Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.249
123.155.329
 
Nhà văn Chu Hồng Hải - Từng là công nhân gang thép
Nguyễn Đức Thiện

Trên bàn viết của tôi là một cuốn sách đã cũ. Chữ được in trên giấy vàng ố và nhỏ ly ty. Mép sách quăn. Đó là cuốn NGƯỜI CÙNG THỜI tập truyện ngắn của Chu Hồng Hải, anh đã tặng tôi lúc sinh thời. Sách được nhà xuất bản Lao động in năm 1985. Tức là nó được hai mươi tuổi, còn Chu Hồng Hải thì đã đi vào cõi vĩnh hằng đúng mười năm.

           

Tôi nhắc điện thoại gọi anh Xuân Cang:

- Anh Cang, anh có chút gì nhớ về Chu Hồng Hải không?

- Nhớ chứ. Sao không. Mình biết Hải là công nhân lái tầu hỏa trên Khu Gang thép. Mà mình cũng đã có lần thấy cậu ấy loay hoay trên cái đầu tàu hoả ở xưởng đường sắt ấy. Tất bật lắm. Ra dáng anh công nhân lắm. Mà cái cậu ấy lạ. Khi làm công nhân thì như thế. Nhưng khi đến với mình, thì lại đúng là cái anh trí thức lãng tử. Mình thích ở Chu Hồng Hải ở cái sự chất phác, thẳng thắn. Cậu ấy đọc của mình. Cái gì thích cậu ấy khen. Cái gì không thích, cậu ấy chê thẳng thừng. Hồi ấy, chúng  ta còn phân loại ra: Văn học công nhân này, văn học nông thôn này… Thì mình thấy Chu Hồng Hải đúng là một anh nhà văn công nghiệp thật. Mình cũng viết về công nghiệp, Nhưng mình quan sát những chi tiết công nghiệp bằng sự cần mẫn, tỷ mỷ và nói thực nó vẫn là cái sự quan sát của một anh nông dân. Còn Chu Hồng Hải, quan sát tinh tế hơn. Tỷ mỷ mà không vụn vặt. Tinh tế mà không đẽo gọt, chau chuốt. Chu Hồng Hải mang cái gồ ghề vốn có trong công nghiệp vào văn chương rất thông minh. Nói thực cậu đừng giận, hồi đó mình đánh giá Chu Hồng Hải cao hơn cậu nhiều. Nhưng tiếc quá, Khi mình nghe tin Chu Hồng Hải đi nhậu rồi bị tai nạn giao thông mà chết, mình vừa buồn vừa giận. Buồn vì mất đi một cây viết sắc sảo. Giận vì Hải nhập cuộc với dân Nam Bộ nhanh quá. Là mình nói cái chuyện nhậu ấy. Sau này mình tiếp cận với dân Nam Bộ nhiều mình mới thông cảm được với Hải. Nhưng dù sao thì cũng vẫn cứ tiếc. Hải mà còn, chắc còn tiến xa. Những truyện ngắn của Hải thể hiện rất rõ sự vạm vỡ của cậu ấy.

 

Vì thế mà tôi lại giở tập NGƯỜI CÙNG THỜI của Chu Hồng Hải ra đọc lại.

