Phố nhỏ
Nhỏ hiu hắt trong từng căn nhà nhỏ
Đêm trăn trở
U ẩn tình đời trên đường nhỏ khuâng khuâng
H.T.T.
Xóm tôi thuộc phường một thị xã, vừa gần Ủy ban tỉnh, vừa gần chợ, nhưng gần nhất là nghĩa địa. Nghĩa địa nghe đâu có từ thời các cố đạo bên Tây mới đến truyền giáo, lần hồi theo thời gian cứ phình ra mãi, rồi được bao bọc bởi bốn bức tường cao lừng lững, bên trên cặm đặc ngừ miễng ve chai(nhiều chỗ đã bị ai đó ghè phẳng lỳ để tiện việc leo trèo khi cần). Mồ mả bên trong toàn là mồ xây. Người ta đồn, người cuối cùng được vào đây yên ngủ cũng đã trên dưới sáu mươi năm. Trong nghĩa địa, lối đi chằng chịt được láng bằng xi măng, lâu ngày nhiều chỗ đã tróc ra hê hủng, mọc phún lên toàn cỏ dại, toàn cây xấu hỗ, với những lùm bụi cao lúp xúp, cao vượt đầu người. Đây là thiên đàng của lứa đôi dẫn nhau vào tình tự, đồng thời cũng là thánh địa của đĩ điếm.
Nhà tôi cất áp sát bức tường nghĩa địa. Kiểu dáng ngôi nhà giống y trang nhà lối xóm. Nghĩa là cũng tuềnh toàng tre lá, cốt lấy chỗ đụt mưa đụt nắng qua ngày. Kế nhà tôi là nhà bà Sáu Ngật. Bà Sáu sống với đứa con gái hơn tôi gần một tuổi, nhưng coi mòi từng trãi hơn tôi rất nhiều, tên là Nương. Nương ban ngày ngồi bện thảm xơ dừa, ban đêm tranh thủ rước khách vô nghĩa địa kiếm tiền. Giáp mí với nhà tôi còn có ngôi nhà trống trếnh của Ba Đức. Ba Đức tướng tá như hộ pháp, nghèo xác vì nghiện rượu. Lâu lâu nổi hứng, Ba Đức khều con Nương qua ngủ ký sổ. Ký sổ giá hai chục. Tiền mặt giảm được năm ngàn.
Nghĩa địa nay không còn nữa. Thị xã đã biến nó thành công viên để bài trừ ổ tệ nạn xã hội. Nhưng vào cái thời thị xã đang tiến hành san phẳng nghĩa địa, xóm tôi vẫn còn nguyên vẹn sự nghèo khó với những ngôi nhà lá xơ xướp, quanh năm ngập trong mùi hôi hám của rác rến. May mà xóm lọt thỏm giữa bốn bề phố xá hực hỡ, nên ít ai biết được sự túng kiết dơ dáy của xóm.
Cuối xóm có ngôi chùa. Sư trụ trì tuổi xồn xồn chừng ngoài bốn mươi chút đỉnh. Vị sư này trần tục lắm. Lâu lâu tôi vẫn thấy ông ta ngồi nhậu thịt chó với Ba Đức dưới gốc xoài tượng, nằm khuất tận cuối góc vườn chùa.
Năm thị xã quyết định giải tỏa mặt bằng nghĩa địa, Ba Đức rủ đám thanh niên trong xóm đứng ra thầu bốc mả. Công cán bèo bọt nhưng đám phu trẻ vẫn hăm hở làm việc tới trối chết. Là họ ham mấy cái răng vàng, khâu vàng, vòng đá cẩm thạch, hy vọng được chôn theo người khuất đất. Còn cái trúng nhãn tiền là những cỗ áo quan được đóng bằng gỗ bên rất dày, theo thời gian vẫn còn nguyên y sì , bán rất đắt giá. Hôm nào thấy họ ăn nhậu ì xèo là cầm chắc hôm đó họ trúng qủa, vớ được món gì đó của người đã khuất. Tiền cõi âm không giữ được lâu trong túi.
Trước năm giải tỏa nghĩa địa, có một vị bác sĩ đến xóm tôi mua đất cất nhà. Nhà cửa xong xuôi, tôi nghe ông ta nói, đất xóm này nay mai là vàng, chỉ cần vài ba năm nữa là tính vàng cây theo từng mét. Dân xóm tôi nghe vậy, ai cũng vênh vang đắc chí, thấy ai tìm hỏi mua đất cũng hét giá tận mây xanh.
