Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.237
123.153.943
 
Dưới tán rừng xanh
Nguyễn Đức Thiện

Cách đây chừng gần muời năm, khi thấy tôi chuẩn bị rời rừng Lò Gò- Xa Mát  để về lại Thị xã Tây Ninh thì Trần Văn Dình, đồn trưởng đồn biên phòng Tân Phú bảo tôi:

- Ngày mai, trước khi anh về, đi với tôi đến thăm người rừng nghe.

 

Người rừng? Đùa sao ông Dình ? Dình cười: Đùa với anh làm gì. Thật một trăm phần trăm. Hơn ba mươi năm không ra đến cửa rừng, không xứng đáng làm người rừng sao? Tức là từ hồi còn chiến tranh? Đúng. Từ hồi chiến tranh. Chiến tranh kết thúc ổng cũng không biết. Chỉ thấy không còn máy bay trên đầu, không còn thấy tiếng súng.

 

Tôi lên đây trong chuyến xe của ông phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh. Chiếc xe trằn mình trên con đường không biết có nên gọi là đường không? Vừa nhích qua bên này, lại phải đâm bổ sang đường bên kia. Mới chúi đầu xuống một cái ổ gà lại bật lên dốc ngược đầu bươn lên tìm chỗ bám để tiếp tục nhích tới. Những người ngồi trên hết bị quăng qua bên này lại bị nén sang bên kia. Rồi cũng đến được đồn biên phòng Tân Phú. Một dãy tường hào bao lấy mấy căn nhà trong đồn . Chỉ có một dãy nhà xây, còn tất cả là những căn nhà như nhà dân, có rộng hơn chút ít và được thưng bằng những tấm ván. Với anh em trong đồn, ai đến cũng thành thượng khách hết. Anh em chạy ùa ra đón chúng tôi, trong lúc chúng tôi bận bịu lo phủi một lớp bụi dày trên quần áo.

 

Đồn nằm ở giữa rừng, theo đúng nghĩa đen. Bước chân ra nngoài cổng đồn là thấy rừng. Nhớ ra, trên một quãng đường rất dài, không thấy một nhà dân. Trớic đồn là con đường mà chúng tôi vừa đi kéo dài từ Xa Mát vào, chỉ có vài đoạn còn đi êm ái, còn tất cả đã bị cày xới sau những cơn mưa dai dẳng vào mùa mưa và càng sâu thêm khi trời nắng những ổ gà, ổi voi không sửa chữa kịp, trơ ra những hòn đá cục, đá hòn. Cũng tại đồn Tân Phú này, tôi đã chứng kiến một chuyện mà không chỉ đồn Tân Phú mà cả lược luợng biên phòng Tây Ninh đầu còn nhớ. Và nó cũng thành một ký ức không phai trong tôi.

 

Hồi đó, nguyên Tổng bí thư  đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu còn làm thường trực Ban bí thư. Ông lên Tây Ninh làm việc và đi kiểm tra tuyến phòng thủ biên giới Tây Ninh. Ông đòi đến một đồn vào loại khó khăn nhất của tỉnh Tây Ninh lúc bấy giờ. Và ông đã có mặt ở đồn Tân Phú. Vừa bước chân xuống là ông dạo khắp khu vực đồn. Ông chui cả xuống giao thông hào. Nhòm ngó đến từng ụ cảnh giới. Gần một tiếng đồng hồ sau ông mới ngồi vào phòng họp của đồn. Mới chỉ được báo trước vài giờ đồng hồ, anh em trong đồn đón tiếp ông bằng tất cả những gì vốn có. Không có hoa, không khăn trải bàn, không kịp cả quét đi những lớp bụi còn phủ trên chiếc ti vi, trên chiếc bàn kê dưới tấm phông chắc mới phục vụ sinh hoạt văn nghệ. Giống như các cuộc họp thông thờng khác trong đồn, chỉ khác cuộc họp này đông người hơn và có thêm một số đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo biên phòng tỉnh. Ông ngồi nghe chăm chú về tất cả những gì có trong báo cáo mà đồn đã trình bày. Ông không phát biểu như những đồng chí lãnh đạo khác đến với đồn xa. Ông hỏi từng việc một. Ở đây anh em được đảm bảo sức khoẻ bằng cách nào. Mỗi ngày tổ chức bao nhiêu cuộc tuần tra. Có vào rừng săn bắn hay không…Cuối cùng ông hỏi anh đồn trưởng:

- Các đồng chí vừa báo cáo, quân số ở đồn có một đại đội. Nhà dân cách đồn nơi gần nhất là mười một cây số. Giả sử bây giờ địch dùng lược lương một tiểu đoàn bao vây các đồng chí. Thì bằng cách nào các đồng chí bảo vệ được đồn, bằng cách nào liên lạc với địa phương để chi viện kịp thời. Rồi bắng cách nào để vận chuyển lương thực, thực phẩm chó các đồng chí để đảm bảo chiến đấu?

