Có lần nhà thơ đại tá Nguyễn Đức Mậu có dịp về Tây Ninh, anh cứ hỏi anh em làm văn nghệ tỉnh này làm sao liên lạc được với Trần Hoàng Vi. Vì “ ở Tây Ninh này chỉ có vài người có thơ in trên Văn nghệ quân đội. Nguyễn Quốc Việt thì gặp dưới Vũng Tàu rồi, còn Trần Hoàng Vi thì chưa gặp. Đến được Tây Ninh mà không gặp được anh em làm thơ thì buồn lắm” Nguyễn Đức Mậu, giải thích như thế. Những anh em văn nghệ trong tỉnh, không ai không biết đến Trần Hoàng Vi vì thơ anh in đều trên các báo địa phương và in ở nhiều tờ báo khác ở trung ương. Nhưng kiếm được anh cho Nguyễn Đức Mậu gặp thì quá khó khăn. Anh dạy học ở một trường nằm giữa khúc đường từ Thành phố Hồ Chí Minh lên thị xã Tây Ninh. Ngoài năm mươi cũng chỉ làm đến Hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở ở xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu. Đường chức tước quan quyền với Trần Hoàng Vi chỉ dừng ở đó. Mà cái anh chịu làm thơ, chịu viết văn ở địa phương làm được như Trần Hoàng Vi cũng là khá rồi đấy.
Trần Hoàng Vy quê gốc Bình Sơn, Quãng Ngãi. Từ những năm chưa tròn tuổi hai mươi Trần Hoàng Vi đã làm thơ. Khi lên Sài Gòn học đại học sư phạm, Trần Hoàng Vi tham gia các nhóm thơ sinh viên và góp mặt với tất cả những tờ báo của sinh viên lúc bấy giờ. Ngay từ hồi đó, Trần Hoàng vi đã gắn mình với thơ. Tình duyên run rủi, đẩy đưa, anh yêu một cô gái người Tây Ninh và theo người yêu về lập thân lập nghiệp ở miền quê mới này đã trên 20 năm nay. Ngay từ những ngày đầu tiên khi anh đặt chân lên đất Tây Ninh, anh em văn nghệ ở đây đã xem Trần Hoàng Vi là một người làm thơ. Anh sáng tác văn chương đã trên ba mươi năm, lặng lẽ âm thầm, không khoa trương. Và cũng giống như bao nhiêu người viết ở địa phương khác: viết nhiều để tự khẳng định mình, chẳng thể nhờ ai nâng giấc.
Không phải vô tình mà báo Tây Ninh mời anh phụ trách trang văn học thiếu nhi và trả lời những câu hỏi cuả các em trên báo Tây Ninh ( với bút danh Anh Thông Xanh). Trước hết vì anh là thày giáo. Sau nữa, anh em làm văn nghệ biết Trần Hoàng Vy đã dành nhiều tâm huyết cho các em thiếu nhi và lứa tuổi mới lớn bằng chính những vần thơ của anh. Thơ anh có mặt trong Nam,ngoài Bắc.Từ báo địa phương đến báo Trung ương với những nét riêng như tấm lòng của anh đối với trẻ thơ.
Hạt bụi phấn rơi cũng làm em cay đôi mắt
Cũng làm anh dăm sợi bạc trên đầu
Em thì khóc còn anh bối rối
Phút chạnh lòng hạt bụi ấy rơi đâu?.
Ngày ngày nhì thấy những đứa học trò yêu qúy của mình trên lớp, thấy các em lớn không hằng ngày, Trần Hoàng Vi mừng. Nhưng những khí bỗng gặp một em bé bán vé số, một em bé phải vào đời sớm Trần Hoàng Vi lại muốn làm được cái gì đó cho các em. Chưa làm được gì thì làm thơ cho các em trước :“Chia chữ cho người,không chia được áo cơm”và anh ước ao: “Anh ước ao chữ như là gạo thịt/Để các em tụ về riú rít những tiếng chim”.
Tâm hồn trẻ thơ vốn hồn nhiên không bợn gợn. Những cái các em thấy, những cái các em ước ao giản đơn như chính sự hồn nhiên ấy. Trần Hoàng Vi khi làm Thơ đã hoá thân đồng điệu với tâm hồn của trẻ thơ. Thuận lợi là Trần Hoàng Vy làm thầy giáo nên anh có nhiều cơ hội để làm được điều này. …Anh cưa sừng làm nghé? Có người đùa. Nhưng nếu cưa sừng làm nghé để được trở lại với tuổi thơ như Trần Hoàng Vi hẳn cũng có nhiều người rất muốn. Đâu có dễ. Trần Hoàng Vi lý giải: Tại mình yêu trẻ và quí trẻ mà thôi. Đã đành là yêu trẻ và quí trẻ, nhưng sáng tác cho trẻ em quả không dễ chút nào. Khó thực đấy, nhưng Trần Hoàng Vi vẫn cứ theo đuổi không mệt mỏi. Trần Hoàng Vy coi đấy như là một món nợ phải trả mà những giờ lên lớp anh không đủ sức truyền đạt hết. Thực ngộ nghĩnh đến thăm bạn bệnh:
Bạn bệnh từ hôm nào?
Mà nước da xanh hơn
Sốt đã cắt hết cơn
Sao trán còn nóng thế?
Thôi dậy đi mình kéo
Là khỏi bệnh ngay mà…”.
Người lớn đâu có nói với nhau như vậy. Thơ Trần Hoàng Vi giống như cách nói, cách nhìn của trẻ thơ:
Lớn nào các bạn lớn nhanh
Những chôm chôm ,quít đỏ cành đèn treo
Quả sầu riêng-chú nhím trèo
Áo gai nứt vỏ hương theo người về
Mít như một nái lợn sề
Bầy con chen chúc bộn bề vây quanh.”.
