Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
659
123.243.798
 
2 truyện dịch trong cuốn " Người Trung Quốc xấu xa"
Nữ Lang Trung

SCL : 2 truyện dịch nước ngoài , nằm trong  cuốn " Người Trung Quốc xấu xa"
chưa công bố của Nữ Lang Trung xin giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Trận mạc giầy thối

 

            Thứ mà các nước khác không có, độc chỉ một Đài Loan có, là "Mặt trận giầy thối", bất kể đến nhà ai, đều phải công phá trận mạc giầy thối, rồi mới có thể bước vào trong. Bước lên cầu thang, bắt gặp đầu tiên cũng là mỗi nhà một đống giầy thối bầy ngay trước cửa. Tôi nói giầy thối, chỉ trên cảm quan, chứ ai lại nhất nhất đưa lên mũi ngửi, tất nhiên cũng không dám vơ đũa cả nắm giầy, nói chiếc nào cũng thối. Nhưng nếu nói là thơm, cũng không đủ chứng cứ để luận bàn.

           

Trước cửa mỗi nhà một đống giầy thối, quả thật là một trong mười kỳ quan thế kỷ XX, có mới, có cũ, có nam, có nữ,  có người lớn, có trẻ con, có gót cao, có gót thấp, có gót không cao không thấp, có lỗ thủng đằng mũi, có lỗ thủng đằng sau, có lỗ thủng bên phải bên trái, có lỗ thủng khắp nơi như bị chuột gặm, có loại rẻ tiền như của ngài Bách Dương mua một trăm đồng một đôi, có đôi mũi rộng như của ngài Trần Nghĩa Thu, nghị sĩ tỉnh Đài Loan mua bốn ngàn chín trăm đồng. (Ngài Trần Nghĩa Thu còn có đôi mũi rộng giá bốn trăm năm mươi đồng, đó lại thuộc phạm vi đáng nể khác, bụng biết vậy, không cần phải nói kỹ.) Tập hợp toàn giầy dép, phong phú lạ mắt, đáng mặt kỳ quan.

           

Trận mạc được sắp xếp bởi giầy thối, cách bài binh bố trận như cửa trời tại cửa Tam quan của ngài Tiêu Thiên Tá đế quốc GiócĐan: Đường tiến đường lui, đường mai phục, bí hiểm khó đoán. Cho nên, có đôi ngửa mặt lên trời, có đôi bò sát mặt đất, có đôi nở như hai bông hoa liền cuống, có đôi mỗi đường mỗi ngả, có đôi phồng má trợn mắt, có đôi khổ sở muôn chiều, có đôi ân ái chồng chéo, có đôi trấn ải cầu thang, trông như cọc buộc ngựa tân thời. Khi gia chủ bước ra, thò gót sen trước, như cây trượng trừ ma của nữ sĩ Mục Quế Anh bạn tôi, lật trái lật phải trong đống giầy thối, gẩy đằng trước, móc đằng sau, cho đến mồ hôi trên mồ hôi dưới cùng đổ, mới gọi là tìm đúng đối tượng. Lại nói khách khứa bước vào, có phần đơn giản, nhưng nếu gặp phải đám bè bạn như Bách lão, đôi bí tất thường có tầm vĩ mô lỗ thủng, thì phải can đảm thế nào mới dám cởi bỏ. Còn có bạn đi giầy buộc dây, thì phải chịu khó ngắm cảnh chổng mông của họ, nếu thuộc diện yểu điệu mỹ miều, tất nhiên ngắm nhìn không biết chán, nếu thuộc loại già lão hoặc bọn chuyên nghề đòi nợ gì đó, thì không thể không lộn mửa, đặc biệt khi có chuyện may hoặc không may, khách khứa đông quá, cứ nối nhau chổng ngược mông tỹ, lúc đó mới tỏ rõ oai phong của mặt trận thối giầy.

