Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.175
123.162.191
 
Nghệ thuật câu đối Hán Nôm
Tạ Đức Tú

Câu đối, tiếng Hán gọi là Đối liên 對聯 (một cặp câu đối xứng), Doanh liên 楹聯 (một cặp câu dán cột nhà). Người ta có khi còn gọi là Doanh thiếp 楹帖. Các bậc thức giả ngày xưa rất chuộng câu đối, các dịp lễ tết, hôn sự, chúc thọ, tang ma… đều có câu đối. Câu đối có thể xin, tặng, bán, mua hoặc một người ra, một người khác đối lại. Câu đối thân thiết tới mức nam nữ tỏ tình với nhau cũng dùng hình ảnh câu đối để ví von:

                            Người như cây gỗ xoan đào

                       Em như câu đối dán vào được chăng ? (Ca dao)

 

Trong các nơi thờ phụng trang nghiêm như đình, đền, chùa, miếu, từ đường, lăng tẩm… câu đối càng được quý trọng. Nhìn chung có thể thấy câu đối là một loại hình văn hoá nghệ thuật rất phổ thông ở nước ta. Nghĩa là sinh hoạt câu đối đã vượt khỏi các phạm vi đời thường: Thành thị chuộng câu đối thì nông thôn cũng chuộng câu đối, nơi tôn nghiêm khắc câu đối thì nơi thôn quê dân dã cũng ngân nga câu đối, vua quý câu đối thì quan lại càng quý câu đối, trí thức làm câu đối thì bình dân cũng làm câu đối, người già thích câu đối thì trẻ nhỏ cũng thích câu đối, nam mê câu đối thì nữ cũng mê câu đối… Câu đối thực tế chủ yếu do tầng lớp trí thức Hán học sáng tạo nhưng công lưu giữ và truyền tụng phải kể đến tầng lớp bình dân. Tóm lại, câu đối Hán Nôm là sự kết hợp sâu sắc và hài hoà giữa văn chương bác học và văn học bình dân.

 

Phép làm câu đối có 2 yêu cầu:

- Đối thanh: chữ của vế trên bằng thì chữ của vế dưới phải trắc, và ngược lại.

- Đối loại: nếu vế trên sử dụng danh từ, động từ, tính từ, số từ, đại từ hay sử dụng các thành ngữ, tục ngữ, điển cố… tại vị trí nào thì vế dưới nó, ở tại vị trí đó cũng phải sử dụng đúng từ loại như vậy.

Câu đối đúng quy cách thì vế trên (bên phải nếu dán cột) có vần trắc, vế dưới (bên trái nếu dán cột) có vần bằng.

Câu đối nhìn chung có 3  loại:

- Tiểu đối 小對: Mỗi vế từ 4 chữ trở xuống:

Trời cao / Đất dày

Trống đánh xuôi / kèn thổi ngược

                        貧賤難移 / 威武不屈

Bần tiện nan di / Uy vũ bất khuất.

               (Nghèo hèn khó đổi / oai lực không phục)

鴛鴦比翼 / 夫婦同心

Uyên ương tỷ dực / Phu phụ đồng tâm

              (Uyên ương liền cánh / chồng vợ đồng lòng)

- Thi đối 詩對 (đối thơ): mỗi vế đối 5 chữ hoặc 7 chữ theo luật Đường thi:

四季花長好 / 百年月永圓

Tứ quý hoa trường hảo / Bách niên nguyệt vĩnh viên.

                (Bốn mùa hoa vẫn nở / trăm năm trăng vẫn tròn)

千秋歲月千秋美 / 萬里江山萬里春

Thiên thu tuế nguyệt thiên thu mỹ;

Vạn lý giang sơn vạn lý xuân.

        (Nghìn thu năm tháng nghìn thu đẹp; muôn dăm non sông muôn dặm xuân)

- Phú đối 賦對 (đối phú): đặt câu theo thể Đường phú, có 3 dạng:

+ Song quan 雙關 (2 cửa): Mỗi vế có từ 5 chữ đến 9 chữ đặt liền nhau:

倒海移山豪情永在 / 改天換地樂趣無窮

Đảo hải di sơn hào tình vĩnh tại;

Cải thiên hoán địa lạc thú vô cùng.

        (Lấp biển dời non tinh thần còn mãi; đổi trời thay đất hứng thú không cùng)

+ Cách cú 隔句 (cách câu): mỗi vế có một câu dài, một câu ngắn cách nhau:

   Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới (Quan huyện ra)

   Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên (Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành đối) 

+ Tất hạc 膝鶴 (gối hạc): Mỗi vế có từ 3 đoạn trở lên, có ít nhất một đoạn ngắn xen giữa:

Cửa trai thiền nương chửa bao lâu, dịp dàng sư dạy, kinh kệ sư rèn, hương thấp đèn khiêu, khấn nguyện những mong sư mạnh khoẻ;

Đường tịnh độ rời xa phút chốc, chuông trống vãi khua, chùa chiền vãi quét, dâng hoa cúng quả, sớm khuya nở để vãi chơ vơ.

