Hồi còn tí nị, tôi sống với mệ ở Vĩnh Linh. Hai bà cháu sống trong cái chòi tranh cất trên lưng chừng một ngọn đồi bát úp. Mệ tôi gói bánh ú để dem xuống bán dưới chợ Hồ Xá. Một hôm đi chợ về, mệ đưa cho tôi một cuốn truyện tranh. Đó là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với thế giới văn học. Khổ nỗi là tôi không biết đọc. Tôi nhớ mang máng là cuốn truyện tranh ấy rất mỏng. Tôi đem qua nhà hàng xóm, nhờ chị(tôi không nhớ tên) con bác Ấn đọc cho nghe. Càng nghe tôi càng thích.
Tôi hỏi:
- Làm sao chị đọc được? Chị bày cho em đọc được không?
Và thế là tôi thành học trò của chị. Tôi học không khó lắm, bởi vì bấy giờ tôi có trí nhớ khá tốt. Thấy tôi học được, chị xin cho tôi đi học vỡ lòng. Học được mấy buổi thì tôi bỏ, vì thấy ông giáo già vừa khó tính vừa dạy không hay như chị hàng xóm; Với nữa, là ông giáo hay đánh học trò và hay bắt phạt học trò qùy chân trên vỏ mít. Việc theo học chị hàng xóm của tôi cứ tà tà như vậy, cho đến khi ba tôi từ Hà Nội vào, đưa tôi ra làng Chuông ở Hà Đông. Má và chị tôi, em trai tôi đang sống ở đó. Má xin cho tôi vào học lớp vỡ lòng của truờng học sinh miền Nam. Nhưng tôi cũng chỉ học vài buổi là bỏ, bởi vì lớp học toàn con gái; đơn giản vì đó là trường nữ.
Cũng may là vào lúc đó, Nhà nước mở trường đại học Sư phạm Vinh, vậy là tôi theo mẹ vào Vinh. Sống ở trường đại học, ngày nào tôi cũng la cà ở thư viện, tha hồ mà xem sách. Nhưng tôi cũng chỉ xem chứ chưa đọc được. Muốn biết những cuốn truyện tranh viết gì, tôi phải nhờ anh Vui, con bác Bằng, bác Thu đọc cho nghe. Anh Vui đọc rất hay và rất nhiệt tình, nhờ vậy, có nhiều cuốn sách tôi nghe riết mà thuộc làu làu. Thế rồi tôi biết đọc từ lúc nào không biết; khi vào học lại lớp vỡ lòng thì tôi đã biết đọc. Nhờ biết đọc nên cô Xuân rất qúy tôi, thường cho tôi mược sách để đọc. Tôi ngồi học và nghĩ, lớn lên không biết tôi có cưới cô giáo của mình được không. Vì nghĩ như vậy nên tôi rất quyết tâm học tập, với ước mong sẽ giỏi được như cô.
Một hôm cô Xuân nói:
- Em thử viết ra những gì mà em thích về cuốn sách này nhé!
Tôi đem cuốn sách ra góc hồ bán nguyệt của trường ngồi đọc. Đọc xong, tôi viết theo lời cô dặn. Khi đem hai trang giấy tôi viết cho cô đọc, cô ôm tôi vào lòng và nói: “Em viết hay lắm!”. Không biết có phải vì được cô giáo khen hay không, mà từ đó, tôi rất hay hí hoáy ngồi viết ra những gì tôi nghĩ. Không biết vì sao mà bác Bằng đọc được những tờ giấy ấy của tôi.
Một hôm bác Bằng gọi tôi vào nhà và nói:
- Bác tặng cháu cuốn sổ, cháu viết gì thì chép vào đây, thấy gì hay thì chép vào đây. Lâu lâu đưa bác mượn, rồi bác góp ý cho.
Từ đó tôi hay đến nhà bác Bằng. Bác Bằng lúc bấy giờ đã nghĩ hưu. Anh Hà Huy Vui là con út của bác. Tôi thích anh Vui vì anh Vui học giỏi. Tôi càng thích bác Bằng vì bác hay kể chuyện Tam quốc cho tôi nghe.
