Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.173
123.162.282
 
Những nhận định về tác giả và tác phẩm của Giáo sư Nguyễn Văn Hầu.
Nguyễn Bạch Trúc

“… Trong hai chục năm nay, người có công nhất với lịch sử miền Hậu Giang là Giáo sư Nguyễn Văn Hầu… năm nay Ông lại công bố cuốn Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang mà Ông mất công khảo cứu tìm kiếm trong sách báo và nhất là tại chỗ trong hai chục năm mới xong.

… Tài liệu rất dồi dào hơn hẳn mấy cuốn trước., lối suy diễn thận trọng, cách ghi chép rành rọt kĩ càng. Những chương Đào Thoại Hà, Đào Vĩnh Tế Hà, Khai cương thác địa viết công phu, đọc hứng thú, người sau khó mà viết hơn Ông được.

… Tôi nghĩ người có học thức nào ở Hậu Giang cũng nên có cuốn đó trong tủ sách để biết công tổ tiên đã bảo vệ và khai thác miền mình hiện đương sống, một miền phì nhiêu nhất của non sông.”

(Trích bài viết về nhận định của Học giả Nguyễn Hiến Lê đăng trên tạp chí Bách Khoa, số 395 ngày 8-8-1973,trong mục Thời sự văn nghệ với nhan đề”Người có công với lịch sử miền Hậu giang”)

 

“Thông chữ Hán, chữ Pháp. Tính tình điềm đạm, siêng năng, làm việc cẩn thận, thu thập nhiều tài liệu. Bốn cuốn có giá trị nhất của Ông là Đức Cố Quản (một vụ khởi nghĩa ở Long Xuyên, Châu Đốc thời Pháp thuộc), Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu(một nhà Cách mạng ở Cao Lãnh trong những năm giữa hai thế chiến), Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang và Nửa tháng trong miền Thất Sơn …”

(Trích trong Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, mục bạn Văn NXB Văn Học 1997)

 

Từ những năm 50, giới nghiên cứu ở miền Nam đều biết đến học giả Nguyễn Văn Hầu qua các khảo luận: Cuộc khởi nghĩa ở Bảy Thưa (1956) Chính quân yếu lược (1955), Việt sử kinh nghiệm (1956), Bản ngã người Việt (1956)… Xuất thân là nhà giáo, nhưng Nguyễn Văn Hầu đã dành nhiều tâm sức cho sự nghiệp nghiên cứu của mình, vì vậy những vấn đề lịch sử mà ông đặt ra cách nay đã hơn 50 năm nhưng ngày nay vẫn còn mang tính thời sự đáng được chúng ta trân trọng và tiếp tục nghiên cứu.

 

Riêng với các đề tài khảo cứu về nhân vật lịch sử miền Nam, ông quan tâm đến trường hợp chí sĩ Nguyễn Quang Diêu một lãnh tụ trọng yếu trong phong trào Đông Du ở miền Nam đầu thế kỉ XX nhưng ít được hậu thế nhắc đến. Để có tính thuyết phục về nhân vật lịch sử này, Nguyễn Văn Hầu đã công bố nhiều tư liệu có liên quan về phong trào Đông Du trên các tạp chí Bách Khoa (1962), Bán Nguyệt san Văn hóa (1961), đến năm 1964 sách “Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu - một lãnh tụ trọng yếu trong phong trào Đông Du ở miền Nam” được xuất bản và đã gây sự chú ý trong giới nghiên cứu lúc bấy giờ bởi lẽ trước đó chưa có công trình nào nghiên cứu về nhân vật lịch sử này.

