Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.103
123.163.777
 
Tạm biệt quán Con nai vàng
Nguyễn Hồ

1.

Quán toạ lạc trên con đường này  hơn nửa thế kỷ rồi. Con đường đã mấy lần đổi tên, từ cái tên dài thòn của một ông Tây chuyển sang tên  một nhà thơ ta và bây giờ là một cái tên bình dân lạ hoắc, một nhà cách mạng thời bí mật. Thịt da, mặt mũi con đường cũng thay đổi : thời Pháp đường có  những hàng me,  phố ngói, tường vôi. Thời Mỹ  con đường mở rộng, không  còn cây, hai bên là lô cốt, khu gia binh, dây kẽm gai và quán bar. Giờ đây con đường được mở rộng thêm, vẫn không  vỉa hè, nhà ống chen lấn phô trương đủ cả ba chiều: chiều rộng màu sắc sặc sỡ , chiều sâu thăm thẳm mờ ảo lấp lánh đèn màu như kính vạn hoa, còn chiều cao thì cơi nới lênh khênh như người mẩu.

 

Như vậy đó, tất cả đã đổi thay, chỉ trừ cái quán Con Nai Vàng vẫn giống y chang như cách đây nửa thế kỷ.  Biểu tượng Con Nai Vàng ngơ ngác “đạp trên lá vàng khô” một thời trong khuôn viên xưa, nay  có phần ngơ ngác hơn khi nhì thấy cái cơ ngơi ẩm thực độc đáo ấy đã  vĩnh viễn thuộc về thời quá khứ! Vẫn tường vôi mái ngói rêu phong, vẫn  mặt tiền đá rửa xám xịt, cầu thang, căn gác gỗ quí  ngã sang  màu  mắm ruốc xin xỉn của thời gian. Bên trong khuôn viên là những sảnh, những phòng trống vắng tối nhờ nhờ, không đèn màu, máy lạnh. Mọi người qua lại đều ái ngại cho cái bất biến của quán nhưng cũng thầm cám ơn nó, vì nhờ sự hiện diện của nó người ta mới thấy cái mới đang áp đảo, như cơn sóng thần nuốt chửng cái gì  không thuộc về thì hiện tại. Dù vậy, mặc kệ thiên hạ đàm tiếu, Con Nai Vàng vẫn  mở to con mắt vô ưu, phớt Ănglê sự đời.  Con Nai Vàng vẫn hững hờ chiêu tiếp thị  lủng lẳng thớt thịt rừng tím ngắt cạnh mấy lọn hành tỏi khô quắt queo. Trên bàn  ăn chẳng có tập menu đủ độ dày phô trương tiềm lực.  Tiếp viên  nữ  không thấy có. Bếp không cần đỏ lửa thường trực. Nồi nước lèo không cần bốc hơi, chẳng  nghe tiếng mỡ cháy xèo xèo và mùi tỏi  nhức mũi, ông đầu bếp, thụ động chờ thực khách bẳng những cái ngáp rõ dài.

 

Thời gian  ngừng trôi nơi đây  ít ra đã hai chục năm trời, từ khi thành phố rục rịch đổi mới.  Chủ quán từ một chàng con trai Út cưng  hoá thành ông tráng niên “tứ thập  nhi bất hoặc”,  đọc báo miên man, tư lự như một nhà thơ hâm hấp.  Người ta quen thấy chàng Út Nai Vàng với  đôi mắt dày cộm lớp kiếng cận  siêu ngơ ngác trước thời cuộc, cứ cắm đầu  đọc nghiến ngấu từ tờ báo khổ  nhỏ đến tờ khổ to, từ sớm đến chiều.  Buổi  tối, khi khu phố lên đèn, chàng dán mắt vào màn hình ti- vi.  Mười mấy năm qua, ngày này qua ngày khác, chàng Út   đã thành đức ông đại lãng chuyên nghiệp, coi chuyện bán buôn ế ẩm là trò cỏn con,  coi thời gian chẳng đáng đồng xu cắc bạc gì. Trong khi đó những hàng quán  khác thi nhau  lộng lẫy, thi nhau rực rỡ, phô diễn các  nữ tiếp viên nụ cười thơm phức, thân  hình bốc lửa  nóng rực “39 độ yêu…”

 

2.