 

Ông Năm Anh, Đại tá chỉ huy trưởng biên phòng Tây Ninh đứng lên xin phát biểu. Ông Lê Khả Phiêu khoát tay:

- Tôi đề nghị đồng chí đồn trưởng trả lời.

Anh đồn trưởng cao lớn đứng dậy, tay cầm chiếc thước chỉ lên bản đồ. Ông Lê Khả Phiêu khoát tay một lần nữa:

- Bản đồ tôi biết rồi, tôi chỉ hỏi đồng chí địch dùng một tiểu đoàn bao vây đồn, bằng cách nào đồng chí bảo vệ được đồn, và liên hệ với địa phương nhờ chi viện.

           

Anh đồn trưởng lúng túng. Thêm một lần nữa đại tá Năm Anh lại đứng dậy. Ông Lê Khả Phiêu nghiêm giọng:

            - Đồng chí là chỉ huy trưởng. Địch đánh vào đồn không lẽ đồng chí lên đây trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Việc này là của đồng chí đồn trưởng. Tôi hỏi đồng chí đồn trưởng.

            Anh đồn trưởng chắc là lần đầu được tiếp một đồng chí lãnh đạo đảng cao cấp, lại bị hỏi đột ngột nên lúng túng hoài. Mồ hôi tứa ra làm ướt sũng bộ quân phục. Đồng chí Lê Khả Phiêu bấy giờ mới đứng dậy:

            - Tôi biết, các đồng chí đã có những phương án tác chiến. Tuy nhiên tôi phải nhắc các đồng chí một điều: phương án là phương án. Kẻ địch đánh chúng ta không bao giờ đúng với phương án mà chúng ta vạch ra. Do vậy, chúng ta phải tính hết mọi tình huống. Trong đó có cả những tình huống xấu nhất. Có như thế chúng ta mới không bị động trước những cuộc tấn công bất ngờ của kẻ thù. Các đồng chí sống ở một đồn giống như ốc đảo thế này, thì điều quan trọng nhất là phải tạo ra được một thế chủ động ngay trong hoàn cảnh khó khăn …

           

Ông vỗ vai anh đồn trưởng:

            - Tôi nói những điều trên không phải dành riêng cho đồng chí đâu, mà cho cả biên phòng Tây Ninh đó. Tôi là đồng chí với đồng chí mà với chi tiết nhỏ như thế, đồng chí còn lúng túng, thế lỡ có tình huống ấy thật, đồng chí xử lý sao…

           

Nhưng rồi ông cười:

            - Không sao, không sao. Tôi hiểu, bình thường thì thế thôi. Nhưng có địch, chắc các đồng chí không để mất đồn đâu, phải không?

           

Lần đến với đồn Tân Phú , chuyện ấy ghi sâu vào tâm trí của một người viết như tôi. Đồn trưởng hôm nay không còn là anh đồn trưởng lúng túng ướt sũng mồ hôi ngày ông Lê Khả Phiêu lên đây. Đồn trưởng Trần Văn Dình bỏ hết một ngày đưa tôi đi dọc cánh rừng biên giới nơi đồn quản lý. Ở Tây Ninh này kiếm được một khu rừng như thế thực khó. Dình đưa tôi lạc vào một góc rừng, nơi đó còn những cây dầu cao vút, thân cả mấy vòng tay ôm. Chỉ tiếc, trên thân những cây dầu đó đã bị đục những cái lỗ vuông, dấu hiệu của việc khai thác dầu của những người kiếm sống bằng nghề rừng. Một vạt cây dầu như thế kéo dài vào sâu trong rừng. Dình nói với tôi: phải khéo lắm mới giữ lại được một cánh rừng như thế. Tôi ngạc nhiên. Dình giải thích: rừng còn, thì bao giờ cũng còn người bám rừng kiếm sống. Họ đục cây lấy đầu, họ kiếm nấm, họ cắt cây… Họ làm tất cả vì cuộc sống. Anh đưa tôi tới một đoạn giao thông hào đào khá sâu ở dọc tuyến biên giới. Anh kề: người từ bên kia biên giới sang đây lấy cắp cây mỗi ngày. Bắt chỗ này thì họ trộm chỗ khác. Công việc của đồn quá nhiều, nhưng cũng phải đào những đoạn hào thế này để ngăn họ đưa xe cù sang lấy cây. Nhưng họ cũng lắm cách trốn tránh. Họ làm những cây cầu dã chiến. Khi không có bộ đội biên phòng tuần tra qua là họ lao cầu qua hào chuyển gỗ qua hào nhanh không thể tưởng tượng nổi. Cứ vài ngày lại phải làm một cuộc đốt cầu. Dình thốt lên: Bọn tôi nhận bảo vệ rừng theo kế hoạch của Kiểm lâm Tây Ninh. Năm mươi ngàn đồng một héc ta một năm. Không nhận thì không làm tròn trách nhiệm mà nhận thì vất vả vô cùng. Mất một cây là bị cấn vào tiền bảo vệ rừng. Trong khi đó, không thể trải anh em ra chỉ để bảo vệ rừng. Còn trăm công ngàn việc của bộ đội biên phòng nữa. Tôi thông cảm với những lời ta thán của Dình. Giữ rừng ở Tây Ninh này khó thế nào, tôi đã từng chứng kiến nhiều lần. Chả thế mà một trăm bốn mươi ngàn héc ta, nay chỉ còn khoảng bốn mươi ngàn héc ta rừng tự nhiên. Năm nào cũng trồng rừng để đến hôm nay, Tây Ninh mới chỉ khôi phục diện tích bằng gần phân nửa diện tích rừng ngày xưa. Trong đó cây rừng chẳng đáng là bao, thay vào đó là cao su, nhãn, xoài… thứ có lợi ngay cho người và để tham gia vào việc phủ xanh đất trống.