Nhân vật trong 8 truyện ngắn của tập sách là kỹ sư xây dựng, là thợ thủ công mỹ nghệ, là cô giáo, thày giáo. Có người là công nhân. Có cả những văn nghệ sĩ như nhạc sĩ, hoạ sĩ, Rồi kỹ sư nông nghiệp, kỹ sư thuỷ lợi. Nhưng con người ấy gắn đời mình vào mảnh đất mà Chu Hồng Hải mới nhập cuộc chừng vài năm, đất Long An. Tất cả những nhân vật mà Chu Hồng Hải để tâm, để sức khắc hoạ đều có buồn vui gắn vào thời cuộc lúc đó. Trong SẮP MƯA, là sự tỉnh táo của một cán bộ ( ông Hữu)  đã từng tham gia chiến đấu nhìn nhận rất rõ con người. Ông muốn dùng kinh nghiệm nhìn người truyền cho một kỹ sư trẻ ( Tân ) giám sát thi công để mong anh tránh đi một kẻ đã từng tham gia kháng chiến ( Trương Phát)  rồi trốn về đi buôn, nay bỗng trở thành chủ thầu thi công những công trình quan trọng của thành phố. Tân không tin những điều ông Hưũ nói. Nhưng rồi chuyện đã xẩy ra, Trương Phát lấy trọn tiền ứng cho công trình và vuợt biên. Chu Hồng Hải không cần phải khéo léo dấu bạn đọc về thủ đoạn của Trương Phát, nhưng vẫn tạo ra được sự bất ngờ ở cuối chuyện. Vấn đề không phải là cốt truyện. Điều cần nói ở đây là với cách dẫn chuyện lôi cuốn bằng chi tiết cuộc sống đã làm cho SẮP MƯA của Chu Hồng Hải hấp dẫn hơn.  HẠNH PHÚC là truyện ngắn dài hơi nhất trong tập truyện ngắn của Chu Hồng Hải. Một nghệ nhân chuyên nghề khắc tượng gỗ ( ông Tân Thái),  một người chủ nhiệm tổ hợp ( Hạnh) đã từng được đào tạo qua trường mỹ thuật. Một hoạ sĩ lãng tử ( Thanh ), từng học chung với Hạnh. Một người đàn bà ( Diễm) chuyên buôn bán đồ mỹ nghệ. Đó là bốn nhân vận chính trong một truyện ngắn. Chu Hồng Hải còn cho xuất hiện thêm một nhân vật thứ năm ( Vân, con gái ông Tân Thái) làm con thoi giữa các nhân vật kia. Bình thường, với một cây bút khác, sẽ có một cuộc tình tay ba mà Vân sẽ là nhân vật trung tâm. Nhưng ở Chu Hồng Hải thì không như vậy. Vân chỉ là một nhân chứng để thấy rõ một người hữu danh vô thực như Thanh, nói thì lớn mà vô tích sự. Thấy rõ Hạnh dám hy sinh sự đam mê của mình vì một tổ hợp sản xuất sắp tan rã, bỏ công sức mình để thu hút nhân tài như ông Tân Thái tiếp tục gắn bó với nghề, lo từng con cá, chai nước mắm cho công nhân. Sự đam mê kia chỉ thể hiện khi anh dành chút ít thời gian hiếm hoi cho bức tượng mẹ và con, sinh động đến mức làm Vân nao lòng. Vân cũng là người chứng kiến một kẻ bất chấp tình cảm lo chuyên bán buôn như  Diễm. Qua Diễm, Vân thấy rõ tâm địa của những người chỉ mong lợi lộc cho mình. Vân cũng là người chứng kiến sự rỗng tuếch của Thanh, một hoạ sĩ hình như có tài, không làm việc, bán hết cả đồ dùng cho bữa ăn, ly cà phê mỗi ngày và chờ sự vĩ đại của mình từ ở đâu tới. Giữa những người như thế Vân chưa biết tin ai. Cuối truyện, Chu Hồng Hải mới he hé cho bạn đọc thấy một chút tình cảm của Vân với Hạnh, anh chủ nhiệm tổ hợp sản xuất hàng mỹ nghệ kia. Vẫn không cần bàn đến chuyện khéo dẫn chuyện của Chu Hồng Hải. Cái nhuyễn hơn cả mà Chu Hồng Hải đạt được đó là khơi nguồn tâm lý “ đến mức”, làm cho các nhân vật tự bộc lộ tính cách của mình. Thanh vì muốn níu kéo một cái gì đó mà vô tình làm gãy cây cọ của mình. Ông Tân Thái thấy mình chưa thể xa cái tổ hợp kia dù lương có thấp một chút. Diễm thì bực dọc vì không lôi  kéo được Hạnh và cuộc buôn bán hàng mỹ nghệ. Hạnh, một con người hết mình vì công việc thì sẵn lòng dơ tay đón nhận mọi sự hợp tác. Còn Vân, cô tự tìm ra sự lý giải cho hạnh phúc. “ Để có trăm ngàn bản khắc rung động lòng người như vậy, anh chủ nhiệm trẻ tuổi đó đã từng phải tạm hy sinh niềm say mê riêng cho hạnh phúc chung- tuy nó chưa kịp đến với tất cả mọi người, trong đó Thanh, mình và bản thân ảnh nữa…”. Cái hạnh phúc mơ hồ kia, đã hình thành rõ hơn trong cô gái trẻ như Vân. Bằng ngộn ngộn chi tiết cuộc sống, rậm đặc tình tiết tâm lý mà chỉ có người có con mắt quan sát tinh tế, thông minh mới có thể viết được như thế.