           

Nhưng, uy lực lớn nhất của trận mạc giầy thối không phải ở chỗ buộc người ta thò gót sen hay chổng mông tỹ. Thi thoảng thò gót sen, chổng mông tỹ, cũng như hoạt động thể thao co giãn gân cốt, là động tác có ích cho sức khỏe. Vấn đề là thứ mùi lạ từ thông điệp đôi giầy thối kia, quả là một tai họa. Ngày xưa phía Nam có vùng đất Man di, bốc mùi xú khí, không ai hiểu được xú khí là gì, có người nói là hơi thở của loài rắn rết cầm thú, có ngườì cho là tấm lưới trời lồng lộng, do lũ yêu ma quỷ quái buông thả. Tôi thì nghĩ, rõ ràng là không khí bị ô nhiễm, tự nhiên mọi người đều chui vào, nhẹ thì đau đầu chóng mặt, nặng thì đã có âm phủ. Mà các khu chung cư ở Trung Quốc, nhà nhà đều dàn trận giầy thối, làm cho cầu thang từ gốc đến ngọn, không chỗ nào không khiến người ta buồn mửa, có thể gọi là xú khí kiểu chung cư. Một người đi từ tầng một lên tầng mười, ít nhất phải băng qua thập bát bố trận giầy thối, mà mùi thối của mỗi trận đều có tính bức xạ, nó chui qua lỗ mũi thở như trâu ấy, thâm nhập cuống họng và lá phổi, tích tiểu thành đại, dần dà thành ung thư, e rằng giờ đây bệnh     chiều hướng gia tăng, hình ảnh đông như chợ phiên ở trước cửa bệnh viện, có mối liên quan này.

           

Mắc bệnh cũng chẳng quan trọng, cùng lắm là chết mất ngáp. Cái nghiêm trọng là tại sao ở nước ngoài lại không có cảnh tượng này, mà chỉ Trung Quốc có? Lần theo thang gác, một đống giầy thối lại tiếp một đống giầy thối nữa, kể cả không bị mắc bệnh đi chăng nữa, cũng bị bệnh ung thư mũi họng. Bước ra từ thang máy nhà lầu hiện đại, đập vào mắt đầu tiên là đống giầy thối, thật không sao giải thích nổi. Đặc biệt có nhà nội thất trang hoàng như cung điện Mác xây, sơn son thếp vàng, mà lại đang tâm chất đống giầy thối ở trước bậu cửa. Điều đó hình như hàm chứa một mệnh đề hẳn hoi - ích kỷ tuyệt đối và tự ty tuyệt đối. ích kỷ đó là, đem những  thứ mà bản thân mình không thể chịu nổi, đẩy ra ngoài cửa, để người khác chịu cho. Đem những thứ mà bản thân mình nhìn thấy là sốt ruột, đẩy ra ngoài cửa cho người ta sốt ruột. Đem những thứ mùi vị quái đản mà bản thân mình ngửi là ngộ độc, đẩy ra ngoài cửa, để người khác bị ngộ độc.

           

Nhất nhất chỉ nghĩ bản thân, không nghĩ người khác, chỉ vì lợi ích của bản thân, không vì lợi ích của người khác; chỉ cần nhà mình không có một hạt bụi nào, không cần quan tâm nơi công cộng bẩn thỉu ra sao; chỉ biết mình thoải mái, người khác có ngất xỉu, thậm chí bỏ mạng giữa trận mạc giầy thối trước cửa, cũng không hề động lòng.

           

Tự ty là, đối với những việc không giải quyết nổi, coi như "Mắt không thấy, lòng không phiền",  là thủ pháp truyền thống của bài học" Cưa cán mũi tên", chỉ cần biết nhà mình giống như cái động tiên là ổn. Người xưa còn quét tuyết trước hiên nhà (không cần quan tâm đến hàng xóm ở bên - dịch giả),  bây giờ chẳng những không quét, còn đem cả tuyết trong sân nhà đổ ra ngoài hiên nữa. Có bài thơ cổ chẳng viết thế sao: "Hai tay đẩy  trăng ra ngoài cửa, dặn dò hoa mai tự liệu lo." Còn bây giờ thì: "Một chân quẳng ra trận giầy thối, mặc cho thiên hạ lóet dạ dày"! Còn câu chuyện này nữa, đã sáu mươi năm nay rồi, ngày ấy ngài Bách Dương còn trẻ trung lắm, có lần đến thăm nhà một anh bạn, anh bạn hào phóng khảng khái, trên đời khó có ai sánh nổi, mua ngay bốn lạng xương sườn mời cơm, định cho Bách lão một bữa đã đời, vợ anh ta không biết thế nào lại làm rơi miếng sườn to tướng xuồng hố tiêu. Anh ta không nói không rằng, dùng cây tre khó nhọc lắm mới vớt lên được, rửa sạch xong vẫn cứ vào nồi ngon lành. Cho đến khi cơm no rượu say, bạn mới cho biết chân tướng, Bách lão thời ấy học qua môn vệ sinh trường tây học cũng thuộc dạng thông minh, muốn ói ra liền, anh bạn nhẩy lên bóp chặt cổ lão, quát lên: "Nuốt vào, nuốt vào, mắt không thấy là sạch, điều đó mà không biết thì học trường tây làm gì."