           

Dình là người dẫn đường cho tôi đến gặp người rừng. Anh chẳng tiết lộ gì thêm về con người này, chắc là để tôi phải ngạc nhiên về con người mà anh giới thiệu. Chiếc xe hon da luồn lách trên một con đường mòn nhỏ. Xin kể thêm, chiều tối hôm qua, Dình đã phải gọi điên thoại ra xã Tân Bình, Tân Biên, kêu thêm một anh xe ôm nữa vào để chở anh bạn quay phim cùng về với tôi. Cái anh xe ôm này có vẻ nhát. Anh dặn anh quay phim:

            - Này, hễ tôi kêu chạy là phải chạy nghe. Máy móc anh tự lo lấy, tôi không chịu trách nhiệm về nó đâu nghe.

           

Có nguyên nhân của sự nhút nhát này. Mới cách đây gần nửa tháng, đã có cuộc đấu súng giữa anh em bộ đội biên phòng Tân Phú với những kẻ trộm cây từ bên kia biên giới sang. Trong cuộc đấu súng ấy, ta đuổi được họ sang bên kia, nhưng hy sinh mất một chiến sĩ. Xem ra giữ rừng ở đây căng giống như một trận chiến đấu rồi.

           

Chiếc xe hon đa Dình cầm lái giống như một con rắn oằn qua, oằn lại lượn vòng vo theo một con đường mòn mơ hồ trong cánh rừng. Rừng ở Tân Phú xem ra còn khá dày. Ba tầng che phủ gần như còn nguyên vẹn với lớp cây dưới đất, lớp dây leo chằng chịt và tầng trên cùng là những ngọn của những cây có tầm vươn cao nhất. Thêm một lần nữa ghi nhận rằng Tây Ninh vẫn còn được một cánh rừng qúy, nhưng không biết số phận của nói rồi đây sẽ ra sao nếu việc phá rừng đang được báo động mà kẻ phá rừng lại không nằm trong tầm kiểm soát của các lực lượng giữ rừng của Tây Ninh. Chiếc xe dừng lại bên một cái chòi nhỏ. Cái chòi ngang dọc chừng sáu bảy mét. Không thấy bất cứ một cọng sắt nào trên cái chòi. Cột là những cây lục, chỉ còn lõi, lâu ngày đã lên nước. Chỗ có bàn tay, bàn chân đụng đến bóng loáng như xoa mỡ. Mái nhà vẫn lợp thứ lá ngày xưa bộ đội hay lợp: lá trung quân, nhưng khác là lá được kết dày hơn và lợp thành nhiều lớp. Những nút lạt trong chòi là những sợi mây không chỉ được chuốt rất đều mà còn được cột rất khéo để cột, kèo, dui, mè đan vào với nhau chắc chắn khó tháo ra được. Sàn chòi là những cây lồ ô chẻ ra thành từng miếng. Lâu ngày sàn đã lên nước bóng. Tất cả những móc treo trong nhà từ treo quần áo, đến treo các thứ chai, lọ, gióng chén đũa cũng dược làm bằng cây rừng và néo buộc chắc chắn bằng sợi mây. Thêm một điều đặc biệt nữa là cái chòi không có cái cột nào chôn xuống đất. Các chân cột được giữ vững chắc nhờ một cái khung gác lên mấy cây cổ thụ đã nghiêng gốc. Thân cây còn tươi nguyên. Ngọn cây đã uốn cong để vươn lên trời tìm ánh sáng. Những lỗ khoan rất khéo, để giữ cái khung sàn chòi lại bằng những cái chốt cũng bằng gỗ. Rô-bin-xơn Cru – xô trong tiểu thuyết tưởng tượng chắc cũng có cái chòi giống thế này thôi. Một ông già quắc thước chắc nghe tiếng xe hon đa chạy đến đang lui cui bước từng bậc một dưới khe lên. Ông đến trước mắt tôi và đứng lại. Tôi ngạc nhiên trố mắt nhìn ông. Một khuôn mặt vuông vức. Da mặt giống như nước đồng hun. Mái tóc cắt ngắn, từng ngọn chỏng lên cứng cáp. Hai mắt sắc lẻm, nhanh như mắt một con thú. Cái miệng rộng và có một nét cười rất tự nhiên thường trực trên môi. Hàm râu cũng cứng cáp được xén rất gọn. Ria mép cũng được xén tỉa khá công phu. Ông ở trần. Từng múi thịt trên ngực ông gồ lên. Cách tay ông giống như một sợi dây rừng, săn chắc.