Một lần tôi nói với bác Bằng, rằng cái ống điếu của bác giống khẩu đại bác. Bác Bằng cười hể hả:
- Thằng này cũng biết so sánh đấy. Viết văn là phải biết so sánh, biết liên tưởng và tưởng tượng. Cháu thử tưởng tượng người nông dân đi cấy lúa cả ngày dưới nắng mùa hè, xem thử họ có khổ không.
Tôi nói tôi chưa biết người nông dân cấy lúa ra làm sao. Bác Bằng khuyên tôi đi ra ngại ô mà xem nông dân cấy lúa như thế nào. Tôi làm theo lời bác. Và tôi viết rằng những người nông dân đi cấy lúa rất vui, họ vừa cấy vừa nói chuyện rôm rả lắm.
Bác Bằng đọc rồi nói:
- Cháu viết được nhưng chưa đúng. Cháu thử xin họ cho cho cấy một lúc thì mới viết hay hơn được.
Té ra việc cấy lúa không vui vẻ như tôi đã viết. Mỏi lưng và chóng mặt lắm. Tôi viết lại bài đi cấy.
Bác Bằng đọc và khuyên:
- Cháu thử viết điều đó thành thơ lục bát xem nào.
Vậy rồi bác Bằng dạy tôi luật bằng trắc, cho tôi xem một tập thơ lục bát. Tôi học thuộc làu làu những bài thơ đó. Và rồi tôi bắt chước viết được mấy bài lục bát.
Một hôm tôi đi học về, thấy anh Vui đứng đợi ở đầu dãy nhà tập thể. Anh vẫy tôi lại và nói, bố anh mời tôi đến chơi. Tôi vào nhà, thấy bác Bằng ngồi đợi tôi bên mâm cơm, nói rằng bác đã xin phép má tôi cho tôi ăn cơm với bác.
Ăn xong, bác đem ra một dĩa kẹo cu đơ.
- Cháu biết vì sao hôm nay bác đãi cháu không?
Vừa nói, bác vừa rút trong hộc tủ ra tờ báo thiêu niên tiền phong.
- Đây này! Cháu thành nhà thơ rồi đấy.
Tôi ngồi ngẩn ra, vì thấy báo có đăng một bài thơ của tôi. Đó là bài thơ lục bát mà bác Bằng đã gởi đăng báo giùm tôi. Chính điều đó đã động viên tôi rất nhiều. Nhưng rồi không hiểu vì sao, sau đó tôi tự gởi rất nhiều bài mà không thấy được đăng. Điều đó đã làm tôi nản lòng, không thích viết thơ nữa.
Thế rồi chiến tranh xãy ra. Rồi những năm tháng sơ tán đầy khó khăn vất vả. Tôi quên mất chuyện viết lách. Nhưng việc đọc sách thì tôi được mệnh danh là con mọt sách. Sách tôi mua về nhà rất nhiều, mua bằng tiền tôi kiếm được nhờ theo bạn bè vào rừng kiếm củi. Và cũng bắt đầu từ năm 1964, khi theo khoa toán của trường đại học Sư phạm Vinh đi sớ tán, tôi bắt đầu đọc những cuốn sách của người lớn. Tôi cứ lần hồi như thế mà đọc gần hết những cuốn truyện của thư viện khoa toán. Cô Dung, vợ giáo sư toán học Nguyễn Thúc Hào, khuyên tôi nên đọc thêm sách khoa học tự nhiên. Và tôi chợt nhận ra rằng, đọc sách khoa học rất thú vị. Từ đó tôi hay mượn sách khoa học của cô Dung đem về nhà để đọc. Mỗi cuốn tôi phải đọc mất một vài tuần. Chính những cuốn sách này đã đưa tôi vào một thế giới mới, và vì lẽ đó, tôi không còn thích viết văn như trước đây. Tôi đeo theo anh Vui để học toán. Nhờ có khiếu về toán, từ năm học cấp hai trở đi, năm học nào tôi cũng được bầu làm lớp trưởng. Tôi thường đi học sớm để giải bài tập cho cả lớp.