Tôi là nữ sinh trường Áo tím bỏ học,  nối nghiệp má làm nhân viên vệ sinh đời thứ ba , kiêm “đặc nhiệm”  quán Con Nai Vàng  nửa  quen, nửa lạ này. Đời  thứ nhất là bà ngoại tôi, tuổi  suýt soát với cụ Huế, là nhân viên sở rác  Tây, kiêm việc  thu gom rác ngoài giờ cho quán. Đời thứ hai là má tôi cùng lứa với con trai nối nghiệp của cụ Huế là ông Hai Bắc chủ quán thời Mỹ. Má tôi là cái bong của ngoại, ngoại sao, má vậy,vì thời cuộc y chang thời loạn lạc. Và bây giờ là  tôi,  nhỏ hơn cậu  Út , người chủ đời thứ ba của quán nguyên một con giáp. Tôi    trẻ con của thời bình, chỉ biết nghe ngoại và má cũng đủ ngơ ngác về mọi chuyện.

 

Ngoại kể với má rằng, quán  Con Nai Vàng  xưa đông vui nhất Sài Gòn, đến nỗi chỉ cần nói “đi Con Nai  Vàng ” là từ tắc xi, xích lô, xe kéo đều biết, khỏi cần  tên đường, số nhà . Quán ngày xưa không chỉ có nai, mà đủ các thứ thịt rừng, đủ các món phụ sản rừng, từ nhung nai, mật gấu đến sừng tê,  đủ các món ăn thiệt, ăn chơi, nhậu đủ bốn buổi sáng trưa chiều tối, đủ bốn mùa xuân hạ thu đông.  Cụ Hai Huế vừa là chủ vừa là đầu bếp, nay đã  ngoài chín chục tuổi.  Nhưng từ đời chủ thứ hai, thời sung mãn nhất nhờ chiên tranh thì thuê đầu bếp Chợ Lớn đủ trò đồ Tàu,Tây, Thái, Hàn.  Còn đền đời này thì đầu bếp nội, là con cháu trong nhà, học lóm mà thành.  Cụ Hai Huế sống thọ, đẹp như các vị trong tranh Bát Tiên,  râu tóc bạc phơ,  bộ bà ba lụa màu ngà lồng lộng  trước gió, cây phương trượng bằng cây căm xe cổ thụ, còng queo, chạm khắc tinh xảo thân rắn, đầu rồng, làm cho dáng vẻ tiên phong đạo cốt của cụ xưa nay không hề thay đổi. Cụ thường đủng đỉnh ra khỏi quán đi dạo một mình vào sáng tinh mơ  hoặc lúc chiều tà, khi quán đông vui cũng như ế ẩm, cụ không hề đổi thay sắc mặt, không hề bận tâm.

 

Tôi từng nghe giọng cụ sang sảng nhưng không bỏ nhiều dấu nặng như giọng Huế thắc mắc hỏi ngoại. Ngoại tôi giải thích rằng, thời Tây, người  bình dân ít học xóm  Cây Da Xà của ngoại coi bà con  từ miền ngoài vô là Huế hết. Ngoài bắc vô gọi là Huế thìa, vì kêu cái muỗng là cái thìa. Ngoài Trung, xứ Ngủ Quãng vô gọi là Huế ghe bầu, vì họ đi ghe bầu  vô cửa Cần Giờ. Còn người Huế rặt ri thì gọi là Huế chừ, vì họ hay nói bây chừ. Tuy vậy, dần dần người bình  dân cũng phân biệt  được nước mình có ba miền, nói ba giọng Bắc Trung Nam.  Nên khi con cụ Huế thay cha làm chủ quán, người ta không còn gọi là ông Huế con mà gọi là ông Hai Bắc, vì nhận ra ông nói giọng Hà Nội. Ông Hai Bắc làm cảnh sát Sài Gòn, sau Ba mươi tháng tư thì thành ông giải phóng, có chức gì làm gì ở bảo tàng cách mạng. Là lao công đầu tiên của quán, ngoại tôi kể nhiều chuyện như cổ tích.  Hối đó, Con Nai Vàng  có nhiều lữ  khách thập phương ăn dầm nằm dề, uống rượu tô, thịt rừng nướng mộc, chỉ để đưa cay nên dư thừa dữ lắm. Ngoại dọn rác ăn công, được chủ cho thức ăn thừa mang về. Đồ ăn tươi cho người, xào bần, xương xẩu, rau rác hư úng để nuôi heo. Ấn tượng kinh hoàng khó quên nhất của ngoại tôi, là trong một lần lấy rác, bà  phát hiện một cái bọc to. Thấy lạ, bà  tới chỗ khuất mở ra xem. Thì ra đó là bọc đựng bông băng đỏ máu, mủ và nhầy nhụa những mảnh da thịt người thúi rữa. Trong bọc còn có một cái quần bộ đội Việt Minh  lỗ chỗ vết đạn, một chùm tóc bê bết máu khô.  Bà ngoại  tôi hoảng vía chôn cái bọc ấy xuống bờ  sông, đêm về bà thắp nhang  trước bàn thờ ông ngoại  khấn vái. Ông ngoại chỉ mới chết trước đó ít ngày . Đó là những ngày nổ ra trận Điện biên, ở Sàigòn Việt Minh đánh kho bom, kho xăng liên miên, ông ngoại  bị chết cháy còng queo  trong biển lửa.Như vậy da thịt cái ông Việt Minh đánh kho xăng có liên quan tới cái chết của ông ngoại. Nếu đi tố cáo, ngoại được trả thù, được tiền thưởng. Nhưng ngoại không làm. Không phải vì ngoại  sợ mất mối kiếm ăn. Ngoại theo Phật, chỉ sợ oán thù chồng chất, lấy oán báo oán không biết chừng nào mới xong. Ngoại thắp nhang lầm thầm nói với  vong linh ông ngoại nỗi lòng mình.

