Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.106
123.163.181
 
Vì sao kịch miền Nam không ra được đất Bắc?
Hòang Kim

Mỗi năm đều có các đoàn kịch từ phía Bắc vào Nam lưu diễn như Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát kịch Tuổi Trẻ, Đoàn kịch Công an nhân dân, Kịch Hải Phòng... tạo nên cuộc giao lưu sân khấu giữa hai miền, làm phong phú môi trường thưởng thức cho khán giả phía Nam. Nhưng, cuộc giao lưu này hình như chỉ có một chiều, chưa có đoàn kịch nào từ phía Nam ra Bắc biểu diễn.

 

Kể từ khi Dạ cổ hoài lang (sân khấu 5B Võ Văn Tần) gây được dư luận ở phía Bắc đến nay cũng ngót nghét 10 năm. Còn Ba người lính ngự lâm của IDECAF ra Bắc gần nhất là năm 2000. Thế thôi! Coi như khán giả Hà Nội không còn biết chút gì về sàn diễn miền Nam nữa. Và nghệ sĩ Sài Gòn bặt tăm luôn với thủ đô, ngoại trừ những suất tấu hài của những cây cười đi sô lẻ thì không kể. Trong khi đó, sân khấu kịch Sài Gòn tưng bừng sôi động đến thế...

 

Nghệ sĩ Thanh Hoàng - Phó giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ - nói: "Thật sự năm đó chúng tôi đem Dạ cổ hoài lang đi được là nhờ Cục tổ chức biểu diễn nghệ thuật lo hết chi phí. Chứ bây giờ tự bỏ tiền ra, làm sao lo nổi. Nào ăn ở, máy bay, chuyên chở cảnh trí, đạo cụ... tốn kém lắm!". Còn Ba người lính ngự lâm cũng nhờ Đại sứ quán Pháp tài trợ, chỉ diễn được 5 suất. Rốt cuộc, trở ngại lớn nhất là... tiền, bởi đơn vị nào cũng xã hội hóa nên phải cân nhắc rất kỹ thu chi. NSƯT Hồng Vân cho rằng: "Chi phí cho các diễn viên, chúng tôi phải tự trả lương, và trả theo suất. Mà diễn viên ăn khách cỡ Thúy Nga, Anh Vũ đi tỉnh một đêm mấy triệu đồng, mình tính làm sao với anh em? Tính thấp, họ không diễn. Tính cao, mình lỗ. Đau đầu lắm!".

 

Nhưng còn một khâu đau đầu khác là tổ chức. Hồng Vân tiết lộ: "Tôi với nghệ sĩ Xuân Hinh mấy năm trước cũng có bàn kế hoạch hợp tác đưa kịch ra đó diễn rồi chứ, nhưng khổ nỗi khán giả Hà Nội không có thói quen ra rạp mua vé nữa, mà phải có mạng lưới đi tiếp thị từng xí nghiệp, cơ quan, mình phải có chi phí cho người ta, khá phức tạp". Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn ở sân khấu kịch IDECAF cũng nói: "Hà Nội không thoải mái như Sài Gòn, rất nhiêu khê về thủ tục, từ khâu duyệt lại kịch bản, đến chạy tìm rạp, hoặc xin giấy phép dán băng-rôn, quảng cáo, rồi những nhóm phát hành vé dùm mình..., khâu nào cũng mệt hơn ở Sài Gòn. Ngay cả báo chí cũng không "lửa" như báo chí Sài Gòn, hễ đoàn nào từ Bắc vào anh em phóng viên cũng viết bài thông tin rộng rãi đến khán giả, còn báo chí ngoài đó... im re, làm sao khán giả biết đến chúng tôi?".

 

Tuy vậy, các sân khấu kịch phía Nam vẫn nuôi ước mơ ra thủ đô biểu diễn. Hỏi không sợ khán giả ngoài ấy kén chọn hay sao? Nghệ sĩ Thanh Hoàng cười: "Tất nhiên là họ có gu xem kịch khá kén chọn, nhưng chúng tôi vẫn tự tin rằng mình sẽ chinh phục được họ. Biết đâu một món ăn lạ lại hấp dẫn hơn những món quen thuộc, cứ ăn hoài. Vả lại, nhà hát chúng tôi cũng có nhiều kịch bản nghiêm túc chứ đâu phải hoàn toàn thị trường". Còn Hồng Vân thì: "Cứ nói kịch Sài Gòn chạy theo thị trường nên chúng tôi rất buồn. Phải giới thiệu cho khán giả biết chúng tôi vẫn có "máu nghề". Tôi sẽ bàn lại với anh Xuân Hinh, có lẽ sang năm thử đi một chuyến. Chắc anh em nghệ sĩ sẽ đồng lòng cộng tác, không tính cát-sê thẳng thừng đâu". Hy vọng lớn nhất bây giờ là có đơn vị nào đó tài trợ một phần cho các sân khấu, hoặc chính Cục tổ chức biểu diễn nghệ thuật, hoặc Sở VHTT, Hội Sân khấu TP.HCM đứng ra lo liệu, như một cuộc giao lưu văn hóa cần thiết. Nếu không, cả hai miền đều bị "nghèo nàn". Và biết đâu, luồng gió xã hội hóa từ phương Nam thổi ra sẽ giúp sân khấu phía Bắc năng động hơn?

 

H.1: Vở Bí mật vườn Lệ Chi của sân khấu kịch IDECAF có khả năng chinh phục khán giả phía Bắc (ảnh: C.T.V)

H.2 : Vở Ngôi nhà của những linh hồn của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM cũng rất thu hút khán giả (ảnh: C.T.V)

Theo báo Thanh nien(thanhnien.com.vn)

Hòang Kim
Số lần đọc: 2458
Ngày đăng: 19.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Để kịch nói không còn là khoảng trống trong đời sống văn hóa ở Cần Thơ - Nhâm Hùng
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 1 - William Saroyan
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 2 - William Saroyan
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 3 - William Saroyan
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 4.hết - William Saroyan
Ðôi điều về phát triển kịch múa - Trần Phú
Kịch Noh là gì ? - Hạnh Linh
Sân khấu phía Nam: Nơi cuộc sống hiện diện - Hòang Kim
Nguyễn Thị Minh Ngọc : "Sân khấu cần một tình yêu lớn..." - Trương Trọng Nghĩa
Xem Trái tim nhảy múa: Thu hút từ sự nhân hậu - Khuyết danh