Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.232
123.161.405
 
Như là cổ tích
Nguyễn Một *

Chị có nụ cười trong vắt, giòn tan như thuỷ tinh vỡ. Trông chị mỹ mãn và hạnh phúc lắm. Người không ưa chị, cũng công nhận chị đẹp. Thân thể tròn lẳn, gò má lúc nào cũng ửng hồng như vừa đi nắng vậy. Học trò rất mê giờ dạy của chị. Nhưng chưa bao giờ chị đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Bao nhiêu lần hội giảng, thanh tra xếp loại"khá" là hết sức. Các thầy thanh tra phê bình chị không bám sát sách giáo khoa, mà"sách giáo khoa là pháp luật !".Chỉ có thầy Mây tổ trưởng tổ văn là ủng hộ chị. Thầy bảo:"Cô Vân hớp hồn học sinh bằng tất cả sự rung cảm của trái tim, truyền sự rung cảm của mình qua chúng".Thầy Mây dự giờ của chị bỏ phiếu"giỏi"nhưng một mình thầy không chống lại được các thầy thanh tra của phòng giáo dục cử về.

 

Gặp chị ngoài đường ít ai nghĩ chị làm nghề giáo. Ngoài giờ lên lớp, chị diện quần jean áo thun ôm. Bộ quần áo bó sát người, nổi bật những đường cong mềm mại. Chị ra đường đàn ông ngoái đầu nhìn lại, đàn bà bĩu môi ganh tị. Ban giám hiệu phê bình chị, thầy Mây bảo:"Nghề dạy học là nghề có nhiều ảo tưởng,các thầy cô giáo thường lấy mình ra làm chuẩn mực để đo người khác, nhiều lúc quên mất mình cũng lá con người…".Rồi thầy kể:"Sau giờ chào cờ,thầy hiệu trưởng gọi đội sao đỏ lên và hỏi :-Khu nào nói chuyện nhiều nhất ?Cậu học trò gãi tai ấp úng:-Thưa thầy,em không dám ạ !Thầy hiệu trưởng động viên:-Cứ nói.-Dạ,khu giáo viên ạ !". Đám giáo viên trẻ cười ồ. Cô Châu vỗ vai chị:

-Nè Vân !Hôm qua tao thấy"Thiên sứ"lãng vãng trước nhà mầy đấy!

Chị cười rồi chép miệng:

-Tội nghiệp !

 Châu bảo:

-Tao lo lắm, nghe người ta đồn…

Chị cười giòn, nụ cười trong vắt như pha lê:

- Úi dào, đồn nhảm…

*

Thị trấn giấu mình trong rừng cao su và những vườn cây trái mênh mông. Những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, những ngôi nhà nhỏ thấp thoáng giữa các cây chôm chôm, sầu riêng, măng cụt…Mùa mưa đến hoa nở rộ,thị trấn tràn ngập ong và bướm, những chú ong cần cù hút mật trước sự chế giễu của đàn bướm đang nhởn nhơ rong chơi. Con người cũng vậy, các cô gái phục vụ quán cà phê vườn mặt hoa da phấn vô tư đùa giỡn với các chàng trai làm cỏ mướn cho các chủ vườn. Họ làm việc bên cạnh những ghế bố đặt trong vườn cây dành cho những cặp tình nhân vào uống nước và tâm sự. Thị trấn bình yên và hiền hoà như trong truyện cổ tích. Bất chợt người ta có thể bắt gặp một cô gái đẹp như nàng công chúa đang ngủ ngon lành dưới gốc chôm chôm trĩu quả.

 

Một buổi chiều nọ mà có thể là buổi sáng vì không ai nhớ rõ, thị trấn xuất hiện một con người kỳ quặc. Con người này như từ các ngọn cây hiện ra…Suốt ngày gã đi lang thang, miệng lảm nhảm đọc thơ, những câu thơ ngớ ngẩn:"Đến từ hư vô,ta là thiên sứ,có loài quỷ dữ,xé nát hồn ta…ta là thiên sứ…Ta là thiên sứ…".Gã lặp lại câu thơ ấy nhiều lần.

 

Không ai biết tên gã, mọi người gọi gã là Thiên Sứ. Từ đó,Thiên Sứ thành tên của gã. Thiên Sứ có khả năng siêu nhiên kỳ lạ, gã biết trước cái chết của người khác. Nhờ vào khoa học, con người có thể biết được tất cả, nhưng cái chết vẫn là bí mật của thượng đế, không ai biết trước được, vậy mà gã biết !Thị trấn nhỏ bé này đón nhận Thiên Sứ với thái độ vừa khinh khi, vừa sợ hãi, vừa cung kính. Hễ Thiên Sứ lãng vãng trước nhà nào đọc thơ, y như rằng vài ngày sau nhà đó có người qua đời. Thiên Sứ luôn có mặt  trước tiên bên thi hài người quá cố để đọc thơ tiễn linh hồn của họ về trời. Thoạt đầu không ai để ý,nhưng sự việc cứ lặp đi lặp lại mãi,người ta bắt đầu sợ hãi gã…