Năm lên lớp bảy, khoa toán từ rừng núi Thanh Chương, Nghệ An sơ tán ra Thạch Thành, Thanh Hóa. Xã Thạch Bình nơi tôi sống, là xã thuộc vùng bán sơn địa, có rất nhiều thanh niên người dân tộc Mường học chung với tôi. Trong lớp, có tới hơn phân nữa học sinh đã là đoàn viên thanh niên. Họ học và họ yêu nhau. Và trong số họ, một vài anh nhờ tôi viết thư tình cho người yêu. Tôi bắt chước cách viết trong “Hồn bướm mơ tiên”, “Đồi thông hai mộ” để viết. Đổi lại, các anh lớn tuổi cho tôi nào là ná bắn chim đẽo từ gỗ mun, nào là nỏ có dây bắn bện bằng ruột mèo, nào là tù và làm bằng sừng trâu trắng. Người hay cho tôi nhiều thứ nhất là anh Sở. Anh Sở người kinh, yêu chị Nụ người Mường. Chị Nụ là cô gái đẹp nhất trường, nhà ở trên một ngọn đồi, một phía trồng toàn cây luồng rất đẹp, một phía lại toàn là rừng mơ. Cuối rừng mơ là một con suối mọc rất nhiều hoa thằng đăng. Hai bên bờ suối lổn nhổn đá cuội. Đi ngược lên một đoạn là rừng Quèn, là núi, là đoạn có ngọn thác chảy ào ào, trắng xóa.
Tôi rất thích đến chơi nhà chị Nụ, bởi vì cha chị Nụ vốn là thợ săn nổi tiếng một thời. Ông có con chó lài cũng già nua như ông. Hàng ngày ông thường ngồi bên đống lửa nhóm ở giữa sàn nhà. Con chó lài lông vàng khè nằm sấp bên cạnh. Lúc nào nó cũng nhắm mắt, nhưng hễ có ai leo lên sàn là nó liền ngóc đầu dậy, vểnh một tai lên nghe ngóng. Cứ như lời ông thợ săn, thì chó lài là giống chó không hề sợ cọp; một đàn chó lài vài con là chúng dám xông vào cắn xé với cọp, làm cọp tử thương như thường. Ông cụ kể cho tôi nghe nhiều chuyện về phường săn, sống động như thể cuộc săn nai, săn gấu, săn cọp đang diễn ra ngay trước mắt. Những câu chuyện của ông cụ bao giờ cũng làm tôi mê mẩn như bị hút hồn.
Một hôm tôi đến vào buổi trưa, thấy cả nhà chị Nụ đều đi vắng, tôi tha thẩn ra rừng mơ, rồi từ rừng mơ tôi tuột xuống con suối. Từ con suối tôi đi ngược lên phía rừng trẩu. Khi đến gần ngọn thác, mắt tôi như choáng ngợp đi. Rõ ràng là chị Nụ đang tắm dưới ngọn thác. Da thịt bắt ánh nắng sáng lên ngời ngợi. Tôi đứng như bị chôn chân tại chỗ. Và lúc đó, tự nhiên tôi nghĩ, tại sao mình không thử viết một truyện ngắn về dòng suối, về ngọn thác.
Thức trọn một đêm, tôi viết kín hơn mười trang giấy nứa khổ lớn, thứ giấy rất phổ dụng lúc bấy giờ. Người đầu tiên tôi cho đọc là anh Sở. Anh Sở cắm cúi đọc. Đọc xong, anh ngồi ngẩn ra một lúc, rồi hỏi:
- Mày viết về chị Nụ à? Mày nhìn thấy chị Nụ tắm thật à? Bán cho anh đi! Năm đồng được không?
Tôi đồng ý. Bởi vì lúc đó tôi rất cần tiền để mua bộ “Thủy hử” đang bày bán ở hiệu sách. Mua được bộ sách, tôi nghĩ, mình cứ bịa ra mà viết kiểu ấy, chắc thể nào anh Sở cũng mua. Và qủa nhiên như vậy thật. Tôi bán được thêm cho anh Sở hai truyện, với giá hơn mười hai đồng. Nhưng tới truyện thứ ba thì anh Sở lắc đầu và chê, nói rằng đọc không có gì hấp dẫn. Vì vậy tôi bỏ không viết truyện nữa.