           

Lần đó tôi đành nuốt thật sự, một là tiếc, hai là bị anh ta bóp chặt quá không ói được. Câu chuyện này lão quên đã lâu, gần đây bắt gặp nhiều trận mạc giầy thối rất hiện đại, nhà nhà cũng: mắt không nhìn thấy là sạch. Lão mới cảm thấy bụng dạ khó ở.

           

Trích từ " Đáng để hắn uống bơ sữa "

           

Nghĩ cho người khác

 

            Chỉ một mực nghĩ cho bản thân mình, coi người khác như không tồn tại, hiện tượng đó ở Trung Quốc nhiều như lông con lừa. Nếu đối phương dám ngang nhiên chứng minh rằng hắn cũng tồn tại, hơn nữa lại có phẩm cách khác biệt nữa, thì phiền phức lắm, nhỏ thì cãi vã, lớn thì đánh nhau,  còn lớn hơn nữa, là tức thì một chiếc mũ chụp xuống, cho rằng anh việc bé xé ra to, cho rằng anh cà khịa gây gổ; không trách cứ anh là không chịu an phận thủ thường, thì trách cứ anh không đôn hậu nhã nhặn, trách anh hay cáu kỉnh, hay mắng chửi lung tung. Mà vị nào hay cáu kỉnh hay chửi mắng lung tung, nhất nhất đều vào sổ sách hồ sơ, hậu quả thật khôn lường.

           

Ngài Bách Dương an cư trong gian nhà để ô tô, gần mười tháng nay, trên đầu toàn là các nhà phú quý, nên phía ngoài lan can tầng hai, chủ nhà dựng thêm giá sắt, đặt hàng dẫy chậu hoa. Nhìn chậu hoa vừa thích chí vừa vui mắt, đương nhiên khoái không thể tả. Khốn nỗi gia chủ ấy mỗi ngày phải tưới tắm hai lần, hơn nữa mỗi lần đều lâm ly chứa chan. Một hôm nắng chói gay gắt, Bách lão mua một bát "đậu hoa" (chè óc đậu - dịch giả), đang ngồi xổm trước cửa xì xụp khoái trá, bỗng mưa như trời đổ, đầu tóc ướt như trôi, nửa bát đậu hoa ăn dở bỗng thành bát đầy bự, bụng nghĩ: "Không biết thần thánh phương nao, thí trận mưa kiểu Tống Giang kịp thời đến thế." Ngẩng đầu mới hay nguồn nước đến từ hoa cảnh, còn chủ nhà biến thành con rùa, rụt cổ không còn tông tích. Tôi định mắng cho hả hê, nhưng sợ bị đòn, lại không mắng nữa. Vẫn muốn lên gác tìm người lý sự, nhưng nghĩ, loại người như tôi không có nhãn mác, không phải đối thủ, lại đành thôi. Cho nên tôi mới tập luyện công phu, học môn nhảy tam cấp từ đó, chỉ cần thấy ông ta tay nâng vòi phun, xuất đầu lộ diện, thì tôi một phát nhẩy vào, hoặc một phát nhẩy ra, người không dính hột nước là giỏi.

           