 

Có một truyện ngắn đã gây cho tôi ấn tượng mạnh khi mới được in trên Văn nghệ quân đội và sau đó được trao giải ba ở cuộc thi do tạp chí này tổ chức. Đó là truyện ngắn Hai người lính. Hai người lính từ hai chiến tuyến cùng trở về sống trong cảnh thanh bình của quê hương sau giải phóng. Một kẻ từng hưởng ân huệ của những cuộc hành quân chém giết, trong ánh hào quang lúc đó đã chiếm đoạt tình cảm của một cô gái, sau đó ruồng rẫy, từ chối cả cô gái và đứa con. Ngày thất trận, anh ta cô đơn, về quê và cô đơn. Lúc này anh ta lại muốn tìm về nơi anh ta đã từ chối. Bây giờ chính anh ta lại bị từ chối. Người lính thứ hai xuất hiện. Đó là người lính có gia đình, có vợ và con, nhưng đã bị chính người lính anh gặp hôm nay tàn sát ở  làng quê của mình. Anh thành giáo viên. Chính vào lúc cô đơn nhất vì bị từ chối của anh lính cộng hoà xưa thì anh lính giáo viên đã mời anh ở lại với mình trong một đêm để chỉ cho anh ta thấy: “ Không có vở tuồng đời nào hết ráo. Chỉ có cuộc đời … Đúng thế, chỉ có cuộc sống mới đang tiếp diễn, và lối nhìn của nó sai hay đúng theo quan điểm của mỗi ngừơi thôi …” Anh lính cụ Hồ muốn nói với anh lính cộng hoà thất trận một điều, không ai từ chối anh cả, nếu anh nhận ra đúng vị trí của mình trong cuộc sống mới hôm nay. Cơ hội cho anh hoà nhập cuộc sống vẫn còn… Đọc Chu Hồng Hải thấy phảng phất không khí của một vùng đất đang trong giai đoạn xây dựng sau chiến tranh và một lớp người đang lựa chọn giữa cái cũ, cái mới. Có những anh say sưa kiềm tiền coi vợ như con hầu kẻ ở. Có những nhạc sĩ quanh năm sống trong bốn bức tường với những bài hát lâm ly, nhạt phèo. Lại có những kỹ sư nông nghiệp còn bảo thủ hơn cả lão nông chi điền. Hải đều tìm ra cho nhân vật của mình những những kết thúc có hậu. Người sáng tác âm nhạc thì phải mở toang những cánh của nhà mình cho âm thanh ùa đến và đi tìm những âm thanh trên mọi khoảng trời sinh động. Anh cán bộ kỹ thuật nông nghiệp thì phải lội xuống ruộng với bà con nông dân để hiểu đất, hiểu người. Còn người ham mê kiếm tiền rồi cũng có lúc thấy hậu quả của nó mà phải tìm về với hạnh phúc gia đình…

           

Đọc lại Chu Hồng Hải mà cứ thấy nao nao. Lần nào chúng tôi, những người quen biết Chu Hồng Hải đều nhắc đến cái tên thân thương ấy. Nghiêm Văn Tân, một anh công nhân lò cao ở Khu gang thép Thái nguyên, đã từng viết văn, mỗi lần gặp lại tôi anh đều nói: “ Sao Chu Hồng Hải nó đi sớm thế. Nó mà còn …”. Và anh ngậm ngùi. Mới đây nhất trong chuyến đi công tác ở Bình Thuận tôi gặp Vũ Nghệ.

