Sau chiến dịch Trà Vinh (tháng 4 - 5 - 1950), một vùng rộng lớn của Cầu Ngang, Trà Cú được giải phóng.Bà con Kinh,Khmer được sống yên ổn, ấm no với mảnh ruộng của cách mạng cấp cho. Đây là ước mơ lâu đời của người nông dân chúng ta, những người lâu nay chì nai lưng ra làm mướn hay thuê đất của địa chủ để cày cấy với mức tô cao. Không khí phấn khởi giống như thời kỳ Cách Mạng tháng Tám vừa thành công. Các đoàn thể hội họp bàn việc làm ăn, giữ gìn thôn xóm, vui vẻ hát ca tự do.
Đồng bào ta hăm hở bao nhiêu thì thực dân Pháp, bọn tay sai, hội tề,địa chủ phản động lại ấm ức, tức giận bấy nhiêu. Mất quyền cướp bóc, vơ vét của dân, hàng ngày,chúng trông mong được quay lại nơi chúng từng làm mưa,làm gió.
Và điều ao ước đó đang quay lại với chúng. Bị thua to ở ngoài Bắc, quân Pháp quyết tâm lấn chiếm lại một số vùng tự do của ta ở Nam bộ để bắt lính cướp của cải đưa ra bổ sung cho chiến trường chính.
Xã Long Hiệp, huỵên Trà Cú cũng bị giặc đóng đồn trở lại vào tháng 5 năm 1952. Cán bộ xã lại phải rời gia đình,hoạt động bí mật,tránh bọn lính làng liên miên lùng sục đánh phá các tổ chức của ta.Nhưng bọn này phần lớn là dân địa phương, ít nhiều có dính líu tình họ hàng ở các xóm nên ít hung hăng, trừ bọn chỉ huy đã bị nhồi nhét quá nặng tư tưởng chống Việt Minh.
Nguy hiểm hơn là lực lượng Com-măng-đô chuyên đánh biệt kích qua thông tin của bọn điệp được cài khắp nơi. Sắc lính áo rằn ri này được Pháp chọn từ các tên đầu trộm đuôi cướp hoặc lấy ra từ những tên tù thường phạm án nặng. Sẵn bản chất lưu manh, giờ được cầm súng và khuyến khích, chúng dã man đánh đập, giết người không gớm tay.
Hồi đó, bọn xâm lược ở Trà Vinh có đội Com-măng-đô hung bạo nhất mang phiên hiệu 704. Tiếng Pháp đọc xết-xăng-cách mà đồng bào ta đọc số chót là cách,Com-măng-đô cách.
Sự trở lại của bọn ác quỷ này trên địa bàn khiến cho nhân dân Kinh,Khmer lo lắng và căm phẫn. Tại Long Hiệp,bà con không thể quên bao tai họa chúng gieo xuống cho dân lành mà tàn bạo nhất là trường hợp của bà Lâm Thị Lợi, vào khoảng năm 1948, tại ấp Nô-Rè.Tìm bắt người chồng là cán bộ xã không được, chúng tra khảo vợ một cách dã man rồi giở trò súc sinh.
Lúc bà chết đi, lũ mặt người dạ thú còn mổ bụng, lòi một bào thai mới tượng hình.
Người đau lòng nhứt và căn thù tột độ bọn sa tăng này là Thạch Ngọc Biên, người chồng bất hạnh. Ông là một cán bộ cốt cán của xã Long Hiệp, tham gia công tác và trưởng thành từ Cách mạng tháng Tám 1945. Sinh năm Mậu Ngọ 1918, ngoài kiến thức ở cấp sơ đẳng trường làng, ông được học thêm với cụ giáo Đắc,dạy tư. Với người thầy không màng cương vị dạy trường công này, Thạch Ngọc Biên đã sớm tiếp thu ý thức cách mạng nên đã tham gia đắc lực ngay từ phong trào thanh niên tiền phong. Nay cộng thêm cái chết đau thương của người vợ trẻ (25 tuổi), bỏ lại hai con mọn bơ vơ, Hai Biên càng quyết tâm không đội trời chung với bọn giặc nước, quyết chí vận động bà con tham gia chống địch, giữ làng.
Thời gian Long Hiệp bị tái chiếm, người ta luôn thấy ống bám xã, len lỏi ấp này qua ấp khác, giúp đỡ nhân dân, giải quyết mọi việc trên cương vị Chủ Tịch Uy Ban kháng chiến kiêm hành chánh xã.