 

Tới thời Mỹ , quán cũng do ngoại “ bao rác”,  phụ việc là má  mới vừa mười sáu tuổi.  Mọi  việc cũng lặp lại như có bàn tay nào sắp đặt vì ngoại vẫn tiếp tục  nghề rác. Ngoại nói, nghề rác bẩn thỉu nhưng căn cơ vì không  ai giành.  Chỉ có cai thầu mới giành nhau, chớ phu rác  giành giựt đâu có được gì. Theo nghề phu rác cực  nhưng không đói vì có rác là có cái để quơ quào nhét vô bụng. Vì  không có công danh nên chẳng phải lo mắc nợ nần.  Ông cảnh sát Bắc  đọc được suy nghĩ của ngoại không thì  chưa rõ, nhưng  ông  chủ  tin cậy  ngoại ,  chẳng những cho ngoại làm, còn đối xử rộng rãi, tử tế nữa.   Ông rất có lòng với kẻ nghèo, và có trước có sau với người hiền. Ngoại dặn má  phải mang ơn ông suốt đời,  không nên làm điều gì thất tín dù ngoại chưa được ông vận động hay cậy nhờ. Nhưng khi hữu sự thì ngoại  hành động như đưiợc tổ chức.

 

Có lần, cả mấy ngày liền, ngoại  thấy trong  đáy túi rác nhà hàng có đất khô, đất ướt , cát sỏi  nặng trịch lạ thường.  Rác  ít, đất đá nhiều, xe nặng đẩy lên dốc cầu muốn bể phổi.  Ngoại  đinh ninh là chủ sửa nhà. Nhưng cũng thắc mắc tai sao nhà thầu không xử lý rác xà bần?  Thắc mắc nhưng ngoại vẫn để bụng,  vẫn lặng lẽ đem rác đi phân tán sao cho không  ai để ý.  Sự kiện đó qua đi được bù lại  được chủ tin dung cho  độc quyền vĩnh viễn rác Con Nai Vàng.  Ngoại mừng lắm. Đối với ngoại  rác là tài nguyên của kẻ nghèo.  Chỉ tính rác  ẩm thực,  cơm thừa canh cặn má tôi nuôi đươc ba con heo. Nhưng, những gì nhận được từ quán này  phải đâu chỉ là rác. Thức ăn ngon dư thừa được người của quán dành riêng, trao tận tay.  Có khi là  món thịt rừng nướng còn tươi nguyên, gói cẩn thận trong bọc ny lông mới, có cả rau thơm và nước chấm. Có khi là một bọc đựng xương heo  hầm măng lồ ô còn thơm mùi tiêu, mùi hành. Khi ngoại tôi ngả bịnh, nhờ cơm canh thừa mà kéo dài được tuổi thọ, khỏi bị chết yểu như nhiều người nghèo khác.

