Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.241
123.160.902
 
Con ngựa
Hồ Tĩnh Tâm

Mỗi lần về thăm quê, bao giờ tôi cũng thấy tồi tội cho ông cậu ruột của mình.

 

Cậu không cao, nhưng cũng không thuộc loại nhỏ con; nói chung là tầm tầm, nhàng nhàng như hết thảy đàn ông trong xóm Giếng của tôi. Nói rõ hơn thì cậu cao khoảng mét sáu, nặng khoảng gần năm chục ký, da ngăm ngăm như màu bánh cam. Nhưng cái chính không phải là ở đó. Cái chính là lúc nào cậu cũng quần quật làm việc một cách rất vui vẻ, rất tự giác; dù mệt thế nào cũng không hề kêu ca lấy một lời; đã vậy, đang thở hổn hển vì mệt, nhưng nếu nhìn thấy ai đi ngang, bao giờ cậu cũng ráng đứng ưỡn lưng, đưa cùi tay lau mồ hôi, rồi dệch miệng ra cười với người ta. Nụ cười gượng gạo, không ra buồn cũng không ra vui; coi vừa ngô ngố, vừa tồi tội.

 

Hồi nhỏ tôi từng được mẹ cho theo ra sống với cậu ở cơ quan của cậu. Bấy giờ tôi khoảng năm tuổi, cậu đâu vào hai mươi lăm thì phải. Trong trí nhớ của tôi, lúc đó cậu là một chàng trai trẻ trung, vui tính và rất tốt bụng. Đêm đêm, cậu ra ngồi trên hòn đá tảng sát với bải cỏ gà rộng như sân bóng đá, say sưa kéo đàn phong cầm. Cậu kéo hết bài này tới bài khác. Cứ kéo được một lúc thì thấy lục tục vài cô gái trẻ phơi phới kéo ra. Họ ngồi quây lấy cậu, cất tiếng hát theo điệu đàn một cách đầy nhiệt tình. Nhiều cô trong số họ thường dúi cho tôi miếng kẹo cu đơ, miếng kẹo dồi, hay trái cam, trái ổi. Tôi cứ việc nghiễm nhiên mà ăn. Vừa ăn tôi vừa nghĩ, tất cả các cô đều yêu cậu, vì cậu biết kéo đàn; lớn lên thế nào tôi cũng phải học kéo đàn như cậu.

 

Trong số các cô ấy, có một cô mặt tròn, da trắng và bóng như búp bê; lúc nào cũng thắt vắt vẻo hai bím tóc vổng lên hai bên thái dương. Khi hát, cô thường lúc lắc đầu, khiến hai bím tóc cứ nhảy lên tưng tửng, coi rất vui mắt. Cô này hay cho qùa tôi nhất. Đã vậy, thỉnh thoảng cô lại còn kéo tôi ngồi vào lòng. Ngực cô mềm và ấm; mái tóc thoảng ra mùi gì thơm thơm, ngọt ngọt.

Có lần tôi hỏi cậu:

- Cô búp bê yêu cậu phải không?

Cậu nói:

- Biết đâu đấy.

Tôi lại hỏi:

- Lớn lên cháu cưới cô ấy được không? Khi cháu lớn hơn cô búp bê thì cháu cưới cô ấy được chứ?

 

Cậu phá ra cười ngặt nghẻo, cười tới chảy cả nước mắt.

Lúc đó tôi nghĩ: cậu không tốt.

 

Bấy giờ cậu là công nhân nổ mìn của xí nghiệp hệ dưỡng đá. Sáng sáng cậu đi rất sớm. Khi tôi ngủ dậy, bao giờ cũng thấy trên mặt bàn một chén xôi đậu phộng. Bao giờ cũng chỉ là xôi đậu phộng. Mới năm tuổi hơn chút đỉnh, mà tôi ăn vèo hết chén xôi một cách rất dễ dàng.

 

Thế rồi tôi đến tuổi đi học, mẹ buộc tôi phải trở về nhà; tôi đành phải xa cậu.