  Nghệ thuật câu đối Hán Nôm:

* Sử dụng điển cố một cách tinh vi:

小白伯齊生管仲 / 大元夷宋死天長

Tiểu Bạch bá Tề, sinh Quản Trọng,

Đại Nguyên di Tống, tử Thiên Trường.

           (Tiểu Bạch làm vua cho Quản Trọng sống; Đại Nguyên diệt Tống đem Văn Thiên Trường giết)

* Sử dụng thành ngữ, cách ngôn rất tuyệt vời:

Lão cũng đã mừng thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai còng, tất tả chân đăm đá chân chiêu, vì lão đỡ đần trong mọi việc;

Bà đi đâu vội bấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc cũ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa chạm tay chén, cùng ai kể lễ chuyện trăm năm. (Nguyễn Khuyến)

Chữ Đại () là cả, bỏ một nét ngang (), chữ Nhân () là người, chớ thấy người sang bắt quàng làm họ;

Chữ Bì () là da, thêm ba chấm thuỷ (), Chữ Ba () là sóng, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo.

* Chơi chữ tài hoa điêu luyện:

+ Chơi chữ kiểu dùng nhiều từ chỉ một nghề:

Nếp giầu quen thói kình cơi, con cháu nương nhờ vì ấm;

Việc nước ra tay chuyển bát, bắc nam đâu đấy lại hàng.     (Lê Thánh tông vịnh bà hàng nước)

+ Chơi chữ kiểu âm Hán, nghĩa Nôm:

Da trắng vỗ bì bạch;     (Đoàn Thị Điểm ra)

Rừng sâu mưa lâm thâm.   (Hậu nhân đối)

           (Bì bạch 皮白 : da trắng; Lâm thâm 林深 : rừng sâu – ngoài ra, bì bạch và lâm thâm còn là từ tượng thanh)

Cái () là tượng , Tượng () là voi, voi chầu cửa cái;   (Sư ra)

Tu () là hổ, Hổ () là cọp, cọp bắt thầy tu.  (Hoàng Phan Thái)

+ Chơi chữ kiểu nửa vế Hán, nửa vế Nôm:

Phú quý đa thê đa đa đẩu;

Gian nan thê tử nhẹm nhẹm thìn.

               (Nhà giàu nhiều vợ, đâu đâu đã / nghèo nàn vợ chết, nhịn nhịn thèm)

+ Chơi chữ kiểu lập từ độc đáo:

Mồng một tết, mồng hai tết, mồng ba tết, ừ tết;

Sáng đã say, trưa lại say, tối cũng say, cho say.

善報惡報遲報速報終須有報 / 天知地知爾知我知何謂無知

Thiện báo, ác báo, trì báo, tốc báo, chung tu hữu báo;

Thiên tri, địa tri, nhĩ tri, ngã tri, hà vị vô tri.

                (Thiện báo, ác báo, chậm báo, nhanh báo, đến cùng có báo;

                  Trời biết, đất biết, anh biết, tôi biết, sao không ai biết)

*Đọc theo Hán hay Nôm đều có nghĩa hợp lý:

鶯啼鳳語迎花帳 / 雁舞鸞飛拂錦屏

Oanh đề phượng ngữ nghênh hoa trướng;

Nhạn vũ loan phi phất cẩm bình.    (Tam Nguyên Yên Đỗ)

         (Oanh kêu, phượng hót chào trướng hoa; nhạn múa, loan bay lay bình gấm)

 

Đây là câu đối mừng đám cưới với hình ảnh oanh kêu, phượng hót, nhạn múa, loan bay. Nhưng nếu đọc theo âm Nôm (đọc từ dưới lên, từ phải qua trái) thì cũng có nghĩa mừng đám cưới, nhưng hình ảnh tao nhã và cổ điển trên bị “tiếu lâm hoá”:

屏錦拂飛鸞舞雁 / 帳花迎語鳳啼鶯

Bình gấm phất phơ loan mó nhạn;

Trướng hoa nghiêng ngửa phượng đè oanh.

 

Nghệ thuật sáng tác câu đối Hán Nôm thật muôn hình vạn trạng. Cái hay, cái tài, cái tình, cái ý của các cụ nho học ngày xưa khó mà tả cho hết được. Ở đây chúng tôi chỉ dám gọi là lượm lặt cái tinh vi trong kho tàng câu đối Hán Nôm. Nói thế còn e có tội với các cụ vì đã vô tình xé nát cái hồn thiêng trong nó. Ở bài viết này chúng tôi chỉ mong mõi một điều rằng, chúng ta, những người đang thừa hưởng một kho tàng di sản Hán Nôm đồ sộ và phong phú, hãy trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị của nó, để đừng then mặt với cha ông.

Tạ Đức Tú
Số lần đọc: 11037
Ngày đăng: 30.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những bài văn... dễ sợ! - Nguyễn Văn Cải
Tiếng Việt - Tiếng Mỹ rắc rối ... - Lê Anh Tuấn
Về một số từ HÁN VIỆT chỉ đôi lứa - Tạ Đức Tú
Cái hay của “Nói lái”. - Mai Văn Sang