 

Mỗi khi tan học, bọn trẻ tụ tập góc ngã tư con đường dẫn vào trường reo hò ầm ĩ. Thiên Sứ đưa hai tay lên trời đọc thơ :"Đến từ hư vô, ta là Thiên Sứ…"Bọn trẻ cười ồ,rồi đồng thanh :"Đọc thơ nữa đi Thiên Sứ!".Cứ thế, gã đọc đi đọc lại đến khản cả cổ, đọc cho đến khi  chị chạy xe ngang qua gã mới bỏ đi.  Cả thị trấn căng thẳng cực độ,người ta rỉ tai nhau:     "Hôm qua Thiên Sứ đến nhà nào?-Trước nhà lão Mộc-Lão ấy chết là vừa, đồ tham lam, keo kiệt".

 

Lão Mộc có ngôi nhà hai tầng, ngôi nhà lớn nhất nhì thị trấn nằm giữa vườn cây trái rộng gần hai mẫu đất. Trước nhà lão cho đúc tượng thật của lão,pho tượng một người đàn ông cầm con dao chọc tiết heo. Nghe đâu lão bỏ ra năm chục triệu để thuê một điêu khắc gia ở thành phố về tạc tượng. Đích thân lão đứng ra làm mẫu, lão nói với nhà điêu khắc:" Hãy làm thật giống, ta muốn cho con cháu nhớ ngày xưa cha chúng khởi nghiệp bằng cái nghề này". Lão tự hào về quãng đời làm đồ tể của mình, nhờ đó mà lão có ngày hôm nay. Trước đây lão đạp xe chở rọ đi khắp hang cùng ngõ hẽm để mua heo về giết thịt cho vợ mang ra chợ bán, nhà đông miệng ăn, con cái nheo nhóc. Những người trong thị trấn đều tỏ ra không thích khi nhắc lại thời bao cấp, nhưng lão lại khác, lão gọi đó là "thời vàng son của những người khôn ngoan" . Lúc ấy, việc cung cấp thịt là độc quyền của hợp tác xã mua bán, riêng lão Mộc vẫn lén lút mổ heo. Không hiểu bằng cách nào mà các cán bộ xã lờ đi cái việc làm sai trái ấy của lão. Những ngày giỗ chạp ngay đến cán bộ xã cũng không đủ kiên nhẫn xếp hàng mua thịt, họ lén lút đến nhờ lão Mộc. Thời ấy ai cũng xanh mướt vì thiếu ăn, riêng gia đình lão vẫn cứ phởn phơ, con cái da dẻ đỏ au. Dân trong thị trấn muốn bán vàng thì đi vào ngõ sau của lão Mộc, bao nhiêu lão cũng mua. Giữa nhà nơi vị trí trang trọng nhất lão đặt một trang thờ, lão không thờ Phật, không thờ Chúa, không thờ ông Quan Công mà lão thờ Trư Bát Giới, lão gọi đó là vị thần hộ mệnh của gia đình lão. Thời mở cửa lão rửa dao gác lên bàn thơ, nhảy ra mở tiệm vàng, lão nhanh chóng trở thành người giàu có nhất nhì trong thị trấn. Lão xây nha, đúc tượng, giao tài sản cho con trai quản lý. Chiều chiều lão Mộc vi vu trên chiếc xe máy đời mới, chở một em gái trắng như bông café để hưởng lạc trong ngôi nhà mát lão cất giữa khu vườn rộng ven thị trấn. Thiên sứ đọc thơ trước nhà lão buổi sáng thì chiều hôm ấy lão chết, chết vì thượng mã phong!

 

" Hôm nay thiên sứ đứng trước nhà mụ Bằng - Mụ tú bà chuyên cung cấp gái cho lão Mộc chứ gì ? Lão Mộc mà không có mụ ấy thì sông sao nổi !- Vì thế nên lão lôi mụ theo…" Những đoạn thoại như vậy lan đi khắp thị trấn, nó len lỏi mọi ngóc ngách, như tiếng chuông báo tử buồn bã phát  ra từ nhà thờ lớn…!

