Mới hôm nào, Nguyễn Quốc Việt, một bạn viết ở Tây Ninh còn đưa nhà văn Tô Đức Chiêu đến tận nhà thăm và tặng quà cho Nhà văn Vân An.
Vài tháng trước đây, tôi còn hăm hở tổ chức ngày Vân An thọ tám mươi tuổi.
Cũng cách đây không lâu, tôi còn hỏi nhà văn Vân An: “ chú còn đọc được không, để hôm nào cháu tặng chú mấy cuốn sách”. Nhà văn Vân An còn cười: “viết không được nữa, nhưng còn đọc được”.
Thực ra, đã mấy năm nay nhà văn Vân An không còn được khoẻ mạnh . Ông thơ thẩn vào ra trong căn nhà của mình. Thỉnh thoảng lại dở tập hồi ký mới viết được chừng hơn mười trang vẻ như tiếc nuối lắm. Năm ông 70 tuổi, ông nhắc tôi làm một cái gì đó để anh em văn nghệ sĩ họp mặt cho vui. Thế là tôi làm cho ông một cuốn băng vidéo toàn những bài hát của ông viết trong suốt cuộc đời mình.
Mới đây, tập san Văn Hoá Tây Ninh kêu tôi viết một bài về Vân An, một nhà văn hoá của Tây Ninh đã trưởng thành trong những cuộc kháng chiến trước đây.
Và mới đây nhất, ngày 2-9-2005, tôi và Nguyễn Quốc Việt lên thăm ông trên bệnh viện đa khoa Tây Ninh. Hai chúng tôi hỏi một lúc lâu sau mới thấy ông cười. Ông không nói được nữa mà chỉ cười. Không ngờ, đó là lần cuối cùng được nhìn thấy nụ cười hiền lành trên môi ông. Ngày 10-9-2005, ông vĩnh viễn đi xa. Ngày hôm qua còn mưa sập sùi, nhưng ngày ông ra đi, trời nắng chói chang. Phải chăng trời đã cho ông viên mãn vào một ngày thật đẹp. Ong vừa tròn 80 tuổi.
Vân An, tên thật là Trần Vạn An. Ông sinh ngày 10-3-1925, tại thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng, Tỉnh Tây Ninh. Xuất thân trong gia đình nhà nho, nên cái sự học hành với ông là rất cần thiết. Lớn lên một chút là ông đã được gia đình cho về Sài Gòn đi học. Hết trường tư thục Chân Thanh sang trường Nguyễn Văn Khuê. Cậu thanh niên Trần Vạn An lúc đó cũng hăng hái như bao nhiêu thanh niên yêu nước khác lao ngay vào những cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp ngay giữa Sài Gòn. Chỉ khác người ta thì đi biểu tình, còn ông thì làm thơ, viết báo. Cách Mạng Tháng Tám như một cơn lốc cuốn ông vào cuộc. Pháp quay lại đánh chiếm, Sài Gòn thì cũng là lúc ông quay về Trảng Bàng, quê hương mình tham gia Thanh niên xung phong, sau đó tham gia vệ quốc đoàn. “ Họ bảo mình làm tuyên huấn. Chẳng biết tuyên huấn là cái gì, họ bảo mình làm thơ được, viết văn được, viết kịch được… thì làm tuyên huấn được. Làm thơ đi, viết kịch đi, viết cả bài hát nữa để cánh văn nghệ nó diễn. Cứ ca ngợi kháng chiến nhiều vào, ca ngợi lòng yêu nước nhiều vào… thế là tuyên huấn đấy. Thế là mình làm. Làm được và làm tốt nữa. Năm ấy mình mới có mười tám đôi mươi hà. Hăng lắm.” Vân An đã kể về thời đấu tham gia cách mạng của mình là như vậy. Gần sáu mươi năm rồi cho đến hôm nay ông Võ Trí Dũng, bạn một thời với Vân An, vẫn có thể đứng lên diễn lại nguyên một đoạn vở ca kịch Trọng Thủy- Mỵ Châu mà Vân An viết từ thời đầu kháng chiến chống Pháp. Ngày còn sống, nhà giáo Lương Kim Thâu, khi mừng Vân An bảy mươi lăm tuổi vẫn còn ca hết một đoạn dài trong vở ca kịch ấy. Các ông biểu: Kịch Vân An, dễ nhớ, dễ thuộc, nhưng thuộc nằm lòng suốt gần sáu mươi năm nay thì cũng là kịch hiếm ở xứ Tây Ninh này.