Ông bác sĩ có bốn người con. Cô đầu trắng mủm mỉm nhưng bị tâm thần, tay chân rung rung, môi lúc nào cũng nhểu nhảo, trông ớn lắm. Bệnh tình cô ta kỳ hết biết. Mùa khô nóng nực, mỗi ngày cô ta vài lần tắm truồng nhông nhổng ngay vòi nước bên hông nhà. Hễ cứ thấy trẻ con thò thụt nơi hàng rào là y như rằng cô ta đang truồng.
Đùng một cái cô tâm thần có bầu. Chắc là ai đó trong đám bạn nhậu của ông bố. Bởi vì từ khi cô con nổi bụng cum cúm, cấm thấy ông bố mời ai về nhậu nữa. Hôm cô hạ sanh, tôi là một trong những người được mời sang ghì giữ chân tay cô ta để cho bà đỡ làm phận sự. Cô ta giãy dụa dữ lắm, người gồng lên cong vòng, mồm la bãi hãi những tiếng vô nghĩa như: goa… gui… da… Đôi mắt cô trợn ngược, tay chân quờ quạng cào cấu, miệng sùi bọt, toàn thân nhớp nhúa mồ hôi. Vậy mà đùi ngực vẫn cứ phếu ra hêu hếu trắng. Ba Đức nói với tôi: “Con nhỏ che mặt đi thì bị vằm là phải”.
Nhỏ Nương xóm tôi vậy mà tốt. Không ai nhờ cậy mà nó tự ên nhào qua nhận nuôi thằng cháu “mặt tượng” của ông bác sĩ. Từ ngày nhập vai mẹ, nhỏ Nương đứng đắn hẳn ra, ít thấy tò vè rước khách vô nghĩa địa.
Thế rồi ông bác sĩ đang không bỗng lăn đùng ra chết. Ông chết tại sân banh. Hôm đó đội tuyển tỉnh tôi đá một trận banh cực kỳ gay cấn với tuyển tỉnh bạn, tranh nhau cái vé vào chung kết cúp khu vực. Tỉnh tôi bị dẫn trước hai một, tưởng đã vô phương gỡ huề, ai dè còn một phút chót, tỉnh tôi được hưởng qủa phạt đền. Cả sân bóng nín thở. Khi tiền đạo vừa co chân sút bóng thì ông bác sĩ té bật ngửa, tắt thở.
Đám ma ông bởi vậy rồng rắn không biết bao nhiêu là người. Dân xóm tôi không một ai vắng mặt. Xác quàn tới ba ngày mà ngày nào cũng nghịt nghịt người tới viếng. Bà qủa phụ bởi vậy phải cho đứt Nương đứa cháu. Vậy là Nương thành mẹ. Ngặt nỗi, không biết khai sanh cho thằng nhỏ làm sao. Đang hồi bí bách thì Tùng Đực vác mướn ban đêm ngoài chợ cá xung phong nhận Nương làm vợ. Cấp giấy hôn thú rồi, ủy ban phường thở phào nhẹ nhỏm.
Tùng Đực cũng người trong xóm, nhưng nó không có nhà. Ban đêm nó đeo chợ cá vác mướn kiếm tiền, ban ngày về góc chùa ngủ vùi cả buổi sáng. Buổi chiều Tùng Đực đánh chiếc xà lỏn chim cò dài qúa đầu gối, dạo lòng vòng trong xóm. Đi mỏi chân thì sà vô quán cóc bà Bảy kêu xị đế với dĩa phá lấu. Vừa uống nó vừa ngóng cổ ra lộ, gặp ai trong xóm ngang qua cũng ới ới gọi vô. Ới một hồi có khi được năm ba người cùng nhậu. Mà dân xóm tôi khí khái lắm, ai tấp vô cũng đóng góp phần mình. Nghèo ở đâu không biết, chứ cứ theo sổ nợ, người nào mỗi tháng cũng ký vài ba trăm ngàn xông xổng.
