Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
721
123.241.066
 
Thà đui mà giữ đạo nhà
Võ Ðắc Danh

ANH BA PHÚC LÀ THƯƠNG BINH 1/4, BỊ MÙ ĐÔI MẮT. VỢ ANH, CHỊ BA TÀI ĐƯỢC NHÀ NƯỚC TRẢ LƯƠNG ĐỂ CẤP DƯỠNG CHO ANH. NGHĨA LÀ ĐIỀU KIỆN SỐNG CỦA ANH CẦN PHẢI CÓ NƠI NƯƠNG TỰA. VẬY MÀ NGƯỢC LẠI, BA PHÚC TRỞ THÀNH CHỖ DỰA CHO NHIỀU NGƯỜI KHÁC, TỔNG SỐ VỐN MÀ ANH ĐÃ CHO BÀ CON TRONG XÓM MƯỢN DÀI HẠN KHÔNG TÍNH LÃI ĐÃ LÊN ĐẾN HƠN 50 LƯỢNG VÀNG!

 

            Hồi kháng chiến chống Mỹ, Ba Phúc làm trung đội trưởng trung đội độc lập của huyện Năm Căn. Đơn vị anh một thời oanh liệt, đã tham gia hàng trăm trận đánh, đặc biệt là đánh chìm hàng chục tàu binh Mỹ trên sông Tam Giang. Bản thân Ba Phúc đã hai lần nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và nhiều Huân chương chiến công. Một con người vào sinh ra tử như chuyện thường tình, mang trong mình hàng chục vết thương nhưng Ba Phúc vẫn chiến đấu và chiến thắng. Nhưng rồi tai họa lại đến bất ngờ: Tháng 10 năm 1969, Ba Phúc lên Huyện đội nhận về một quả bom nổ chậm 700 kg để chuẩn bị đánh tàu. Do vũ khí tái chế nên quy trình kỹ thuật không bảo đảm an toàn, Ba Phúc đang thực tập thì quả bom nổ làm anh bị thương nát cả người, khi tỉnh dậy anh mới hay mình đã bị mù đôi mắt. Năm ấy anh mới tròn 18 tuổi.

 

            Không còn ánh sáng để chiến đấu, Ba Phúc về làm Bí thư Chi bộ Quân y. Đến năm 1974, anh cưới vợ. Chuyện Ba Phúc cưới vợ có nhiều tình tiết hấp dẫn như một vở cải lương. Chị Ba Tài kể: Hồi Ba Phúc làm trung đội trưởng thì ông Bảy Cẩn - ba chị - làm chính trị viên trung đội, anh Hai Tiền - anh chị - làm tiểu đội trưởng. Thấy Ba Phúc trẻ măng, đẹp trai, đánh giặc giỏi mà lại là sếp của cha và anh mình, chị nghe lòng rạo rực một tình yêu nhưng không dám ước mơ vì lúc ấy Ba Phúc có quá nhiều cô đeo đuổi. Về phía Ba Phúc, hồi ấy anh gọi ông Bảy Cẩn bằng anh, nhưng lần đầu tiên đến nhà thấy chị Ba Tài, anh liền chuyển sang gọi ông bằng chú. Cả nhà đều hiểu ý nhưng không ai nói với ai. Khi Ba Phúc bị mù, ông Bảy Cẩn thay anh làm trung đội trưởng, anh Hai Tiền lên làm trung đội phó kiêm chính trị viên. Từ những tình tiết ấy, họ đến với nhau bằng cả tình yêu và đạo lý.

 

            Ở Cà Mau có một thời các cô gái động viên nhau lấy chồng thương binh, họ nhận thức rằng thương binh là ân nhân của dân tộc, cần phải được chăm sóc bằng tình yêu để đền đáp lại công ơn. Riêng chị Ba Tài khi lấy anh Ba Phúc thì ngoài cái nghĩa cử ấy, chị còn có một niềm sung sướng tự hào vì với chị, anh Phúc đã là thần tượng từ lâu. Thậm chí nhiều khi chị nghĩ, nếu anh không bị mù thì chưa chắc gì chị đã có được anh.