*

Ngôi nhà của chị được làm bằng gỗ quý, tòan gỗ, ngôi nhà tuyệt đẹp. Chồng chị bảo giá trị của nó gấp đôi cái nhà hai tầng của lão Mộc. Ngôi nhà nằm giữa vườn, khu vườn thơm ngào ngạt, bướm bay chấp chới như rắc hoa. Lần đầu thấy ngôi nhà, chị đã mê tít. Ngôi nhà hiện ra giữa vườn trái chín đỏ rực như trong chuyện cổ tích. Vì ngôi nhà mà chị quyết định lấy chồng:" Chỉ có lấy chồng mới sở hữu được ngôi nhà xinh đẹp ấy!" Một ý nghĩ lãng mạn và tầm thường tuỳ theo cách định giá của mỗi người. Tất nhiên chị đã biết chủ nhân của ngôi nhà, người ấy đeo đuổi chị cả năm trời qua. Mỗi lần xuất hiện anh luôn kèm theo những món quà đắt giá. Chị yêu văn chương nhưng cũng mê cả chiếc đồng hồ mạ vàng ôm chặt cổ tay tròn trĩnh của chị. Mê chiếc nhẫn kim cương lấp lánh mà anh luồn vào ngón tay búp măng trắng nuột, trắng nà của chị. Lấy nhau rồi, chị mới thấy cái gì ở bên ngoài của anh đều đẹp, kể cả ngôi nhà. Trong nhà anh bày biện thật khiếp. Rèm màu đỏ, cửa màu xanh, những bức tranh loã lồ, rẻ tiền dán đầy cả vách ván cẩm lai. Chị mất cả năm để thuyết phục anh thay đổi cách bài trí trong nhà. Nhưng tâm hồn thì chịu, anh rỗng tuếch và nhạt nhẽo. Anh bảo:" Văn chương là thứ vớ vẩn" Chị bảo:" Văn chương làm say lòng người " Anh cười khùng khục:" Làm sao say bằng rượu bia" Lúc đầu chị khó chịu, nhưng dần rồi quen, đàn bà vốn thế, dễ thích nghi. Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến ngày chị gặp một nhà thơ trên đường đi dạy về. Nhà thơ bám theo chị đọc thơ ca tụng chị, ca tụng tình yêu, ca tụng cuộc đời. Trái tim chị bồi hồi" thêm một chuyện cổ tích". Chị không thể ngờ rằng giữa thời đại công nghiệp, cuộc sống trôi đi như guồng máy khổng lồ lại có một người yêu thơ đến thế. Chị kính trọng và yêu thích anh, những người như vậy làm cho cuộc đời đẹp  lên.

 

Anh sẽ mãi mãi là con người chứ không thành"Thiên sứ" như bây giờ nếu không có lần chị đưa anh về nhà. Tiếc thay !

 

Anh không quan tâm đến sự giàu có của chị. Giữa vườn hoa hướng dương chị trồng trước sân, anh quỳ xuống đọc thơ. Chị không kềm nổi cảm xúc, ôm đầu anh vào lòng. Mái tóc rối bù, đôi mắt ngây thơ như trẻ con, anh ngước nhìn chị, một cái nhìn thành kính. Chồng chị xuất hiện, nồng nặc rượu bia, anh nện cho nhà thơ mấy cái vào đầu và ném thân hình gầy gò của anh ta ra đường. Chị ngất xỉu. Khi chị tỉnh lại nhà thơ không còn ở đó. Chồng chị đã lăn ra giường ngáy khò khò…

 

Thiên sứ xuất hiện trước nhà chị để báo điềm gỡ, điềm gỡ cho chính gã. Gã đến để chia tay với chị. Chị khóc ngay trên bục giảng khi nghe tin Thiên Sứ "về trời". Một nhóm người nào đó đã loại gã ra khỏi cuộc sống, họ không chịu nỗi sứ mệnh của gã ở trần gian này. Lạ thay ! đám ma của gã lại rất đông. Hầu như tất cả dân chúng trong thị trấn tiễn gã lên đường, không ai khóc, họ cung kính , sợ hãi và vui mừng…!

 

Khi câu chuyện Thiên Sứ được thay bằng chuyện giá cả xe máy Trung Quốc trong sự bàn tán hàng ngày của người dân thị trấn, chị ra thăm mộ gã. Chị quỳ bên mộ đọc thơ, lần đầu chị đọc thơ ngoài bục giảng, một bài thơ ngắn của Thiên Sứ :" Ở nơi mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình. Long lanh giọt nước tình duyên. Ở đó sau này thành sông thành biển. Ai đã chèo thuyền vào cõi vô biên…"(*)

 

Chiều đã tắt, bóng tối trùm lên những ngôi mộ được xây cầu kỳ như biệt thự. Chỉ có ngôi mộ của gã, một gò đất nhỏ lẻ loi, cô đơn. Ngôi mộ mọc đầy hoa trắng như trong chuyện cổ tích.

 

(*) Thơ Nguyễn Quang Tấn

Nguyễn Một *
Số lần đọc: 2839
Ngày đăng: 13.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xí bệt , xí xổm - Thai Sắc
Cô gái gọi mặt trời - Hồ Tĩnh Tâm
Chia đôi - Trần Huyền Trang
Kẻ phá thối - Lê Xuân Quang
Tạm biệt quán Con nai vàng - Nguyễn Hồ
Tạm biệt quán Con nai vàng - Nguyễn Hồ
Người vợ trẻ và Con chó già ! - Lê Xuân Quang
Người hàng xóm - Lưu Thành Tựu
Chí Tây ! - Lê Xuân Quang
Học trò - Nguyễn Quang Nhàn