Buổi sáng ngồi uống cà phê, nghe mấy anh ở báo Cà Mau bàn tán về chuyện Khánh Bình Tây dạo này căng thẳng lắm, vừa qua có một chuyện bắt bớ xảy ra, một số chị em phụ nữ phản ứng bằng cách xé toạc áo quần rồi hô toáng lên nói hiếp dâm, làm cho chính quyền phải bất lực. Làm báo mà nghe những chuyện như thế ai nỡ ngồi nhà, vậy là tôi xách xe ra đi. Cũng may, vừa qua chợ thì gặp anh Đào Văn, phóng viên báo ảnh Đất Mũi, đang chuẩn bị về quê, tôi bảo: Mày bỏ chiếc xe tùa hia của mày lại đi, lên xe đi với tao, hai thằng đi một chiếc cho vui.
Thật không có gì may mắn hơn khi đi công tác vùng sâu vùng xa mà lại có bạn đồng hành, hơn nữa lại là bạn đồng nghiệp. Đào Văn làm báo chỉ mới ba năm, cái mặt còn hôi sữa nhưng đã sớm khẳng định tay nghề, ngoài việc chiếm lĩnh diễn đàn ở báo ảnh Đất Mũi, anh cộng tác thường xuyên với báo Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Văn Hóa, Nông Nghiệp Việt Nam... nhờ vậy mà nhuận bút của anh chẳng những đủ nuôi thân mà còn nuôi một thằng em ăn học và giúp đỡ gia đình. Nhà anh nghèo, cha anh - chú Hai Hôn - lại mắc một chứng bệnh ngặt nghèo - bệnh ung thư gan - đang nằm chờ chết. Ở chốn đô thị phồn hoa với cái tuổi 22, cuộc sống đủ trò cám dỗ nhưng Đào Văn lại sống rất nghiêm túc để làm việc và phải tính toán chi li, nhiều lúc anh tâm sự với tôi rằng mỗi tháng anh cần tối thiểu bao nhiêu tiền để trả tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, đóng bảo hiểm, trả góp chiếc xe, gởi về cho mẹ... Bây giờ thì tôi mới thấu hiểu những nỗi niềm tâm sự ấy khi bước vào nhà anh, một căn nhà lá ọp ẹp nằm bên bờ kinh Cơi Năm, xã Khánh Bình Tây. Cha anh đang nằm liệt giường, mẹ anh ngày ngày tần tảo, bà khoe với tôi rằng cái nhà tắm xây dựng cơ bản và cái tivi nghĩa địa là tiền hai giải báo chí hôm trước của Đào Văn, nếu không thì cả đời bà cũng không dám mơ tới, nhà chỉ có năm công ruộng nhưng đã cố cho người ta một lượng vàng để chạy chữa cho ông, đất đã cố rồi, nhưng để có gạo ăn, bà phải thuê lại với giá mỗi công một năm mười giạ lúa. Tôi hỏi:
- Đất vườn mình còn rộng, lại nhiều ao sao thím không chăn nuôi, trồng trọt để có thêm mà xoay xở?
- Ở đây hở cái gì là bọn trộm lấy cái nấy, có ai dám trồng trọt chăn nuôi gì đâu, cách đây hai tháng, chúng rinh của tôi hết ba con heo, mới đêm qua, chúng cạy cửa vào nhà lấy hết sáu bao lúa.
Tôi hỏi chính quyền có biết chuyện ấy không, thím lại nói:
- Biết để làm gì, tới xuồng máy của chủ tịch xã mà còn bị trộm thì có của ai mà chúng từ, đành chịu!