 

Ngày nay, trước yêu cầu đổi mới của đất nước, việc tìm hiểu đánh giá khoa học các nhân vật lịch sử mà trước đây chưa có điều kiện nghiên cứu luôn là yêu cầu đặt ra cho giới khoa học. Xuất bản sách “Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu - một lãnh tụ trong phong trào Đông Du ở miền Nam” cũng không ngoài mục đích giúp các nhà nghiên cứu, bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về nhân vật lịch sử bị lãng quên này. Sách được biên tập thành 2 phần - phần 1 in lại toàn bộ nội dung sách “Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu - một lãnh tụ trong phong trào Đông Du ở miền Nam” (xuất bản năm 1964) và phần 2 giới thiệu các bài viết có liên quan đến phong trào Đông Du ở miền Nam và chí sĩ Nguyễn Quang Diêu và các nhân vật cùng thời như Lý Liễu, Nguyễn Thần Hiến, Trần Chánh Chiếu…

 

Nhân dịp này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn gia đình cố học giả Nguyễn Văn Hầu đã tạo mọi điều kiện để sách được xuất bản ra mắt bạn đọc và kịp thời phục vụ cho hội thảo “Nhân vật Nguyễn Quang Diêu” do Tỉnh ủy Đồng Tháp và Tạp chí Xưa & Nay tổ chức.

(Lời giới thiệu của Tạp chí Xưa & Nay và Nhà Xuất Bản Trẻ  năm 2002)

 

 

Trong số những tác giả và tác phẩm có giá trị mà nhà xuất bản Trẻ đã ký hợp đồng mua bản quyền có cuốn THUẬT VIẾT VĂN của Nguyễn Văn Hầu. Đây là một tác phẩm đã xuất bản cách đây trên ba mươi năm dưới thời chế độ cũ ở Sài Gòn và đã được bạn đọc đón nhận rất nhiệt tình.

 

Tuy nhiên, văn chương – cũng giống như âm nhạc, hội họa, điện ảnh – là một nghệ thuật nhân văn vì thế nó biến đổi theo tâm lý, theo cảm nhận và cách sống của mỗi thời đại. Thế thì một cuốn sách dạy về nghệ thuật viết văn ra đời cách đây hơn ba mươi năm liệu có còn hợp thời không?

 

Thực ra, đối tượng của văn học muôn đời vẫn là con người. Con người tuy có nhiều thay đổi theo từng thời đại nhưng những “vấn đề” cơ bản của nó thì không thay đổi. Đó là tình yêu, thân phận, hạnh phúc, đau khổ… Muốn phản ánh những điều đó người viết văn nào cũng phải tự trang bị cho mình những “thủ pháp nghệ thuật” cơ bản trước khi nói đến việc xây dựng cho mình một tính cách riêng, trước khi thổi vào nó hơi thở riêng của thời đại.

 

Với sự sắc sảo của một nhà nghiên cứu văn học, lịch sử và triết học cộng với sự vững chãi, tự tin của một nhà giáo, Nguyễn Văn Hầu đã truyền được những kinh nghiệm quý báu của nghề văn chỉ trong hơn 200 trang sách. Kinh nghiệm của ông không chỉ gói gọn trong những “ngón nghề” những “độc chiêu” và còn bao gồm rất nhiều “lỗi” nhiều “sai lầm” nhiều cái “tật” mà người cầm bút trẻ mới vào nghề cần phải tránh.

 

Tuy nhiên có người lại nói: Viết văn là một cái nghề mà không ai có thể dạy ai được. Điều đó đúng đối với những tài năng lớn. Nhà văn khi đã biết đồng hóa mình với ngôn ngữ và vốn sống thì bất chấp thủ pháp vẫn tạo được những hiệu ứng nghệ thuật đáng kinh ngạc. Lúc ấy chính nhà văn là người sáng tạo ra ngôn ngữ và cả ngữ pháp nữa.

Với tham vọng khiêm nhường là trang bị những vốn liếng cần thiết và cơ bản cho những sinh viên chuyên ngành văn và những bạn trẻ mới bước chân vào nghề viết văn, Nhà xuất bản Trẻ hy vọng cuốn sách này sẽ là người bạn đồng hành gần gũi và đáng tin cậy của bạn đọc.