Cho đến cuối năm lớp mười. Một lần tôi với cái Thanh đi bộ từ trường về làng. Chúng tôi qua đò sông Bưởi, đi bộ tắt qua cánh đồng mía ngút ngát của nông trường. Rồi chúng tôi đi dọc theo con đường đê. Trời đang nắng thì bỗng nổi giông cuồn cuộn. Rồi mưa như xối. Sấm sét nhoáng nhoàng vây bủa. Sét đánh xả chói chát từ trên những đám mây đen kịt xuống mặt đất. Chúng tôi sợ tái xanh tái xám, cứ thế mà chạy thục mạng trên con đường đê trơn trợt. Đang chạy, cái Thanh bị vấp ngã. Nó chới với níu tay tôi. Vậy là cả hai ngã long lóc từ trên mặt đê xuống con sông ngàu sóng.
Tôi đem chuyện này kể cho anh Sở, anh nói:
-Thì mày viết truyện này đi. Cũng hay đấy!
Tôi viết. Và tôi đưa cho cái Thanh dọc.
Nó nói:
- Bịa vừa vừa thôi. Bịa khiếp qúa ai mà tin được.
Sau này tôi nghiệm ra rằng, viết thì phải bịa, nhưng bịa qúa thì người ta không tin. Vấn đề là phải làm sao cho có cốt truyện để dẫn dắt sự kiện, sự việc, để kết nối các nhân vật lại với nhau. Với nữa, nếu không có vốn kiến thức khoa học nhất định, thì viết sẽ không đạt. Như có lần cái Thanh nói với tôi: “Mày đã thấy người bị rắn lục cắn thế nào chưa? Nó tím tái từ từ. Nó làm người ta lịm đi từ từ. Không có thuốc rắn thì không cứu được”. Nghe nó nói, tôi đã bỏ tiền ra mua liền một lúc ba cuốn sách viết về các loài rắn độc. Và tôi nghĩ rằng, để trở thành một nhà văn, nhất định không thể không trang bị cho mình về kiến thức khoa học. Chẳng hạn viết về một nhân vật tâm thần, cần phải hiểu các trạng thái tâm thần. Trầm uất hay hưng phấn. Nó khác nhau thế nào. Chẳng hạn như thể hoang tưởng sợ sệt, hoang tưởng thiên tài chẳng hạn.
Chị Hai của tôi đi học ở Liên Xô về, thấy tôi hay đọc sách khoa học, đã khuyên tôi tập viết truyện khoa học viễn tưởng. Tôi mua vài cuốn truyện loại này về đọc, rồi bắt chước theo đó mà viết. Nhưng càng viết càng thấy bấn bí, khó phát triển ra được. Bởi vậy tôi bỏ không viết nữa.
Đó là những ngày đầu tôi đến với văn học một cách vất vả và đầy những thất bại.
Khi rời trường đại học Mỏ Địa chất để vào quân ngũ, nỗi nhớ nhà đã thôi thúc tôi cầm bút để viết. Tôi chỉ đơn giản tả lại những nơi tôi sống để gởi thư về nhà, kể cho mọi người hiểu cuộc sống của lính. Em trai tôi viết thư cho tôi, nói rằng nó rất thích những lá thư tôi kể chuyện rừng núi Đông Bắc. Thế rồi nó làm thơ gởi cho tôi. Tôi thấy nó viết thơ về rừng núi còn hay hơn tôi viết về rừng núi trong thư. Vậy là tôi lại làm thơ. Những bài thơ đó tôi thường đọc cho anh em trong tiểu đội nghe, vào những đêm sinh hoạt. Không biết anh em đồn đại làm sao, chính trị viên tiểu đoàn gọi tôi lên ban chỉ huy, giao cho nhiệm vụ thành lập đội văn nghệ để chuẩn bị dự thi liên hoan văn nghệ của đoàn 568, quân khu Tả Ngạn. Mới đầu tôi không dám nhận, nhưng rồi được thủ trưởng động viên, tôi đã nhận lời. Đó là trại viết tập trung đầu tiên trong đời viết văn của tôi. Tôi được hưởng chế độ ăn đặc biệt trong hơn một tuần, để ngồi suy nghĩ viết một vở kịch, một hoạt cảnh; và nhất thiết, như lời thủ trưởng yêu cầu, phải có một bài hát về tiểu đoàn. Oái oăm cho tôi là ở chỗ phải viết bài hát. C trưởng báo cáo với cấp trên là tôi biết chơi đàn ghi ta, biết đọc nốt nhạc. C trưởng đâu biết rằng, tôi có hiểu gì về sáng tác.