 

Tôi quen Vũ Nghệ từ ngày anh còn ở Long An. Còn hôm nay, anh đang công tác ở Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận. Ngay từ khi ngồi trên xe cho anh chở tôi đến điểm hẹn cho một cuộc nhậu hàn huyên, Nghệ đã nhắc đến Chu Hồng Hải. Anh nói bằng một giọng rất buồn:

            - Thế là chúng mình xa Chu Hồng Hải mười năm rồi đấy.

           

Vơi người ta chữ xa tức là còn ngày gặp lại, còn với Chu Hồng Hải là xa vĩnh viễn. Xa từ  ngày 20 tháng Tư năm 1975. Vũ Nghệ kể:

            - Bữa đó, giấc chiều, Chu Hồng Hải từ đâu chạy về nhà mình. Vừa bước chân vào nhà Hải băn khoăn nói với mình: “ Chết rồi, mình đi đám cưới con em mà quên mất không đưa phong bì mừng. Còn nguyên đây này”. Hải mở phong bì ra, trong đó có một trăm ngàn đồng. Hải có vẻ buồn vì sự lơ đãng ấy. Nhưng chỉ chốc lát thôi, Hải bảo mình: “ Thôi đi nhậu cho vui. Hôm nay không mừng thì mai mừng, không sao.” Mình tư chối, Hải leo lên xe chạy đi. Tối ấy, một người chạy tới báo một cái tin mình không dám tin là thực: “ Hải bị tai nạn xe. Chắc không sống được rồi.” Mình chạy tới bệnh viện. Đúng là không thể cứu được Hải nữa. Sáng hôm sau, mình chở chị Hai Nguyệt đi tìm đất cho Hải yên nghỉ. Đến bây giờ vẫn còn thấy như đang nghe chị ấy khóc thương Hải ở sau xe. Thương thật, Hải mới đi đại Hội nhà văn Việt Nam lần thứ 5 về chưa được bao lâu. Chu Hồng Hải sống dễ thương hết sức. Hết làm việc ở Hội Văn nghệ lại sang xuất bản Long An. Xuất bản giải tán, trở lại Hội văn nghệ. Chẳng thấy Hải phàn nàn gì về chỗ đứng của mình trong xã hội. Chỉ lo đi tìm chi tiết cho những truyện ngắn. Có hôm về cơ quan, Hải là ngừơi ta cứ sôi lên về một dự định viết. Rồi mấy hôm sau lại thấy Hải buồn so và thông báo với mọi người: Chuyện hay như thế mà không viết được. Tại sao? Thì thiếu chi tiết chớ còn sao. Hải thủng thẳng trả lời. Bây giờ, mười năm rồi nhiều người ở Long An vẫn còn nhớ đến Chu Hồng Hải đấy. Bửu Thiết, Hoàng Đỗ… cả mình nữa, không bao giờ có thể quên được Chu Hồng Hải.

 

Vũ Nghệ bùi ngùi khiến tôi cũng bùi ngùi theo. Và hôm nay, tập truyện ngắn NGƯỜI CÙNG THỜI của Chu Hồng Hải cũ mèm, sờn mép đặt trên bàn viết của tôi.