 

Mười năm sau giải phóng, ngoại và má  tôi hú hồn khi biết quán Con Nai Vàng được công nhận là địa chỉ đỏ.  Báo chí, truyền hình nói, trong chiến tranh quán là “căn cứ địa”  của cách mạng. Thì ra, như ngoại dự đoán, cái bọc nhầy nhụa thịt da người là của một thương binh đánh kho xăng được cụ Huế đem về sơ cứu tai nhà rồi chuyển ra khu. Còn đất xà bần thì  đúng là  phân tán từ hầm bí mật. Má tôi run lập cập: “Trời đất quỉ thần ơi, hồi đó tụi lính kín mà biết được má phân tán đất cho Việt Cộng, chắc má ở tù rục xương. Còn bác Bắc, thì  coi gia đình tôi là ân nhân,  gián tiếp góp công cho địa chỉ đỏ. Má tôi cười ngất: “ Ngoại với mà do im lặng mà thành Việt Cộng”.  Rồi má dặn tôi : “ Sau này, con cũng phải lập công bằng cách im lặng, chủ mới thương. Ông ngoại nói hoài câu tiếng Tây: “ Im lặng là  vàng”.

 

3.

Bà ngoại tôi qua đời, má tôi bị bịnh lao phổi nặng, tôi  nghỉ học giữ mối rác hồi mười  bốn tuổi. Tôi không có cha, má tôi nói cha tôi là cái đống rác, ngoại tôi lượm tôi ở đó. Tôi lớn lên bằng tiền công quét rác, bằng thức ăn thừa, “ bơ thừa sữa cặn”, cũng coi là rác đi. Vậy mà tôi mạnh khù, lớn như thổi, học cũng giỏi, tới lớp 9 mới nghỉ.

 

Thấy đứa bé con mới hôm nào còn quàng khăn đỏ, tung tăng đến trường, nay đẩy xe rác hợp tác xã,  Út Nai Vàng hay cốc đầu tôi, ưu tiên cho tôi nhiều thứ.  Hồi ấy, khi quán thành địa chỉ đỏ , khách khứa, tiệc tùng liên miên. Tôi được ông chủ cho vô quán thu gom rác buổi  tối. Đồ ăn thừa  nhiều vô kể. Mấy ông cách mạng ăn ít lắm, chả giò còn nguyên, đùi gà trươu trướu, no tròn, vàng rượm mà cũng thừa. Mấy ông chỉ uống rượu bia, rượu đế, rượu mạnh, nói chuyện đánh giặc huyên thuyên. Lẫu chua cá bông lau, cơm gạo nàng thơm Chợ Đào, tới nguội ngắt vẫn còn thơm, vậy mà cũng dư. Mỗi lần thấy dư. tôi mừng chảy nước mắt. Bỡi, tôi luôn luôn được chia một phần , đủ hai má con tôi ăn mấy ngày. Bác sĩ dặn má tôi phải ăn nhiều thịt, uống nhiều nước cam vắt, có hồng sâm thì tốt, má tôi dạ ngon ơ, về nhà nằm khóc một mình. Khóc xong, lại  cười ngất. Má nói : “Ông bác sĩ này  cũng ngộ, ổng tưởng  ai cũng giàu, có sẵn thịt, có cam vắt có hồng sâm”. May nhờ  Út Nai Vàng, tôi đã có thịt, mà là thịt ngon, chỉ thiếu sâm hồng. Dạo đó, tôi còn mơ thấy trong túp lều của hai mẹ con tôi có cái tủ lạnh chạy ro ro. Mỗi lần có  cao lương  mỹ , tôi xếp vô tủ để dành cho má tôi bồi dưỡng. Bịnh lao cần chất bổ lắm, mà đây là thời cơ. Má  nghe tôi kể giấc mơ tủ lạnh thì căn nhằn: “cái con này, nằm mơ mà cũng hỗn…”.Tuy  nói vậy má khen tôi có hiếu, biết thương mẹ. Má nói, chiến tranh im lặng  thì có công, bây giờ im lặng thì có lộc.

 

Nhưng cũng chỉ được mấy năm, tôi  không còn giấc mơ tủ lạnh nữa . Quán  Con Nai Vàng  trở thành nơi tham quan, thành nhà bảo tàng, thực khách vắng teo. Nhưng nhờ có bao cấp mà nơi đây lúc nào cũng cờ đèn kèn trống, người đến thăm lũ lượt. Bình thường cũng có, mà tiền hô hậu ủng  cũng có. Lễ phục, quân phục, thường phục đều có cả. Thực khách  hơi bị quê vì công an ngăn cản, hầm hứ nặng nhẹ. Không khí ẩm thực mỗi ngày một vơi  đi, dần dà mất hẳn. Thực khách đội nón ra đi.  Cả những đoàn tham quan về nguồn cũng vậy, toàn là cán bộ cấp cao hay lão thành cách mạng, huân chương đầy ngực, vậy mà  họ cũng chỉ đến đây để thuần túy tưởng niệm. Người ta quan niệm chuyện gì phải ra chuyện đó, cúng quảy, giỗ chạp thì phải trang nghiêm, ăn nhậu phải vui, phải ngon, phải quậy, ai lại ăn nhậu, tào lao nơi chốn thiêng liêng có nhiều cờ và khẩu hiệu, khói hương nghi ngút?.