(Lời nói đầu sách THUẬT VIẾT VĂN, NXB Trẻ năm 2005)

 

Lần đầu tiên đặt chân lên đất Sài Gòn, tôi ngán “Hòn ngọc Viễn Đông” nầy quá. Đủ mọi giống người hỗn tạp, đa số là con buôn; nóng, bụi và ồn; muốn kiếm một chỗ thanh tĩnh, có chút cổ tích để ôn lại dĩ vãng thì không biết kiếm ở đâu; và suốt ngày thâu đêm chỉ thấy người ta ăn uống, đánh tứ sắc và ca vọng cổ.

 

Cũng may, lần đó tôi chỉ phải ở Sài Gòn có nửa tháng rồi được phái ngay xuống Lục tỉnh. Trong hai năm liền tôi đi khắp miền Tây, tới đâu tôi cũng nhận xét dân tình và tôi mừng rằng sinh lực của Nam Việt này còn mạnh lắm. Nó không hiển hiện ở các đô thị như Sài Gòn - Chợ Lớn mà dào dạt, cuồn cuộn ở khắp thôn quê, trên bờ những con rạch mát rượi bóng dừa, trên những cánh đồng bát ngát điểm bông sen và bông súng. Dù ở Cần Thơ, Rạch Giá hay Sa Đéc, đâu đâu tôi cũng thấy dân quê chất phác và đôn hậu, giữ được cái truyền thống của tổ tiên.

 

Cơ hồ như nông dân nào cũng nhớ được nhiều tích cũ, thuộc đựợc ít câu trong Minh tâm bảo giám; họ hiếu đễ, biết kính trọng các nhà Nho; mà nhà Nho ở đây cũng đáng cho họ trọng; có lễ độ, có tâm hồn, một số có khí phách nữa.

 

Tôi đã vào những nhà sàn ba gian lợp ngói hay lá, thấp lè tè, tối om om, và tôi thấy nhà nào căn đẹp nhất cũng dành cho việc thờ phụng tổ tiên, mà những đồ trang hoàng đẹp nhất cũng là những đồ thờ; bên cạnh bàn thờ tôi lại thường thấy treo hình các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Chủ nhân luôn luôn nhã nhặn tiếp đãi tôi và khi thấy tôi chăm chú nhìn các câu đối, đoán rằng tôi biết chút ít chữ Hán thì không e dè gì cả. đọc cho tôi nghe thơ văn các nhà cách mạng hoặc hỏi tôi còn nhớ truyện Mã Chí Ni, Gia Lý Ba Dích (tức Mazzini và Garibaldi, hai nhà ái quốc Ý) trong bộ Ẩm băng của Lương Khải Siêu hay không. Các nhà Nho đó rất nghiêm khắc: con đã đi Tri huyện rồi, các cụ cũng nọc ra mà đánh, đậu kỹ sư rồi mà các cụ bắt đi chăn trâu trong khi đợi bổ; và khi các cụ khuyên bảo điều gì thì dân làng răm rắp tuân theo, hơn là tuân lệnh chủ quận.

 

Cái sinh lực của Nam Việt là ở đó: hạng cựu trí thức vẫn giữ được phong độ, được dân chúng kính mến và tin tưởng; nhờ vậy mà hạng tân trí thức chưa đến nỗi vong bản, và giữa các giới có một tinh thần đoàn kết ngấm ngầm chống lại Pháp. Thành thử sau tám chục năm cai trị, ảnh hưởng của Pháp ở đây chỉ như một lớp sơn, chưa ăn sâu được vào quần chúng.

Khắp mấy tỉnh phía Tây tôi mến nhất miền từ Hồng Ngự tới Cao Lãnh, một phần vì tôi biết rõ miền này hơn hết. Từ Hồng Ngự, xuôi dòng sông Tiền Giang lần lượt hiện ra những bụi tre rậm rạp, những vườn gòn lưa thưa, những cồn cát đìu hiu, những ruộng dâu xanh mướt, những hàng sao nghiêm trang sau những hàng dừa yểu điệu, và bất giác ta ngâm lên những vần thơ của Thôi Hạo trong bài Hoàng Hạc Lâu và của Huy Cận trong bài Tràng Giang.