Từ đó tôi không còn được gặp cậu.

Cho tới ngày tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ, mẹ mới bảo tôi lấy chiếc xe phượng hoàng, đạp gần hai trăm cây số đi thăm cậu.  Tôi đạp xe gần một ngày mới tới. Khi tới thì trời đã nhập nhoạng mặt người. Nhờ hỏi thăm tôi mới biết, người đàn ông đang ngồi khum lưng bằm đống bèo tây là cậu. Chẳng giống chút gì với ông cậu tài hoa trong trí nhớ của tôi.

 

Lúc đó, hoàng hôn đỏ bầm như sắp đặc quánh lại. Mợ tôi ngồi phe phẩy cái quạt giấy nơi bực thềm, dưới chân có con chó lông màu trắng, nằm le lưỡi ra thở. Khí trời ngột ngạt tới nhớp nháp mồ hôi.

Cậu nói:

- Mợ ơi! Thằng cu này! Nó là con của O cả. Mợ rán thêm mấy qủa trứng.

Cậu nói rất nhẹ nhàng. Mợ tôi cũng vâng một tiếng rất nhẹ nhàng. Nhưng rồi lại chính cậu vào bếp, chính cậu sắp đồ ăn ra mâm. Và trong suốt bữa cơm, hình như cậu chỉ gắp đồ ăn cho tôi, chứ cậu thì tôi chỉ thấy ăn cơm với rau muống luộc chấm nước mắm.

Đến tối, hai cậu cháu tôi trải chiếu ngồi uống nước chè xanh ngoài sân. Cậu vừa uống nước, vừa kéo thuốc lào sòng sọc, vừa luôn miệng khen mợ tôi là người tốt, người đảm việc nhà và giỏi việc xý nghiệp. Hai cậu cháu ngồi tới khuya lơ khuya lắc mới đi ngủ.

 

Sáng ngày, gần năm giờ tôi mới thức. Hé mắt nhìn xuống bếp, đã thấy cậu ngồi khum khum chụm lửa. Thì ra cậu đã luộc xong một con gà, đồ xong một chõ xôi, thổi xong một nồi cơm gạo tám.

 

Cậu nói:

- Mợ cháu mệt vì công việc xý nghiệp, phải ngủ tới hơn sáu giờ để lấy lại sức; cậu cháu mình cứ việc ăn trước, để cháu còn đi đường xa. Tính mợ vô tâm. Con nhà khá giả từ nhỏ; xưa nay, có biết nấu nướng, làm lụng gì đâu. Ăn no đi cháu!

 

Cho tới lúc tôi cột đồ vào xe, mợ mới thức. Mợ dúi vào tay tôi mấy chục đồng bạc, nói nhỏ nhẹ:

- Cháu vô Nam Bộ còn đỡ, chứ sang Lào thì khổ lắm! Nghe nói phỉ Vàng Pao cũng chạy sang Lào.

Khi cậu tiễn ra sân, tôi chợt nhìn thấy một đống gỗ và ván lỉnh kỉnh nơi góc khuất. Tôi buột miệng hỏi:

- Cậu cũng làm mộc à?

Cậu cười hể hả, miệng dệch tới tận mang tai.

- Mợ sắp đẻ thêm em bé. Cậu bắt chước nhà trẻ, đóng phứa con ngựa gỗ cho em, chứ cậu thì mộc gì.

 

Sau lần gặp đó, tôi đi biệt vào Nam Bộ, đúng như lời mợ đã nói.

Chiến trường súng nổ, chiến dịch liên miên. Theo dấu chân sư đoàn, tôi cứ đi, đi mãi, chẳng còn thời gian đâu mà nhớ tới việc ông cậu có đóng được con ngựa gỗ hay không.