Đi đến đâu trong cái xóm này cũng nghe bà con oán than vì nạn trộm. Có lẽ, trộm cắp ở đây đã thành một thứ nghề để mưu sinh sau cái nghề làm mướn. Khánh Bình Tây có 2.600 hộ dân thì đã có hơn bốn mươi phần trăm sống dưới mức nghèo khổ, trong đó có gần năm trăm hộ dân không đất, nghĩa là có hàng ngàn con người trên cái vùng đất nhỏ nhoi này không biết phải làm gì để sống. Làm mướn ư? Đâu phải lúc nào cũng có người ta mướn để mà làm. Mùa gặt họ vào nông trường mót lúa, giũ rơm thì bị cán bộ nông trường đốt thúng, đốt rơm. Mùa mưa, họ vào nông trường săn chuột, bắt ốc, hái rau thì bị đuổi xô, bị tịch thu phương tiện, bị đánh đập, thậm chí bị bắn trọng thương bởi dưới mắt của cán bộ nông trường, họ là những phần tử bất hảo cần phải cách ly. Nhiều người kéo nhau ra biển xúc cua giống để bán thì bị các anh bảo vệ nguồn lợi thủy sản vây bắt vì cái tội ăn trộm tài nguyên thiên nhiên. Vậy là số phận của hàng ngàn con người ấy trở thành cái kiếp người cơm vãi cơm rơi, biết đâu nẻo đất đường trời mà đi. Vậy thì đi ăn trộm!
Tình cờ, chúng tôi ghé nhà bác Mười Hô, một gia đình cố cựu ở đây, ông từng là chánh án Tòa án Nhân dân huyện Trần Văn Thời, rồi về đây làm bí thư xã ba năm. Năm nay ông đã 75 tuổi, con cháu đầy đàn không đếm hết nhưng đất ruộng thì chỉ có mười công, và mọi chi phí cho mấy chục con người chỉ đè lên mười công ruộng. Bác Mười gái năm nay đã 73 tuổi mà vẫn còn phải đi cấy mướn. Bác nói:
- Còn sức ngày nào thì phải làm ngày nấy, không làm lấy gì sống, mười công đất của tôi tuy đang làm nhưng đã cố cho người ta để lấy hai cây rưỡi vàng mà xoay xở, người ta cho tôi thuê lại mỗi năm một trăm giạ lúa. Đã vậy, năm ngoái thằng con trai thứ sáu của tôi nhận khoán của nông trường một con kinh để bắt cá với giá ba mươi sáu triệu đồng, cuối cùng chỉ thu được hai mươi triệu, lỗ mười sáu triệu, nó phải lấy giấy chủ quyền đất thế chấp cho ngân hàng huyện vay mười sáu triệu đồng để trả cho người ta. Coi như miếng đất của tôi đang nằm dưới hai đống nợ. Cuối cùng chắc cũng phải bán đất thôi chớ lấy gì trả.
Chúng tôi thử làm một cuộc thăm dò tại Cơi Năm, đại bộ phận nông dân có đất ở đây cũng đã cầm cố cho người khác rồi thuê lại làm với giá mỗi công một năm mười giạ lúa. Nguyên nhân thật đơn giản, đơn giản như chính cái cảnh đời của họ: ruộng đất thì có hạn mà con cái thì mỗi ngày một đông trong khi tất cả chi phí gia đình chỉ dựa vào hạt lúa, chỉ cần một người bệnh là cố đất. Chỉ có điều làm tôi thắc mắc là người đầu tư cho việc kinh doanh đất đai này lại là ba ông bí thư chi bộ, trưởng ban nhân dân và trưởng công an ấp, mỗi ông nắm trong tay hàng trăm công rồi cho những khổ chủ ấy thuê lại mỗi năm thu hàng ngàn giạ lúa. Khi lãi mẹ đẽ lãi con, chủ đất buộc lòng phải sang bán thì các ông cũng chính là người mua lại, như ông Bảy Châu, nguyên là bí thư chi bộ ấp này, khởi nghiệp của gia đình ông chỉ có bảy công ruộng, nhưng kết quả của một quá trình kinh doanh cầm cố, số ruộng của ông bây giờ có cả trăm công. Tôi hỏi anh Sáu Trung, bí thư xã, rằng anh có biết việc này không, anh ngập ngừng nói:
- Chuyện ấy thì có, nhưng họ thỏa thuận với nhau chớ đâu phải dùng chức quyền để trục lợi… (?!).
Như đã nói trên, Khánh Bình Tây có gần năm trăm hộ dân với hàng ngàn con người không đất thì cách bờ kinh Cơi Năm chỉ năm trăm mét là sự tồn tại của Nông trường 402 với diện tích 700 ha được hoạt động theo hình thức phát canh thu tô suốt mấy chục năm qua. Ngay cả anh Lê Thanh Tiền, chủ tịch xã, cũng than với chúng tôi rằng cái ông Nguyễn Thanh Vọng, giám đốc Nông trường 402, giống như ông Hội đồng Dư trong vở cải lương Tiếng hò sông Hậu.