Năm 1948, với Vân An có hai sự kiện lớn. Thứ nhất, ông được kết nạp Đảng cộng sản Việt Nam. Điều này nói lên rằng: thế là ông đã gửi thân xác mình cho cách mạng, một lòng kiên trung vì sự nghiệp cao cả. Sự kiện thứ hai, ông được trao giải nhất cuộc thi văn chương kháng chiến Nam Bộ do quân khu 9 tổ chức với truyện ngắn “ Chim lồng”. Điều này cũng khẳng định: thế là Vân An đã gắn đời mình với văn chương rồi đó. Câu chuyện viết đơn giản: một chiến sĩ cách mạng bị địch bắt. Chúng tra tấn và nhốt anh vào xà lim. Chúng tưởng sẽ khuất phục anh băng nhiều thủ đoạn, nhưng không, anh không khuất phục. Anh như con chim trong lồng, tù đầy đấy, nhưng vẫn hước ra bầu trời tự do, vẫn hy vọng một ngày nào đó, mình thoát ra khỏi cái lồng kia và tiếp tục đóng góp công sức làm cho bầu trời tự do kia thêm rộn tiếng chim. Giải văn chương đã thôi thúc Vân An viết nữa. Thế là tiểu thuyết tình báo 2747 ra đời ngay trong kháng chiến chống Pháp. Sách được quân khu 9 in ngay, và rất vui, ít lâu sau, Vân An thấy 2747 của mình dựng thành kịch và diễn nhiều lần trên sân khấu kháng chiến ở Nam Bộ. Và cũng chính ông là người chuyển thể 2747 thành kịch. Bây giờ đọc lai 2747 vẫn không thấy cũ. Sự dằn vặt của một thanh niên tư sản lúc đó khi dấn thân đi theo cách mạng, có theo được cách mạng hay không là cả một cuộc chiến đấu và phải chiến đấu với ngay chính mình.
Ông ra Bắc tập kết năm 1954. Những năm tháng trên đất Bắc, là những năm tháng thương nhớ quê nhà của Vân An. Hàng loạt truyện ngắn, tiếu thuyết đã ra đời trong khoảng thời gian này. Ông có duyên với nhà xuất bản Kim Đồng. Bốn tập sách về tuổi nhỏ đánh giặc của ông đã được in ở nhà xuất bản này. Cũng vì vậy mà ông được tặng huy chương vì thề hệ trẻ sớm nhất ở tỉnh Tây Ninh này. Nhưng có một tác phẩm rất được chú ý trong giai đoàn này. Đó là tiểu thuyết “ BÁM ĐẤT” . Đặc thù riêng của Tây Ninh là nơi đã khai sinh ra đạo Cao Đài. Sống trên đất Bắc, thế mà Vân An đã có một cuốn tiểu thuyết mang đặc điểm riêng biệt của quê hương Tây Ninh. Vì thế mà “ BÁM ĐẤT” của ông bây giờ có người đọc đã mấy chục năm vẫn còn nhớ. Nhớ và phục Vân An. Những ngày gian khổ của vùng đất xứ đạo được Vân An khắc hoạ đúng y như Vân An đang sống ở đó, cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu ở đó vậy.
Đất nước thống nhất, Vân An trở về quê. Anh lại có thêm nhiều nhiệm vụ. Lúc làm phó giám đốc đài phát thanh tỉnh. Lúc làm trưởng ban nghiên cứu lịch sử đảng tỉnh. Có lúc làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Có lúc làm Tổng biên tập Báo Tây Ninh nữa. Công việc gì Vân An cũng hoàn thành. Nhưng có một việc chẳng ai bắt buộc, chẳng ai giao nhiệm vụ, Vân An vẫn say sưa làm, đó là viết văn. Năm 1986, anh hoàn thành tiểu thuyết “SÀI GÒN 46”. Đây là tiểu thuyết mang tính sử thi, về một Sài Gòn kiên cường trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Những nhân vật như Lan ( Mê Linh), Ba Dương, Tư Nhỏ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh … dưới ngòi bút của Vân An đã sống lại một thời của Sài Gòn xưa. Sách được nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1986. Trước đó, năm 1978, Vân An còn ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn: “ MÀN KỊCH KHÓC CƯỜI” . Đây là tập truyện ngắn được viết tiếp những ghi chép còn lại trong những ngày còn sống trên đất Bắc, đến nay mới hoàn thành được. Những ngày cả miền Nam bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam, Vân An có cuốn tiểu thuyết “ HỌ LÀ AI” , Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh xuất bản năm 1988. Có lẽ, trong văn học Việt Nam chưa có cuốn tiểu thuyết nào viết kỹ như thế về nỗi thống khổ của người dân Campuchia dưới ách thống trị của tập đoàn Pônpốt- Iêngxari. Lấy mốc năm 1948 Vân An vào Đảng, năm Vân An nhận giải văn chương kháng chiến Nam Bộ, thì đến năm 2005 này, Vân An đã có 55 tuổi Đảng và đồng thời cũng là 55 tuổi theo nghiệp văn chương. Nhưng cũng như vào Đảng, Vân An còn trước đó là cả một quãng thời gian dài phấn đấu. Văn chương cũng thế, trước đó, Vân An đã có một thời gian dài vương vấn nghiệp văn chương sau đó mới thành tài. Nhưng ngẫm sự văn chương có vẻ như mỏi mệt hơn. Vì cách đây 15 năm Vân An mới chính thức được kết nạp Hội nhà văn Việt Nam. Công việc có thể nghỉ ngơi, nhưng văn chương thì theo ông cho đến bây giờ..
Vĩnh biệt Vân An, có người đã hỏi: đến bao giờ Tây Ninh mới lại có được một nhà văn người Tây Ninh, vì ông là nhà văn Việt Nam hiếm hoi xuất thân từ đất Tây Ninh này. Riêng tôi, tôi mất một nơi để tâm sự khi có chuyện bận lòng về văn chương. Tiếc vô cùng.