 

Tới Tân Thuận và Cao Lãnh, ta được cảnh vật tưng bừng tiếp đón: dưới rạch ghe xuồng chen chúc mà trên bờ nhà cửa san sát, mận xòa trên mặt nước, xoài rủ ở trên đầu, quýt thì đỏ ối mà nước thì trong xanh; con gái đã đẹp, nổi tiếng nữ công nữ hạnh mà con trai lại hay chữ và có chí khí.

 

Cảnh chẳng những đẹp mà còn hùng. Con sông Tiền Giang ở những chỗ đầu cồn và cuối cồn rộng có tới hai ba cây số, gặp mùa lụt lớn như vừa rồi, nước băng băng chảy, ngập cả vườn tược, đồng ruộng, trên phi cơ nhìn xuống người ta chỉ còn thấy một biển nước bao la trải ra từ biên giới Cao Miên tới vịnh Thái Lan, trên đó ló lên những ngọn cây và mái nhà. Mùa nắng, nếu ta ghé vào tả ngạn, tới Hồng Ngự tới Phong Mỹ, bất cứ nơi nào rồi đi sâu vô dăm ba cây số là gặp ngay một cảnh hoang vu đáng làm đầu đề ngâm vịnh cho các thi nhân phái biên tái đời Đường: một khu rộng mấy chục cây số toàn lau, sậy, bàng, lát, trên là ánh nắng gay gắt, dưới là bùn lầy, không có một bóng người nhưng vô số rùa, rắn, đĩa, muỗi… Xưa kia, đây là đất dụng võ của Thiên Hộ Dương mà gần đây nó vẫn còn là đất tung hoành của nhiều trang hảo hán. Thực dân Pháp ít khi phái lính vô nhưng luôn luôn họ gờm cái miền này nên đặt nhiều trạm dọ thám bao vây; riêng tôi biết được ba trạm ở Cao Lãnh, Chợ Thủ và Chợ Mới.

 

Biết rõ địa lý miền Hồng – Cao đó rồi, độc giả sẽ hiểu tại sao nó là nơi phát sinh ra nhiều nhà cách mạng. Nhờ có những khu phì nhiêu mà sự học mới phát đạt và Cao Lãnh từ xưa vẫn nổi tiếng là đất văn vật. Hán học thịnh, gây được một truyền thống đạo nghĩa, ái quốc: truyền thống đó dễ giữ được vì miền này hẻo lánh, ảnh hưởng của Pháp khó tới (hồi xưa chưa có ca nô, xe hơi, phải chèo xuồng tới Đốc Vàng qua Long Xuyên mất một ngày, lên Sài Gòn mất một tuần); rồi lại nhớ cảnh thiên nhiên hoang vu, hùng vĩ, người ta phải phấn đấu, quen xông pha biết đoàn kết; sau cùng nhờ cánh Đồng Tháp ở ngay sau nền nhà, người ta muốn trốn lúc nào cũng được, nên tinh thần chống Pháp lại càng mạnh.

 

Vì vậy, vào khoảng 1907 – 1908, khi Phong trào Đông Du nổi lên ở Nam Việt thì miền Cao Lãnh hưởng ứng liền. Ít năm sau, Pháp bắt cụ Dương Bá Trạc án trí ở Long Xuyên, cụ Võ Hoành an trí ở Sa Đéc, rồi do một sự tình cờ, cụ Phương Sơn cũng trong Đông Kinh nghĩa thục, lựa ngay miền Đốc Vàng để ẩn náu; và các nhà Nho có tâm huyết ở miền Hồng – Cao ngẫu nhiên mà được gần một số đàn anh ở đất Bắc, tinh thần càng thêm phấn khởi. Từ Cao Lãnh tới Hồng Ngự, không làng nào không có một vài nhà cách mạng bị Pháp tróc nã hoặc ghi tên vào sổ đen. Riêng làng Đốc Vàng Thượng tôi đã biết bốn năm nhà; ở Cao Lãnh, con số chắc còn cao hơn. Những hoạt động của các nhà đó, dân chúng đều biết, các hương chức càng biết rõ hơn nữa, nhưng tôi đã nói dân ở đây biết đoàn kết, biết trọng truyền thống, nên kẻ nào  dù không tán đồng, cũng không mặt mũi nào tố cáo, và Pháp khi hay được mà ra tay thì thường là muộn.