Anh Sáu Nam, con trai bác Mười Hô, cho chúng tôi biết anh nhận khoán của nông trường từ hai mươi hai năm nay, mỗi năm từ bốn tới sáu ha ruộng với giá mỗi năm một công bảy giạ lúa. Nhưng hằng năm, sau khi trừ đi các chi phí thì không năm nào đủ lúa để nộp sản cho nông trường. Nhưng sở dĩ anh sống được là nhờ nuôi vịt, giăng lưới, cắm câu trên ruộng khoán của mình.
Có lẽ cuộc sống của anh Nam còn dễ thở hơn hàng trăm nông dân ở đây, những người được mang một danh nghĩa rất đẹp là nông trường viên, nhưng thực chất, nếu gọi đúng tên thì họ chỉ là những tá điền không hơn không kém. Hơn hai mươi năm không ngóc đầu lên nổi, nhưng bỏ thì biết đi về đâu khi mà họ đã từ tứ phương trôi dạt đến nơi này. Thôi thì ở lại, cứ bám đất mà làm với những hy vọng mù tịt nào đó ở tương lai, mặc dù hiện tại căn nhà lá cũng không lành, con cái cứ sanh ra và cứ lớn lên trong đói nghèo dốt nát.
Ai đã từng tham gia kháng chiến, ai đã từng đổ máu xương cho độc lập tự do hẳn sẽ không khỏi xót xa khi cảm nhận ra rằng một thực trạng đói nghèo và bị bóc lột như thế lại phát sinh ngay trên vùng đất từng là căn cứ kháng chiến. Và, cũng sẽ không tránh khỏi sự phẫn nộ trước một vị giám đốc nông trường - một ông đầy tớ của nhân dân - mà trong mắt những nông dân ở đây ông lại là ông Hội đồng Dư trong vở cải lương Tiếng hò sông Hậu - một đại điền chủ miền Tây dưới thời Pháp thuộc.
Không ai biết được chính xác số diện tích đất mà ông Vọng canh tác tại nông trường là bao nhiêu, nhưng những người làm mướn cho ông thì ai cũng biết chính xác rằng ông có đến hai mươi công đất gieo mạ, mà mỗi công mạ cấy được mấy chục công đất còn tùy thuộc vào mật độ cấy dày hay cấy thưa. Bên cạnh việc thâu tóm ruộng đất và độc quyền máy cày, máy suốt của ông Vọng; vợ ông - bà Tuyết Bạc - còn là một người cho vay nặng lãi nổi tiếng ở cái xứ nghèo đói bần cùng này. Bác Mười Hô cho biết, trong những lúc thiếu ăn, bác đã từng vay của bà Bạc, cứ mười giạ lúa thì đến mùa trả mười tám giạ, vay một trăm ngàn thì mỗi tháng đóng lãi hai chục ngàn. Cứ thế, bà Bạc trở thành chỗ dựa vững chắc cho những ai thiếu ăn, thiếu mặc ở vùng này. Ai có đất, dù là đất thuê của nông trường thì được bà Bạc ưu tiên cho vay lúa, điều kiện cũng thật giản đơn, hễ tới mùa, sau khi lúa suốt xong tại bờ đê của nông trường thì phải đong trả trước cho vợ chồng bà các khoản lúa vay, lúa cày, lúa trục, lúa suốt, còn lại mới đến phần nộp sản cho nông trường. Nếu ai còn dư thì đem về nhà, ai thiếu thì nông trường cho ghi nợ. Nhiều người đã phủi tay, giũ áo ra về, mang theo hai hàng nước mắt sau một năm dầm mưa dãi nắng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đó là chuyện của những người có ruộng, còn những người không ruộng chuyên sống nghề làm mướn thì