Lật cái bàn chân trái chỉ còn ba ngón cho tôi xem, chị Bé Hai nói: Hồi chị bị thương, ở trong rừng không có dụng cụ y tế, mấy ảnh cưa chân chị bằng lưỡi cưa sắt nghe rột rột mắc ớn xương sống. Tôi hỏi chị bị thương nhiều lần mà sao lại xếp hạng 4/4, chị nói: Hồi mới giải phóng chị còn rất trẻ nên khi ra Hội đồng Giám định y khoa gặp toàn bác sĩ đàn ông, chị mắc cỡ không dám cho họ xem những vết thương ở chỗ kín. Tôi nói với chị rằng tôi đã gặp không biết bao nhiêu người phụ nữ bị thiệt thòi vì chuyện ấy. Tại sao người ta không sắp xếp một nhóm nữ bác sĩ trong Hội đồng Giám định y khoa để khám cho thương binh nữ? Thấy tôi có vẻ bất bình, chị khuyên, mà không biết chị khuyên tôi hay khuyên nhủ chính mình: Thôi em ơi, vết thương của thể xác còn có thể được bù đắp, còn vết thương lòng thì có mấy ai bù đắp được cho mình!
Chị say sưa kể chuyện đánh giặc, chuyện tình yêu cho tôi nghe, rồi chị kết luận: Trong chiến trường chị luôn là người chiến thắng. Nhưng trong tình yêu, chị luôn là người thất bại, thất bại đến trắng tay. Năm mười tám tuổi, lúc ấy công tác ở Dân y tỉnh Cà Mau, chị yêu anh Bảy Vũ. Mối tình đầu thuở ấy đẹp như đóa hoa rừng nở giữa ban mai. Hai người chưa hề nắm tay nhau một lần, vậy mà yêu tha thiết. Mẹ anh Bảy Vũ đã đến coi mắt và đặt vấn đề cưới chị, chị xin mẹ anh một lời hẹn đến ngày đất nước thanh bình. Thế rồi trên một tuyến đường giao liên, anh Vũ bị trực thăng bắn chết. Năm năm sau, lúc làm trung đội phó trung đội nữ pháo binh huyện Cái Nước, trong những lần phối hợp với địa phương quân đi bao vây đồn giặc, chị yêu anh Liêm, chính trị viên của trung đội đặc công. Chị yêu anh Liêm ở cái tài năng và lòng dũng cảm, xuất quỷ nhập thần, vào ra đồn giặc giữa ban ngày như có phép thần thông. Năm 1974, anh Liêm hy sinh trong một trận công đồn. Từ đó chị không dám yêu ai nữa, mãi cho đến gần hai mươi năm sau, trong một trường hợp đặc biệt chị gặp anh Hai Còn, lại một lần nữa thất bại trắng tay…
Gần ba mươi năm sau chiến tranh, lúc nào chị cũng mang bên mình quyển nhật ký chiến hào như một báu vật thiêng liêng, quyển sổ tay tự đóng bằng giấy pelure đã ngả màu vàng úa:
Ngày 23 tháng 4 năm 1974, tổ 3 người đánh sư đoàn 21 đổ dù, giặc chết và bị thương 35 tên. Đồng chí Ngân bị thương.
Ngày 10 tháng 10 năm 1974, kết hợp với CII đánh đồn Ba Tiệm, diệt 7 tên, bị thương 3, bắt sống 8, thu 20 ngàn viên đạn, 14 súng M16. Anh Liêm hy sinh.
Ngày 20 tháng 12 năm 1974, kết hợp với CI bao vây đồn Bà Lái, đêm 25 bức rút. Đồng chí Thắm hy sinh.
Ngày 8 tháng 1 năm 1975, kết hợp với CI, CII bao vây đồn Rạch Chèo. Ngày 12 bức rút. Diệt 8 tên, bắt sống 39 tên, có 1 thiếu úy, 1 chuẩn úy, 4 trung sĩ, 5 hạ sĩ và 1 đại úy trưởng đồn.
Lần theo từng trang nhật ký, tôi lấy máy tính cộng thử, từ năm 1972 đến năm 1975, trung đội nữ pháo binh Cái Nước đã tham gia đánh 49 trận lớn nhỏ, trong đó có 34 trận công đồn, diệt 202 tên giặc, bị thương 208 tên, bắt sống 96 tên, thu hàng trăm vũ khí.
Đọc những trang hồi ký viết tay của chị Bé Hai, tôi cảm giác như khói đạn chiến trường bốc lên trên từng trang giấy. Chị viết: Ngày 3 tháng 6 năm 1973, trung đội nữ kết hợp với CII địa phương quân bao vây đồn Sào Lưới. Sau hai ngày đêm chúng bỏ chạy, ta lui về tuyến trong thì chúng tái chiếm trở lại.