Kiệt hiệt nhất trong số đó là cụ Nguyễn Quang Diêu.

 

Lần đầu tiên được nghe một ông bác kể chuyện cụ, tôi thán phục nhà cách mạng gan dạ ở Cao Lãnh đó. Hôm nay, đọc tác phẩm của ông Nguyễn Văn Hầu, tôi càng ngưỡng mộ cụ. Năm 1913 cụ cầm đầu một phái đoàn, đi lén cách nào không biết, qua Hương Cảng, chưa kịp hoạt động thì bị Pháp bắt, đưa về giam ở khám lớn Hà Nội, rồi đày qua Guyane (Nam Mỹ). Vài năm sau cụ vượt ngục, trốn qua đảo Trinidad của Anh, cuối năm 1920, trở về Hương Cảng, tìm cách tiếp xúc với cụ Nguyễn Hải Thần, năm 1926 tình nguyện trở về hoạt động ngay ở trong nước.

 

Về tới Sa Đéc, cụ vô thăm cụ Võ Hoành, Cụ Võ sai người đón vợ con cụ Nguyễn ở Cao Lãnh tới để gia đình gặp mặt nhau. Sau mười mấy năm xa cách, ai trong cảnh đó mà chẳng cảm động, quyến luyến. Vậy mà cụ chỉ khẳng khái khuyên cụ bà một câu:

“Tôi tưởng bỏ thân nơi đất lạ, may mà được về đây; mừng rỡ gặp nhau như vầy cũng là quý lắm. Thôi bà trở về lo lắng nuôi con, còn phần tôi, bao giờ việc nước chưa xong thì chắc tôi chưa sum vầy với gia đình được.”

 

Sao mà tinh thần của cụ giống như tinh thần cụ Phan Bội Châu đến thế!

Rồi cụ hoạt động ngay ở quê nhà mới là gan cho chứ. Suốt mười năm sau, luôn cho tới khi mất, lúc thì dạy học, lúc thì làm thuốc, khi nằm dưới ghe, khi trọ ở chùa, cụ liên kết các đồng chí, tuyên truyền trong đám thanh niên, nhất là đám nông dân ở các tỉnh Cần Thơ, Long Xuyên, Tân An, Trà Vinh, Bến Tre… nhưng khu vực chính vẫn là miền Hồng – Cao, vì miền này từ địa thế đến dân tình, đều thuận lợi cho công việc cách mạng, như tôi đã nói. Thành thử miền Hồng – Cao giữ một địa vị đặc biệt trong đời cụ: cụ sinh ở phía Nam miền đó – làng Tân Thuận - hoạt động khắp miền đó, rồi quy tiên ở phía Bắc miền đó – làng Vĩnh Hòa, tại biên giới Việt Miên. Ta ít thấy nhà cách mạng nào mà đời sống mật thiết với quê hương như vậy.

 

Cụ mất năm năm rồi, tung tích mới bại lộ và viên chủ tỉnh Châu Đốc nổi giận, hạ lệnh ngưng chức luôn một lúc ba người trong ban hội tề làng Vĩnh Hòa. Tinh thần của dân miền Hồng – Cao đáng quý thật. Mà cụ không phụ lòng họ, suốt đời khí tiết không đổi.