sao? Chị Trần Thị Nguyệt, hai vợ chồng với tám đứa con và mười bốn anh chị em, tính ra đội quân làm thuê của chị có trên sáu chục người mà chỗ dựa của cuộc sống hằng ngày là vợ chồng ông Vọng. Khi đói khát, ốm đau, ma chay, cưới hỏi... cứ đến bà Bạc ứng trước ngày công bằng gạo hoặc bằng tiền, ứng trước mười ngàn đồng, hoặc hai ký rưỡi gạo, hoặc hai bịch xà bông thì đến mùa trả một công cấy, ứng trước hai mươi ngàn đồng thì đến mùa trả một công gặt, biết rằng cái giá ăn trước trả sau chỉ bằng năm mươi phần trăm so với tiền mặt, nhưng trong cảnh nghèo túng tột cùng thì đành phải nhắm mắt xuôi tay đem cái sức lao động của mình ra mà chịu lãi. Anh Hai Giàu, một thương binh nghèo không có ruộng nhưng cũng không làm mướn, anh tự nhận rằng anh chuyên sống nghề trộm cá của nông trường, đã phớt tỉnh nói với chúng tôi: Tôi ăn trộm của nông trường chớ không bao giờ ăn trộm của dân, trộm của nông trường cũng có nghĩa là mình trộm của bọn ác bá, như vậy nó đỡ nhục hơn vác cái mặt đi làm thuê cho vợ chồng thằng Vọng, các anh nghĩ coi, làm giám đốc nông trường gì mà mỗi năm nó thu hàng chục ngàn giạ lúa. Hằng năm, đến mùa giáp hạt, lúa lên giá, sau khi bán lúa xong, vợ chồng nó vét lúa ẩm, lúa mốc dưới đáy bồ đem chà gạo để cho dân vay với cái giá cắt cổ, cứ hai ký rưỡi gạo thì đến mùa trả một công cấy, dân đói ở đây quá đông nên nợ nó nhiều, cấy cho nó không hết thì nó điều qua cấy cho nông trường rồi nông trường thanh toán tiền công lại cho nó, coi như nó kinh doanh luôn cả sức lao động của cái xóm này, làm ăn kiểu đó thì không giàu nhanh sao được.
Bác Mười Bòn, một bà mẹ liệt sĩ đã trên bảy mươi tuổi, vừa nhai trầu vừa kể trong nước mắt: Tôi cố cho con Bạc tám công ruộng với giá một trăm giạ lúa, sau đó tôi thuê lại làm, mỗi năm đóng cho nó chín chục giạ, được một năm, tôi chuộc đất lại nhưng còn nợ nó năm giạ, tôi năn nỉ nó cho tôi lấy đất lại để cố cho người khác hai cây vàng, còn năm giạ lúa tôi sẽ trả sau. Nó không cho thiếu mà còn chửi xối xả vào mặt tôi: Không có lúa, tôi bỏ bà vô táo tôi gạt! Rồi nó lôi tôi rách banh cái áo. Tôi vừa khóc vừa mang cái áo rách đến méc thằng Vọng, tưởng nó sẽ rầy vợ, ai dè nó vừa cười vừa nói: Rách thì về vá lại mà mặc đi bà ơi!
Những câu chuyện đau lòng như vậy ở Nông trường 402 có thể kể hoài không hết. Ông Vọng một lần bị ám sát hụt, mang trên người ba bốn nhát dao, một lần bị đánh trong lúc ghé ca - nô lại đổ xăng, từ ấy đến nay ông không bao giờ dám một mình ra xóm. Còn ngôi nhà của cha vợ ông - ông Tám Khánh - ban đêm bị những kẻ thù ghét cứ trét cứt đầy trước mặt nhà, ông mua chó tây về nuôi cũng bị người ta thuốc chết. Cho đến một hôm, mẹ vợ ông phát hiện người ta treo cái ổ ong vò vẽ ngay trước cửa thì cả gia đình phải bỏ xứ ra Cà Mau.