Nghèo thì hay nhậu, mà nhậu riết lại càng nghèo. Bởi vậy, dân xóm tôi làm đủ thứ việc hầm bà lằng. Từ thợ nề, thợ mộc, bốc vác, xe lôi, bán chè, bán cháo, ở đợ, khóc mướn… tới đánh số đề, chạy cò mua bán, dẫn gái cho khách. Bà Sáu Ngật, mẹ Nương , sống chủ yếu bằng nghề khóc mướn. Bà khóc rất giỏi. Chỉ cần bước chân tới nhà gia chủ, treo xong cái nón, bà lập tức khóc bù lu bù loa, nước mắt tuôn ròng ròng. Một lần có đoàn làm phim xuống dựng cảnh, bà được mời nhập vai khóc đám ma, bà khóc thấy mà ham. Chừng phim trình chiếu trên ti vi, xóm tôi ai cũng tự hào về tài diễn xuất của bà. Bà nói tỉnh queo: “Tưởng gì, đóng phim dễ ợt. Phải họ mướn hoài, tui đóng hoài cũng được. Cứ tiền trao cháo múc là tuốt tuồn tuột tui khóc cho tha hồ lấy thúng giạ đong nước mắt.”.
Ngoài khóc mướn, bà Sáu Ngật còn nghề đồng cốt. Bà lên đồng có tiếng, thành ra mỗi năm cũng được phường dăm ba lần mời lên làm việc. Mời thì mời chứ bà không chịu bỏ nghề kiếm cơm của bà. Từ hôm Tùng Đực nhập gia ở rễ, bà lại càng hăng hái hành nghề.
Vào cái năm đang giải tỏa nghĩa địa, không hiểu sao Tây ba lô xuất hiện lền khên ngoài thị xã. Ông Tây bà đầm nào cũng quần cụt, áo hở nách, buộc túm lòi lỗ rún trước bụng, y trang nhau. Nhiều ông Tây bụi sục cả vào xóm tôi tìm gái; hì hụi cả ngày lẫn đêm. Ba Đức nói với tôi: “Thể nào tao cũng phải rinh một con Tây bụi về nhà cho biết hàng ngoại nó ngang dọc ra sao”. Và rồi với mớ tiếng bồi ba mứa, anh ta rinh được thật. “Tốn cả đống tiền moi lên từ âm phủ. Chán thấy mẹ! Thua con Nương một trời một vực. Tiếc thằng Tùng Đực cuỗm mất con Nương”.
Bà qủa phụ của ông bác sĩ, từ chồng chết, gia cảnh ngày càng xuống. Đang vào hồi túng bấn, đùng một cái, đứa con gái thứ ba, qua dịch vụ mai mối, vớ được ông chồng Hàn Quốc. Đó là một gã đàn ông cao lỏng khỏng, đầu hói bóng lưỡng, gặp ai cũng toét miệng cười. Gã phải ngoài năm mươi chứ không ít. Bởi vậy gã cưng cô vợ hai mươi như vàng. Không biết cô vợ thót thét sao đó mà xóm tôi lần đầu tiên được thấy tận mắt một ngôi nhà ba tầng lầu lừng lững, đêm ngày giương những con mắt cửa ráp kiếng màu nâu trà, nhìn xuống con đường lép nhép nước tù, nước đọng. Con gái xóm tôi như bị ma ám. Đứa nào cũng rót rét mò lên thành phố. Nghe đâu trên đó có chỗ đăng ký lấy chồng ngoại dễ ợt. Đứa vớ phải ông chồng quèo, đứa vớ phải ông chồng thộn; có đứa vơ vào mình cả ông lão móm mém. Được cái ông nào cũng rủng rỉnh tiền bạc, tha hồ cho các cô chưng diện, mặc sức cho các cô phơi đùi phơi ngực giữa thanh thiên bạch nhật. Xóm tôi bỗng chốc mọc thêm vài ngôi nhà mái bằng, vài ngôi nhà mái ngói đỏ hoét. Thị hiếu thẩm mỹ của các ông chồng ngoại ế ẩm xứ người, có lẽ cũng chỉ ngang bằng thị hiếu của các cô vợ xóm bụi, thành ra kiểu cọ nhà cửa rườm rà sặc sỡ, coi không giống ai. Nhưng dầu gì thì đó cũng là nhà lầu, cửa kiếng. Coi mòi xóm lá sau nghĩa địa của tôi đã ra vẻ phố xá chút đỉnh. Vị sư xồn xồn có vẻ không hài lòng, nên hình như ông ta bỏ hẳn thú đánh chén thịt chó lén lút sau vườn chùa thì phải. Gương mặt ông bỗng dưng rầu rầu như sũng nước.