 

Quán ế ẩm, tôi thất nghiệp, hết đường kiếm ăn vì công việc của tôi chỉ còn là quét rác đúng nghĩa.  Rác nóng ân huệ của chủ, rác nguội tái sinh cho các gánh ve chai đều không còn . Vài lon côca, những võ chai  rượu nội hoá chỉ  bán để người ta lấy miễng tái chế.  Vỏ chai  thời thượng:   xì dầu, rượu cognac, whisky đỏ đen vàng xanh, “đạo cụ” tái chế hàng nhái không còn nữa. Không có khách vào thì làm gì có rác ra?

 

Thương hiệu  Con Nai  Vàng  đã chết vì không gian ẩm thực không còn.  Đêm đêm đẫy xe rác về ngang, tôi thường nghe bên  hàng quán tối om nhưng bức bối như có bom nổ chậm. Có khi trong quán có chuyển động khó hiểu,  có khi  lặng ngắt như tắt thở. Một tiếng tivi,  một tiếng ho hen cũng không.  Tôi thường cố lắng tai nghe sự chuyển rung, nhiều tiếng gầm, tiếng đay nghiến, cải cọ của  Út Nai Vàng, tiếng ho khan kéo dài của bác Bắc và tiếng rên rĩ   thê thiết của cụ  Huế.  Dâu con, cháu chắt trong nhà đông nhung nhúc vậy mà ai cũng im re.  Người ta  đồn rằng  quán Con Nai Vàng còn bảo lưu chế độ gia trưởng, tam cang, ngũ thường. Tất cả những âm thanh của  người, của đất, của vât dụng đều  bị nén chặt thành tiếng dội như tiếng trời gầm lúc giao mùa. Nhiều đêm  như vậy lắm. Cứ mỗi lần cảm thấy mặt dất rung chuyển, tôi đều phải ngừng đẩy xe, ngồi lại  một lúc lâu, tim  nhồi lên trong ngực, tôi  linh cảm  chuyên chẳng lành.

Cho tới lúc này, tôi  thu dọn rác của quán Con Nai Vàng  đã được mười năm …Bây giờ  không còn rác nữa rồi, tôi phải sống sao đây?  Mẹ tôi bịnh lao thời kỳ chót. Tôi phải tìm nơi nào có rác, có  thức ăn  thừa và có  nghĩa tình như quán Con Nai Vàng? “Thương hiệu”  ba đời dọn rác  đã cứu tôi. Nhiều nhà hàng sang trọng  muốn giao cho tôi thầu rác. Hợp tác xã cũng không chống, vì nếu tôi trúng mối rác sộp, hợp tác xã được phẩn trăm thỏa đáng.

 