 

Cũng như các đồng chí của cụ thời đó, cụ đã thất bại. Nhiệt huyết và can tràng thì có dư mà kĩ thuật cách mạng thì còn thiếu. Mà thời cơ cũng không thuận tiện. Nhưng xét về phương diện kế vãng khai lai thì cụ đã thành công. Tôi chắc rằng những bài thơ cách mạng của cụ đã nung chí cho nhiều người, và tôi cũng chắc rằng trong đám môn đồ của cụ, thế nào chẳng có một số đã hăng hái vác tầm vông đuổi Pháp khi Pháp được Mỹ ngầm giúp, theo gót Anh, đổ bộ lên đây để toan tái chiếm xứ mình.

 

Đời cách mạng của cụ gồm một phần tư thế kỷ mạo hiểm và hy sinh; thơ văn của cụ, Nôm có, Hán có, giọng rất nồng nàn; mà danh của cụ thì ngoài miền Hồng Cao ra, ít ai được biết. Trong những sách biên khảo viết về phong trào cách mạng ở miền Nam, tôi chưa thấy cuốn nào ghi tên cụ. Cụ chẳng cần người sau biết cụ, nhưng chúng ta là người sau, có bổn phận ghi chép lịch sử của cụ để lưu lại một tấm gương cho người sau nữa. Chúng ta nên cảm ơn ông Nguyễn Văn Hầu đã làm công việc đó thay chúng ta.

 

Ông Hầu quê ở Cù Lao Gieng, khoảng giữa miền Hồng Cao, hồi nhỏ có lần nuôi cái mộng được làm học trò của cụ, lớn lên luôn luôn tưởng niệm cụ, gần đây bỏ ra mấy năm điều tra, phỏng vấn, rồi thu thập tài liệu về đời cụ cùng thi văn của cụ mà soạn nên cuốn này.

 

Phần tiểu sử đầy đủ và đáng tin: ông thận trọng so sánh, cân nhắc kiểm soát tài liệu, rồi trung thực ghi lại, không tiểu thuyết hoá câu chuyện, chỗ nào có nhiều thuyết khác nhau thì tồn nghi.

Phần thi văn cũng đáng quý: thi văn của cụ đồn rằng rất nhiều, nay còn lại khoảng trăm bài, lời tuy không chuốt – nhà cách mạng chí đâu ở làm thơ? – nhưng một số bài có giá trị về sử liệu (như bài Hà Thành lâm nạn…) hoặc khéo dùng những từ ngữ đặc biệt của miền Nam (như bài Văn tế Đức Giáo Tông Cao Đài…) gây được một âm hưởng riêng, lại có thể giúp được nhiều cho những ai khảo về Việt ngữ.

 

Đọc xong tiểu sử cụ Nguyễn Quang Diêu, tôi miên man suy nghĩ. Ừ, tại sao các nhà làm văn hoá không theo phương pháp của các nhà làm cách mạng nhỉ? Nhà cách mạng nào cũng đi khắp nơi để tìm đồng chí, cầu được nhiều người hưởng ứng mà góp sức. Nếu các nhà đó lặng lẽ sống trong một thế giới riêng biệt như các nhà văn hoá thì chắc chắn  đã chẳng gây được chút ảnh hưởng nào mà nếu các nhà văn hoá làm việc linh động, tiếp xúc dân chúng ở mọi nơi như các nhà cách mạng thì chắc chắn đã làm được nhiều việc lắm.

Tôi xin lấy thí dụ việc khảo cổ. Mấy năm nay viện Khảo cổ của mình đã chịu khó hoạt động. Tôi đã được đọc vài cuốn sách dịch, vài cuốn khảo cứu, vài tập san của viện; kết quả cũng là đáng khuyến khích. Nhưng người ta làm việc âm thầm quá – đó là cái tật chung của các học giả - không chịu tìm “đồng chí” ở khắp mọi nơi.