Ngày 8 tháng 9 năm 1973, trung đội nữ và CII tiếp tục đánh tái chiếm. Lần này giặc trang bị kiên cố hơn và tập trung quân đông hơn. Địa hình nơi đây phức tạp, đến con nước lớn là công sự bị ngập, không trụ lại bao vây được, ta chỉ pháo kích cho chúng hoang mang rồi rút quân về. Nhưng Huyện đội chỉ đạo phải đánh cho kỳ quyết. Lần thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 1973, trung đội nữ cùng với CI đưa quân ra đào công sự. Đúng 2 giờ đêm, pháo của trung đội nữ phát quả đầu tiên, các mũi của đơn vị nam cũng bắn dồn dập vô đồn. Bọn giặc hốt hoảng kêu cứu liên tục trên máy PRC25. Các khẩu pháo của giặc từ Chi khu Bình Hưng, Ván Ngựa, Đầm Cùng thi nhau nhả đạn vào đội hình của ta. Khi pháo giặc ngưng thì pháo của ta đồng loạt nhả vào đồn giặc. Cứ như thế kéo dài cho đến sáng. Bọn giặc trong đồn lớp chết lớp bị thương kêu la inh ỏi. Suốt ngày hôm ấy ta bắn kìm không cho giặc chạy ra. Tối lại ta tiếp tục dập pháo, đến 3 giờ khuya thì những tên còn sống sót đã tháo chạy bỏ đồn…
Cứ thế, mỗi trận công đồn các chị phải trầm mình dưới nước suốt cả ngày đêm, bất chấp những ngày kinh nguyệt. Để có được những chiến công, các chị đã đánh đổi cả một thời con gái. Trung đội nữ pháo binh Cái Nước đã trở thành niềm tự hào của truyền thống phụ nữ Cà Mau. Ngay cả bây giờ, sau gần ba mươi năm chiến tranh, hào khí của các chị đã truyền tụng đến thế hệ hôm nay như huyền thoại. Chỉ có điều, số phận từng con người cụ thể của các chị hiện tại ra sao thì ít ai biết tới.
Sau năm 1975, trung đội giải thể, một vài chị chuyển sang công tác khác, đa số còn lại về quê lấy chồng, sanh con, lam lũ với ruộng đồng. Chị Hiền, trung đội trưởng, bây giờ đi bán tôm giống ở Năm Căn; chị Dung, trung đội phó, đi đóng đáy ở Đất Mũi; chị Sắc, chị Giang, chị Phượng, chị Ngân, chị Đẹp đi làm ruộng ở những vùng sâu huyện Cái Nước... Riêng chị Bé Hai đi học bổ túc văn hóa rồi lên tỉnh làm cán bộ ở một cơ quan hành chánh. Lúc ấy, Quân khu 9 cử người xuống đề nghị chị làm thủ tục để phong danh hiệu Anh hùng. Chị nói, nếu phong thì phong cho tập thể, còn phong cho riêng chị thì chị xin từ chối. Các anh bảo rằng Trung đội nữ pháo binh Cái Nước rất xứng đáng để nhận danh hiệu ấy nhưng tiếc rằng đơn vị đã giải thể nên không thể phong tặng được.
Năm 1988, những vết thương cũ của chị bắt đầu tái phát mỗi khi trái gió trở trời, người chị mỗi ngày một tiều tụy xanh xao. Chị quyết định làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Thương chị về hưu trong cảnh cô đơn, nghèo túng, công đoàn cơ quan nhượng lại cho chị ba ha đất nuôi tôm ở bìa rừng phòng hộ, gần cửa biển Cái Đôi Vàm. Ở đây, chị dựng lên một căn chòi nhỏ bên bờ kinh xáng, ngày ngày gắn chặt với đất đai, với rừng, với biển, với chòm xóm, với cuộc mưu sinh lặng lẽ giữa đời thường. Và, cuộc đời chị sẽ chẳng có gì để kể thêm nếu không có người đàn ông kia xuất hiện - anh Hai Còn.
Thật ra chỉ là chuyện tình cờ. Anh Hai Còn từ Tắc Vân lần mò xuống Cái Đôi Vàm để tìm mua đất nuôi tôm, và anh đã mua được miếng đất bên cạnh vuông tôm của chị. Nghĩ rằng trước sau gì cũng là chỗ hàng xóm, chị mời anh Hai Còn vào chòi uống trà và dùng một bữa cơm đạm bạc. Khi biết được anh cũng là thương binh, chị cảm thấy thân mật hơn nên không ngần ngại trút hết tâm sự của mình một cách vô tư.
