Từ lâu tôi nghe tiếng bánh cuốn, bún thịt nướng Kim Long rất ngon, nhiều lần cùng gia đình, bạn bè tìm đến. Lần nào chúng tôi cũng chọn quán Huyền Anh. Người sành ăn bảo, đến một thành phố lạ muốn tìm quán ăn ngon, rẻ cứ vào quán thật đông khách. Quán Huyền Anh luôn dẫn đầu chất lượng và số lượng khách ăn. Chúng ta cứ ngồi ăn bánh cuốn thịt nướng béo ngậy, ngon ngọt với nước mắm chua ngọt, cắn thêm miếng tỏi vị hăng rồi thả hồn bâng khuâng đâu đó, thì không gì thú vị bằng!
Cách mấy tháng, gia đình anh tôi dẫn mấy đứa cháu ở thành phố Hồ Chí Minh đi tham quan chùa Linh Mụ, khi quay về ghé Huyền Anh ăn bánh cuốn, bún thịt nướng. Chúng tôi quây quần ăn uống về đến nhà mới sực nhớ cái máy đo huyết áp của anh tôi không biết quên đâu. Cái máy chỉ nhỉnh hơn 1/4 cuốn vở học sinh nên cả nhà ít hy vọng tìm lại được, tôi điện hú hoạ lên số máy 054 525655, quán Huyền Anh. Bà Huyền Tôn Nữ Dinh, chủ quán cho biết đang cất hộ, chờ người mất trở lại lấy. Sau này, tôi còn biết quán Huyền Anh nhiều lần trả lại tài sản có giá trị cho khách xa gần quên trong quán.
Ông Lê Cảnh Anh, năm nay vừa bước vào lứa tuổi xưa nay hiếm, nhưng trông vẫn tráng lão như ngoài sáu mươi. Anh từng đỗ Cử nhân Sử địa, giáo viên truờng THPT Nguyễn Huệ thành phố Huuế. Vợ anh là bà Huyền Tôn Nữ Dinh, trước đây chị cũng giáo viên tiểu học. Quán bánh cuốn, bún thịt nướng này có từ năm 1920 có tên Quán Bà Ngữ mẹ ông. Bà Dinh thừa hưởng và tiếp tục từ sau giải phóng. Ông Anh kể rằng, xưa kia từ chợ Kim Long trở lên chùa Linh Mụ, có Trường đá gà rồi đến nhà Hát Bộ, (hồi nhỏ năm, sáu tuổi cu Anh từng lóc cóc đi xem tuồng Tống Địch Thanh, Ô Hắc Lợi, Lữ Bố Hí Điêu Thuyền), đến quán Quán Bà Ngữ, quán Cẩm Lệ, quán thuốc Bắc người Tàu tên Chương rồi mới đến quán cơm bình dân phục vụ dân xe kéo, chuyên đánh xe chở các cô chiêu, cậu ấm lên chơi bài bạc, rượu chè, hát cô đầu trong Phủ Bà Chúa Tám, khu vực Bà chúa rộng hơn 3000m2 gồm đờn ca xướng hát, đánh xóc xỉa, hát cô đầu; ngoài ra các cụ còn làm một khu nhà nổi thả trên sông ở trước phủ để vui chơi. Khu vực phố Kim Long (quê ngoại chúa Nguyễn) là nơi ăn chơi, miền ẩm thực thời bấy giờ, chuyện ăn chơi, bài bạc nay không còn nữa, nhưng chuyện ăn uống vẫn còn lưu truyền tới đời nay qua sự khéo tay, giỏi nấu ẩm thực của đàn bà con gái đất Kim Long, một vùng đất xưa nay nổi tiếng sinh ra con gái đẹp, đến nổi có câu ca:
Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi.
Nói đến việc bếp núc gia truyền để làm nên bánh cuốn, bún thịt nưóng nức tiếng gần xa, bà Dinh bộc bạch: "Quán bao giờ cũng chọn thịt tươi ngon, mình bán mấy chục năm rồi nguời ta không dám bỏ thịt xấu, nếu thịt xấu trả lại ngay và nhà tôi cũng có cách ướp thịt, có thể ướp dùng nhanh vẫn ngon..."
Tuy ở Kim Long có nhiều quán bánh cuốn, bún thịt nướng. Nhưng bao gìơ quán Huyền Anh cũng đông khách và bán đến xế chiều là hết sạch. Bà Huyền Anh tâm sự: "Chúng tôi nhường nhịn nhau, anh thấy ở đây chẳng có nạn dành khách, chụp giựt khách bao giờ. Riêng quán tôi mấy chục năm nay không hề có vụ thực khách gây lộn, cãi vả nhau làm ồn chòm xóm. Quán cũng giải quyết được công ăn việc làm thường xuyên cho mười mấy lao động trong làng"
Gần đây tôi lại lên Kim Long ghé thăm quán bún thịt nương Huyền Anh. Tôi nhìn từng nhóm thực khách vui thú bên nhau thuởng thức hương vị bánh cuốn, bún thịt nướng và trò chuyện râm ran. Tôi nghĩ quán sở dĩ đông khách nhờ ngon, nhờ món ăn dân dã Huế, nhờ tấm lòng, sự đối đãi tận tình chu đáo của Huyền Anh Quán.
Huế, ngày 11 tháng 8 năm 2006