            - Chú Sáu, người rừng…

           

Dình giới thiệu ngắn gọn. Ông Sáu bắt tay tôi:

- Nhưng phải có cái tên chớ?

-Tên tôi người ta quên mất lâu rồi. Mà tôi cũng chẳng cần nhớ. Người ta kêu Sáu  người rừng thì tôi là Sáu  người rừng. Được rồi.

           

Đúng là người sống trong rừng, tiếng ông rổn rảng có lẽ khối anh diễn viên kịch nói thèm thuồng vì đài từ rõ và âm hưởng vang vang.

           

Dình nói thay ông:

            - Đúng đó. Anh đi từ đây ra Tân Biên, khắp các xã Tân Bình, Tân Lập và xa hơn nữa xuống Thạnh Tây, hỏi ông ai cũng biết, chớ hỏi tên ông không ai biết đâu, ngay tụi tôi ở đây, bây giờ cũng chưa biết đến tên ông nữa kìa.

           

Đời gặp đã lắm người lập dị, nhưng đây có lẽ là mẫu người lập dị đầu tiên tôi gặp. Đến cả tên mình cũng không cần nhắc đến thì cũng là hiếm thấy.

-Nghe nói chú Sáu đã ba mươi mấy năm không ra đến cửa rừng, phải không chú Sáu ?

            - Làm sao biết. Thấy mấy chú biên phòng tính tính, đếm đếm vậy, chớ tôi đâu có biết là bao nhiêu năm. Tôi đã là chiến sĩ cảnh vệ của căn cứ Lò Gò. Hồi đó Mỹ nó đánh bom ở đây nhiều vô kể. Tôi bị thương. Khỏi vết thương tôi lấy vợ và ở trong rừng luôn…

            - Vậy vợ con chú đâu rồi ?

            - Làm gì còn vợ. Bả chết rồi. Còn con? Ngoài Tân Bình đó.

            - Ua. Vậy sao chú không ra ngoải ở?

            - Ra làm chi. Tôi ở đây quen rồi. Ra ngoải, làm sao sống?

            - Vậy mấy đứa con chú có vô thăm chú không?

            - Vô chớ. Không vô sao được. Nhưng ghét, vô lần nào chúng cũng cằn nhằn đòi tôi phải ra ngoài ấy sống…Ra sao được. Nói thiệt với mấy chú, không phải tôi giận hờn ai mà sống ở đây đâu. Tôi thấy không thể xa rừng được. Đơn giản chỉ có vậy. Mỗi ngày tôi không nghe tiếng suối róc rách, sáng ra tôi không thấy sương lạnh của rừng, không nghe bầy bù chao la inh ỏi… tôi không biết mình sẽ ra sao nữa. Mà sống ở đây tôi có thiếu cái gì đâu. Gạo, mấy chú biên phòng mang ra cho. Muối cũng thế. Còn đồ ăn thả mấy con gà, thả bè rau muống, xà-lách xoong . Thiếu thì xuống suối bắt cá, ra sông Vàm cỏ đông đánh lưới. Có cái “ra-dô”( Ra-đi-ô) nhỏ nhỏ kia là biết cả thế giới rồi… còn phải đi đâu nữa. Mấy chú biên phòng còn bày đặt trả tiền bảo vệ rừng cho tôi nữa. Tôi cần gì tiền. Tôi coi rừng này là của tôi, thằng nào đụng tới tôi cắt dái nó nhậu chơi.

