Cuối tháng tám, tôi có dịp về quê Bùi Giáng, thôn Thanh Châu, xã Duy Châu, huyện Duy xuyên, tỉnh Quảng Nam, nơi nhà thơ sinh ra và lớn lên. Hiện nay, những người thân ruột của "Trung niên thi sĩ" không còn ai. Chỉ còn ông Bùi Vinh, 69 tuổi, hội viên Hội Cây kiểng xã Duy Châu, một người tộc họ Bùi có anh em xa với Bùi Giáng. Và một bà chị của Bùi Giáng là bà Hai Thầm ở Buôn Mê Thuột.
Bùi Giáng con ông Bùi Thuyên, bà con thường gọi ông Cửu Tý. Sinh thời ông Cửu Tý nổi tiếng thông minh, đối đáp giỏi. Một lần ông Cửu Tùng thấy Cửu Tý đi ngang, cười nói: "Huyên thuyên xấp xí, Cửu Tý nói điên". Ông Cửu Tý ứng khẩu: "Túi bụi, tùng bùng, Cửu tùng bú c…". Dân làng rất phục ông Cửu Tý bởi ông có lòng thương người, nhưng ông sống rất ngông, nên bà con gọi ông "dại chữ".
Hiện nay, tại xã Duy Châu không còn ngôi nhà thơ ấu của thi sĩ Bùi Giáng. Chỉ còn một cái giếng sát khu vườn của ông Cửu Tý năm xưa. Năm 1994, ông Bùi Vịnh anh Bùi Giáng gửi 1000USD về cho ông Ngô Đình Thuận. Ông Vịnh dặn cho những gia đình ngày xưa giúp việc cho nhà ông Cửu Tý mỗi nhà 1 triệu đồng, còn bao nhiêu giao cho ông Ngô Đình Bưởi trùng tu lại cái giếng. Trên cổng xi-măng vào giếng có khắc: "Lưu niệm ông Cửu Tý tức Bùi Thuyên - Vĩnh Trinh - Thanh Châu - Tạ thế 18/7/1969".
Tôi được đọc thơ Bùi Giáng từ năm 1972. Đọc xong tôi đi lang thang theo dòng lục bát của ông quên mưa ướt áo. Tôi rất hâm mộ ông. Nhưng chỉ được thấy chân dung ông trên nhưng trang thơ bát ngát mưa nguồn. Một lần, gặp ông Bùi Hiến cháu của Bùi Giáng, triển lãm thư pháp về thơ Bùi Giáng tại Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế, 26 Lê Lợi Huế. Niềm yêu quý Bùi Giáng chín trong tôi, tôi cầm bút viết vào sổ góp ý của Bùi Hiến một bài thơ lục bát, sau đó được Sông Hương in. Đó là bài:
Một
Kính tặng Bùi Giáng
Một mưa một nắng một đời
Một xanh rêu
Với
Một lời lãng du
Một chiều thoát khỏi phù hư
Một dòng thơ
Ngộ
Gọi mù sa bay
Mảnh đất sinh ra thi sĩ Bùi Giáng là đất anh hùng. Rất nhiều nhà có bằng tổ quốc ghi công, Bà mẹ Việt Nam anh hùng… nơi có tượng đài Vĩnh Trinh, di tích lich sử cách mạng, được xếp hạng bảo vệ từ năm 1997. "Nơi đây, đêm 31 tháng 1 năm 1955 (tức là đêm 29 rạng ngày 30 Tết Ất Mùi) có 38 chiến sĩ cách mạng bị…dùng dây thép gai buộc đá dìm xuống lòng hồ Vĩnh Trinh. Đây là một tội ác điển hình nhất của chiến tranh đối với nhân dân Duy Xuyên đã bị nhân dân cả nước lên án và lương tri loài người phẩn nộ".
Tạ từ giếng Cửu Tý trong góc vườn thơ ấu của cố thi sĩ Bùi giáng để về Huế, tôi ghé dâng hương ở nghĩa trang liệt sĩ xã Duy Châu. Nơi có hơn 600 liệt sĩ đang yên giấc ngàn thu trong thời điểm xã chỉ vỏn vẹn 4000 người. Tôi đứng lặng giữa đất trời quê hương cố thi sĩ với lòng ngưỡng mộ các anh linh đang siêu thoát giữa trời cao gió lộng…
Huế, tháng 8 năm 2006