Mấy ngày sau, chị Nhi, vợ anh Hai Còn, tìm đến chị, chị Nhi chở đến cho chị một xuồng khẳm nào là nước mưa, gạo, chuối, dừa, vải may quần áo và nhiều thứ đồ dùng khác trong nhà. Trước sự chăm chút ân cần, thân thiện của chị Nhi, chị Bé Hai cứ nghĩ rằng đó là sự bắt đầu tốt đẹp của một người hàng xóm. Nhưng không ngờ đêm ấy khi hai người ngủ với nhau, chị Nhi ôm chị vào lòng và nói một câu như trời giáng: Chị muốn cưới em cho anh Hai Còn! Chị Bé Hai hốt hoảng ngồi bật dậy: Chị nói cái gì? Chị Nhi cũng ngồi dậy, với tay vặn to ngọn đèn trứng vịt và ôn tồn nói: Em bình tĩnh, chị nói thật lòng chớ không phải đùa đâu. Chị ở với anh Hai Còn có sáu đứa con nhưng toàn là con gái, anh Hai muốn cưới vợ nhỏ để kiếm một đứa con trai. Biết không thể nào cản được ý muốn của đàn ông, hơn nữa ảnh đã đặt vấn đề thẳng thắn với mình, chị đồng ý nhưng với điều kiện là người đó phải do chị đứng ra lựa chọn. Chị phải chọn một người hiền hậu dễ thương để sống hòa thuận với nhau, không xảy ra mâu thuẫn. Hôm anh Hai Còn xuống đây về, ảnh đã kể về em cho chị nghe, bây giờ gặp em, chị thấy chị em mình hợp nhau lắm. Chị nghĩ rằng em cũng rất cần có một đứa con, dù là trai hay gái. Nếu không phải là con trai theo ý nguyện của anh Hai Còn thì em cũng có một đứa con để an ủi sau này. Em nghe lời chị đi, chị sẽ về đây cất nhà bên miếng đất chị mới mua, coi như vuông ai nấy làm, nhà ai nấy ở, chị thì khi xuống khi lên, anh Hai chạy qua chạy lại, vừa trông coi vuông, vừa chăm sóc cho em…
Đêm ấy chị Nhi nói nhiều lắm, chị Bé Hai chỉ biết ngồi khóc, mà cũng không hiểu chị khóc vì lẽ gì, vì mừng hay vì tủi. Chị chỉ biết rằng chị bị đánh gục bởi câu nói em cũng rất cần có một đứa con. Thế rồi từ đó, mọi chuyện chị đều làm theo sự sắp xếp của chị Nhi với anh Hai Còn, và mọi chuyện diễn ra cũng đúng như lời chị Nhi đã nói. Nghĩa là cất nhà xong, chị Nhi về quê, thỉnh thoảng chị dẫn con cái xuống chơi năm mười ngày rồi lại về, để cho chị Bé Hai với anh Hai Còn tự do chung sống. Cứ mỗi lần xuống, chị Nhi vẫn mang quà cho chị, vẫn thân mật, ngọt ngào như tình nghĩa chị em.
Thế rồi một năm, hai năm, năm năm trôi qua, chị Bé Hai chờ đợi cái bào thai trong mỏi mòn vô vọng. Anh Hai Còn đưa chị đi khám, mới hay rằng chị mắc bệnh phụ khoa không thể sanh con. Định mệnh khắt khe với chị, nhưng lại nới tay với hạnh phúc anh Hai Còn, một năm sau đó, chị Nhi sanh được một đứa con trai. Vậy là, chị không còn lý do gì để sống với anh Hai Còn nữa, và, dường như vợ chồng anh Hai Còn cũng chẳng cần đến chị, chẳng cần ở lại xứ này, họ bán nhà, bán vuông về quê. Chị Bé Hai ở lại một mình chơi vơi như vừa trải qua cơn ác mộng.
Một năm sau, tháng 11 năm 1997, vào một đêm tối trời, cơn bão Linda ập đến. Căn chòi của chị bị cuốn đi từng mảnh vụn cùng với tất cả đồ đạc. Cùng với dòng người chạy bão, chị lần mò trong bóng đêm tìm ra thị trấn. Ở đây, chị gặp chị Mười Hồng, Bí thư Đảng ủy, một đồng đội trong chiến tranh, giờ cũng đồng cảnh không chồng không con như chị. Sau một đêm tâm sự, hai chị em quyết định sẽ nương tựa vào nhau sống phần còn lại của cuộc đời.
Trong những ngày tang tóc sau cơn bão Linda, vợ chồng anh Hai Còn đã lặn lội đi tìm chị, họ hốt hoảng khi thấy căn chòi đã biến mất, còn chị thì không biết trôi dạt nơi đâu. Cuối cùng, họ cũng gặp nhau ở thị trấn. Chị Nhi ngỏ ý giúp chị Bé Hai dựng lại căn nhà và đầu tư cải tạo lại vuông tôm, nhưng chị đã từ chối. Thực lòng, chị Bé Hai không muốn trở lại cuộc sống cô đơn trên mảnh đất mà chị vừa nếm trải những kỷ niệm đau buồn. Hơn nữa, chị đã nhận lời với chị Mười Hồng về làm công tác phụ nữ ở thị trấn, chị hy vọng sẽ tìm được sự thanh thản trong công việc gắn bó với cộng đồng.
Từ đó, người ta thấy ở Cái Đôi Vàm xuất hiện một chị Bé Hai như một nhà từ thiện, ngày ngày chị lặn lội trong các xóm ấp, đến với từng nhà giúp chị em phụ nữ nghèo lập dự án vay vốn sản xuất kinh doanh để xóa đói giảm nghèo. Có lẽ chị đang tìm được niềm vui trong cuộc sống.