           

Dình xác nhận điều đó với tôi. Sở dĩ rừng nơi này còn dày, còn đẹp là một phần nhờ ở ông Sáu người rừng. Người rừng mà ngán ai. Mấy thằng bên kia biên giới mấy lần lăm le tính sang đây lấy cây, ông nhắn sang bển biểu: thằng nào ngon sang, tao ăn thua đủ. Đã có một toán sang đây rồi. Bọn tôi chưa kịp triển khai lực lượng thì ông đã vác một can rượi hai mươi lít đến tận chỗ bọn chúng. Ông đặt can rựơu trước mặt mấy thằng cọp cây biểu: Thằng nào uống được một lúc ba chén rượu, tao cho vào rừng lấy cây. Nếu không cút. Bấy giờ tao uống trước nè. Không phải chén mà là tô. Ông rót ba tô đầy vun, húp soàm soạp, nuốt ừng ực. Cái giống uống rượu đổ vào họng uống đã là kinh. Đằng này rượu mà ông uống như húp cháo, nuốt như nuốt nước mắm. Nhìn muốn xỉn rồi, thằng nào dám đấu với ông. Uống xong, ông dang tay ném cái tô xuống đất bể tan. Lấy ra một cái tô khác từ từ rót rượu ra. “ Tao nói bay nghe, tao ở đây có một mình. Chết, tao chết một mình. Nhưng nếu thằng nào chém xuống cây rừng ở đây một nhát, tao chơi một nhát, chết cũng đặng” . Bon kia rút êm. Gồng gánh chuyển đi nơi khác làm ăn.

- Chuyện ông nói như đã viết trong sách ấy.- Tôi nói với Dình.

- Sách viết về ổng cũng không đủ, thế ăn thua gì. Thành tích nhiều lắm, mấy lần tính mời ông đi dự hội nghị nọ kia, ông biểu: tao không quen chỗ đông người. Miễn cho tao. Còn giấy khen, bằng khen, bay đừng làm cho tốn giấy viết. Giữa rừng này tao khoe với ai mà nhận về. Cái ông này lạ. Phòng chính sách huyện Tân Biên đã vào tận đây tính làm chính sách khen thưởng cho ông. Biểu ông khai thành tích, ông nói: Thành tích hả. Tao là du kích xã ỡ đây, đi bộ đội ở đây, bị thương ở đây, bây giờ ở đây thành tích gì đâu mà khai. Thôi cho tao yên đi bay. Muốn tặng ông huân huy chương thì cũng phải kê khai, mà ông không kê khai thì làm sao cấp. Chúng tôi chỉ còn cách là ráng chăm sóc cho ông để ông sống yên với rừng thôi. Lâu lâu cho người mang gạo, muối đến cho ông. Cử người đến cắt tóc cho ông. Lâu lâu cho y tá ra khám sức khoẻ cho ông… Góc rừng này yên là nhờ ông. Chăm sóc như thế đâu có đủ…Phải không.

 

Chiều ấy, tôi ở lại nhậu với ông Sáu người rừng. Tửu lượng tôi cũng vào loại anh chị trong làng báo Tây Ninh vậy mà thấy ông uống tôi cũng ngợp. Ông uống bằng chén ăn cơm và cho phép tôi và Dình dùng cái ly xoay chừng. Chén rượu, ông hớp có hai hớp. Còn mồi? Ông lùa bắt một con gà. Ông xuống suối xục một hồi bắt về mấy con cá trê con nào con nấy bằng cườm tay, ném vào bếp lửa. Còn rượu, trong chòi ông còn vài ba can. Mấy đứa con ngoài Tân Bình có tiếp tế cho ông, ông chỉ đòi có rượu…

 

Bỗng thấy trên vách có một cây đờn cò. Tôi hỏi:

- Chú Sáu chơi đàn cò được há, chú Sáu?

- Chơi gì đâu, để đó, có khi mấy đứa nhỏ kiểm lâm, hay mấy thằng bên biên phòng tới cho nó chơi, tao nghe. Tao mê đờn cò từ nhỏ, mà tay tao vụng, chơi không được. Bay chơi được không, chơi bản coi…

 

Chắc tôi còn vụng hơn ổng, nên chẳng dám đụng đến cây đờn cò.

Về đến Tân Biên, quả là hỏi đến ông Sáu người rừng ai cũng biết thực. Hình ảnh ông cứ bám lấy tôi, và ông thành những nhân vật trong truyện ngắn ; “ DÒNG SÔNG VẪN TRÔI”. Tôi lấy ông làm nguyên mẫu trong một chương tiểu thuyết “NGÔI NHÀ QUỶ ÁM”. Cách đây ít lâu, tôi gặp lại Trần Văn Dình và hỏi thăm ông. Dình bảo: ông yếu nhiều rồi.  Các con phải làm cáng đưa ông ra Tân Bình trị bệnh. Bọn tôi đã phải thành lập một tổ chốt ba, bốn anh em trám vào chỗ cái chòi của ổng. Sao ông giống một vị tướng oai phong trấn giữ một vùng, thiếu ông phải lo tổ chức lực lượng lại. Nhưng thực lòng, ông ra được Tân Bình trị bệnh, cũng mừng cho ông. Nhưng rồi một ngày kia, tôi bỗng nghe tin, ông mất. Một người xa lạ với tôi mà sao tôi cũng chạnh lòng buồn. Có lẽ bởi ông đã cho tôi một mẫu người không thể gặp được ở đâu. Ai có ở rừng mà có ở rừng lâu như ông mới hiểu được một con người gắn bó với từng gốc cây ngọn cỏ của rừng. Đến lúc này, tôi mới biết tên thực của ông, ông Sáu Nguyễn Văn Hải.