Anh đã đưa các em về với thiên nhiên bằng cánh diều, tiếng chim, những thứ mà với các em không thể thiếu, nhưng đang ngày càng xa lạ với cuộc sống công nghiệp ồn ào. Tiếng chim:
Em nằm nghe những tiếng chim
Xôn xao vườn nắng,cây chìm vào trưa
Tiếng chim gì thánh thót đưa
Tiếng chim gì cứ nhặt thưa cuối vườn
Tiếng chim gì rất dễ thương
Một hoà âm giữa cây vườn.Lặng nghe.
Cánh diều:
Trời xanh một cánh diều lên
Một con thuyền biếc,bồng bềnh trong mây
Chở hồn nhiên,chở thơ ngây
Chở trưa đồng nội,trời đầy tiếng tơ
Cánh diều –dấu chấm lửng lơ
Sợi dây căng ,nối một bờ cỏ non…”
Ông bà,cha mẹ,thầy cô…những hình ảnh trìu mến thân thương đối với trẻ,cũng không thể thiếu trong thơ anh:
Bé mừng thêm tuổi mới
Là lớn hơn,ngoan hơn
Chỉ thương mẹ thêm tuổi
Sợi tóc dần bạc hơn.
Và hình bóng ngoại:”
Tay bà phẩy quạt mo cau
Nghe mùi vôi với mùi trầu quyện thơm
Quạt mo, quạt lửa, thổi cơm
Chắt chiu ngọn gió, thảo thơm tấm lòng
Một đời bà mõi tay không?
Mà nghe mát rượi gió trong tay bà”.
Những thú vui,trò chơi của con trẻ,cũng được anh đưa vào thơ nhuần nhị, trong trẻo, ngộ nghĩnh đáng yêu:
Hàng ngàn tia nắng
Reo chào xuân sang
Viên bi ai bắn
Vào hoa cúc vàng?
Nhấp nha,nhấp nháy
Bi là hạt sương
Nắng lên.Trốn chạy
Vào trong khu vườn….
Trần Hoàng Vi còn chìm đắm trong tưởng tượng của trẻ thơ:
Bé vẽ con rồng
Thành con…giun đất
Cái vảy …kỳ nhông
Để ông cười ngất
Bé lật đật cất
Chị rình lấy coi
Con rồng bay mất
Chỉ còn vòi voí.
Trong hơn ba trăm bài thơ anh viết cho thiếu nhi với một tấm lòng quí trẻ, yêu trẻ…có rất nhiều những cái ngộ ngĩnh đáng yêu như thế. Nhà văn Vân An khi còn làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh đã có lần nói về thơ thiếu nhi của Trần Hoàng Vi : “ Đó là những sáng tác đầy tâm huyết,nhiều bài hay đến bất ngờ” .
Đến hôm nay, vốn liếng văn chương của Trần HoàngVi cũng đã khá bộn. Nhưng riêng cho thiếu nhi anh đã có năm tập sách: MIỀN THƠ ẤU,truyện vừa(NXB Trẻ,1995).NGỦ GIỮA VƯỜN TIẾNG CHIM (Thơ,NXB Đồng Nai,1996). THƠ GỬI TUỔI 17 (NXB Trẻ, 2000). ĐỒI CỎ HÁT (NXB Kim Đồng, 2003). THẰNG THU ĐẢO NHÍM (NXB Trẻ,2003). Anh cũng đã nhận được nhiều giải thưởng văn học từ Trung ương đến địa phương. Năm 1990. Trần Hoàng Vi có một niềm vui nhỏ: anh được mời tham dự trại sáng tác của Hội nhà văn. Những sáng tác của anh cho thiếu nhi hồi đó đã gây được ấn tượng với những nhà thơ, nhà văn cùng dự trại như Phạm Hổ, Định Hải... Về Trần Hoàng Vi, nhà thơ Định Hải nhận xét: “ Tôi được gặp anh Trần Hoàng Vi tại trại sáng tác văn học cho thiếu nhi do Hội Nhà văn tổ chức cách đây 15 năm tại Hà Nội. Thời điểm đó, Trần Hoàng vi đã có những tác phẩm được bạn đọc chú ý. … Anh viết nhiều thể loại văn, thơ, cho cả người lớn và trẻ em, nhưng anh vẫn là một trong số ít cây bút chăm chú sáng tác cho thiếu nhi.”
Ở các tỉnh phía Nam, số tác giả viết cho thiếu nhi không nhiều. Có thêm một Trần Hoàng Vi là có thêm một người tâm huyết với tuổi thơ bằng những sáng tác của mình.
Ngày nhà thơ đại tá Nguyễn Đức Mậu đến Tây Ninh, cuối cùng anh em văn nghệ trong tỉnh cũng kéo được Trần Hoàng Vi lên hội ngộ. Trong cái đêm gió lạnh se se giữa một quán nhậu giữa đồng, Trần Hoàng Vi lại nhớ đau đáu về quê Quảng Ngãi của mình. Anh đọc say sưa những câu thơ anh viết khi nhớ quê:
Người Miền trung đi đâu cũng nhớ
Quê nhà cát trắng núi xanh xa.
Và:
Lòng vẫn mở toang ra trước biển
Núi dựa lưng trăm nỗi gồ ghề”.
Trần Hoàng Vy đã ở ngoài cái tuổi”Tri thiên mệnh”,song tâm hồn anh,thơ anh,nhất là thơ cho Thiếu nhi thì lúc nào cũng dạt dào tâm huyết trong trẻo và non tơ…