Khi tôi nói với chính trị viên tiểu đoàn điều này, ông ấy nói:
- Thì cứ viết kiểu này này: Tiểu đoàn ta, tiểu đoàn ba, quyết tâm phấn đấu, xứng danh với tầm cao Yên Tử, xứng danh với Đông Bắc anh hùng.
Rồi ông ta hát câu ấy thành nhạc. Vừa hát vừa vung tay đánh nhịp. Lạ một điều là ông ấy hát rất dễ dàng cả một đoạn dài. Tôi nghe và nói:
- Hay là thủ trưởng viết đi.
Ông phẩy tay, cười hề hề:
- Tao có biết nhạc đâu. Tao chỉ bịa ra mà hát. Nào, tao hát lại, mày đàn theo nhé!
Ông ấy lại hát, và tôi đàn theo. Nghe chát chùm chát chùm rất nhịp nhàng. Đêm đó tôi lôi cuốn bài hát có bài “Bài ca Trường Sơn” ra nghiên cứu, thấy nhịp của nó cũng na ná như nhịp mà thủ trưởng đã bịa ra hát. Vậy là tôi dựa theo cách ký âm của bài hát ấy mà viết. Viết xong tôi rụt rè đưa cho thủ trưởng xem.
Xem xong, ông ấy lắc đầu, nói:
- Nhạc cũng phải văn vẻ tí chứ. Khô không khốc như ngô rang thế này thì ai người ta nghe. Tao thấy mày có viết bài thơ về núi rừng Yên Tử, hay là mày tìm cách hát bài thơ ấy lên, rồi đồ rê mi nốt nhạc ra giấy cho anh em tập.
Tôi đã làm lại theo cách thủ trưởng nói. Nghĩa là tôi ngồi viết một bài thơ về tiểu đoàn, rồi loay hoay tìm cách hát nó lên thành giai điệu, tiết điệu. Thấy hát còn nhiều chỗ trúc trắc, tôi viết lại bài thơ khác. Sau ba bốn lần làm thơ và tự hát thơ lên thành tiếng, tôi có được một bài hát đầu tiên trong đời. Chính điều này đã giúp tôi trở lại với thơ. Tôi viết rất nhiều, rồi chọn ra hai bài gởi về báo văn nghệ Nghệ An. Một trong hai bài thơ ấy được đăng. Đó là bài “Câu đêm” , viết vào giữa năm 1972.
Phấn khởi vì thấy thơ mình được đăng báo, tôi lại viết thơ để gởi. Nhưng rồi lại không báo nào đăng cả. Vậy là tôi lại chán nản dẹp bỏ thơ văn. Hơn nữa vào cuối năm đó, tiểu đoàn tôi hành quân vào Nam, tôi không còn thời gian đâu để sáng tác. Có chăng chỉ là ghi chép có tính chất như ghi nhật ký. Tôi ghi rất đều. Ghi tất cả những gì tôi thấy, tôi cảm, và tôi nghĩ. Vào tới Bù Đốp, hai cuốn sổ tôi đem theo đã đặc kín chữ, tôi gởi theo đường quân bưu ra Bắc. Sau này đọc lại, tôi thấy nó có vẻ có chất văn học, do vậy tôi gia công sửa lại cho gọn gàng hơn, để đọc trên loa phóng thanh của ký túc xá trường đại học Cần Thơ. Chả là vì tôi được cử phụ trách chương trình phát thanh của ký túc xá. Đỗ Minh nghe chương trình này, và nói với tôi, rằng tôi viết cũng được đấy, có bài thì gởi ra cho Hội Văn học Nghệ thuật Hậu Giang kiếm nhuận bút. Nhờ sự gợi ý này, tôi quen được với nhà thơ Nguyễn Bá. Nguyễn Bá khuyên tôi nên thành lập một Câu lạc bộ thơ của sinh viên. Tôi nghe anh, xin phép thành lập Câu lạc bộ thơ của sinh viên khoa Văn – Ngoại ngữ. Do được khoa cử làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ, tôi phải tìm đọc rất nhiều thơ, và phải