Thế rồi thị xã và phường bỏ tiền ra nâng cấp con đường đá hê hủng trong xóm thành đường nhựa, bề ngang đủ lọt hai chiếc xe du lịch né nhau mà không cản trở người đi lại. Xóm tôi thành ra càng có giá. Vốn xưa nơi đây là bãi sình lầy hôi hám, dân nghèo mạnh ai nấy chiếm cất nhà từ thời ông Diệm, riết rồi thành ra hợp pháp. Đất nhà tôi bề ngang tới hơn hai chục mét, là thứ đất phập phều của bãi rác, chỉ trồng rau muống và nuôi heo là tốt nhất, nay bỗng đội giá lên tận cung trăng. Mẹ tôi nhờ mai mối, bán đứt phân nửa lấy mấy chục cây vàng, cất được ngôi nhà tường sáng sủa, sắm sanh được ti vi máy quạt này nọ. Số tiền còn dư, tôi mua chiếc Citi 100 về chạy xe ôm; khơi khơi mỗi ngày cũng dư sức bỏ túi hai chục ngàn. Mà không riêng gì mẹ tôi, nhiều nhà trong xóm cũng bán đất. Nhà nào đất rộng, bán đi một phần cũng hốt bộn, đua nhau lên lầu làm le với lối xóm. Thoắt một cái, nhà cửa trong xóm vụt sáng trưng, sáng chói hẳn ra.
Xéo nhà tôi, phía bên kia đường, vợ chồng Năm Lôi không biết đào đâu ra tiền, thượng ra quán bia đầu tiên trong xóm. Vợ Năm Lôi ngày trước ngồi chợ chồm hổm bán hàng mẹt, nay son phấn ngồi sau quầy tính tiền, coi ra dáng như người giàu có ngoài phố lớn không xê một nét. Tôi biết tỏng bà ta chứa gái, bởi vậy mới hút khách rần rần.
Năm Lôi hơn tôi vài tuổi, trước sống bằng nghề bổ củi mướn, nay thành ông chủ, anh ta bỗng chốc tròn lẳn như ông địa. Buôn bán mà tối ngày cởi trần trùng trục, phơi cái bụng đỏ au, chinh binh chang bang như bụng bà bầu. Anh ta khoe với tôi, đám em út trong quán, em nào anh ta cũng biết tuốt. Là chỗ bạn nhậu ngày trước với nhau, nay làm nên ăn ra, thỉnh thoảng anh ta cũng mời tôi ra ngoại ô làm một chầu tới bến. Chủ yếu là Năm Lôi đãi mấy tay công tác ở phường, ở thị xã, tôi chỉ là khách mời cho thêm phần xôm tụ, cho có vẻ như là bình thường vậy thôi.
Một hôm tôi chạy xe ôm về lối mười một giờ khuya, thấy Năm Lôi ngồi uống rượu một mình trong quán, tôi ghé vào làm bậy mấy ly cho ấm. Năm Lôi nói oang oang, vợ ông bác sĩ sáng nay đệ đơn lên phường đòi lại thằng cháu, con Nương nổi khùng, xộc tận nhà bà ta chửi lộn.
Thiệt lạ, mẹ con nhà Nương trước nay vẫn nghèo mạt rệp, như người ta thì đã trả phứt thằng bé cho rồi, đằng này lại cứ khư khư giữ riệt. Mà thằng bé lại hay ốm đau quặt quẹo mới khổ. Nhiều bữa tôi qua chơi, thấy Tùng Đực hú hí với thằng bé mà tức cười. Anh ta cởi trần, nằm ngửa bụng dưới nền gạch tàu, thằng bé cưỡi trên bụng, thọc ngón tay vào lỗ mũi cha mà ngoáy, mà cười ré; còn cha nó thì cứ gào toáng lên, tin tin, tin tin. Cô vợ vừa ngồi bện xơ dừa vừa đá mắt vơi chồng, ra chiều trái đất chỉ có mỗi gia đình họ là hạnh phúc.
Ba Đực đang khỏe như trâu bỗng lăn ra bệnh. Bệnh ung thư ác tính di căn. Cái chết mười mươi mà không có họ hàng thân thích bên cạnh. Nương thành cô hộ lý tại gia. Những hôm mẹ đi khóc mướn, tự tay Nương phải lo chuyện tiêu tiểu, tắm rửa cho Ba Đức. Nương lột truồng Ba Đức ra, dùng khăn rửa ráy cho anh tỉnh bơ trước mặt chồng. Anh chồng vô tâm nhìn thấy cái ấy của bạn phơi ra nhăn nhúm, cười hí hí như ngựa.