Mọi người chỉ tín nhiệm tôi ở nghề rác. Trừ  bà chủ nhà hàng ca nhạc thời trang Nghìn Trùng ở ngay đối diện với quán Con Nai Vàng. Bà chủ đón tôi như một người khách quí. Bà ngắm nghía tôi hồi lâu, bảo tôi đi dứng tới lui, quay  qua lại rồi mời tôi vô phòng riêng của bà.  Bà bảo tôi cỡi bỏ mấy lớp áo phu phen khoác ngoài bẩn thỉu . Bà trố mắt nhìn tôi như vừa tìm thấy một lục địa mới. Bà khẩn thiết yêu cầu tôi trút bỏ hết quần áo, khoả thân trước mặt bà. Tôi  chưa từng nghĩ tới chuyện khoả thân một mình, ngay cả lúc tắm táp.  Nhưng bà chủ đầy uy lực  làm tôi tê liệt sức đề kháng. Chất  thôi miên của bà là cái nhìn. Bà không nhìn tôi bằng con mắt sai khiến hay thương hại của bà chủ  mà thường gửi những tia có thông điệp, có  khám phá : “ Em hãy cho chị ngắm em đi, rồi chị sẽ cho em biết điều kỳ diệu”. Tôi ngoan ngoãn và mềm nhũn. Và tôi đã nghe bà thảng thốt: “ Trời ơi! Em  là một nữ hoàng, vậy mà lâu nay ai cũng nghĩ em là Lọ Lem. Chân em thon dài như  Marilyn Monroe….còn đôi tay hả,  tay như vầy  mới đúng là ngà ngọc. Chị nói cho  em biết, em có cái cổ cao lạ thường, siêu cao với ba ngấn, cao hơn người  cao cổ bộ tộc Ka-ren ở khu Tam Giác Vàng. Chính nhờ cái cồ hươu ba ngấn , với làn da trắng  nuột nà lộ ra  khỏi mấy vòng khăn quấn cổ dày bịt của em mà chị đã phát hiện ra em. Rồi  chị phát hiện  đôi mắt  nhung với hàng mi cong vút, đôi mày lá liễu xanh rì tự nhiên.  Mấy lớp khẩu trang dày bịt, kín mít như mặt nạ  của em không lừa được chị..’’ Tiếp tục ngắm nghía tôi hồi lâu, bà hỏi: “Em biết chữ không?’’ -“Dạ thưa  chị, em bỏ học từ lớp 9”- “Hèn chi”. Chị ngừng giây lát rồi nói tiếp :“Chị chỉ học lớp ba, lớp bốn thôi, mà em thấy đó, chị là chủ của  sáu cái nhà hàng thời trang, ca nhạc, dù trời không cho chị sắc đẹp như em. Thôi, từ nay em đừng cam phận nữa”

 

4.

Hơn hai mươi ba tuổi, tôi được nghe lần đầu hai tiếng cam  phận.  Ngoại, má, hang xóm bần cùng, chư ai nói rằng chúng tôi cam phận. Ngoại, mà dạy tôi bằng lòng với thân phân và chỉ có khuyên tôi hãy biết dấu mình. Hình như ngoại, mà đều đã dấu mình như vậy, từ  lâu rồi ? Đêm đó, tôi về thắp nhang cho ngoại, nhìn ảnh ngoại trên bàn thờ, tôi kinh ngạc thấy ngoại đẹp, cổ cao hai ngấn. Tôi không có hình thờ  ông ngoại, hình của ba, để xem cái cổ của họ ra sao. Kể ra, ông ngoại cũng có hình, nhưng là hình mặc quần sọt, đội calô, mang súng máy thôi, nên  không được lên bàn thờ. Ngoại kể rằng, ông ngoại cao to như Tây, chỉ nhón chân, với tay  lên là gỡ được bóng đèn đường.  Rồi tôi nhìn trộm cổ má  khi chải tóc cho bà, cổ má tôi đúng là cao ba ngấn, trắng ngần, nhưng xưa nay luôn dấu trong mấy lớp khăn quấn dày bịt,  thoạt nhìn cứ tưởng trong đó có cục bướu xấu xí.  Tóc má và ngoại tôi đều dài như suối,  chỉ khi xổ đầu tóc ra chải mới thấy. Ngay cả tôi cũng chỉ ngó thấy mái tóc, cái cổ kiều diễm hiếm có ấy một đôi lần, thấy rồi quên ngay.  Ngoại đã dạy má, cái vỏ ngoài lam lũ, hôi hám mới đúng là của người nghèo. Tôi lớn lên cũng vậy, nghe lời má dạy, phải quen chịu, dấu mình đi cho rảnh nợ đời. Tôi nghe lời má, chỉ biết tự tin trong túp lều rách , trong lớp áo bà ba cũ như má, như ngoại.  Cái mà bà chủ mô tả là cam phận đã  biến mìnhchúng tôi  thành đống rác, chứ không còn là một con người.  Như con bọ xít tự vệ bằng mùi hôi, chúng tôi  không dám  để ai gần mình. Lấy cái lam lũ làm đề kháng  nên phải đối lập xa lánh chốn phong lưu. Tôi đã ngộ ra, tất cả là vì lối sống “cam chịu”, bà chủ Nghìn Trùng đã nói dùm cái điều tôi không dám nghĩ tới. Nhưng một khi đã chấp nhận từ bỏ cuộc sống  cam chịu  ấy, tôi phải chấp nhận  một thách thức khủng khiếp,  đó là  đối thoại với chính tôi  và má tôi.… Tôi phải nói như thế nào với má tôi , khi tôi không còn là cô gái mặc áo bảo hộ có mấy đường dạ quang màu cam, không còn đội chiếc nón lá rách rộng vành, ống quần dài con gái nhét hết vô ủng bảo hộ… Phải mất một thời gian, tôi  không nhớ  là bao lâu, má tôi cứ thâu đêm khắc khoải còn tôi  khóc hết nước mắt, mà mọi việc cũng chưa qua.