 

Tôi tin rằng mỗi tỉnh ít gì cũng có một hai nhà tân học biết chút ít Hán tự, lại lưu tâm tới sử học. Phần nhiều những vị đó ở trong giáo giới như ông Nguyễn Văn Hầu. Nếu viện khảo cổ biết tìm họ, mời họ về Sài Gòn một vài tháng để truyền cho những kiến thức căn bản về việc khảo cổ - chẳng hạn nên chú ý tới những tài liệu nào, tìm những tài liệu đó ở đâu, ghi chép tài liệu ra sao, vỗ bia, chụp hình ra sao, đánh giá, so sánh, kiểm soát, giữ gìn tài liệu ra sao… rồi giao cho họ nhiệm vụ thu thập hết tài liệu lịch sử của mỗi tỉnh thì chỉ ba năm là Viện có vô số tài liệu để dùng, vì những vị đó ở lâu trong tỉnh, lại có nhiều dịp tiếp xúc với bạn đồng nghiệp ở mỗi làng, với phụ huynh học sinh, có thể biết rõ về tỉnh hơn là những nhà học giả ở Sài Gòn hay Huế, tốn kém không là bao: các nhà giáo đó đã có lương rồi, chỉ cần được rãnh trong vụ nghỉ hè và các lễ lớn (khỏi phải chấm thi chẳng hạn) để tìm tài liệu cho Viện, và được cấp một số tiền mỗi năm để bù vào những chi phí về di chuyển, bút giấy phim ảnh…

 

Như vậy Viện sẽ thêm được nhiều “đồng chí”, phong trào nghiên cứu sử học sẽ phát triển mạnh và chúng ta khỏi lo tài liệu mỗi ngày một mất mát. Ghi chép tài liệu cổ mà cũng ghi chép  cả những việc gần đây nữa, vì những việc này bây giờ chưa phải là cổ,nhưng 50,100 năm nữa sẽ thành cổ và khi nó thành cổ thì còn ai nhớ nữa để mà chép?

Thu nhập được tài liệu rồi lại còn phổ biến nó nữa. Ta nên lập một cơ quan như Service de documentation ở Pháp, để người dân nào muốn nghiên cứu về vấn đề nào cũng biết nên dùng những tài liệu nào, kiếm những tài liệu đó ở đâu, như vậy tài liệu mới thật là có ích cho quần chúng.

 

Những công việc khảo cứu Địa lý Việt Nam, soạn Tự điển Việt Nam… cũng phải tổ chức theo lối đó cho mau có kết quả.

 

Tôi không phải là nhà chuyên môn, tất có chỗ xét không tới. Nhưng tôi tin rằng khi người ta đừng ôm hết công việc, mà biết nhờ nhiều người giúp sức, biết nhận rằng công việc của bất cứ một cơ quan nào cũng là công việc của toàn dân; và khi toàn dân thấy có thể giúp chính quyền trong mỗi phạm vi, có trách nhiệm hợp tác với chính quyền trong mỗi hoạt động, thì lúc đó mới có sự đoàn kết thật sự, mà công việc xây dựng quốc gia mới tiến triển mau được. Sức mạnh của quần chúng là ở số đông: sự hiểu biết của một người dân có thể là rất thấp, nhưng sự hiểu biết của trăm ngàn người dân thì chắc chắn là đáng kể. Đó là bài học mà chúng ta rút được khi đọc tiểu sử các nhà cách mạng. Tôi đã đi xa đề quá, dám mong độc giả lượng thứ.

(Nguyễn Hiến Lê - Lời tựa sách “Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu - một lãnh tụ trọng yếu trong phong trào Đông Du ở miền Nam”)

 

“Chỉ có những người học thức, sanh trưởng tại miền Nam Lục Tỉnh, tận tình đóng góp vào công cuộc xây dựng miền Nam, mới khai thác được những tiềm ẩn chưa khám phá được ở đây. Chúng ta đừng vội trách các tác giả Dương Quảng Hàm, Nghiêm Toản không ghi được bao nhiêu sáng tạo của miền Nam, mà chúng ta hãy quay về tự trách. Một Lê Thọ Xuân, một Đông Hồ, một Sơn Nam, một Thuần Phong, một Bình Nguyên Lộc, một Vương Hồng Sển, một Hồ Hữu Tường, làm sao đào bới được cả một kho tàng văn hoá mênh mông đó…”.

