Ở ĐBSCL người dân đang chịu sự “tấn công” ồ ạt của trào lưu siêu thị. Mặc dù một số nơ, cái gọi là siêu thị còn quá sơ khai, gọi là cửa hàng tự chọn thì đúng hơn. Tuy vậy cái mode mua sắm thông qua hình thức mới này được mọi người tiếp đón nồng nhiệt và dần dần hình thành một hành vi mua sắm mới.
Siêu thị ở ĐBSCL có từ hồi nào?
Có mặt trên thế giới này từ năm 1912, còn ở ĐBSCL siêu thị có từ hồi nào? Chắc là không ai nhớ đâu (nhưng dĩ nhiên là rất lâu sau TP. HCM). Chỉ nhớ rằng ở tận cùng miền Nam là Cà Mau, năm 1996 cái siêu thị đầu tiên mọc lên ở một vị trí rất tốt. Được đầu tư cũng nhiều, có cả thang cuốn... nhưng hình như là không đúng thời điểm. Cái siêu thị hào nhoáng nơi tận cùng tổ quốc tồn tại trong một thời gian rất ngắn. Rồi do sự ế ẩm, do người ta đến xem vì tò mò thì nhiều nhưng mua thì ít, Siêu thị lại trở thành cái chợ, cho thuê sạp... Rồi chợ lại hoàn chợ. Để mặc cho cái khách sạn kề bên cũng mang tên Siêu Thị gồng mình ăn theo, xuống cấp dần theo thời gian. Sau đó, là siêu thị ở Đồng tháp, khai trương vào mùa xuân 2002 là một hiện tượng lúc bấy giờ của tỉnh. Ngày khai trương người đến xem (xem là chủ yếu) đông đến nổi làm sập cả rào chắn. Đổi lại Tết năm đó siêu thị trúng to nhờ trở thành một địa điểm tham quan, du xuân. Và cho đến nay, nhìn chung siêu thị ĐT cũng trụ được nhờ vào sự thay đổi nhận thức về mua sắm của người dân.
Tại Cần Thơ, tiên phong là siêu thị Citimart trên đường Nguyễn Trãi. Mấy ngày khai trương, luôn bị tắt đường. Đèn giao thông không còn xanh đỏ nữa mà chỉ còn đèn vàng chớp chớp báo có giao lộ, vẫn vậy cho đến nay. Rồi người ta nhận ra sự vắng vẻ của nó vào lúc mà siêu thị Coopmart khai trương tại một nơi đắc địa nhất thành phố. Ngày khai khai trương Coopmart, doanh số nghe đâu cả tỷ đồng. Người ta đến xem rất đông và có mua sắm nữa.
Ngày khai trương ai cũng lo sự vắng khách làm ảnh hưởng hình ảnh doanh nghiệp sau này. Còn siêu thị ở Cần Thơ thì khỏi lo. Hôm Metro khai trương (là cái siêu thị thứ 3) cũng là một sự kiện lớn, đông đến nổi phải hạn chế người vào. Khách giận hờn thề không vào nữa vậy mà đến nay vẫn đông đảo khách hàng, đặc biệt là các tỉnh. Vì thế, nhiều chuyên gia tuyên bố ngành bán lẻ ở ĐBSCL, nhìn từ Cần Thơ phóng to ra là đang “đói siêu thị”. Người ta dự đoán sẽ còn có nhiều siêu thị nữa ở Cần Thơ và các tỉnh. Thật vậy, siêu thị đang đường hoàng, vững vàng mọc lên ở khắp các tỉnh thuộc ĐBSCL, từ Tiền Giang trở về (chỉ thấy Bến tre, Sóc Trăng, Bạc liêu là chưa có). Riêng ở Cần Thơ, hiện nay có tới 2 siêu thị đang “hờm” nhau xem ai khai trương trước là Vinatex Mart và Maximark. Sự bùng nổ đến nổi có một nhà kinh tế cấp tỉnh cảnh báo “không nên cho đầu tư siêu thị ở đây nữa”(!)
Người dân thay đổi dần hành vi mua sắm và các dịch vụ ăn theo
Nếu như hồi đó ở Cà mau khi siêu thị mọc lên, người dân đến xem, đến ngắm là chủ yếu. Còn khi nhìn đến bảng giá ai cũng lắc đầu, so sánh. Siêu thị mắc hơn ở ngoài chợ nhiều. Tôm tươi cá tươi ở chợ đầy nhóc không ăn vô đây mua chi đồ đông lạnh. Hàng bách hoá cũng mắc hơn mấy shop chung quanh...Cứ thế siêu thị Cà mau chết dần.