cặm cụi viết rất nhiều thơ. Tôi học theo cách viết thơ của những nhà thơ lớn trong nước và ngoài nước. Tôi đặc biệt học theo cách viết mới của một vài tác giả mà tôi bất chợt bắt gặp trên báo chí. Tôi phát hiện ra sự tài hoa của họ trong ý tưởng- có thể nói là họ rất độc đáo trong ý tưởng. Chính từ những ý tưởng đó, tôi đã lần mò tìm đọc lại một cách khá kỹ nhiều tác giả sống và viết trong lòng chế độ cũ. Đồng thời, bốn năm ở Cần Thơ, cũng là bốn năm tôi lang thang đi chép nhạc của các tác giả nước ngoài, mà tôi tìm được trong các hiệu sách. Và đây cũng là giai đoạn mà tôi tìm đọc lại một cách có hệ thống các dòng văn học, các trường phái văn học trong và ngoài nước. Hầu như suốt ngày tôi sống trong phòng đọc của thư viện trường, thư viện tỉnh, thư viện quân khu 9.
Tôi đọc và ghi chép những gì tôi thích. Tôi phát hiện ra rằng, lời của nhiều ca khúc nổi tiếng đều được viết rất hay, cả về chất văn, cả về ý tưởng. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến giọng văn của tôi sau này. Nhưng vào lúc bấy giờ thì tôi không viết được gì, ngoại trừ một số bài thơ được đăng trên tạp chí Văn nghệ Hậu Giang.
Khi tốt nghiệp ra trường, tôi cũng chưa viết được những gì đáng kể; và chủ yếu cũng chỉ viết thơ để đọc cho học sinh nghe cho vui. Nhưng rồi không biết ai đó mai mối, Chi hội Văn nghệ huyện Long Hồ đã mời tôi cộng tác tham gia biên tập, Đài FM của huyện cũng mời tôi tham gia viết bài. Do có chuyện này mà tôi được đọc khá nhiều truyện của anh chị em viết văn trong tỉnh. Tôi thấy chỉ từ quanh quẩn những chuyện trong nhà, ngoài vườn, ngoài ruộng, mà họ viết ra khá sinh động, khá hấp dẫn. Vậy tại sao mình không viết lại những chuyện của đồng đội trong chiến tranh. Có biết bao nhiêu là chuyện. Và tôi đã viết truyện ngắn “Đồng đội”. Bấy giờ là khoảng đầu năm 1981. Tôi gởi đi mấy nơi nhưng không nơi nào đăng cả. Tôi nghĩ, có lẽ vì mình viết mặt trái của chiến tranh khủng khiếp qúa, báo chí không xài được. Vậy là tôi xoay ra viết kiểu khác, không bạo liệt bom đạn nữa, mà chủ yếu là là tâm tư tình cảm của đôi lứa. Truyện ngắn “Mùa nước nổi” ra đời. Nhưng truyện này cũng chịu chung số phận hẩm hiu như truyện trước, nghĩa là vẫn không ai chịu xài. Có lẽ vì nhân vật nữ của tôi bị cả tổ kiến lửa rớt trúng ngực, phải cởi áo ra phủi những con kiến quái ác.
Rất may là thời kỳ này, ban giám hiệu chỉ thị cho tôi phải thành lập chương trình phát thanh hàng ngày cho nhà trường. Vậy là viết ra được gì, tôi cũng đem ra đọc.
Cô Trần Thượng Thuận Thiên, người cùng làm chương trình với tôi, nói:
- Truyện anh viết, hình như thiếu thiếu chất nam Bộ thì phải. Phải như Nguyễn Thi viết “Người mẹ cầm súng ấy”. Đọc ông ấy, ai mà biết được ổng là người Bắc. Y chang nam Bộ không xê một nét.