 

Nhớ ngày đi xa của Chu Hồng Hải tôi đọc lại tất cả tám truyện ngắn trong tập truyện hiếm hoi có được khi anh còn sống. Đúng như anh Xuân Cang nói. Chu Hồng Hải đúng là vạm vỡ thật. Giá mà anh còn sống đến hôm nay… Cái nghiệp văn chương bám vào Chu Hồng Hải kể từ những ngày chạy tầu ở Khu gang thép Thái Nguyên. Những người cùng sống với Chu Hồng Hải ngày đó không mấy khi thấy anh rảnh rang. Ngày làm bổn phận người công nhân thì chạy tầu 24/24 giờ chở quặng sắt từ Trại Cau về lò luyện gang ở Lưu Xá. Sau giờ chạy tàu là viết. Không ai có cái bàn viết như Chu Hồng Hải. Đó là một miếng ván gác lên đầu chiếc giường một. Lúc mới ngồi viết thì khoanh tròn chân lại trên giường. Nhưng khi mỏi, Hải xoạc chân , thò xuống đất và xoay mặt lại với cái bàn. Thế là người Hải cong vòng và những con chữ cũng cong vòng như cái lưng của Hải. Sau này khi vào Long An, Hải có những bàn  viết hẳn hoi, nhưng hình như quen rồi, anh cứ cong vòng cái lưng khi viết. Sau những giờ viết Hải đi tìm bạn. Hải đến với bạn bao giờ cũng thế, ôn ào, sôi nổi. Khen cái gì thi khen cho đáng. Chê cái gì thì chê cũng cho đáng. Nhưng anh chẳng làm cho ai giận. Mà trái lại, người ta gặp Hải là nhớ ngay. Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Chu Hồng Hải chuyển từ  Khu gang thép Thái nguyên về Long An. Năm 1985, đúng năm Hải cho ra tập NGƯỜI CÙNG THỜI, tôi vào Long An gặp Hải. Vẫn như thế sôi nổi ào ạt. Hỏi chuyện viết, Chu Hồng Hải cười hề hề: vẫn viết. Viết đủ thứ. Truyện ngắn lấy tên Chu Hồng Hải. Viết ba lăng nhăng kiếm nhuận bút giúp vợ nuôi con thì ký tên lung tung. Còn bạn. Không kể hết được. Nhờ Hải mà tôi biết được nhiều người ở đất Long An này.

 

Nhà văn Xuân Cang,  đàn anh sống cùng thời với Chu Hồng Hải ở Khu Gang Thép khi nói chuyện với tôi cũng ngậm ngùi bảo: Chu Hồng Hải mất vào đúng lúc vừa kịp chín. Tôi cũng nghĩ thế. 43 tuổi với người viết văn thành đạt là lúc vừa đủ sức, vừa đủ trí. Rất tiếc Chu Hồng Hải đã ra đi. Chặng đường dài của sự nghiệp sao Hải bỏ dở dang, để lại sự nuối tiếc cho mọi người. Muốn nhắc lại một điều: một thời nhà va9n Chu Hồng Hải đã từng ở Khu gang thép Thái nguyên.

Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 4508
Ngày đăng: 30.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trò chuyện với Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác. - Nguyễn Khắc Phê
Nhớ Nhà Văn Vân An : Nhân ngày giỗ đầu của anh. - Nguyễn Đức Thiện
Đi lễ chùa hay hành trình giác ngộ ? - Võ Anh Minh
Thiên Hà ,còn đó tuổi tình yêu. - Trương Đạm Thủy
Đọc mưa xuân thì : Hồ Thế Phất - NXB Thuận Hoá 2005. - Nguyễn Nguyên An
Lộ trình thơ Mai Văn Phấn-1. - Dương Kiều Minh
Nhớ “Chiều mưa đường số 5” của Thâm Tâm - Trương Tham
Vũ Trọng Quang đưa con đi thi - Trần Nhã Thụy
Chất thơ trong ‘Cánh đồng bất tận’ - Đào Duy Hiệp
Những nhận định về tác giả và tác phẩm của Giáo sư Nguyễn Văn Hầu. - Nguyễn Bạch Trúc
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)