Ca dao là một thuật ngữ thường được dùng để gọi những câu, những bài thơ dân gian. Ca dao thường nằm tron một kết hợp chặt chẽ của hai hình thức sáng tạo nghệ thuật là văn học và âm nhạc. Do vậy, người ta hay gọi ca dao là văn học hát. Đây là những sáng tác trữ tình miêu tả tâm trạng, tư tưởng, tình cảm (đời sống nội tâm) của người bình dân. Đời sống nội tâm ấy của người bình dân có mối liên quan chặt chẽ với hoàn cảnh sống của họ.
Vĩnh Long vốn là một tỉnh nổi tiếng có nhiều di tích lịch sử với nhiều giai thoại, huyền thoại… Đây là vùng đất trù phú, cây trái oằn sai, sông dài nước ngọt quanh năm, người dân hiền hòa chất phác và có tình yêu sâu đậm với nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình. Tình yêu quê hương đất nước sâu đậm và thiết tha được người bình dân xưa gửi gắm qua từng địa danh, di tích, sản vật,.v.v… của quê hương mình. Hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò, đình miếu… của miền quê sông nước Nam bộ nói chung, của Vĩnh Long nói riêng được thể hiện khá đậm nét trong ca dao xứ Vĩnh:
" An Bình đất mẹ cù lao,
Thơm hương hoa bưởi, ngọt ngào nhãn long.
Khách về nhớ mãi trong lòng,
Cù lao nho nhỏ bên dòng Tiền Giang"
Người dân ở cù lao An Bình bao đời nay vẫn luôn luôn tự hào với những sản vật của quê hương: bưởi, nhãn long… Mảnh đất cù lao như người mẹ hiền cung cấp biết bao màu mỡ cho cây trái xum xuê, tươi tốt. Ai đã một lần đến với nơi đây lòng không khỏi vấn vương bởi hương hoa của bưởi hay hương vị ngọt ngào thanh tao của trái nhãn long. Hương thơm, vị ngọt ấy như muốn giữ chân du khách hãy nán lại đất cù lao này.
Để đến được với cù lao, du khách phải lụy đò. Vì vậy, hình ảnh chiếc đò lại rất phổ biến và như là người bạn đồng hành trên sông nước của người xứ Vĩnh:
" Bình Lương gió lộng về chiều,
Bến đò Tân Tạo có nhiều khách sang.
Đò dọc rồi lại đò ngang,
Đò qua chợ Vĩnh, đò sang An Bình"
Cũng như nhiều địa phương khác ở Nam bộ, Vĩnh Long là tỉnh có hệ thống kênh rạch chằn chịt, lưu thông chủ yếu bằng đường thủy. Do đó, hình ảnh chiếc đò đưa khách sang sông đã trở nên thân thuộc với người dân vùng đất này. Có thể nói, chiếc đò chính là cầu nối quan trọng để giúp mọi người sang bên kia bờ. Song, có một điều khá lý thú ở phương tiện vượt sông này, đó chính là sự xuất hiện cùng một lúc hai loại hình đưa đò: "đò dọc" và "đò ngang". Được biết, "đò dọc" là loại phương tiện đưa khách từ nơi này đến nơi khác dọc theo chiều dài của con sông; "đò ngang" là loại phương tiện đưa khách từ bờ bên này sang bờ bên kia của con sông.
Khi đề cập đến địa danh, ca dao Vĩnh Long có câu:
" Lịch thay địa phận Trà Ôn,
Miếu ông Điều Bát lưu tồn đến nay"
Hiện nay, Trà Ôn là một huyện của tỉnh Vĩnh Long. Trà Ôn được biết đến là một vùng đất khá nổi tiếng với nhiều địa danh và nhân vật như: chợ nổi Trà Ôn, chùa Phước Hậu, miếu ông Điều Bát, đệ nhất danh ca Út Trà Ôn, v.v…
Nói về nhân vật lịch sử, ca dao Vĩnh Long cũng có câu:
" Vĩnh Long có cặp rồng vàng,
Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Công Thần"
Quả thật, đất Vĩnh Long xưa thường được mệnh danh là nơi văn hiến, là vùng đất hiếu học của Nam kỳ lục tỉnh. Trong đó, cụ Phan Thanh Giản (Phan Công Thần) là người miền Nam đầu tiên đỗ Tiến sĩ, từng giữ chức Kinh lược phó sứ Vĩnh Long (phụ tá Nguyễn Tri Phương), về sau là Kinh lược đại sứ. Còn cụ Bùi Hữu Nghĩa (Thủ khoa Nghĩa) hiện đang được nhân dân quận Bình Thủy (Tp. Cần Thơ) thờ kính rất tôn nghiêm và long trọng.
Bên cạnh đó, tình yêu nam nữ được hòa nhập vào từng địa danh của xứ sở quê hương mình là một trong những cách mà người Vĩnh Long bộc bạch tâm sự:
" Bình Lương là chốn náo nương,
An Bình là chỗ tình thương đậm đà"
Thế đó, yêu quê hương chính là gắn bó, tự hào về quê hương mình. Ôi! Thương quá quê hương, với mảnh đất khô cằn sỏi đá, với những con người chân lấm tay bùn. Ta lớn lên, nhưng với quê hương – người mẹ hiền yêu dấu, ta mãi mãi là một đứa trẻ thơ. Chính tình cảm tha thiết và mãnh liệt về quê hương sẽ là nhân tố thúc đẩy và hình thành nhân cách mỗi người trong chúng ta.
Đến với ca dao ta như đến với thế giới tâm hồn. Ca dao Vĩnh Long đã thể hiện rõ nét tâm tư tình cảm của người Việt Nam nói chung, người Vĩnh Long nói riêng, bởi lẽ các tác giả dân gian cũng chính là người Vĩnh Long – những con người lao động hiền lành. Tâm tình của họ tưới lên mảnh đất khô cằn và những lời ca tuyệt đẹp ấy như những hoa trái mà chúng ta đã thu được từ mồ hôi, nước mắt, giúp chúng ta khôn lớn, trưởng thành hơn trong suy nghĩ, hiểu biết và cảm xúc. Từ đó, giúp ta thêm yêu mến và tự hào về quê hương, đất nước của chính mình.
Hình 1 : Bưởi 5 roi – huyện Bình Minh-tỉnh Vĩnh Long
Hình 2: Miếu ông Điều Bát lưu tồn đến nay