Tôi ngẫm thấy cô Thuận Thiên nói cũng có lý. Ngôn ngữ nam Bộ sinh động lắm, phong phú lắm, độc đáo lắm. Chẳng hạn tính hình tượng của nó rất cụ thể: ngồi chèm bẹp, ngồi chành bành, ngồi chò hỏ… chỉ nghe là đã hình dung ra. Sự lắp ráp cụm từ cũng rất ngộ: chị hai láng sình, chị hai láng o, chị hai láng cón, chị hai láng lức, chị hai láng nhẩy, chị hai láng bóng, chị hai láng te… Lại còn tính cách người nam Bộ nữa. Tôi nghiền ngẫm một thời gian, rồi viết thử truyện “Dòng sông đêm lặng chảy” , truyện “Ông Tám đờn cò”. Có người nói được, khuyên tôi cứ gởi thẳng cho tuần báo Văn nghệ của Trung ương. Và tôi đã gởi. Và cả hai truyện đều được đăng. Từ đó tôi bắt đầu gởi truyện của mình cho các tờ báo văn nghệ của thành phố Hồ Chí Minh, của Hà Nội. Rất may là gởi truyện nào đi cũng được đăng. Điều đó đã hâm nóng dòng máu văn chương trong tôi, kéo tôi xông vào hẳn lĩnh vực này.
Và tôi hiểu ra một điều, cần phải tắm mình trong thế giới ngôn ngữ dân gian hơn nữa, để học cách sử dụng ngôn ngữ của dân gian. Nó lấp lánh và rất trẻ, rất đẹp.
Ví dầu cá bống hai mang
Cá trê hai ngạnh, tôm càng hai râu.
Anh về bên ấy đã lâu
Để em vò võ canh thâu một mình
Tôi lang thang trên những nẻo đường làng, lắng nghe và lượm lặt tất cả những gì tôi thấy. Như chuyện sư trụ trì ở một chùa nọ, rình mãi mà không túm được thằng bé nhà ở sau chùa, thường leo rào vào trộm xoài. Vậy là sư dùng mẹo, phao tới tai thằng bé, rằng đúng giờ ngọ, ngày trăng tròn, ai leo lên ngọn cây xoài cao nhất nhảy xuống, sẽ hóa Phật. Qủa nhiên thằng bé ngây thơ tưởng thật. Nhà sư rình sau bức tường, thấy ràng ràng nó leo lên ngọn cây, bèn cười tủm tỉm, nghĩ: phen này tao cho mày chết. Nhưng khi đứa bé gieo mình nhảy xuống, thốt nổi một vầng hào quang, nâng bỗng thằng bé bay lên trời thăng thoát. Sư bàng hoàng trước chuyện lạ, cho rằng có sự linh trên ngọn cây xoài, bèn vén áo cà sa leo lên, rồi buông mình nhảy xuống. Chẳng thấy vầng hào quang đâu, chỉ nghe thịch một tiếng, thân xác nhà sư bẹp nhúm nhó.
Tôi học cách thể hiện ý tưởng độc đáo của những câu chuyện như vậy, cách viết ngắn gọn như vậy. Tôi còn học được trong dân gian, cả cách xây dựng bố cục độc đáo, như trong câu chuyện bằng thơ sau đây:
Tưởng giếng sâu qua nối sợi dây cụt
Ai dè giếng cạn nó hụt cái sợi dây.
Qua tới đây mà không cưới được cô hai mầy
Qua chèo ghe ra biển… đợi nước đầy qua chèo vô.
Vậy đấy! Hết sức chặt chẽ, hết sức hài, hết sức hóm hỉnh; tốc độ dẫn chuyện qủa là nhanh, lối kết thúc qủa là bất ngờ. Đã thề độc đến như thế, chắc ta tưởng anh chàng sẽ chèo ghe ra biển tự vẫn vì thất vọng. Nào ngờ anh ta đã kịp nghĩ lại, bởi cái cô hai gì đó nông cạn trong tình cảm như vậy, thì ngu gì mà chết vì cổ. Không cưới được cô hai thì còn cô ba, cô tư, cô năm, cô sáu… Thoắt một cái, tình tiết của câu chuyện đã thay đổi hẳn. Nếu không chọn dân gian làm người thầy cho mình, chẳng phải là đáng tiếc lắm sao!