Bệnh tình Ba Đức càng nặng, càng nhiều chị em đến thăm. Tôi biết, đa phần trong số họ là gái làm tiền một thời trong nghĩa địa. Nay nghĩa địa thành công viên, họ xoay ra buôn thúng bán bưng ngài chợ. Mỗi người một ít, ngày nào họ cũng gom góp đưa cho Nương một số tiền. Ba Đức nói với tôi: “Tao chết mày thiêu xác giùm tao. Đem tro vô táng trong chùa. Miếng đất mày bán giùm, đưa tiền cho vợ chồng Tùng Đực”.
Ngày Ba Đức qua đời, bà Sáu Ngật khóc như mưa như gió. Bà khóc to tới mức, hết thảy người đi đám cũng lây theo khóc sùi sụt. Có người nói, bà Sáu khóc cả đời, nhưng chỉ lần này mới khóc thiệt.
Ba Đức chết năm trước, năm sau nghĩa địa biến thành công viên. Người ta chở cau kiểng thân vàng và cây viết ở đâu về, trồng trong công viên rất nhiều. Cau kiểng trồng thành hàng dọc theo các lối đi đổ bằng xi măng. Cây viết cũng trồng thành hàng, thẳng vun vút như viết vào trời xanh nỗi suy tư của dân phố. Lại còn cây hoàng hậu mà ngoài Bắc người ta gọi cây móng bò, còn ở Tây Bắc gọi là hoa ban đỏ. Người ta còn dựng cả đu quay, cầu tuột, đem cả xe ô tô nhựa chạy điện bình cho trẻ con thuê tính tiền giờ. Tuy nhiên, ở góc công viên kế nhà tôi vẫn còn một khoảng đất trống rộng rinh, dành để chuẩn bị xây hòn giả sơn khổng lồ, nghe đâu có cả hang động, thác nước và khe suối như thật. Đồng bằng hiếm núi, chỉ có cách đó tẻ con mới biết núi là gì. Trẻ con vẫn thường mò vào cuộc đất trống đá banh. Đôi khi chúng ẩu đả bằng chân tay, đất đá tới vêu mồm, sứt trán. Để ngăn không cho trẻ con vào đá banh, ai đó đề xuất ý kiến trồng thêm hàng loạt cây hoàng hậu có tán lá rậm buông xõa xùm xòa kín cả gốc cây như cái tán, cái lọng che cho đôi lứa. Nơi đây tự dưng trở thành bãi đáp hàng đêm cho gái làng chơi. Lâu lâu công an mở chiến dịch, đứng bên này, tôi nghe rõ tiếng chân rượt đuổi huỳnh huỵch bên kia. Một lần có đứa con gái truồng lông lổng nhảy tường qua miếng đất trống phía sau nhà tôi, vào lúc tôi đang đứng úp tường xả nước. Nó đẩy tôi qua một bên, chạy xộc vô bếp, chốt cứng cửa bếp nhà tôi lại, báo hại tôi phải đứng ngoài trời đêm gần cả tiếng đồng hồ. Chừng ngó bộ đã yên tỉnh nó mới chịu mở cửa cho tôi vào. Nó ngồi sụp dưới đất, sướt mướt xin tôi cho nó mượn bộ quần áo. Quái lạ! Con nhỏ vận bộ đồ con trai của tôi vào coi lại đẹp một cách mạnh mẽ, ngang tàng. Tôi nhận ra nó là con gái út ông bán bánh mì giò chả kế cổng chùa trong xóm. Nó đang học lớp mười hai mà đã hư vậy. Ai mà ngờ được.
Con nhỏ đó ở nhà tên Mền, thuộc vào loại đẹp có cỡ ở thị xã. Chắc bởi đua đòi ăn diện xe xua mà đâm hư đốn. Vậy mà ngay cái năm nó xộc vào bếp nhà tôi, nó đăng quang vai á khôi hai cuộc thi người đẹp thị xã lần thứ nhất. Trên sân khấu, người dẫn chương trình giới thiệu tên nó là Lưu Yến Chi. Yến Chi cúi chào khán giả với nụ cười duyên dáng, e lệ, và ánh nhìn coi rất hồn hậu. Lúc Yến Chi xuất hiện trong bộ đồ tắm dưới ánh đèn màu và tiếng nhạc tươi tắn, rộn ràng, tôi thần cả người, mắt cứ bồng bềnh tấm thân trần trụi của nó hôm nào.