 

Cái hôm trở thành cô gái mà báo chí gọi là một phát hiện “nữ hoàng từ cô Lọ lem ba đời hốt rác”, tôi đến nhà hàng Nghìn Trùng lần đầu tiên với tư cách một cô gái chân dài,  có ba vòng lý tưởng, trong bộ cánh  được  thiết kế  độc chiêu, khai thác chi li các đường cong khắp cơ thể, tôi như cánh diều  bay trên mây. Bà chủ và mọi người điều khiển tôi  bằng một sợi dây vô hình nhưng là sợi dây định mệnh. 

 

Cũng đúng vào tối  hôm ấy quán Con Nai Vàng có đám tang. Cụ Huế ra đi trong tuổi chín mươi. Tôi bị bất ngờ, mới  hai tuần trước đây, trước khi  đi học làm người mẩu thời trang ca nhạc, tôi vẫn còn thấy cụ  trong bộ bà ba và cây phương trượng  quen thuộc, tuy cụ có chút gì đó  lùi xùi bụi bặm giống như hình  ảnh  ông nhà thơ điên  Bùi Giáng khi còn sống, thỉnh thoảng có qua con đường này. Hôm đó là ngày đi dọn rác cuối cùng của tôi. Tôi lặng lẽ giã từ những ngõ hẻm, giả từ Quán Con Nai Vàng và  nhân thể, tôi cúi chào cụ. Linh cảm  mách bảo tôi hãy cúi chào để cụ chứng nhận cái giã từ lặng lẽ của cả ba đời lao công. Tôi chào lần đầu, cụ không thấy. Tôi phải  đẩy  xe rác, vòng trở lại khoanh tay chào cụ lần nữa. Lần này cụ đã nhận ra tôi. “ Cháu Liên đấy à. Cụ bà cháu thế nào rồi ? Nói ông gửi lời thăm nhé”. Tôi thưa rằng ngoại tôi đã qua đời, má tôi đang nằm nhà thương, còn tôi cũng sẽ thôi làm công nhân vệ sinh.. Tôi thưa với cụ mà nước mắt tôi trào ra lúc nào không biết. Nhưng tôi cũng   kịp nhận ra là cụ Huế đã lãng tai, không nghe tôi nói gì. Chỉ khi thấy tôi kéo chéo khăn lau nước mắt thì cụ  chống cây phương trượng lại gần, nắm bàn tay đeo găng bẩn thỉu của tôi,  mắt nhìn xa xăm. Tôi khoanh tay cúi chào cụ lần nữa, trước khi  Út Nai Vàng bước ra đưa cụ vô nhà. Nhân đó, tôi cũng chia tay cậu  Út bằng cái nhìn thẳng đầu tiên của tôi với cậu. Tôi thấy cậu có một thoáng ngạc nhiên và mĩm cười…

 

Bây giờ đây, cụ đã đi vào cõi vĩnh hằng  ngay trong ngày ra mắt khách hàng lần đầu tiên của tôi. Thấy mắt tôi đỏ hoe, bà chủ  không yên lòng. Bà nói: “  Đám tang cụ còn dài, chừng nào xong việc qua đó cũng không muộn. Cụ sống đại thọ, ra đi để lại phúc đức cho con cháu.  Cả nhà chờ tiễn cụ về trời để còn làm ăn. Em thấy cái cái cảnh đìu hiu của quán Con Nai  Vàng lâu nay  rồi.  Cả nhà vì ông cụ đấy, vì tôn trọng lý tưởng của cụ mà không ai nỡ làm khác đi. Chờ cụ ra đi , bên đó sẽ thành nhà hàng ẩm thực hiện đại ngay.  Cậu Út đã  chuẩn bị từ lâu rồi…Thương hiệu Con Nai Vàng sẽ sống lại nay mai ”.

 

Gần nửa đêm tôi mới xong show biểu diễn đầu tiên của mình .  Tôi ôm trong vòng tay rất nhiều hoa tươi và ngập chìm trong tiếng vỗ tay như sấm với bao lời chúc mừng, ngợi ca như mật ngọt rót vào tai. Khó khăn lắm tôi mới thoát khỏi những người đàn  ông  sành điệu đang chờ tôi ở  trong  dạ tiệc buffet tiếng rượu sâm banh nổ dòn, mùi rượu tây thơm lừng và những màn khiêu vũ đầy sức quyến rũ. Nhưng tôi giả đò ói vì rượu và lặng lẽ trốn về nhà.