Ngày 8 tháng 4 năm 2002, có hơn tám mươi người dân kéo đến nông trường để đòi lại đất, trong đó có trên ba mươi hộ có đơn khiếu nại cho rằng trên diện tích đất của nông trường có phần đất của ông cha họ khẩn hoang thời kháng chiến, đến năm 1964, Khu ủy Khu 9 mượn đất của dân để xây dựng vùng căn cứ, sau năm 1975, Nhà nước không trả lại mà cấp cho nông trường. Lúc bấy giờ, do chính sách cải tạo nông nghiệp nên dân không đòi lại. Đến năm 1989, họ nghe Đài phát thanh nói rằng đất nào của dân thì trả lại cho dân nên họ làm đơn đòi lại nhưng không được giải quyết. Năm 1990, một cuộc nổi loạn kéo vào nông trường bao chiếm, hàng chục người bị công an huyện bắt giam, nhiều người tiếp tục làm đơn khiếu nại, các cơ quan chức năng đã nhiều lần khẳng định rằng họ không có cơ sở pháp lý nào để đòi lại đất. Vậy là, một bên nói có, một bên nói không, cuộc tranh chấp cứ kéo dài. Đến ngày 9 tháng 6 năm 2002, sau khi đất đã được nông trường cày xong thì bất ngờ 63 hộ dân kéo vào sạ lúa trên diện tích 176 ha. Cái lý lẽ để họ bám víu cuối cùng cũng không có gì khác hơn là đất này của ông cha họ ngày xưa khai phá.
Tỉnh Cà Mau thành lập ngay một ban chỉ đạo để giải quyết vấn đề này bao gồm Ban Dân vận Mặt trận, các đoàn thể quần chúng như: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cùng các cơ quan chức năng như Sở Nông nghiệp, Sở Địa chính, Sở Lao động... do một đồng chí phó chủ tịch tỉnh làm trưởng đoàn, đặt trụ sở dã chiến tại bờ kinh Cơi Năm để làm việc. Ban đầu, có người cho rằng đây là một vấn đề mang màu sắc chính trị, nhưng sau một quá trình tìm hiểu, có lẽ ai cũng cảm nhận rằng đây là hậu quả của một nguyên nhân sâu xa, là con đẻ của sự đói nghèo, dốt nát, bóc lột, áp bức, bất công trong mối quan hệ giữa nông dân với vợ chồng ông Vọng. Chính từ sự cảm nhận ấy mà các nhà chức trách đã chọn những giải pháp mềm để giải quyết vấn đề. Trước mắt, tổ chức cứu trợ dài hạn cho những hộ thiếu ăn, kể cả những hộ ngoài vùng tranh chấp, những hộ không đất sẽ được cấp đất và hỗ trợ chi phí di dời đến nhận đất ở một lâm trường trong huyện... Tiếp theo những giải pháp ấy là sự kiên trì vận động, thuyết phục bà con trả đất cho nông trường. Thế nhưng mọi sự cố gắng dường như không mang lại kết quả. Nhiều người tuyên bố rằng nếu trả đất lại cho Nhà nước thì tôi trả, còn nói trả lại cho nông trường thì không bao giờ. Một số hộ thì kiên quyết rằng đất của cha ông tôi thì tôi làm, không trả cho ai hết. Đến lúc không còn nhân nhượng được, các nhà chức trách nghĩ rằng cần phải bắt giam một số người để làm gương. Trước hết là bắt bốn thanh niên bị tình nghi chặt phá bờ chuối của nông trường với tổng thiệt hại trị giá trên hai triệu đồng. Thế là họ bị khởi tố về tội hủy hoại tài sản. Sáng ngày 17 tháng 9 năm 2002, sau khi một thanh niên bị bắt, ba người còn lại - trong đó có một người đã bị còng một tay - đã đánh trả lại lực lượng công an rồi chạy vào lẩn trốn trong căn nhà của bác Mười Bòn, ngay tức khắc, có trên năm mươi người xung quanh kéo đến làm vòng rào chở che cho họ, chủ yếu là đàn bà và trẻ con. Một cuộc hỗn loạn bắt đầu: bên ngoài, các lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ với đầy đủ khí giới bao vây thành một vòng tròn với đường kính khoảng một trăm mét. Những người bên trong căn nhà bác Mười Bòn tự vệ bằng nạng giàn thun, súng bắn chuột, gậy gộc, axit, xăng. Họ lập bàn thờ tang trước hàng ba và quấn khăn trắng lên đầu. Các nhà chức trách mắc loa kêu gọi đồng bào giải tán và giao nộp ba tên tội phạm, bên trong cũng phát loa hô đả đảo Nguyễn Thanh Vọng, giám đốc Nông trường 402, và kèm theo những lời chửi bới thô tục. Một phóng viên báo chí đến quay phim, bà Nguyệt chịt quần chặn ngang ống kính caméra. Bà con ở các vùng lân cận kéo đến xem đông nghẹt hai bên bờ sông. Cuộc bao vây kéo dài ba ngày hai đêm, trong đó có một đêm mưa suốt.