 

Đầu năm 2001, tôi có dịp đi công tác ở Hà Nội; mượn xe máy của thằng bạn, tôi phóng ù về quê thăm cậu. Bấy giờ cũng nhập nhoạng hoàng hôn. Cậu tôi đang bò trên nền nhà, cõng đứa cháu trên lưng. Đứa bé một tay nắm tóc cậu, một tay huơ lên trời, miệng gào toáng lên thích thú: “Nhong nhong ngựa ông đã về, cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn”. cậu vừa bò lổm nhổm, vừa lúc lắc mông; coi bộ cũng thích không kém gì đứa cháu.

 

Thấy tôi, cậu dệch miệng cười; vừa cười vừa gọi:

- Nam ơi! Anh mày ra thăm này! Đánh tiết canh ngan đi.

 

Nam là con trai trưởng của cậu. Nó đang chơi bài bên nhà hàng xóm. Đáp lại lời cậu là cô con dâu, vợ của Nam. Nó tên Kiều, gương mặt giống hệt như gương mặt cô búp bê, từng nhiều lần ngồi ôm tôi trong lòng. Sau này tôi mới biết, Kiều chính là con gái của cô búp bê mà hồi nhỏ tôi đã nói lớn lên tôi sẽ cưới.

 

Kiều chào tôi, rồi lật đật chạy ra vườn bắt ngan. Vừa cắt cổ ngan, Kiều vừa lớn tiếng sai con qua nhà hàng xóm gọi bố. Đứa con gái lên chín, gương mặt cũng giống hệt như búp bê.

Thằng cháu lên bốn, tụt từ trên lưng ông nội xuống, cun cút chạy vào buồng, lôi ra một con ngựa gỗ. Nó phi nhanh loang loáng. Nhanh tới mức tôi muốn chóng mặt, sợ nó ngã vập mặt xuống đất. Còn nó, nó vừa phi vừa liếc mắt nhìn trộm tôi.

 

Cậu nói:

- Cả mấy con ngựa trong nhà, nhưng nó chỉ thích cậu làm ngựa. Chơi với cháu còn mệt hơn hồi trẻ đi nổ mìn. Nhưng không làm ngựa cho nó thì cậu biết làm gì bây giờ.

 

Qủa là cậu không biết làm gì ở cái tuổi thất thập, nghỉ hưu đã hơn mười năm. Ngôi nhà bảy chục mét vuông, mảnh vườn hai trăm mét vuông, thêm cái ao chừng non năm chục mét vuông; tất tật đều một tay cô con dâu quán xuyến. Vườn trồng cây ăn trái, ao nuôi cá chép; cọng thêm một con mèo, hai con chó và mấy con ngan. Kiều lo nội trợ, bốn giờ sáng đi chợ, mua thịt về làm lòng lợn giả cầy. Chiều chiều, khoảng năm giờ, Kiều đốt lò than, ra đầu ngõ bán cho khách nhậu; chỉ khoảng ba, bốn tiếng là hết. Ban ngày ở không, Kiều nhận giữ trẻ cho hàng xóm. Mười đứa mười con ngựa gỗ. Cậu tôi đóng ngựa, Kiều sơn phết lòe loẹt đủ sắc màu xanh, đỏ, tím vàng… nhìn rối cả mắt.

 

Hỏi vì sao sơn phết tùm lum vậy, Kiều cười.

- “Xanh xanh đỏ đỏ cho trẻ nhỏ nó yêu”. Mới đầu chỉ có ba con, đứa nào cũng tranh con ngựa đỏ, bờm đen; em sơn lòe loẹt mỗi con mấy màu, chúng nó không tranh nhau nữa. Trẻ con mà anh.

