Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.163.451
 
Hương bồ kết
Trần Thôi

            Sau bao năm hẹn lần hẹn lượt, cuối cùng cô Út cũng đã lên. Lý do của cô là lên dự đám cưới Thu. Điều đó khiến cảm động đến ứa nứơc mắt.

           

            Ông bà nội cô có bốn người con. Ba Thu thứ hai. Chú Ba và Chú tư đã hy sinh trong khánh chiến chống Mỹ. Từ ngày ông nội bà nội qua đời, dưới quê chỉ còn cô Út thui thủi một mình. Nhiều lần ba mẹ Thu đòi đưa cô Út lên thành phố sống chung cho có anh có chị. Nể tình anh chị Hai, cô Út hẹn lần hẹn lượt. Cô không nỡ bỏ ngôi nhà nhỏ, mảnh vườn xưa đã gắn bó với cô từ thuở lọt lòng. Đã vậy cô không chịu để ba Thu đưa lư hương ông bà nội về thành phố. Cô nói: " Ba má đã quen sốn gtrong ngôi nhà này rồi. Anh chị đưa bàn thờ lên Sài Gòn, xe cộ ồn ào chắc ba má không quen." Cô Út nói vậy nên ba Thu không nỡ. Bù lại mỗi năm Thu được theo ba vê quê hai lần để làm đám giỗ ông bà nội.

           

            Chiều nào cô Út cũng thắp năm nén nhang cắm lên năm chiếc lư hương trên bàn thờ. Ngồi nhìn những làn khói hắt hiu lan tỏa lòng cô cảm thấy ấm áp. Ba má, hai người anh ruột, người chồng, những giương mặt thân quen đều lần lượt hiện ra trong tưởng tượng của cô. Họ đã khuất mặt nhưng chính là chỗ dựa để cô bám víu, thậm chí cô cảm thấy yên vui hơn bất kỳ nơi nào khác khi được sống trong ngôi  nhà quạnh quẽ này cùng với những kỷ niệm, những hình ảnh của người thân.

           

            Bây giờ thì cô Út đã lên thật rồi, khiến cả nhà mừng quýnh. Cô còn lên trước cả tuần lễ để chuẩn bị cho ngày lễ vu quy của Thu.

           

            Thu ngạ c nhiên vì thấy ngày đầu tiên lên thành phố cô Út không phải là người sống âm thầm lặng lẽ. Trái lại cô hay làm, hay cười và nói chuyện rất có duyên với mọi người. Cô làm lặt vặt suốt ngày trong nhà. Cô còn vừa làm vừa hát nữa. Giọng cô trong trẻo thánh thót như chim chuyền cành, khiến Thu chợt nhớ đến các cô văn công giải phóng mặc áo bà ba, đội nón tai bèo, giọng trong như tiếng suối cất lên rộn ràng cả núi rừng mà Thu có lần xem tren cả ti vi. Cô Út năm nay tuổi đã gần bốn mươi mà giọng hát thánh thót như một thiếu nữ. Lúc cô cất giọng, gương mặt trái xoan len nét đẹp hồn nhiên, tươi tắn, phảng phất vẻ trẻ trung của thời con gái. Những bài hát buồn. Nó đằm thắm, dịu dàng gợi ta nhớ về những năm tháng xa xôi. Như là: " Bài ca may áo", " Cô gái Sài Gòn đi tải đạn", " Xuân chiến khu", " Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long"... Những bài hát nghe vui tai, vậy mà đôi lúc không hiểu vì sao Thu chợt bắt gặp cô bỗng ngừng bặt rồi cô lặng lẽ gạt nước mắt. Điều này khiến Thu cảm thấy hình như trong lòng cô đang ẩn chứa một tâm sự kín đáo mà Thu chưa rõ.

           

            Thu năm nay cũng đã mười tám tuổi rồi, chỉ còn vài ngày nữa đi lấy chồng vậy mà cứ quấn qít bên cô Út như đứa trẻ. Thọat đầu Thu cho cô là một phụ nữa quê mù, ngớ ngẩn, nhưng sau đó lại cảm thấy ở cô một sự kỳ lạ và lý thú. Như khi nằm trong bồn tắm cô chê sao mà quá bất tiện, không thoải má bằng tắm ở trong mảnh vườn sau nhà nội. Cái ao có vài bông súng tím, nước xanh trong mát rượi, cò mấy con cá he vàng đớp mống. Lúc gội tóc bằng xà bông ngoại nhập, cô lại chê cái mùi hăng hắc khó chịu, không thể sánh bằng hương bồ kết quê cô. Hồi cô còn nhỏ bà nội thường đi khỏi làng rất xa tìm mua cho bằng được quả bồ kết đem về nấu nước gội đầu cho cô. Nhờ vậy tóc cô ai cũng hken dài và mượt. Chiều chiều hai cô cháu lên sân thượng ngồi ngắm những dãy nhà cao thấp chạy dài ngút mắt, cô Út lại kể về những buổi hòang hôn cô hay ra ngồi tên bờ mẫu bên rặng trâm bầu nhìn khói đốt đồng. Những vật dụng trong ngôi nhà nhỏ dưới quê, từ cái cà ràng, cái sàn nước, chiếc cầu ao... Mỗi thứ đều gắn với cô bằng một câu chuyện ký ức và cô có thể kể về nó mãi không thôi. Mà cô kể nghe hay lắm. Thu lấy làm lạ vì sao cô có thể nhớ nhiều chuyện như vậy như vậy mà chuyện nào cũng rành rẽ khiến Thu muốn nghe hoài không biết chán. Càng gần gũi Thu càng khám phá ở cô một người mà Thu ít nghe cô Út nhắc đến, đó là chồng của cô. Thu chỉ biết là dượng ấy đã hy sinh vào cuối năm 1972. Có lần Thu hỏi:

 

            - Quê dượng ở dâu hở cô?

            - Thu có biết bài hát " Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình, cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh" không?

            - Dạ có, cháu có nghe bài hát đó.

            - Hồi chiến tranh tỉnh Trà Vinh mình kết nghĩa với tỉnh Thái Bình ngoài Bắc. Dượng quê ở Thái Bình, vượt trường Sơn vô tới Trà Vinh mới gặp cô đó!

 

            - Vậy mà mối tình của cô là tình vạn dặm?

            Cô Út cười buồn.

            Lật bật đã tời ngày đám cưới của Thu. Cô Út bù đầu bù cổ với bao công việc. Nào dọn dẹp nhà nửa, việc bếp núc, mua sắm, trang trí...

            Trước hai ngày họ nhà trai đến rước dâu. Tối đó Thu vào ngủ chung giường với cô Út. Thu muốn hai cô cháu tâm sự thật nhiều trước lúc chia tay. Thu không nén được sự hồi hộp.

            - Cháu lo quá cô Út ơi!

            - Lo gì?

            - Chồng cháu bự con lắm! Cháu sợ không biết ảnh có làm gì cháu không?

            - Nó có ăn thịt con đâu mà con sơ.

            - Đêm mốt cháu phải ngủ ở nhà ảnh rồi! Cháu không biết phải tính sao đây?

            - Có chồng phải ngủ với chồng chớ, còn tính toán gì nữa.

            - Nhưng mà ảnh có làm gì cháu không hở cô?

            - Con khờ quá đi. Nó có làm gì  là cũng do nó thương con. Nó có ăn thịt đâu mà con sợ.

            - Ừ há... Nhưng mà đêm đó con phải mặc áo gì? Xức loại nước hoa nào đây? Cháu phải làm gì để ảnh đừng chê cháu quê chớ?

            - Khờ quá đi! Trước khi đi ngủ con phải tắm rửa sạch sẽ. Con không cần phải xức nước hoa gì hết, nhưng mà nhớ đi mua trái bồ kết về nấu nước gội đầu.

            - Tại sao phải gội đầu bằng trái bồ kết hở cô?

            - Bồ kết có hương thơm dịu dàng, làm cho căn phòng của hai vợ chồng ấm áp, khiến mình nữ tính hơn bên cạnh chồng.

            - Cô nói vậy chắc Dượng Út hồi trườc thích hương bồ kết lắm hở cô?

            - Ừ, dượng con thích lắm.

 

 

             

            Sau đám cưới ba hôm vợ chồng Thu xách cặp vịt xiêm về làm lễ phản bái. Để mẹ và mấy đứa em làm bếp, Thu kéo cô Út vô buồng, cô chưa kịp hỏi gì  Thu đã nói:

            - Khủng khiếp quá cô ơi!

            Nói là khủng khiếp nhưng miện Thu lại cười cười. Cô Út hỏi:

            - Gì mà khủng khiếp. Kể nghe coi?

            Thu vẫn cười cười:

            - Mà thôi cô ơi. Mệt lắm! Nhưng hổng sao.

            Thấy Thu cười, cô Út đoán biết Thu vẫn không hề hấn gì, bèn nói:

            - Nhằm nhò gì. Hối lấy dượng Út đêm tân hôn cô còn mệt gấp hai lần con.

            Thu nhổm dậy, trố mắt nhìn cô Út kêu lên:

            - Gấp hai lần?

            - Thì sao. Bộ đội Trường Sơn chớ bộ - Cô Út trả lời mặt tỉnh queo. lộ vẻ tự hào.

            Thu trở giọng thỏ thẻ:

            - Chồng cháu kỳ cục lắm cô ơi!Thỉnh thỏang ảnh cứ ôm ghì cháu và hỏi một câu thật ngớ ngẩn." Em có yeu anh không?".