 

            Năm 1977, anh Phúc rời quân ngũ. Chị Tài, tay ẵm đứa con gái đầu lòng chưa đầy hai tuổi, tay dắt chồng cầm chiếc gậy dò từng bước đi loạng choạng về dựng căn chòi bên bờ sông vắng giữa ấp Tắc Năm Căn. Vợ chồng anh được chính quyền cấp cho một ha đất rừng để khẩn hoang làm rẫy. Họ đến với rừng còn tệ hơn cả An Tiêm. An Tiêm ngày xưa dù trắng tay nhưng còn có đôi mắt sáng, còn anh phải lấy gậy dò đường giữa vùng đất hoang vu cô tịch. Thời bao cấp, đồng lương thương binh chỉ đủ mua mười lăm ký gạo với vài món đồ nhu yếu phẩm bằng tem phiếu. Tất cả tài sản của vợ chồng anh chỉ gói gọn trong chiếc ba lô, cha mẹ hai bên cũng nghèo, đồng đội cũ cũng nghèo. Mẹ vợ anh cho anh một miệng đáy cũ để đóng trước cửa nhà, nhưng không có xuồng, Ba Phúc phải lội sông đóng đáy, mỗi ngày anh phải lặn hụp hàng chục lần trong con nước ròng chảy xiết. Mấy người bạn cũ trên Huyện đội thấy vậy mang đến cho anh chiếc xuồng bể, anh mướn thợ về sửa lại, nhờ vậy mà có chiếc xuồng và miệng đáy làm phương tiện mưu sinh. Hồi ấy tôm tươi còn rẻ mạt, chẳng ai mua. Vợ chồng anh phải làm tôm khô để bán mua gạo sống qua ngày. Có được cái ăn, Ba Phúc lao vào công cuộc khẩn hoang làm rẫy. Ban đầu, anh để chị Tài ở nhà trông con nhỏ, anh mò mẫm vác búa ra rừng, quờ quạng đốn từng gốc cây. Công việc khẩn hoang đối với một người mù thật không thể nào tin được. Nhưng Ba Phúc đã làm, anh nghĩ rằng trong chiến tranh, có những trận đánh anh biết trước mình sẽ hy sinh mà còn làm được, huống chi bây giờ chỉ lo cho sự sống của bản thân mình. Nghĩ thế mà anh làm, ba ngày làm của anh bằng một ngày làm của một người sáng mắt. Nhưng không đơn giản thế, ngày nào anh cũng bị cây đâm rướm máu đôi chân, rồi một hôm, lưỡi búa tạt vô đầu gối, anh vừa lấy tay bụm lại, vừa mò mẫm lết vô nhà. Vợ anh động viên anh, nhưng anh biết rằng chị đang khóc. Sau ngày hôm ấy, chị Tài bảo anh ở nhà giữ con để chị đi rừng mặc dù công việc đốn cây chị chưa bao giờ làm đến. Một buổi chiều chị đi làm về thấy anh ngồi một mình trên chiếc cầu đước dưới mé sông, chị hỏi con đâu? Anh nói nó mới ngồi đây. Nhìn quanh không thấy, chị hốt hoảng đi tìm, vừa lúc ấy chị thấy hai bàn tay nhỏ xíu của bé Hằng quơ quơ trên mặt nước, cái đầu nó hụp xuống trồi lên giữa dòng sông đang cuồn cuộn chảy. Chị vừa la làng vừa nhảy xuống sông. Cũng may là bé Hằng chưa chết. Hôm sau hai vợ chồng chị ẵm con vào rừng, tìm bóng mát trải đệm cho nó ngồi chơi rồi lấy dây cột ngang eo ếch không cho bò ra ngoài. Nhờ vậy mà bốn tháng sau, vợ chồng anh khẩn hoang xong một ha đất rẫy.

 

            Khi mùa bí rợ đầu tiên kết trái thì chị Tài sanh thêm một đứa con trai. Trong những ngày nằm lửa, chị nóng lòng không biết kết quả của mùa rẫy ra sao, chị bảo anh Phúc đi mò xem, anh đi cả buổi, anh nói anh mò giáp rẫy chỉ đếm được hai mươi trái bí. Chị nghe lạnh toát cả người. Hôm sau, không chịu được dù mới nằm lửa hai mươi ngày, chị lén anh đi ra xem rẫy, mới đi khoảng hơn một công, chị đếm gần hai trăm trái bí. Không kiềm chế được nỗi mừng vui, chị chạy vô nhà khoe với anh, anh cũng mừng vui mà quên rầy la chị. Năm ấy vợ chồng chị thu hoạch gần hai mươi tấn bí. Vụ mùa sau, nghe nói, nhiều người trong vùng rộ lên trồng bí, anh Phúc quyết định trồng khoai lang, anh nói trồng bí sẽ rớt giá, vả lại anh sắp đi nằm viện để mổ mắt, trồng khoai thì khỏi phải tốn thời gian chăm sóc. Ai dè vụ mùa ấy anh thu hoạch trên bốn mươi tấn khoai làm cho bà con trong vùng thêm một phen ngơ ngác. Khoai trúng mùa lại trúng giá vì năm ấy xảy ra nạn đói do trận lũ lớn ở Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre…