*

Hôm nay sau gần muời năm tôi lại lên rừng Lò Gò - Xa Mát. Nhưng không phải lên với bộ đội biên phòng mà lên với Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát. Lại gặp người quen. Đó là Lý Văn Trợ, người đã từng làm giám đốc Dự án 327 bên Tân Châu. Bây giờ anh là phó giám đốc vườn quốc gia. Nhìn vào Ban quản lý dự án thấy ngay tầm quan trọng của vườn quốc gia này. Ngoài Lý Văn Trợ, Tây Ninh còn bổ xung một phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm giám đốc. Thạc sỹ Nguyễn Đình Xuân, đại biểu quốc  hội khoá này làm phó giám đốc thứ hai. Nhưng ấn tượng với tôi vẫn là Lý Văn Trợ. Anh chàng người xứ Quãng Ngãi này không ngờ lại gắn bó với rừng Tây Ninh đến như vậy. Lần trước bên Tân Châu, anh đã chở tôi bằng xe hon đa luồn rừng ra tận thượng nguồn sông Sài Gòn. Dẫn tôi đến từng cây cổ thụ còn sót lại trong cánh rừng đang được hồi phục bên ấy. Còn ở đây, anh biết, chỗ đứng của mình không chỉ còn là trồng rừng mới mà là bảo vệ một tài sản thiên nhiên của quốc gia.

 

Vừa thấy tôi ở cổng trụ sở của Ban quản lý, Anh đã chạy ra:

- Ông bận rộn gì mà năm lần bảy lượt kêu, ông cũng không lên tụi tôi thế?

- Không, không bận, còn chờ để xem ông thấm vườn quốc gia đến đâu, để lên còn được ông dẫn đi như ở bên Tân Châu chớ.

            - Mấy hồi. Công việc bây giờ có cả những nhà khoa học tham gia, chớ đâu chỉ còn anh giám đốc vói người trồng rừng nữa.

            Anh kéo tôi vào phòng làm việc. Căn phòng còn rất nhỏ, không bề thế chút nào so với danh Vườn quốc gia. Vẫn là nhà xây cấp bốn. Vẫn những vật dụng đơn giản. Anh đưa tôi một xấp tài liệu về Vườn quốpc gia Lò Gò- Xa Mát. Sau đây là những điều tôi ghi lại được từ xấp tài liệu của anh:

 

Khu vực rừng Lò Gò – Xa Mát thuộc địa bàn Tân Biên chiếm khoảng 25% diện tích rừng của toàn tỉnh. Trước đây theo quy hoạch và có quyết định của Chính phủ xếp hạng đây là khu rừng di tích Lịch sử văn hoá và môi trường , với diện tích ban đầu là gần 17.000 héc ta. Sau khi có dự án xây dựng khu rừng này, Ban quản lý dự án cùng các nhà khoa học phát hiện ra rằng, rừng Lò Gò- Xa Mát không chỉ có giá trị về lịch sử văn hoá, mà nó còn là một khu rừng nguyên sinh. Viện điều tra quy hoạch rừng và chương trình BridLife quốc tế tại Đông Dương nghiên cứu về giá trị thiên nhiên đã xác định ở đây còn nhiều diện tích rừng tự nhiên với diện tích lớn cần được đánh giá lại và mở rộng khu bảo tồn. Trước những hoạt động tích cực và những bằng chứng xác thực, ngày 12-7-2003, Thủ tướng chính phủ đã ra quyết định chính thức chuyển hạng khu bảo tồn thiên nhiên Lò Gò- Xa Mát thành Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát với tổng diện tích gần 20.000 héc ta. Đây là được xác định là rừng đất ngập nước , là vùng chuyển giao giữa hai hệ sinh thái rừng cao nguyên của Tây Nguyên và rừng ngập nước vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng có sự khác biệt rất lớn.