 

Về tới nhà, trút bỏ lớp thời trang người mẩu, tôi muốn chạy ngay vô nhà thương. Má tôi đã chờ tôi hơn hai tuần rồi. . Suốt mười lăm ngày qua, tôi đã dối má là  tôi đi học bồi dưỡng công nhân vệ sinh, nên  đưa bà vô nằm viện, nhờ một  bà xơ nuôi  bịnh từ thiện chăm sóc giùm.  Má nghe tôi được đi học thì gật đầu, Tôi nói, con đi học xa, tận ngoài Huế  nên cuối tuần sau mới về thăm má. Chắc má  trông đứng trông ngồi, vì hôm nay là ngày hẹn.  Nhưng tôi  phải đi dám tang cụ  Huế, một người ông vừa xa vừa gần gũi, đầy sức ám ảnh  dù tôi chỉ đơn phương ngưỡng mộ.  Tôi tắm táp cho sạch mùi, sạch phấn son rồi chuẩn bị đi đám tang.

 

Chờ cho đêm tàn, khi mọi người đã về, cả bên nhà hàng Nghìn Trùng và bên  đám tang  cụ Huế, tôi mới  tới thắp nhang từ biệt cụ và  quán Con Nai  Vàng. Tôi  mặc bộ đồ bà ba cũ nát mà hai tuần lễ trước đây tôi đã giặt sạch, vá lành, xếp vào rương.  Lạy cụ xong, trời sắp sáng, thay vì về nhà, tôi cứ mặc nguyên bộ bà ba ấy đi một mạch vô nhà thương  để thưa với má về chuyện tôi không còn là công nhân vệ sinh nữa. Hai tuần qua, tôi mấy lần tính vô thưa chuyện với má mà không dám, còn giờ đây, bộ bà ba khiến tôi tự tin hơn.  Đôi mắt lờ đờ không còn sinh lực của má vụt sáng lên khi nhìn tôi trong lớp áo lam lũ ấy.

 

Người ta nói, người nghèo khi đấu tranh sinh tồn không có gì để mất, nhưng tôi lại thấy, nếu tôi có cái gì để mất thì đó chính là bộ bà ba này..bộ bà ba lam lũ đang là chứng nhân cho cuộc phiêu lưu đầu đời của tôi .  Tôi chỉ muốn nói lời tâm sự với bộ bà ba thân yêu là vật chứng cuộc đổi thay trong đời tôi,  xin hãy ủng hộ chuyến đi này của tôi và hãy mở rộng vòng tay, nếu tôi một ngày nào đó tôi phải quay về…

 

5-2006

Nguyễn Hồ
Số lần đọc: 2645
Ngày đăng: 10.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tạm biệt quán Con nai vàng - Nguyễn Hồ
Người vợ trẻ và Con chó già ! - Lê Xuân Quang
Người hàng xóm - Lưu Thành Tựu
Chí Tây ! - Lê Xuân Quang
Học trò - Nguyễn Quang Nhàn
Duyên Tu-1 - Trần Kiêm Ðoàn
Duyên Tu-2 - Trần Kiêm Ðoàn
Ẩn số cuộc đời-1 - Lê Xuân Quang
Ẩn số cuộc đời -2 và hết - Lê Xuân Quang
Ngày đùa - Nguyễn Ngọc Tư
Cùng một tác giả
Chị tôi (truyện ngắn)
chim phóng sinh * (truyện ngắn)
Chú bé thổi còi (truyện ngắn)
Chung cư* (truyện ngắn)
Chân dung vô hình (truyện ngắn)
Hẻm sâu* (truyện ngắn)
Bạn già (truyện ngắn)
Tám chữ o tròn (truyện ngắn)
Về hưu non (truyện ngắn)
Mùa mắm còng (truyện ngắn)
Giai điệu nhớ (truyện ngắn)
Chú Năm tôi (truyện ngắn)
Đêm kỷ niệm (truyện ngắn)
Hoa Quỳnh (truyện ngắn)
Nàng Đae Chang Kim (truyện ngắn)
Ông Năm Cải Tạo (truyện ngắn)
Cô thư ký xinh đẹp (truyện ngắn)
Chuyến xe khuya (truyện ngắn)
tư duy (thơ)