 

             Cứ thế, mùa lại trúng mùa liên tiếp, vợ chồng Ba Phúc khá lên, dựng lại nhà, mua thêm đất, thuê mướn nhân công. Chẳng mấy năm anh trở thành ông chủ. Anh trồng nhiều loại hoa màu, hễ rớt giá loại này thì còn loại khác…

 

             Bây giờ ngồi nhắc lại cái thuở ban đầu, chị Tài có nhiều mẩu chuyện vui. Ví dụ như chuyện cái ấm: Hồi mới về đây, món đồ chị sắm đầu tiên là cái ấm nhôm để đựng nước mang đi làm rẫy. Một hôm, anh Phúc cốt cây, cây đước to ngã đè bẹp cái ấm, thay vì gò lại xài cũng được, anh Phúc tức giận đập cho nó nát luôn, vừa giận anh, vừa tiếc của, chị lên bờ ngồi khóc.

Khi chị sanh thằng con trai, ngày ngày anh Phúc nấu cơm, có một hôm anh mang cơm vào buồng, chị thấy trong cơm đầy cứt chuột và hạt thóc. Thì ra lúc anh mò đi xúc gạo, anh đã xúc nhầm hũ tấm heo. Chị kể có lần trong nhà chỉ còn hơn một lon gạo, nấu xong nồi cơm lại không có thức ăn. Anh Phúc bảo chị dẫn anh đi thụt cá thòi lòi. Chị nắm tay anh đặt vào miệng hang, vậy mà sau một hồi lặn hụp, anh bắt được con cá bằng cổ tay. Vừa kho cá xong thì bạn anh Phúc tới, anh mời khách ăn cơm. Người khách ấy vì thiệt tình nên ngồi ăn với anh, chị giả vờ đi ra rẫy để nhường cơm cho khách, khi khách ra về, chị trở vô thì nồi cơm hết sạch, đêm ấy chị ôm bụng nhịn đói.

 

            Tôi hỏi chị giàu lên từ lúc nào, chị không trả lời ngay, chị nói anh Phúc là người có cái đầu chiến lược, nếu anh không bị mù thì gia đình chị có lẽ giàu hơn hôm nay gấp mấy lần. Khi đất rẫy bạc màu, anh Phúc quyết định chuyển sang nuôi tôm thì một năm sau con tôm có giá, nhờ đất rộng, cứ vào con nước xổ một đêm năm bảy triệu đồng. Đến năm 1993, gặp đại dịch tôm chết kéo dài, nhiều người bỏ đất ra đi, anh Phúc chủ trương đầu tư mua thêm đất. Chị nói hồi ấy xứ này chỉ biết nuôi tôm tự nhiên thì bỗng dưng một hôm anh Phúc bảo chị đi tìm mua tôm sú giống, chị mua 12 ngàn con về cho anh nuôi thử, kết quả thu được ba mươi triệu đồng. Thế là anh Phúc đã mở đầu cho phong trào nuôi tôm sú bán thâm canh trong xóm. Từ đó đến nay, gia đình chị năm nào cũng thu nhập từ hai trăm rưỡi đến ba trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí. Người ta gắn cho anh Phúc những cái tên nào là tỷ phú mù, nào là vua tôm sú ở Năm Căn. Cái tên vua tôm sú thì anh từ chối, anh nói xứ này có nhiều người nuôi tôm bậc thầy mà anh cần phải học hỏi thêm. Còn cái từ tỷ phú đối với anh thì anh có muốn từ chối cũng không được vì mức thu nhập hằng năm làm sao giấu được xóm làng, ngay cả 17 ha đất của anh bây giờ tính giá rẻ nhất cũng 500 cây vàng, nghĩa là trên hai tỷ bạc.