 

Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát nằm ở góc Tây Bắc của tỉnh Tây Ninh giáp với Biên giới quốc tế Campuchia. Một số công trình nghiên cứu gần đây của các tổ chức trong nước và nước ngoài cho thấy ở đây hiện có 251 loài động vật có xương sống trên cạn , bao gồm 11 loài lưỡng thê, 26 loài bò sát , 180 loài chim và 34 loài thú, chiếm hơn 90% loài thú sống trên cạn theo thống kê của tỉnh Tây Ninh. Trong đó có nhiều loài thú quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Con sông Vàm Cỏ Đông chạy dài suốt 16 kilomet dọc theo khu rừng này. Cùng với sông Vàm Cỏ Đông là một hệ thống suối chằng chịt như suối Đa Ha, Mẹc Nụ, Xa Nghe, Tà Nốt, Bà Điếc…tạo thành một hệ sinh thái đặc biệt. Chỉ riêng các loài  chim trong khu rừng này đã rất phong phú. Có loài rất quý hiếm như được xem như là đã tuyệt chủng trên thế giới như Hồng Hoàng và Sếu cổ trụi đã có mặt tại rừng này qua khảo sát dư luận. Ngoài ra có những loài đã được đánh giá qúy hiếm như Giáng Sen Ciconia ephiscoput, Gà Đẫy nhỏ Leptoptilos javanicus và Cò nhạn Anattomus ostans. Các nhà sinh cảnh rừng ghi nhận ở đây một loài bị đe dọa toàn cầu là Gà lôi hồng tía Lophura diarirđi . Hai loài có vùng phân bố hẹp Gà tiền mặt đỏ Polyplectron gemaini. Ngoài ra đây còn là nơi dừng chân của Sếu đầu đỏ Grus antigonne trong chuyến di chuyển từ đồng bằng sông Cửu long về nơi sinh sản ở Cămphuchia. Những cứ liệu trên đây, các nhà khoa học đã xác định Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát là một trong 63 vùng chim quan trọng . Ngoài những loài chim qúy hiếm vườn quốc gia Lò Gò- Xa mát còn được đánh giá là một rừng có nhiều dạng sinh thái phong phú với rừng già, rừng ngập nước, rừng bán ngập, những trảng, bàu là điều kiện cho nhiều loài cây , cỏ phát triển , nếu được bảo vệ tốt sẽ tạo thành một khu danh lam, thắng cảnh đẹp trong tương lai. Hệ sinh thái đặc biệt này, được ghi nhận bao gồm rừng kín thường xanh, rừng kín nửa rụng lá và rừng thưa cây họ dầu. Khu rừng này có nhiều giá trị sử dụng, trong đó có thể khai thác cá, thủy sản, du lịch , giải trí, nghiên cứu khoa học, thu hái, săn bắt các sản phẩm thiên nhiên nhưng quan trọng hơn là lưu trữ, bảo tồn, các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

 

Lý Văn Trợ vẫn sôi nổi như hôm nào:

- Bọn mình mới tổ chức một cuộc hội thảo khoa học. Có hội thảo, mmới thấy mình còn quá ngớ ngẩn đối với việc quản lý một vườn quốc gia qúy như thế này. Ngày trước, đâu có tính đến chuyện bảo vệ nguyên vẹn khu rừng này. Vì bảo vệ biên giới, đã làm một con đường xuyên ngang rừng. May mà chưa tổ chức đưa dân lên bám biên giới sống. Thêm dân là thêm việc phá rừng, không biết đường nào mà giữ nữa. Tôi đọc cho anh nghe một đoạn báo cáo của chúng tôi nghe:” Năm 2003, năm đầu tiên Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát thực hiện theo quy chế chính thức, nhưng đã có tới 36 vụ vi phạm luật bảo vệ rừng. Trong đó có 20 vụ khai thác cây rừng, hai vụ phá rừng làm rẫy, ba vụ vận chuyển lâm sản trái phép. Năm vụ đục cây lấy dầu, hai vụ lấn chiếm đất quản lý hành chính…Đấy là chưa kể đến việc săn bắt thú thường xuyên diễn ra.”

 

Anh tiếp, giọng anh trì triết như có ai đã xâm phạm đến của nả nhà anh vậy:

- Anh có biết không? Đã có lần ban quản lý vườn tụi tôi phải phục kích mấy ngày trời cả đêm lẫn ngày mới bắt và tịch thu được một con chim qúy hiếm và thả vào rừng. Một con sếu chưa xác định được tên mắc bẫy, may mà chưa bị gẫy dò, gãy cánh. Hỏi người dăng bẫy khi bị bắt: “ Anh có biết tất cả chim thú ở đây đều không được đánh bắt không” . Anh ta tỉnh bơ: “ Của rừng làm gì dữ” . Anh coi kìa:  hơn 500 chiếc xe đạp chuyên để thồ cây rừng đó. Còn kia nữa hơn ba mươi chiếc xe bò dùng để cù cây. Toàn tịch thu của những người vi phạm không đó.

- Còn năm 2004 này thì sao?