 

Ở chơi với cậu một đêm, một ngày, tôi thấy cậu chỉ quanh quẩn chơi với cháu, bằng cách làm ngựa cho nó cưỡi. Thằng bé cưỡi ngựa như một kỵ sĩ. Hai đầu gối nó thúc vào hông ông nội thật lực. Hai bàn chân đá lia đá lịa vào ngực ông. Một bàn tay nắm tóc ông nội, kéo dựng đứng lên; một bàn tay đập lốp bốp vào mông ông nội. Thằng bé hết hò hét lại hát toáng lên: “Thú qúa này vui ghê, cưỡi con ngựa bằng que tre”. Nghĩ cũng tội cho cậu. Mái tóc bạc trắng, thân hình gầy yếu như que củi; vậy mà cứ phải bò lổm ngổm dưới đất, cõng thằng bé nghịch như qủy ở trên lưng. Cả ông cả cháu, ai cũng vả mồ hôi nhể nhại; ấy vậy mà ông cũng cười thích thú, cháu cũng cười thích thú.

 

Cậu nói với tôi:

- Bố nó từ hồi giải ngũ về nhà, chẳng biết theo ai mà đâm đổ đốn ra; có bao nhiêu tiền cũng nướng hết vào mấy canh bạc đỏ đen. Không có mẹ nó quần quật làm lụng như trâu ngựa trong nhà, cả nhà này có mà mốc miệng. Cậu có mỗi việc giữ con cho nó, để nó rỗi chân tay mà làm việc. Mà cái thằng này, nó chỉ thích cưỡi ngựa thôi.

 

Thích cưỡi ngựa, chắc thằng cháu lây cái máu lãng tử ngày xưa của ông nó.

Sau khi tôi nhập ngũ được gần một năm, cậu tôi cũng được lệnh động viên ra chiến trường. Nhờ vỏ vẻ biết lái xe, cậu được điều vào lực lượng quân xa; lái xe Gad 53 từ trạm một tiền phương sang Atôpơ. Xuôi ngược đường rừng được gần nửa năm, cậu xoay xở xin chuyển sang binh chủng thiết giáp, lái tăng T54, đánh nhau ở chiến trường Quảng Trị. Trong một trận đánh, chiếc tăng 315 của cậu bị cháy, cậu lái cả chiếc xe đâm xuống sông Thạch Hãn. Từ dưới sông, cậu cùng đồng đội xông lên, đánh giáp lá cà với tụi lính thuộc chiến đoàn 23. Do sức yếu, cậu bị một thằng lính dùng dao cúp cúp, đâm lủng bụng, máu túa ra phùn phụt. Sau trận đó, không hiểu vì sao người ta lại gọi cậu trở về, tiếp tục công việc nổ mìn khai thác đá.

 

Biết cậu là thương binh, người ta điều cậu lên làm văn phòng. Rồi cậu trúng cử chức Chủ tịch công đoàn. Làm Chủ tịch chưa hết một nhiệm kỳ, cậu lại xin xuống công trường, tiếp tục làm công việc nổ mìn. Cậu nói, ở tổ nổ mìn, tuy công việc có nặng nhọc, nhưng bù lại, lương cao hơn lương văn phòng. Lĩnh được mớ tiền thương binh, không biết nghe ai xúi, cậu bán chiếc xe phượng hoàng, dồn tiền mua một con ngựa.

 

Con ngựa chỉ nuôi để chơi, chứ chẳng làm được gì cả. Buổi sáng, đứa con gái lớn phải lên núi cắt cỏ cho ngựa; mỗi ngày phải cắt gần hai gánh. Buổi chiều, cậu đặt thằng con trai trưởng lên lưng ngựa, cầm dây dẫn ngựa đi vòng vòng. Trước đây cậu đi họp bằng xe đạp, từ khi có con ngựa, cậu phải lội bộ đi họp. Mợ tôi phàn nàn thì cậu nói: “Chịu khó dưỡng nó một thời gian, khi nó khỏe thì hai người cưỡi cũng được”. Nhưng con ngựa chỉ ăn cỏ, nuôi mãi mà không thấy khỏe lên tí nào. Đã vậy, cả nhà lại cứ bận rối lên vì nó. Khổ nhất là con Phương, nó leo núi cắt cỏ mòn chân, mà nào nó có được hưởng tí lợi nào từ con ngựa.