 

Đó là tuyên bố của tác giả “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” tại hội trường tỉnh lỵ Kiến Phong (nay là Tỉnh Đồng Tháp), trong một buổi diễn thuyết của ông, ngày 16-05-1973, trước một số đông thính giả gồm các giới chức chánh quyền, các giáo sư đại học, trung học, các thân hào nhân sĩ và sinh viên, học sinh. Lời tuyên bố nầy bộc lộ một hoài bão và chính do hoài bão đó mà tác giả đã tích cực trong nhiều công tác khai thác văn hoá miền Nam từ bấy lâu nay.

(Trích “Đàm thoại với Nguyễn Văn Hầu, tác giả cuốn Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giangdo Bách Khoa ghi, bài đăng trên tạp chí Bách Khoa số 395-1973)

 

 

“Lớp độc giả là công chúng rộng rãi đọc công trình này một cách dễ dàng và có thể có những hứng thú nhất định do được ôn lại và tự kiểm nghiệm lịch sử một vùng đất, văn hoá của một cộng đồng, tính cách của một lớp lịch sử của con người Việt Nam. Không phải là không có những sách khác viết về nội dung này. Nhưng công trình này của ông Nguyễn Văn Hầu có hai đặc điểm: một là số tư liệu văn học dân gian được dùng để minh họa rất phong phú, và hai là văn phong có những nét riêng của tác giả thể hiện một tâm hồn đa cảm, một tình yêu tha thiết đối với lịch sử và con người Nam bộ.

 

... Lớp độc giả thứ ba là giới làm công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Đói với giới này, có thể đọc công trình này với một thiện cảm do nhận ra được sự say mê và cả nỗ lực thâu tóm tài liệu của tác giả, đồng thời cũng có một hứng thú  khi tiếp xúc với một vài giả thiết do công trình gợi ra, thí dụ giả thiết về đặc điểm nổi bật của văn học dân gian vùng đất mới là giàu tính thời sự…

 

… Cách giới thiệu văn học dân gian như vậy có ý nghĩa và sức hấp dẫn nhất định với lớp công chúng độc giả đông đảo, ngoài ra cũng ghi lại dấu ấn của một học giả tha thiết yêu mến vốn văn hoá truyền thống một vùng đất…”

(Giáo sư Chu Xuân Diên( Giáo sư đầu ngành về bộ môn văn học dân gian, trường Đại học Khoa hoc Xã Hội và Nhân Văn TP HCM, trích trong nhận định bản thảo “Diện mạo Văn học Dân gian Nam bộ ngày 15-03-2002”.)

Nguyễn Bạch Trúc
Số lần đọc: 4445
Ngày đăng: 21.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự thật, Từ ngòi bút Phùng Quán - Nguyễn Khắc Phê
Lưu Ly & Bốn Mùa Yêu : Đọc tập thơ Bốn Mùa Yêu - Nhà xuất bản Thuận Hoá 2005. - Nguyễn Nguyên An
Trần Hoàng Vy, Hạt bụi phấn rơi cũng làm em cay đôi mắt - Nguyễn Đức Thiện
Nguyễn Lâm: Người say thơ đến lạ - Nguyễn Tý
Từ BẾ KIẾN QUỐC đến ĐỖ BẠCH MAI ,từ đất hứa đến một mình đi trong mưa . - Nguyễn Đức Thiện
Thơ Trịnh Công Sơn - Thai Sắc
Lê Xuân Đố và tiếng thơ giọng muối tìm thấy. - Inrasara
Những ảo ảnh và giấc mơ từ chối tỉnh táo - Lê Anh Hoài
Thử khảo sát hai thái độ với truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu - Lê Anh Hoài
Mượn rìu để múa . . . - Dư Thị Hoàn