Cuối năm đó Yến Chi lấy chồng. Tôi cũng có thiệp mời dự lễ vu quy. Đám cưới vào loại rình rang ì xèo nhất xóm phố chúng tôi. Bia bọt xả giàn. Nhạc sống uỳnh uỳnh thâu đêm suốt sáng. Cô dâu ngời ngời như bông cẩm chướng giữa đám bạn gái roi rói tươi non. Chú rễ thì trái lại, héo hắt sự già nua bệnh hoạn. Đổi lại sự già nua của đức ông chồng hành nghề bán phế liệu và kinh doanh vật liệu xây dựng, Yến Chi Mền hốt được mớ tiền đem về cho cha mẹ lên được ngôi nhà lầu, góp phần làm đẹp thêm cho xóm phố.
Nhờ chạy xe ôm, tôi kiếm đủ tiền học xong chương trình trung cấp điện máy. Năm tôi tốt nghiệp, xóm phố chúng tôi đã thay đổi rất nhiều. Sự phất lên về tiền bạc không còn xô đẩy đám con gái mới lớn lao vào cuộc kiếm tiền như đám đàn chị trước đây. Đứa nào trông cũng non nõn, cũng ra dáng con nhà lành được ăn học tử tế. Do khách hàng say xỉn hay kiếm chuyện, quán bia ôm của vợ chồng Năm Lôi không còn tồn tại. Thay vào đó là cơ sở làm hột vịt muối, hột vịt bắc thảo. Hai vợ chồng Nương trở thành công nhân của nhà doanh nghiệp Năm Lôi. Gia đình bà vợ ông bác sĩ đã dời hết lên thành phố. Ngôi nhà của họ được nhượng lại cho một ông hành nghề thuốc bắc. Xóm lá sau lưng nghĩa địa của chúng tôi thực đã trở thành phố rồi chăng?
Tình cờ tôi đi đò dọc trên sông gặp Mền. Lưu Yến Chi Mền vẫn như xưa, vẫn không hề thay đổi, vẫn đẹp phơi phới rạo rực như hồi đăng quang vai á khôi hai của thị xã. Mền vẫn sống với ông chồng già cú đế của mình. Họ cọc cạch như cha con, chẳng con cái gì, ngoài con bẹc giê nuôi giữ nhà và con xi lùn Nhựt Bổn cho Mền ve vuốt.
Mền mời tôi tới nhà chơi. Tôi ngồi cả buổi mà không thấy ông chồng xuất hiện. Hỏi thì Mền nói rằng, lão già chỉ ru rú một mình trên gác với bộ bài lá trên tay, phó mặc việc làm ăn cho vợ. Cô ta than phiền với tôi, rằng lão già không được tích sự gì trong việc làm đàn ông từ lúc cưới tới giờ, nhưng chuyện ngó ngáy ngọ ngoạy thì đêm nào cũng hăng lắm. Từ khi phải cắt bỏ túi mật và phải liên tục uống thuốc trị bệnh tiểu đường, lão coi như không còn có Mền trên đời. Lão co vào cái vỏ ốc là căn phòng riêng có cái két sắt của lão. Tính keo bẩn của lão già sắp chết mỗi ngày mỗi đẩy Mền ra khơi như con thuyền không bánh lái.
Lúc tôi ra về, Mền nói:
- Năm sau tôi lại về xóm đấy!
Tôi hỏi:
- Có rinh theo ngôi nhà này không?
Mền cười tủm tỉm như hồi đăng quang á hậu:
- Có nhà ở xóm rồi, rinh theo của nợ này làm gì.
Qủa là xóm phố của chúng tôi cũng không còn có đất để cắm thêm ngôi nhà nữa thật. Duy còn một chỗ khả dĩ có thể cất thêm ngôi nhà, đó là chỗ Nương và Tùng Đực đang sống. Nhưng dễ gì đôi vợ chồng đang hạnh phúc với đứa con nuôi đã biết đi, biết chạy, biết hát, cho cắm vào phần đất của họ ngôi nhà không phải là mồ hôi công sức của họ. Họ vẫn đang gom góp dành dụm từng đồng từng cắc.
Thì ra xóm phố chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn gọi là phố được, bởi dẫu sao vẫn còn một ngôi nhà lá sờ sờ ra đấy.