La liệt chậu cảnh dọc lan can, thành kỳ quan ở khu nhà tập thể, gặp đâu cũng thấy, có nhà còn tiền hậu giáp công, hàng hiên phần mông gian buồng cũng bầy la liệt một dẫy, quần áo phơi phóng nhà dưới chắc chắn gặp hạn không tránh nổi. Lại còn hết ngày dài lại đêm thâu, khung sắt han rỉ  thế nào cũng đến ngày rơi xuống, bộ óc của ông bạn vàng nhà dưới làm sao mà không trổ hoa! Cứ cho là không rơi, nhưng giá sắt để lỗ hổng to vậy, ngộ nhỡ chỉ một hòn đá một hòn ngói vỡ thôi, rơi xuống thì hộp sọ nào chịu nổi. Nghĩ mãi mà không thông, thằng cha ở trên tầng kia, vì sao không nghĩ cho người ở dưới cùng ? Kỳ quan nói trên cũng có đồng môn, là máy lạnh treo cao cao ở các  nhà lầu. Ô hô, nhà lầu trông thật nguy nga, bẩy tầng này, tám tầng này, chín, mười, mười một, mười hai, mười ba, mười bốn tầng này, cao, đẹp, văn vẻ, đường nét, hàng lối, hoàn chỉnh như cung điện ấy, nhưng mỗi cửa sổ lại nhô ra một cục đen đen như cỗ quan tài nhỏ. Đã to nhỏ không đều, kiểu dáng khác nhau, mỗi quan tài lại thò ra một ống dẫn nước giải, lắc la lắc lư, đung đưa theo làn gió. Hệt như một bà mệnh phụ cao sang, đĩnh đạc, nhưng mụn nhọt khắp người, cảm giác cái đẹp bị phá hủy toàn phần. Đành rằng cái mà ta quan tâm không phải là cái đẹp, mà là ngộ nhỡ một hôm cái giá đỡ của chiếc quan tài con lại giống như giá đỡ chậu cảnh, lão hóa rồi han rỉ, han rỉ rồi gẫy gục, bỗng nhiên rồi lật đổ, lăn lộn rồi rơi xuống, rơi đúng quý thủ của người qua đường, thiết nghĩ, hiệu quả này so với trận mưa như trút ấy xem chừng lợi hại hơn nhiều. Một lần nữa ta nghĩ mãi vẫn không thông, các cụ giầu có kia, vì sao không nghĩ cho những người qua đường?

           

Sự đe dọa của chung cư, không chỉ là quan tài nhỏ và mưa nhân tạo của hậu thiên, cũng có cả nọc độc trong bào thai tiên thiên nữa. Ngài Bách Dương vì phải kiếm sống, mỗi ngày đều đi qua đoạn số bốn đường Trung Hiếu Đông Đài Bắc ít nhất là hai lần, mỗi khi giá lâm đến một vật khổng lồ có tên là: "Quốc Thái Bảo Thông Đại Lâu" ấy, thì tim đập thình thịch. Tim đập không phải muốn dọn vào ở, tôi chưa bao giờ nghĩ như thế, cũng như tôi chưa bao giờ nghĩ đến dọn vào ở trong cung điện của Êlidabet Nhị thế bạn tôi. Sở dĩ tôi tim đập thình thịch, là vì cửa sổ của nó. Tóm lại những tòa lầu khác, cửa sổ là cánh lùa sang hai bên phải trái, chỉ có cửa sổ của "Quốc Thái Bảo Thông Đại Lâu" là cánh mở ra phía trước thôi.

           

Phàm là cửa sổ cánh mở ra phía trước, lượng lưu thông của không khí, tất nhiên lớn gấp đôi cửa sổ cánh lùa sang hai bên, cụ chủ ở trong đó, có thể bởi thế mà sống thêm ba ngàn năm tuổi. Nhưng từ cái đó lại nẩy ra một vấn đề. Hiện tượng của cánh mở ra phía trước là, mỗi cửa sổ đều giống cổng nha môn -  mở thành hình chữ bát, bản lề kim loại là trụ đỡ duy nhất, trụ đỡ có to mấy cũng không hơn cây sắt giá đỡ chậu cảnh và máy lạnh. Kể cả bằng thép đi nữa, thép cũng có ngày mọt rỉ.. ừ thì, bản lề của tao làm bằng kim cương, cứ cho là như thế. Nhưng khung cửa sổ, hèm cửa sổ không thể làm bằng kim cương chứ, bản lề không hỏng trước thì khung cửa  hèm cửa cũng phải hỏng trước. Khi hỏng rồi, rủi ro vẫn thuộc về các bạn qua đường. Nếu nó không rơi theo thế thẳng đứng, mà theo kiểu tiên nữ rắc hoa, rắc xuống đường cái, quý bạn ngồi trong ô tô, cũng khó lòng thoát hiểm.

           

Chủ yếu nhất là, cường độ sức gió, tỷ lệ tăng theo độ cao. Con số của tỷ lệ, ngài Bách Dương một lúc nghĩ chưa ra, ( cái đó không liên quan đến trí nhớ, nếu ai nợ tiền bạc, tôi nhớ rất rõ ràng), chỉ nhớ mang máng, tòa lầu Đế Quốc ở Niu ooc. Nếu mặt đất gió cấp một, trên nóc là gió cấp tám, mà gió cấp tám có thể cuốn một người tung lên trời như cuốn một cọng rơm. Cho nên khách tham quan không thể không bắt chước trường mẫu giáo, " tay nhỏ xíu dắt tay xinh xinh". Hoặc là bám chặt lan can, người nào yếu bóng vía còn lấy dây thừng buộc ngang bụng.