- Chưa cải thiện được. Bọn tôi vừa bắt ba vụ cắt trộm cây . Ba cây dầu bán kính ba mươi phân. Trong điều kiện tự nhiên, ba cây ấy sống ít nhất cũng gần hai mươi năm chớ  ít gì…

 

Rất thông cảm với sự hằn học khó chịu của Lý Văn Trợ. Hai mươi ngừơi của Ban quản lý, thêm bốn người của Hạt kiểm lâm, hợp đồng thêm bốn người làm kiểm lâm nữa. Thêm năm mươi người bảo vệ rừng của Ban quản lý. Hết. Ngần ấy con người cho một vùng rừng hơn 20.000 hécta, có cả sông, rạch, ngòi, có cả rừng nguyên sinh, rừng tái sinh… làm sao coi sóc cho vẹn toàn được. Vốn qúy quốc gia chông chênh trước sự thèm khát của những kẻ muốn kiếm lợi từ rừng. Tôi lảng sang chuyện khác:

- Nè, tôi lên đây đâu có phải để nghe ông than thở. Hả?

            - Ờ hé. Ra xe đi.

           

Chúng tôi ra xe. Chiếc xe đưa chúng tôi vào rừng tốt hơn nhiều so với chiếc xe cà khổ của ban quản lý dự án 327 bên Tân Châu. Sức nó rất khoẻ, đủ sức đưa chúng tôi vào những nơi sâu nhất của rừng Lò Gò- Xa Mát. Thỉnh thoảng lại có một bầy chim bay lên. Những con chồn chạy ngang đường. Mấy con thỏ thản nhiên đứng ngay vệ đường nhìn xe chúng tôi lướt qua. Nhất là bầy bù chao, thấy xe vào rừng là choang choác kêu, loạn cả một góc rừng. Trên những thân cây, những con sóc bay vèo từ cành này sang cành khác. Xe dừng lại ở những cây dầu cổ thụ, nơi ngày trước Đồn trưởng Trần Văn Dình đã đưa tôi tới Những cây dầu vẫn con nguyên đó, cao vòi vọi. Những lỗ đục lấy dầu đang liền da lại. Chắc không còn người vào đây chiết dầu từ cây nữa. Nghe đâu đó tiếng những con khỉ đùa dỡn chí choé. Chỗ này, hôm trước Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh đã thả vào rừng hai con hổ mang chúa. Nghe kể, khi thả ra, chúng vươn cao cái cổ và bành mang ra. Mang con nào cũng bằng hai bàn tay xoè. Hương rừng vào lúc giữa trưa khác lúc sớm mai rất nhiều. Nó ấm nồng và ngan ngát những hương hoa lạ.

           

Vẫn như hôm nào, đi bên cạnh tôi Lý Văn Trợ không để cái miệng mình yên, Anh nói về cây, về cỏ, về hoa. Anh nói về những loài chim, loài thú. Anh nói về những con nước luân chuyển trong rừng. Tính ra mơi hơn một năm anh về làm phó giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát mà sao anh rành rẽ thế. Của qúy mà. Trong nhà anh có của qúy nào mà anh không rõ. Lý Văn Trợ giải thích với tôi như vậy.

           

Rừng Lò Gò – Xa Mát mấy lần tôi đến là mấy lần ấn tượng. An tượng về những câu hỏi của một vị sau đó là lãnh đạo hàngđầu của Đảng cộng sản Việt Nam. An tượng về một ông già sống mấy mươi năm trong rừng, coi rừng như nhà của mình. Về những chiến sĩ biên phòng ngày đêm gắn bó với rừng ráng sức giữ rừng. Rồi hôm nay, lại Lý Văn Trợ người chắc chắn là cả đời sẽ bám rừng, có buồn vui và có nóng giận vì rừng. Ngay lúc này đây, tôi cũng ngây ngất trước cảnh hoang sơ của một cánh rừng và mơ về một ngày nào đó, Lò Gò- Xa Mát sẽ giống giống một vườn thiên nhiên nào đó ở Châu Phi, ở Uc, ở Nam Mỹ… với rừng cây bạt ngàn và được đi dạo mà xung quanh mình là những con thú hoang dã. Biết đâu, có quyền mơ ước chớ. Phải không Lý Văn Trợ, người yêu rừng.

Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 3890
Ngày đăng: 16.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Đá nung” ở Đôn Châu - Nắng Xuân
Thế là đã chạm được bàn chân trần lên đất Kỳ Anh - Hồ Tĩnh Tâm
Một ngày ở Côn Đảo - Nguyễn Đức Thiện
Kho báu của người nghèo - Ngọc Hiệp
Bình Thuận biển xanh và thảo nguyên cũng xanh - Nguyễn Đức Thiện
Đoá bạch lan trong mây trắng - Nguyễn Thanh Mừng
Mùa Xuân Về Thăm Quê Hương Nhà Thơ Nguyễn Khuyến - Nguyễn Mộng Giao
Sâu lắng Ban Mê - Nguyễn Đức Thiện
Bà chúa vỉa hè - Võ Ðắc Danh
Cleopatra- Nữ Hoàng bác học - Hoàng Xuân Phương
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)