 

Nuôi gần một năm trời mà con ngựa vẫn cứ đèo đọt, bụng càng ngày càng õng ra. Trước kia cậu còn có thời gian chơi đàn, từ ngày có con ngựa, cây đàn phải xếp vào một xó. Mợ bàn đem bán đi, nhưng cậu cứ khăng khăng đòi giữ lại. Giữ con ngựa cũng như giữ cục tội cục nợ trong nhà; nhưng dầu gì thì cũng được tiếng là nhà có nuôi ngựa.

 

Khi mợ bệnh, có người đến hỏi mua lại con ngựa, nhưng giá chỉ trả bằng một nửa giá mua, nên cậu không chịu bán. Bởi vậy, cậu phải vừa lo nuôi vợ bệnh, vừa lo nuôi con ngựa bụng õng trong nhà. Mợ bệnh sập sùi, con ngựa cũng sập sùi bệnh hoạn. Ngày mợ qua đời vì ung thư toàn phát, con ngựa cũng lăn ra chết. Chôn mợ buổi sáng, chôn con ngựa buổi chiều. Mợ chôn có quan tài bằng gỗ, còn con ngựa chôn phải đổ xuống gần mười cân vôi bột. Lúc lấp xong miệng huyệt, con Phương vuột miệng nói: “Vậy là thoát nợ!”. Cậu nghe câu ấy, quay lại tát cho con bé một cái nên thân. Nó cong môi lên cãi: “Chứ không à! Vì nó mà mất toi cái xe đạp, khổ cả hai năm trời!”. Cậu bật lên khóc tu tu: “Mình ơi! Sao mình nỡ bỏ tôi mà đi! Mình ơi!”. Nước mắt cậu rớt xuống huyệt mộ của con ngựa từng giọt, từng giọt. Con Phương nắm lấy tay cậu lôi về. “Thôi, về bố ơi! Trời đổ heo may rồi. Về thôi bố ơi!”.

 

Từ ngày mợ mất, cậu cứ càng ngày càng héo hắt; đi dứng lủi thủi như bị ma ám. Phải khi Kiều sinh con, cậu mới vui lên được. Mới đầu thì làm ngựa cho đứa cháu gái, giờ thì làm ngựa cho thằng cháu trai. Tôi nhìn cậu bò lồm cồm dưới đất, vừa tức cười vừa thương. Không biết cậu lấy đâu ra sức mà cõng thằng bé đen trùi trũi trên lưng.

 

Chiều hôm sau, lúc trở về Hà Nội, tôi tiện thể chở cậu đi thăm người bạn. Dọc đường cậu nói với tôi:

- Dành dụm mãi, giấu mãi mới được gần chục triệu. Cậu định tới chủ nhật đi Ninh Bình, mua cho thằng Nam con ngựa sắt, để nó chạy xe ôm. Nó thèm con xe mãi không mua được, sinh ra cờ bạc. Chỉ sợ có xe, nó lại bon đi chơi như hồi chưa có vợ. Mà con vợ nó cũng quá khéo chiều, nó mới đâm ra thế.

 

Để cậu lại trước cổng nhà người bạn, tôi phóng xe lao đi. Được một quãng ngoái lại, tôi thấy cậu vẫn đứng bên đường. Heo may đổ màu xam xám. Bóng cậu chìm trong mưa phùn gió bấc, sao mà nhỏ nhoi làm vậy.

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 3109
Ngày đăng: 30.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Pho tượng tình yêu - Nguyễn Một
Giọt nắng - Bích Ngân
Đêm hoang - Đông La
Trò chuyện với Cáo-1 - Nguyễn Trần Thiên Lộc
Trò chuyện với Cáo-2 - Nguyễn Trần Thiên Lộc
Trò chuyện với Cáo-3 - Nguyễn Trần Thiên Lộc
Chuyện người, chuyện ma - Nguyễn Một *
Cò.. Cưa... Cứa ! - Lê Xuân Quang
Trưa hè - Đinh Lê Vũ
Nỗi buồn rất lạ - Nguyễn Ngọc Tư
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)