 

            Nhưng trong lòng người dân Năm Căn, Ba Phúc đâu chỉ là hình ảnh người thương binh mù vượt khó để trở thành tỷ phú mà người ta xem anh như một chỗ dựa của những người nghèo. Nghe nói anh cho bà con trong xóm mượn trên 50 cây vàng mà không tính lãi, cũng không quy định thời gian trả, hễ người này trả thì anh cho người khác mượn tiếp. Tôi đem chuyện ấy ra hỏi, anh nói lúc đầu nghe bà con đồn đại, chính quyền địa phương không tin nên cử hội cựu chiến binh thị trấn cùng công an ấp đến bảo anh lập danh sách để họ đi xác minh, thật ra là xác minh để biểu dương chớ chẳng phải để làm gì. Tôi đề nghị anh kể một vài trường hợp cụ thể cho tôi nghe nhưng anh từ chối, anh nói giúp người thì không nên kể lể, kỳ lắm, chẳng khác nào mình giúp để kể ơn.

 

            Anh Bảy Xô đã kể với chúng tôi rằng, anh nuôi tôm sú thất bại, tôm chết liên tục, đến lúc trại tôm giống không cho anh thiếu nợ. Cùng đường không biết xoay xở ra sao. Một hôm tình cờ gặp Ba Phúc, anh kể cho Ba Phúc nghe. Không ngờ ngày hôm sau, Ba Phúc sai vợ chở đến cho anh mười ngàn con tôm giống. Vụ tôm ấy anh thu hoạch được 20 triệu đồng.

Con người Ba Phúc là như thế, nhưng anh suy nghĩ rất đơn giản: Ngày xưa mình chiến đấu không tiếc cả tánh mạng cũng vì dân. Ngày nay mù lòa không cống hiến cho dân được. Bây giờ có của dư, giúp cho bà con làm ăn để xóa đói giảm nghèo cũng là bổn phận. Chị Tài kể, từ hồi khá giả đến nay, anh Phúc đã đem về nhà nuôi tất cả sáu người. Trong đó con của đồng đội cũ cũng có, dân bá vơ ngoài đường cũng có. Trong số ấy có thằng Hảo từ Vĩnh Long đi đào đất mướn, thấy nó mồ côi cha mẹ, anh Phúc giữ nó lại nuôi cơm để cho nó đi làm mướn kiếm tiền riêng, rồi anh mua heo cho nó nuôi, dạy nó cắm cua, giăng lưới. Dần dà thấy thằng nhỏ thật thà, chí thú làm ăn, anh gả luôn đứa em vợ cho nó. Bây giờ nó trở thành người giàu, mới mua cả trăm công vuông. Còn thằng Lượm mười ba tuổi đang ngồi vá lưới trước sân, chị Tài kể tiếp, cha mẹ nó chết trong cơn bão số 5 (1997) , nghe người ta nói nó bơ vơ đi ăn xin ngoài chợ, anh Phúc bảo chị ra rước nó về nuôi, bây giờ nó đã học lớp ba, rất siêng làm và chăm học. Anh Phúc nói sắp tới anh sẽ nhờ một tổ chức xã hội nào đó đứng ra tìm cho anh từ năm đến mười đứa trẻ mồ côi để anh đem về nuôi cho chúng ăn học, đó là điều tâm nguyện lớn nhất của anh.

 

            Vợ chồng anh Phúc có sáu đứa con, đứa nào cũng ngoan và lễ phép. Thấy khách đến, chúng khoanh tay chào rồi rút hết ra nhà sau. Đứa con gái lớn theo chồng, anh mua cho nó một miếng vuông tôm ở Bạc Liêu, thằng con trai kế học xong lớp 12, vừa lấy vợ, anh đang tập tành cho nó cai quản công việc làm ăn của gia đình. Bốn đứa con gái còn lại, một đứa học lớp 11, một đứa học lớp 10, một đứa học lớp 9, một đứa học lớp 5. Anh vừa làm heo ăn mừng vì cả bốn đứa đều được lên lớp với điểm cao. Anh nói ở rừng mà học như thế thì đáng để ăn mừng rồi. Anh luôn dạy con những điều nghiêm khắc: Thứ nhất, không được ỷ lại mình là con thương binh, được ưu tiên rồi thiếu chăm chỉ học hành; thứ hai, không được cho mình là con nhà giàu rồi xa hoa lãng phí, hống hách với bạn bè. Chị Tài kể, anh chủ trương cho chị mua cua giống về thả nuôi trong vuông để mỗi chủ nhật mấy đứa nhỏ đi cắm cua, lấy tiền đi học, mua sắm tập vở, quần áo và đồ trang sức để chúng nhận thức được giá trị của đồng tiền.

 

            Nhìn cuộc sống, cách sống của Ba Phúc, tôi chợt nhớ đến câu thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu: Thà đui mà giữ đạo nhà!

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 4095
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)