Từ nhiều năm trước, bọn đầu não giặc ở Trà Cú luôn xem Thạch Ngọc Biên là cái gai trước mắt cần phải nhổ. Biết rõ ý đồ kẻ thù, ông luôn cảnh giác, đi lại bí mật,thường trách sang xã láng giềng mỗi khi công tác. Thế mà bọn điệp vốn đeo bám theo,rốt rồi cũng phát hiện được chỗ ẩn trú của ông.
Một sáng nọ, bọn Com-măng- đô cách hí hửng dẫn Thạch Ngọc Biên, hai tay bị trói ngoặt ra sau lưng, về bót Long Hiệp trước sự sững sờ, lo lắng của bà con.Thế rồi, trong suốt một ngày và một đêm đó, những nhà gần bót cứ từng chập nghe vang vọng những lời chửi rủa thô tục của bọn quỷ dữ và những tiếng bịch bịch của gậy gộc xả vào thân người bị bắt.Nhiều ông bà lớn tuổi nghe rợn người và đau đớn tim gan phải rời nhà, tránh xa để khỏi nghe những âm thanh ma quái đó.Không gian ở xóm chợ như ngưng đọng lại, những ánh mắt lặng lẽ nhìn nhau buồn bã.
Giữa lúc khẩn trương,bao lồng ngực như bị chèn đè,khó thở,có một người trầm tĩnh và bí mật tiếp xúc với một số nhà,bàn cách giải cứu cho vị Chủ Tịch Uy ban kháng chiến hành chánh của mình.Rồi một sứ giả bạo dạn đến gặp bọn đầu sỏ ác ôn đề nghị cuộc đổi chác với trị giá bằng ngàn dạ lúa để chúng cho Thạch Ngọc Biên được sống dù có phải đi tù.
Nhưng chúng không nhận, tin là phần thưởng của cấp trên phải cao hơn nhiều khi người tù binh ắt rồi phải khai ra bao điều quí giá. Thế là, chúng tiếp tục tra khảo tàn bạo hơn và Hai Biên vẫn gan lì, không thốt nữa lời dù phải chết đi, sống lại nhiều phen.
Hôm sau, bất ngờ Hai Biên hé miệng chịu nói: Cả lũ mừng rrớn,dắt ông đi lấy tài liệu, súng đạn giấu nơi bị bắt hôn trước, ở chùa Chông Bát thuộc xã Nhị Trường.
Đến nơi, người tù binh kiên cường chợt đứng lại, rồi lớn tiếng như cho cả chùa hay biết :"Bây giờ tụi bây cứ bắn đi, tao không có gì để khai cả".
Đang hí hứng, cả bọn vụt đỏ mặt tía tai vì bị lừa rồi xông vào đánh đá túi bụi để trả hận.Sau một chập hành hạ, thằng chỉ huy ra lệnh: "Đem đinh lại đóng vô sọ nó xem thằng Việt Minh Cộng Sản này cứng đầu cỡ nào".
Bọn tay sai vội tìm mang dụng cụ tới.Thế là,sau một tíêng bụp,Hai Biên chúi xuống ngất lim mà tay chân vẩn còn run run, giật giật.Bất thần, một phát súng nổ, máu ở ngực ông tuôn đầm ra. Tuy nhiên, như người chết được giật tóc mai, được viên đạn khích thích, nạn nhân lấy lại tri giác, thều thào nói : "Bắn nữa đi, bắn nữa đi ".
Đến nông nỗi đó, lý ra chúng cho ông một phát ân huệ,nhưng bọn đao phủ cười rộ lên :"Bọn tao cần phải xem lá gan của mày bao lớn"và chúng ráp nhau mổ bụng Hai Biên trong tình trạng còn giẫy giụa.Vài tên lính làng đi theo quá hãi hùng hay có chút trắc ẩn phải quay mặt đi.
Tới màn chót này, Thạch Ngọc Biên mới trút hơi thở cuối cùng, bước vào cõi vĩnh hằng. Đó là vào ngày 26 tháng 4 năm 1953. Sự hy sinh tuyệt vời của ông đã để lại nổi hờn căm quân giặc cứơp và niềm thương xót khôn nguôi cho nhân dân địa phương, gia đình, bạn bè, đồng chí.Trong số những người này có các vị sư Thạch Quẹt, là bạn cùng chí hướng đã đi vận động tiền bạc và sẳn sàng góp phần quang trọng của mình để cứu mạng cho Hai Biên mà không được.
"Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ"
Cái chết bi tráng của Thạch ngọc Biên sẽ mãi mãi lưu trong trang sử đấu tranh của xã Long Hiệp, huyện Trà Cú. Được biết, trong những năm sau Đồng Khởi 1960, tấm gương sáng này được nêu lên cho cán bộ, chiến sĩ học tập và sau giải phóng, lãnh đạo tỉnh đã lấy tên vẻ vang của ông đặt cho một phần xã Long Hiệp được chia cắt ra thành xã mới, xã Ngọc Biên.
Hai con của ông Biên với bà Lâm Thị Lợi hiện vẫn ở tại xã.Cô em, ba Phụng, đã có gia đình riêng, người chị, Thạch Thị Nhãn đang sống với người cô là em gái duy nhất của cha, bà Ba Phách, ở ấp Nô Rè B.
Gần nửa thế kỷ trôi qua mà khi nhắc lại cái chết của chị dâu và anh trai mình, bà Ba vẫn còn lộ vẻ kinh hoàng, đau đớn.
Chị Nhãn, lúc mẹ bị giết, mới 5 tuổi, chưa ý thức được gì. Đến khi cha hy sinh, với tuổi 12, chị quặn lòng đau xót, biết thực sự căm thù giặc. Do vậy, đến giai đoạn Mỹ xâm lược, do hoàn cảnh riêng, không thoát ly được, chị bám địa phương, bí mật công tác : Nuôi chứa cán bộ, tổ chức tiếp tế vật dụng, thuốc nem, tiền bạc cho kháng chiến.
Được hỏi về sự tưởng thưởng của Nhà Nước, chị cho tôi xem tờ giấy nhỏ báo là được tặng huân chương kháng chiến hạng ba nhưng đã mấy năm rồi vẫn chua thấy bằng chính thức. Trường hợp của mẹ chị, bà Lâm Thị Lợi, được địa phương nhìn nhận là liệt sĩ mà cũng vẫn chưa có bằng Tổ Quốc ghi công.
Ông Hai Biên thì có đủ, bằng Tổ Quốc ghi công và Huân chương kháng chiến hạng ba.
"Sao chỉ là Huân chương hạng ba, phong tặng anh hùng còn được nũa là?" Tôi ngạc nhiên hỏi và chị Nhãn đáp:
"cũng đã có mấy anh,mấy chú nhận thấy sự bất hợp lý đó. Nhưng thôi, sao cũng được".
Chị Nhãn thật thà như thế. Nghĩ rằng ông Hia Biên nếu có linh thiêng chắc cũng chẳng thắc mắc gì. Bỡi lẽ, lý tưởng ông theo đuổi và xả thạn hy sinh là mong đất nước thanh bình, nhân dân no ấm. Thì nay, điều đó đã hiển hiện rồi, hẳn ông mãn nguyện nơi chín suối.
Xã Long Hiệp xưa nghèo nàn, cửa nhà ọp ẹp. Mùa nắng, đồng khô cỏ cháy,không có con cá con tép. Còn giờ đây, công trình thủy lợi với kênh đào 3 tháng 2 và những kênh phụ, ruộng được tưới mát,mỗi năm làm hai vụ, vài nơi còn làm thêm vụ ba. Đời sống nhân dân được cải thiện nhiều, cửa nhà cao thoáng. Đó đây, lại có nhà xây,sáng màu quét vôi. Xã đã có trạm y tế, trường cấp 2, cả bưu cục, những điều mà xưa kia nằm mơ cũng không thấy.
Thạch Ngọc Biên đã không đặt cái giá cho sự hy sinh của mình. Thân nhân ngày nay cũng khiêm nhường chấp nhận, không đòi hỏi gì. Nhưng thiết nghĩ , trách nhiệm đó là ở chúng ta, những người đang thừa hưởng thành quả của sự hy sinh cao cả đó.
Hy vọng là tới đây, sự bất hợp lý trên sẽ được các vị có chức năng quan tâm, đề nghị điều chỉnh cho mát lòng người đã nằm xuống và như thêm một lời an ủi cho những thân nhân đang sống.