Cái mốc để đánh giá sự thay đổi hành vi tiêu dùng rõ nét nhất ở Cần Thơ phải kể đến sự ra đời của Coopmart. Sự chuyên nghiệp và vị trí của nó đã thu hút mọi người và hấp dẫn làm thay đổi hành vi mua sắm của họ. Mỗi tuần mua sắm siêu thị một lần dùng cho 7 ngày, không còn là chuyện kể của Việt kiều ở nước ngoài về, mà dần trở thành thói quen tiêu dùng của rất nhiều người dân đô thị ở các tỉnh ĐBSCL ( đặc biệt là dân công chức). Thói quen này hình thành không phải một ngày một buổi mà theo sự phát triển của xã hội. Sự phát triển khiến cho người ta dần thiếu thời gian. Do thiếu thời gian việc mua sắm nơi siêu thị mới trở thành cứu cánh. Nhìn vào các xe đẩy, lượng hàng hoá ngày càng đầy lên, không như lúc đầu chỉ cầm tay vài thứ nơi quầy tính tiền thì thấy rõ. Vậy đó, cứ đến thứ Bảy, Chủ nhật là không còn chỗ gởi xe bên ngoài siêu thị Coopmart Cần Thơ, Metro Hưng lợi... Bãi xe đầy nhóc xe du lịch từ các tỉnh đổ về. Đi Cần Thơ để vào siêu thị mua sắm là cách mà nhiều người dân ở các tỉnh chung quanh sử dụng 2 ngày cuối tuần (chỉ vì cần Thơ có nhiều siêu thị hơn)
Các bà nội trợ hiện nay thường hay nhắc nhiều đến từ siêu thị khi đi mua sắm. Siêu thị quá tiện lợi mua gì cũng có, mát mẻ, lựa chọn thoải mái, an toàn vệ sinh... là những tiêu chí hấp dẫn. Trong những ngày cúm gà hoành hành, siêu thị là nơi mà người ta có thể an tâm mua trứng, thậm chí mua cả gà có kiểm dịch. Tuy nhiên, còn thiếu một yếu tố hấp dẫn nữa là kinh doanh ăn uống, còn nghèo nàn (Chắc là do diện tích hạn chế. Hầu hết các siêu thị còn bị hạn chế về diện tích, về không gian, trong khi siêu thị khác chợ truyền thống là ở chỗ không có sự chen chúc). Nếu thêm yếu tố này chắc siêu thị còn thành công hơn nữa. Vì theo người tiêu dùng hiện nay, siêu thị không chỉ là nơi mua sắm mà còn phải là nơi giải trí. Phải là đi “shopping” thật sự chứ không phải mua mấy món đồ rồi về. Đối với dân 8X, mua hàng trong siêu thị cũng là một cách thể hiện. Đám thanh thiếu niên giờ hay kháo nhau những món hàng mua trong siêu thị. Siêu thị là một điểm hẹn của họ. “Dân cư” của siêu thị do vậy gần một nửa là dân 8X.
Siêu thị mở ra có thêm các dịch vụ ăn theo mới. Trong khuôn viên của Metro Cần Thơ có thêm dịch vụ xe tải ATZ chở hàng đi giao, thậm chí đến các tỉnh khác. Hàng loạt các quầy phát hàng khuyến mãi, quầy tiếp thị dùng thử... Những dịch vụ này làm cho bộ mặt siêu thị thêm hấp dẫn.
Một số các mặt hàng chỉ trưng bày sản phẩm ở siêu thị. Khi khách hàng đồng ý mua, họ trả tiền ở siêu thị và đại lý ở địa phương sẽ giao hàng tận nhà.
Dịch vụ đi chợ hộ cũng đang phát triển. Những tờ rơi giới thiệu dịch vụ này được phân phát tận nhà. Chỉ cần một cú phôn bạn sẽ có một bữa ăn như ý mà không cần đi chợ. Hoá ra các nhà cung cấp dịch vụ này chỉ cần ra siêu thị là có hết. Muốn ăn canh chua: họ mua một bọc canh chua ở quầy thực phẩm. Muốn ăn cá kho, khổ qua dồn thịt: họ mua một hộp làm sẳn rồi đem về cho mình tự hầm hay kho tuỳ thích...
Tương lai của siêu thị ở ĐBSCL
Ở thời kỳ đầu của siêu thị, người tiêu dùng rất nhạy cảm với vấn đề giá cả (ví dụ như siêu thị Cà Mau), khi mà người tiêu dùng chưa còn bị bức bối bởi sự bận rộn công việc, bởi sự thiếu thời gian; siêu thị lúc đó như là một thứ trang trí thêm cho công nghiệp bán lẻ, cho ngành thương nghiệp.
Hiện nay, ưu thế của siêu thị đang dần dần chiếm lĩnh bởi những tính chất đặc thù của siêu thị: sự tự phục (bày hàng cho khách tự chọn), sự hấp dẫn của giá, các dịch vụ phục vụ khách hàng, các trang thiết bị phục vụ hiện đại, hàng hoá phong phú đa dạng... đã chinh phục được người dân ngay ở nơi mà đa số là dân có thu nhập thấp, sinh sống bằng nông nghiệp, rất cân nhắc khi mua hàng, nhạy cảm với giá cả. Siêu thị sẽ còn đi thêm một bước dài nữa trong việc thay đổi hành vi tiêu dùng, kích cầu và làm phát sinh các dịch vụ ăn theo.
Tuy nhiên, cũng sẽ phải tính đến sự lạm phát của siêu thị nếu sự phát triển của kinh tế, thay đổi của người tiêu dùng chưa theo kịp đà phát triển của siêu thị. Sẽ có những siêu thị thất bại, có những siêu thị thành công. Đó là lẽ đương nhiên và là sự chọn lọc của thị trường. Trong lúc chờ đợi, các chợ truyền thống và các cửa hàng bán lẻ nhỏ vẫn đang tồn tại. Rất khó mà thay thế ngay cái cảm giác được chào mời đon đả khi đi chợ với sự âm thầm chọn lựa khi vào siêu thị.
Nhưng theo lời của một người dân vùng này là khi nhìn thấy trên quốc lộ 1 tấm biển hướng dẫn vào siêu thị Metro khi ngang qua Cần Thơ, người ta cảm thấy sự phát triển như gần gũi hơn, hiện hữu hơn, hiện đại hơn./.