của con người hoà điệu trong hơi thở bao la của vũ trụ. Hoà mình vào thiên nhiên, dung hợp bản thể vào tiến trình, vào dòng chảy là cách người xưa tiếp cận thế giới. Trong thế giới ngày nay, người ta có nhắc đến khái niệm Đạo của vật lý (The Tao of Physics – tác phẩm của Fritjof Capra), một khám phá về sự tương đồng giữa vật lý hiện đại và đạo học phương Đông, của Kinh Dịch, của Kinh Vệ Đà, của Kinh Hoa Nghiêm, của Đạo Đức Kinh… Tư duy suy luận thực chứng của phương Tây, ngàn năm sau dường như bắt gặp những trực cảm phương Đông cổ đại. Người Việt, bằng cách thức của mình, dường như đã có bản khế ước với bầu trời từ ngàn xưa mà Yên Tử chỉ là một trong những linh ảnh. Với ý nghĩ ấy, từ Yên Tử về Bình Định, trên không trung đầy những hình bóng vừa ngẫu nhiên vừa chủ định, vô cùng tuyệt đẹp của hiện tại, tôi đã khoan thai nói với ngàn năm mây trắng rằng dù ở một tỉnh lẻ xa xôi khuất nẻo, tôi vẫn có tôi giữa mọi không gian và thời gian mang tên cơ thể và linh hồn Việt.
Một đoá bạch lan bỗng nhiên nở sáng trên sân thượng nhà tôi, với sắc mầu khôi nguyên như ngà như ngọc. Mấy ngày trước, nó hãy còn là một nhánh lá xanh gầy giữa núi rừng Yên Tử , tôi cuộn lại bỏ vào túi xách chu du qua biết mấy bao la của những tầng trời. Vậy mà chỉ qua một đêm tiếp giáp với tro than và không khí Bình Định, tất cả rễ hốt nhiên le lói. Một đêm nữa, vòi hoa tinh trong bập bùng từ nách lá. Đêm thứ ba, ngọn lửa trinh trắng đã hết lòng bừng thức một vũ điệu mê hồn, có cơ từ chối hết mọi diễn đạt của ngôn ngữ trần thế. Vâng, dường như bông hoa nhẹ nhàng bước ra ngoài kinh sách để làm nên hương thơm của đời sống, thứ hương thơm vừa rạng rỡ vừa bí ẩn… Tôi không có ý định nhắc lại cuộc nhắn tin từ chóp núi về mái nhà mình để huyền vi hoá thành những cảm ứng và mối liên hệ, dù rằng có nói như vậy thì chắc không hề giảm ý vị nồng nàn cho câu chuyện hành hương qua những ngả đường mây trắng.