Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của soạn giả Nhâm Hùng để bạn đọc tham khảo.
Phải khẳng định, người Cần Thơ rất mê kịch, đã xem kịch và từng làm kịch khá sớm. Có điều vì chưa điểm đúng “huyệt”; chưa có các giải pháp phát triển nên cái “khoảng trống kịch nói” trong đời sống văn hóa đến nay vẫn chưa lấp được.
Quay về xa xưa, ngay từ năm 1900, khi Nhà hát lớn Sài Gòn được xây dựng xong, nhiều đoàn kịch Pháp sang biểu diễn phục vụ người Pháp, các viên chức, công chức, thân hào ở Sài Gòn. Năm 1918, được sự tài trợ của phủ thống đốc Nam Kỳ, ông Lê Quang Liêm (Đốc Phủ Bảy) công diễn vở kịch nói tiếng việt “Hoàng Tử Cảnh du Tây” (Gia Long tẩu quốc) tại Sài Gòn và lục tỉnh, có ghé qua trình diễn ở Cần Thơ, trung tâm miền Tây thời đó.
Đầu thập niên 50 (thế kỷ XX) tuy đất Cần Thơ chưa hình thành mảng kịch nói - nhưng, người Cần Thơ đã mạnh dạn lên Sài Gòn, sáng lập và điều hành Ban kịch nói Dân Nam do gia đình nghệ sĩ Anh Lân - Túy Hoa khởi xướng, với dàn diễn viên múa sau này trở thành ngôi sao kịch nói lừng danh của miền Nam như: Túy Hoa, Kim Cương, Túy Phượng, Túy Hồng, Tường Vi, Vân Hùng, Xuân Phát, Hoàng Mai,v.v... Ban kịch Dân Nam sau đổi thành Tân Dân Nam, thường lấy một vở kịch dài làm tiết mục chủ lực trong các đại nhạc hội.
CẦN THIẾT PHẢI CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN KỊCH Nói ở CẦN THƠ
Qua các trao đổi trên báo chí, đã và đang hình thành câu hỏi: Có thể tổ chức hoạt động kịch nói ở Cần Thơ hay không khi mà nơi đây nghệ thuật cải lương còn phải dở sống dở chết?
Xin nêu lên mấy suy nghĩ về sự cần thiết này:
Trước hết, đa dạng và phong phú hóa thị hiếu, thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng, mà bắt đầu là công chúng thị dân là điều phải làm. Nhu cầu và trình độ thưởng thức nghệ thuật càng đa dạng, kiến thức sẽ càng được mở rộng và nhận thức xã hội sẽ thêm đúng đắn. Cần Thơ đang trên đường khẳng định vị trí trung tâm đồng bằng; phấn đấu trở thành đô thị loại 1, nên sớm muộn gì cũng phải chứng tỏ một “Tây Đô” trong văn hóa, với sự khởi sắc của các hình thức nghệ thuật hiện đại như kịch nói, nhạc giao hưởng,v.v... đồng thời phải thấy việc xem kịch là rèn luyện cho con người khả năng tư duy, phân tích vấn đề thấu đáo; phân biệt “trắng đen, trong đục” rõ ràng. Ngoài ra xem kịch còn góp phần xây dựng con người mới về nếp sống, tác phong công nghiệp bởi tiết tấu mạnh mẽ, ngôn ngữ được cô đọng, sắc bén, diễn biến cốt truyện nhanh chóng.
Nội dung kịch bao giờ cũng chuyển tải đến người xem những thông điệp hướng tới cái đích “chân - thiện - mỹ” mang tính triết lý, nhân văn, nhân bản. Kịch cũng thường dự báo và đi trước thời đại. Khi viết bộ Tư bản, Các Mác thường dành dụm tiền để xem kịch, nhất là kịch của Shake Speare vì ở đó phản ánh cả một xã hội nước Anh mà ông rất cần nghiên cứu. Đầu thời kỳ đổi mới ở Việt Nam, vở kịch “Tôi và chúng ta” của tác giả Lưu Quang Vũ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, như một yêu cầu bức bách: xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp! Gần đây, khi xã hội nóng lên nhiều vấn đề, thì sân khấu kịch cũng nóng lên với các vở viết về vụ án Năm Cam, về nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm,v.v...
Nếu loại hình kịch nói phát triển tin rằng các vấn đề “nóng” của Cần Thơ sẽ được “kịch hóa” trên sân khấu. Và như thế, kịch vừa phản ánh, cổ vũ tinh thần đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu; vừa góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức, thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng, thay thế dần lối tuyên truyền suông của các chương trình “Thông tin lưu động” vừa qua, đã cho thấy không còn phù hợp với cuộc sống hôm nay.
GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ GẦY DỰNG KỊCH NÓI?
Tại sao các sân khấu xã hội hóa ở TP. Hồ Chí Minh thành công, ngày càng sáng đèn? Đó là bài học kinh nghiệm và cũng là hướng mà những nhà quản lý văn hóa; những người yêu kịch nói ở Cần Thơ cần tham khảo. Đối với Cần Thơ, xã hội hóa không có nghĩa là để kịch nói tự phát, tự sống mà phải được hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng. Bởi trong tình thế sân khấu cải lương còn gặp khủng hoảng, thì ở ngành kịch nói Cần Thơ, mấy ai dám bỏ tiền ra đầu tư như tại TP Hồ Chí Minh?