            Cháu nói:" Ngốc ơi là ngốc. Đã thành vợ chồng rồi ai lại hỏi như vậy. Không yêu sao em lấy anh?".

            Cô Út nói:

            - Ừ, đàn ông nhiều khi họ ngu ngơ  và vô lý vậy đó. Dượng Út con hồi đó cũng vậy. À, còn mấy hôm kế tiếp tình hình ra sao? Có như hôm dầu tiên không?

            Hiểu ý cô Út, Thu cười bẽn lẽn, nói lảng:

            - Anh ấy cứ đòi cháu phải trả lời. Hễ mỗi lần cháu nói:" Ừ, em rất yêu anh!" Lập tức anh ấy bồng cháu lên quay hai ba vòng, chóng mặt muốn chết.

            - Quay dữ vậy? Bộ dượng Út khỏe lắm hỡ cô?

            - Ừ, bộ đôi Trường Sơn mà!-Cô Út trả lời rồi quay lưng nhanh.

            Sau đám cưới Thu mấy ngày cô Út đã than nhớ nhà, nằng nặc đòi về.-"Bo nhà cửa quạnh hiu, bàn thờ không hương khói, lạnh ngắt, sợ người thân tủi lòng"- Cô Út nói vậy, dù có ép ở lại cô cũng không vui, nên Thu đưa cô ra bến xe mua vé cho cô về Trà Vinh.

            Câu chuyện giữa hai người tình cờ mẹ Thu nghe lõm bõm được. Cũng là phụ nữ nên mẹ Thu dễ dàng đóan biết hai cô cháu đã với nhau những gì. Đợi Thu đưa cô Út ra bến xe trở về, mẹ gọi Thu vào phòng riêng.

            Thu vào phòng, vừa ngồi xuống bên cạnh, mẹ nói ngay.

            - chuyện phòng the, chuyện hạnh phúc vợ chồng từ nay về sau con không được đem ra kể với cô Út. Con làm vậy khiến nó tủi thân tội nghiệp. Nó có biết gì đâu mà con hỏi. Cô Út vẫn còn là con gái đó.

            Thu ngơ ngác nhìn mẹ:

            - Sao vậy mẹ? Cô Út đã có một thời trước lúc dượng Út hy sinh?

            - Nó tưởng tựơng ra mà nó với con đó. Nó có chồng nhưng có biết mặt mũi chồng như thế nào đâu.

            Thu tỏ ra không hiểu gì cả. Mẹ Thu thở dài rồi quay qua âu yếm vuốt tóc Thu. Bằng giọng đều đều buồn bã, mẹ kể Thu nghe câu chuyện về cuộc đời cô Út.

            : Vào đầu năm 1972, ba con là bộ đội của Quân Khu 9 đóng quân ở chiến trường vĩnh Long. Ba kết nghĩa với một anh bạn cùng đơn vị tên Linh - Nguyễn Mạnh Linh, người quê tỉnh Thái Bình. Hai người thương nhau như anh em ruột. Ba con ngỏ lời muốn gả đứa em gái em gái út cho anh Linh. Anh ấy chịu liền và hẹn ngày về quê tổ chức lễ tuyên bố.

           

            Ngày về quê hai người đã định trước. Nhân có chuyến công tác nên ba con và chú tiểu đòan trưởng về trước hai ngày. Anh Linh cùng vài người bạn về sau, đảm bảo sẽ có mặt đúng ngày giờ làm lẽ tuyên bố.

           

            Tám giờ tối hôm 16-12-1972 lễ tuyên bố tiến hành. Đại diện đàng trai, đàng gái và khách mời có mặt đông đủ nhưng lại thiếu chú rể. Bên đàng gái có chú bí thư xã và đầy đủ anh em du kích. Phía gia đình có ba mẹ, còn ông bà nội con lúc đó bị lùa vô ấp chiến lược không về được. Bên đàng trai duy nhất chỉ có chú tiểu đòan trưởng cũng là người Thái Bình, đồng hương với dượng Út con. Chú ấy cứ chắp tay sau đít đi tới đi lui, gương mặt đầy vẻ băn khoăn lo lắng vì đã tới giờ đó chú rể vẫn chưa tới.

           

            Dù vậy buổi lễ tuyên bố vẫn được tiến hành vì lúc đó giặc càn quét liên miên không thể tập trung nhiều người lâu hơn được. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng. Chị em hội phụ nữ mượn tạm căn phòng vách lá của chú bí thư xã làm phòng cưới, trang trí khẩu hiệu, cờ hoa rực rỡ. Chiếc giường tre được thay chiếu mới. Cô Út con thức trắng mấy đêm thêu cặp gối có hai con chim bồ câu ngậm chung một bông lúa. Bữa tiệc ngòai đồ ngọt ra, chị em hội phụ nữ xã hùn tiền mua bốn con gà, hai con vịt và hai lít rượu, cũng đủ để mọi người có được bữa cơm no bụng. Rượu thì chú bí thư xã ra lệnh mỗi người chỉ uống một ly chia vui. Mấy anh em du kích tiếc rẻ vì không được nhậu xả láng.

