Hôm ấy, tôi đang ngồi trên xe đò từ Mỹ Tho về Cần Thơ thì được tin một người bạn báo vội vả “Nghe nói hòn Phụ Tử bị sụp rồi, nhưng chưa biết cụ thể ra sao...” Tôi lặng người, như không tin nổi. Chung quanh toàn là khách lạ, không biết chia sẻ với ai cái tin rúng động này. Tôi như vừa trải qua một cơn địa chấn, đúng hơn là cơn tâm chấn thực sự. Bởi hòn Phụ Tử với tôi đã có không ít những kỷ niệm. Mới đây thôi, hôm cuối tháng 5-2006 này, nhân chuyến trở lại Hà Tiên, tôi đã viết mấy câu thơ về thắng cảnh này: Hình như biển chẳng bao giờ ngủ/Từ cái đêm Phụ Tử thét gào/Giọt nước mắt triệu năm hoá đá/Đến bây giờ sóng vỗ còn đau. Vậy mà giờ đây hòn Phụ Tử, một “kỳ quan” không chỉ của Kiên Giang, đã lâm vào cảnh biến thiên.Ngậm ngùi biết mấy. Nhưng may sao (dầu sao cũng còn may) chỉ sụp phần hòn Phụ. Càng đọc mô tả chi li của các báo về sự gãy đổ của hòn Phụ tôi càng buồn. Vào những năm trước, trong một số lần ra chơi hòn, tôi đã trèo lên những ghềnh đá chông chênh, hứng gió, thỏa thích làm sao. Tôi còn tìm được một bụi phong lan trường kiếm mọc cheo leo kẹt đá đem về trồng trên cây xoài trước cửa nhà mình, giò phong lan ấy đã nhiều mùa cho những chùm hoa nâu nâu thật đẹp. Giờ đây hòn Phụ đã sụp rồi.Tôi hình dung không biết có quá không, những phiến đá ngổn ngang khác nào những thi thể tang thương. Sự mất mát cảnh quan thiên nhiên vô giá này không cách gì so sánh được trong nỗi tiếc nhớ của hàng triệu người trong nước, người Việt ở nước ngoài và bạn bè du khách quốc tế.
Để giữ lại cảnh quan đó, tôi xiết bao xúc động khi được biết, từ đồng chí bí thư tỉnh ủy đến những người phụ trách văn hoá và du lịch của tỉnh có ý định quyết mời cho được chuyên gia giỏi về khảo sát, nghiên cứu phục hồi lại hòn Phụ như xưa, để mãi mãi Phụ Tử không rời – cũng là giữ lại hình ảnh đẹp nhất trong ký ức của nhiều người.Và đã có tổ chức cam đoan “việc phục dựng hòn Phụ Tử trong tầm tay của chúng tôi”. Nghe như thế thì rất mừng, nhưng thực tình tôi rất băn khoăn, liệu phục chế có chắc chắn thành công không? Mà cho dù việc phục chế rất tài tình, đạt đến độ giống 95% đi nữa thì liệu có đem đến được phần hồn của nó như ngày nào không? Bởi đây là một kỳ quan thiên tạo chớ không phải những di tích cổ xưa do con người dựng lên, nên sự phục chế e dễ làm cho tình cảm của nhiều người gờn gợn. Một Phụ Tử nguyên thủy nên thơ đã thành ấn tượng sừng sửng trong lòng mọi người từ biết bao đời, không khéo nó làm lây “chất giả” sang hòn Tử, dễ làm thất vọng trong lòng không ít người. Theo tôi, chúng ta cố gắng giữ nguyên hiện trạng đổ sụp của hòn Phụ, như là một chứng tích của biến thiên. Để rồi người ta, với tính hiếu kỳ và lòng ngưỡng mộ vẻ đẹp kỳ vĩ của hòn Phụ Tử xưa, họ cũng sẽ tìm tới tham quan cái chứng tích đã gắn biết bao kỷ niệm với mình. Còn nếu như muốn có một hòn Phụ Tử như nguyên vẹn khác, cũng có thể chúng ta sẽ mô phỏng hòn Phụ Tử đã có, với kích cỡ vừa phải, chọn địa điểm ven biển thích hợp của Hà Tiên để dựng lên, thì có thể vừa ít tốn kém hơn lại vừa không gây phản cảm thật giả lẫn lộn.
Hòn Phụ đã mất rồi. Nhưng mãi mãi trong tôi vẫn là một hòn Phụ Tử vẹn nguyên, với hai đỉnh đá cao cao đứng dưới mây trời lồng lộng ngày đêm nghe sóng vỗ ầm ào. Còn nhớ, vào một khuya năm 1970, từ trên đỉnh dãy núi Bình An, tôi cùng với các anh du kích địa phương đã vượt qua lưới giặc để tìm ra thăm cho được hòn Phụ Tử. Với khối đá xạm mờ và tiếng sóng không bao giờ ngớt, cớ sao đã làm cho tôi bâng khuâng kỳ lạ. Và tôi đã viết: Biết nói gì đây Phụ Tử ơi /Thủy chung cay đắng bấy nhiêu rồi /Ra đi vẫn nặng lòng thương nhớ / Nghe biển đêm ngày mãi réo sôi...
Cần Thơ, 11.8.2006