Hãy lấy bài học khởi phát đầu tiên về xã hội hóa ở TP Hồ Chí Minh, mà sân khấu 5B Võ Văn Tần (Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh) thành công, sau đó nhân rộng ra nhiều sân khấu khác: đầu tiên Hội (thực ra là cơ sở của Nhà nước) cho mượn nhà biểu diễn (vài trăm khán giả), anh chị em tác giả, đạo diễn, diễn viên cùng tập trung sức lực chung lo. Từng bước, ra đời những vở “đánh trúng” tâm lý, thị hiếu khán giả thành phố - Sân khấu 5B phất lên, mà đỉnh cao là vở Dạ cổ Hoài Lang vang danh cả nước. Cần Thơ có dám mạnh dạn đầu tư cho theo hướng này không? Một Nhà hát Hậu Giang bỏ trống; Rạp Thống Nhất nằm chờ... Nhà biểu diễn Trung tâm Văn hóa lác đác sáng đèn... có thể nào san sẻ cho sân khấu kịch nói xã hội hóa được chăng?
Song song với thể nghiệm mảng kịch chuyên nghiệp - rất cần thiết phải tổ chức, xây dựng phong trào kịnh nói quần chúng, kịch nói thiếu nhi ở cơ sở. Trong các lần hội diễn, hội thi cần phải có kịch, không nên quá nhiều tiết mục ca, múa như hiện nay. Có thể, tổ chức thành một liên hoan sân khấu riêng, cũng là tập tành cho khán giả xem kịch nói, lập lại thói quen đến rạp, xây dựng cái “thú xem kịch”, như một đặc trưng trong nếp sống văn hóa của người Cần Thơ.
Điều đáng quan tâm nhất và vấn đề mang tính chiến lược là phải xây dựng phong cách kịch đồng bằng; một hình thức diễn kịch mang bản sắc Cần Thơ - Đồng bằng sông Cửu Long: khâu sáng tạo đầu tiên là kịch bản, phải bám vào các vấn đề bức xúc, từ thực tiễn cuộc sống sinh động, những bất trắc ở vùng đất phương Nam Tổ quốc. Kịch phải “lấy” được nước mắt và làm cho người xem nở nụ cười; không nên diễn kịch bằng thứ ngôn ngữ nặng chính trị, triết lý, giáo huấn xa lạ mà phải thể hiện một cách chân phương, mộc mạc, đời thường gần gũi với cuộc sống.
Ngay khâu dàn dựng, phong cách kịch đồng bằng phải được biểu hiện từ lời ăn tiếng nói của người đồng bằng; tâm lý, cử chỉ, thái độ, động tác của người đồng bằng. Nhạc đệm cho kịch phải đậm chất dân ca Nam bộ. Ở khâu cảnh trí, không nên sa đà vào phong cách ước lệ, kịch nói châu Âu, kịch nói miền Bắc với “bục bệ” thay bàn ghế, những tấm dãy lụa biểu hiện không gian, nhà cửa, phòng ốc. Hãy thiết kế mỹ thuật gần giống cuộc đời: nội cảnh nhà lầu phải có cầu thang. Đêm trăng luôn có trăng sáng, có mây trôi; ngoại cảnh có sông núi, cỏ cây, hoa lá v.v... Nếu quá cách điệu trong dàn dựng, e rằng kịch khó đi vào lòng người, không phù hợp thị hiếu khán giả Đồng bằng sông Cửu Long.
Có thể nói, những điều kiện để củng cố, xây dựng tổ chức lại hoạt động kịch nói ở Cần Thơ không thiếu: Thành phố có cả một hệ thống Trung tâm văn hóa thông tin; Trường văn hóa nghệ thuật... Ngay lực lượng cán bộ, cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa thông tin thành phố Cần Thơ, đã có thể hình thành một “đội kịch” để khơi mào. Những Trương Trọng, Thùy Trang, Hữu Tâm, Thu Thủy, Phú Lâm... đã từng tốt nghiệp Trung cấp diễn viên kịch nói, Trường sân khấu II TP Hồ Chí Minh đó sao? Tại Cần Thơ, đã đào tạo mấy lớp trung cấp sân khấu, với hàng chục diễn viên ra trường trong những năm qua, giờ đang ở đâu?
Chúng tôi mong rằng hãy khởi động nhanh, để kịch nói không còn là khoảng trống trong đời sống văn hóa ở thành phố Cần Thơ; để Đồng bằng sông Cửu Long thật sự có một “Tây Đô” về văn hóa.
Hình ảnh : Diễn vở kịch nói “Lôi Vũ” - Câu lạc bộ Sân khấu nhỏ tỉnh Cần Thơ tại Nhà Văn hóa Thốt Nốt (1992). Ảnh: LÊ VĂN CHÃI