           

Tòa lầu Quốc Thái Bảo Thông ở Đài Bắc tất nhiên không cao bằng tòa lầu Đế Quốc ở Niu óoc, nhưng quy luật gia tăng của sức gió thì đâu cũng như nhau. Tòa lầu này mới xây xong, chực chạm trán với ông gió bão. Hơn nữa nếu có chống chế được một hai lần, Bách lão cũng không tin cái bản lề nhỏ xíu kia có thể cầm cự lâu dài với gió mạnh thổi suốt đêm ngày trên tầng cao, ngộ nhỡ một màn trình diễn pháo hoa nổ, thái độ người khác thế nào không biết, tôi thì tự nhủ thề không dám hứng. Lại vẫn cứ nghĩ mà không thông, các cụ công trình sư thiết kế ngày nào kia, vì sao không nghĩ cho những người ngoài khung cửa ?. Viết đến đây, cô cháu gái đem vào một tờ khai biểu mẫu, cho lão tôi điền vào. Tờ khai là tờ khai gì, không cần nói , cứ biết là nhìn thấy tờ khai là nước mắt lưng chòng, chẳng biết vì sao. Nhưng khiến nước mắt người ta sầm sập đổ mưa ấy, là vị trí cho phép điền vào các mục trên tờ khai. Như mục "Nơi ở", các ô trống bên "Ngõ", "Phố", "Đường", "Huyện", "Thành", "Tỉnh", nhỏ đến mức... thà nói là tổ chức kiểm tra thị lực ! Cũng có ô trống rộng rãi một chút, chỗ để viết cũng to hơn, nhưng cũng chỉ to đến mức nhìn thấy bằng mắt thịt, nếu muốn điền chữ chen vào, e rằng phải sử dụng đến cây bút nhọn nhất thế giới, ngoài ra còn phải dùng thêm kính hiển vi nét nhất thế giới. Mục "Tên sách đã đọc" vừa hẹp lại vừa ngắn, điền vào ba cuốn sách mà tên sách chỉ hai chữ thôi cũng vã mồ hôi, người nào nếu từng đọc ba mươi cuốn sách, thì chỉ cần điền tờ khai thôi là đủ khả năng mắc bệnh cận thị rồi. Càng nghĩ càng không thông, người nghĩ ra biểu mẫu kia,  vì sao không nghĩ cho người điền mẫu biểu ?

             

Những thứ đó đều là chuyện nhỏ, nhưng từ những chuyện nhỏ đó, có thể nhìn thấy ổ bệnh trong tâm lý. Nước tưới hoa hắt vào ngưòi anh, máy lạnh rơi vào đầu anh, cửa sổ đè nát anh, đến viết chữ cũng không xong, đấy là việc của anh . Nguyên chủ kia, sức mạnh tiền nhiều, thì cứ làm như thế đã sao. Khi chưa xẩy chuyện, có gào lên cũng chẳng ăn thua, mà gào to có khi mang vạ. Khi chuyện đã xẩy ra rồi, thịt nát xương tan, quan phủ tấp nập, hội họp liên miên, hô hào truy cứu trách nhiệm, kết quả truy đi cứu lại, trừ người chết ra, chẳng ai có trách nhiệm cả. Ô hô, ổ bệnh này giống như trận mạc giầy thối trước cửa nhà nhà, nhác qua cũng rõ, ích kỷ và tự ty quá, khiến đầu óc u mê, mắt cũng mù lòa..

                                                                                   

Trích từ "  Ra quân bài theo luật chơi "

Nữ Lang Trung
Số lần đọc: 2301
Ngày đăng: 31.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con ngựa - Hồ Tĩnh Tâm
Pho tượng tình yêu - Nguyễn Một
Giọt nắng - Bích Ngân
Đêm hoang - Đông La
Trò chuyện với Cáo-1 - Nguyễn Trần Thiên Lộc
Trò chuyện với Cáo-2 - Nguyễn Trần Thiên Lộc
Trò chuyện với Cáo-3 - Nguyễn Trần Thiên Lộc
Chuyện người, chuyện ma - Nguyễn Một *
Cò.. Cưa... Cứa ! - Lê Xuân Quang
Trưa hè - Đinh Lê Vũ