           

            Đến 10 giờ đêm buổi liên hoan kết thúc, mọi người ra về chuẩn bị cho cuộc chống càn ngày mai. Chỉ còn lại chú tiểu đoàn trưởng với ba mẹ ngồi bên ngọn đèn dầu nhấm nháp chung trà cố nán lại chờ chú rể. Đến 12 giờ khuya cũng không thấy tăm hơi. Thấy vậy mẹ vào buồng để an ủi cô Út. Nước mắt mẹ buỗn trào ra không thể kìm được khi từ mái tóc cô tỏa mùi hương bồ kết thơm lựng cả căn phòng - Một tín hiệu chờ đón sự hạnh phúc của người con gái mà trườc đây mẹ cũng từng làm như vậy. Mẹ khóc vì lúc đó không hiểu sao mẹ linh cảm một điều gì rất đáng sợ đang xảy đến với cô Út. Cô Út thì  nằm úp mặt vô gối khóc thút thít. Mẹ lặng lẽ ngồi nhìn cô mà không dám thốt lời nào. Vì mẹ biết chỉ với lời an ủi trong lúc này không thể làm vơi đi nỗi khoắc khoải lớn lao trong lòng cô Út.

           

            Đến 2 giờ sáng chú bí thư xã tới cho hay dượng Út con đã hy sinh vào lúc 10 giờ đêm qua trên con lộ 37. Đoàn cán bộ gồm có tám người, vượt qua lộ bị địch phục kích bắn chết năm người, trong đó có hai người bạn cùng đơn vị dượng Út và hai chiến sĩ giao liên. Từ huyện Lấp Vò, tỉnh Vĩnh Long dượng Út cùng mấy người bạn vượt qua gần một chục con lộ lớn nhỏ để về tới huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh nhưng đến con lộ cuối cùng chỉ còn cách chỗ đám tuyên bố không đầy sáu cây số thì bị bắn chết.

 

            Tội nghiệt cô Út con - Mẹ Thu nói trong nước mắt - Lúc 8 giờ tối mặc áo cưới, tóc cài hoa. Đến 2 giờ khuya thì bịt trên đầu chiếc khăn tang. Từ đó đến nay nó ở vậy thờ chồng không chịu lấy ai hết, mặc cho ba mẹ khuyên hết lời. Nhưng thôi, đó là tính nết ông trời ban cho nó, không ai biểu nó làm hkác được".

 

            Câu chuyện quá đau đớn, bất ngờ, khiến Thu ngồi chết lặng không thốt nổi một lời. Phải thật lâu Thu mới sụt sịt phá tan sự yên tĩnh:

 

            - Có điều con không hiểu tại sao cô Út chưa hề biết mặt dượng Út má lại ưng lấy làm chồng?

            Mẹ Thu sửa lại thế ngồi, nói giọng đã tỉnh táo:

             

            - Hồi đó con gái ở quê mình, cả mẹ nửa, lấy chồng đâu phải cân đo đong đếm như các con bây giờ, miễn là bộ đội thì đủ tiêu chuẩn rồi. Đằng này dượng Út con lại là bộ đội vượt Trường Sơn vô tận miền tây chiến đấu, được coi  là vượt tiêu chuẩn. Cô Út con hồi đó là một cô gái đẹp nổi tiếng trong làng, mấy anh du kích cứ ve vãn săn đón hòai mà có anh nào may mắn lọt vô mắt xanh của nó đâu. Hơn nữa cô Út rất thương kính ba con. Ba đã đã chọn tức nhiên cô Út phải tin.

 

            Tối đêm đó Thu về bên nhà chồng, nằm trong phòng mà nhớ đến cô Út. Thu nghĩ:" Nếu ba mẹ với Thu cứ tiếp tục nài ép cô Út ở lại thành phố thì sẽ trở thành ích kỷ. Thôi, hãy để cô Út về với quê. Ở đó có dòng sông, bến nứơc, con đò nhỏ, chiếc cầu ao với mảnh vườn xưa, có khói đốt đồng trong buổi hòang hôn ráng đỏ, có những kỷ niệm về ông bà nội cùng các chú, có bàn thờ và tấm ảnh chân dung dượng Út do ba mang về tặng cô sau ngày dượng Út hy sinh. Tất cả đã thành thân quen với cô không thể xa rời.

 

Trần Thôi
Số lần đọc: 2653
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Hương bồ kết (truyện ngắn)
Sông quê (truyện ngắn)
Cái tủ thờ (truyện ngắn)