Sau sự kiện ấy, sáu mươi ba hộ dân với hàng trăm con người đã biến cái xóm nhỏ nhoi này thành khu tự trị. Họ nói, ai giết ông Vọng họ sẽ thưởng bốn mươi triệu đồng vì ông Vọng đã ra giá cho một mạng người của họ là mười lăm triệu đồng.
Ngày 23 tháng 10 năm 2002, nông trường thuê một chiếc ghe chở tràm giống vào trồng trên vùng đất tranh chấp, lập tức có hơn bốn mươi người kéo đến cướp chiếc ghe kéo lên bờ. Được tin, anh Thông, phó công an xã, cùng sáu anh dân quân tự vệ đến lập biên bản. Vừa vào tới, anh Thông bị nhóm người này bắt lôi vào nhà, sáu anh dân quân tự vệ bỏ chạy, mấy người này dùng gậy gộc và đuốc tẩm xăng khống chế buộc anh Thông phải ghi biên bản theo ý họ, nội dung đại khái là ghe chở tràm giống đâm vào xuồng dân, trong khi đó ông phó giám đốc nông trường ra lệnh cho ghe đâm thẳng vào những người dân trên xuồng cho nên bà con mới giữ ghe lại. Cuối cùng anh Thông phải làm theo lệnh của họ để được ra về.
Chiều hôm ấy, tức là buổi chiều thứ tư chúng tôi ở Khánh Bình Tây, mấy bà lão hỏi chúng tôi chừng nào về, tôi nói sáng mai, một chị phụ nữ ra vẻ dè vặt nói: Ngày mai các anh ở lại đi, có nhiều chuyện hay lắm, tha hồ mà chụp hình. Nhìn ánh mắt của chị, tôi linh cảm cho một chuyện không lành nào đó sắp xảy ra, tôi quyết định ở lại và gọi điện về cho hai người bạn đồng nghiệp đi xuống, mang theo ống kính télé 300 để chụp tầm xa khi có sự cố.
Thì ra, sáng hôm sau họ mua hai chiếc máy cày về trục đất để sạ tiếp vụ đông xuân. Sáng hôm ấy, để bảo vệ cho hai chiếc máy cày đang chạy, chị Nguyệt bảo mấy đứa con chị đem phảng ra cặm ở đầu bờ, rồi mấy chục người tụ tập trước sân, trong nhà họ đã chuẩn bị sẵn axit, xăng, súng bắn chuột và mã tấu. Anh Song nói nhỏ với tôi: Chuyến này coi như chơi tới cùng, trong nhà em đã chuẩn bị hai mươi ký muối bọt và bọc nylon, hễ chết một người là bỏ vào bọc muối lại chở ngay ra Hà Nội.
Rời khỏi Khánh Bình Tây, tôi mang theo hai điều ám ảnh: Thứ nhất, mối căm thù của người dân ở đây đối với vợ chồng ông Vọng đã trở thành mối thù giai cấp, đã ăn sâu vào tận tâm can của họ, thế hệ này khó mà gỡ nổi; thứ hai, một cuộc xô xát đang rình rập trong cái xóm này, nó nặng nề như ngàn cân treo sợi tóc, ai mà lường được. Một tuần sau, tôi gọi điện xuống hỏi anh Tiền, chủ tịch xã, anh cũng thể hiện sự lo lắng như tôi: Căng lắm anh ạ, bây giờ thì bà con đang trục đất, không ai ngăn cản thì thôi, nhưng tôi nghe nói sắp tới nông trường sẽ triển khai đồng loạt trồng tràm trên vùng đất tranh chấp, lúc ấy tôi sợ có xô xát xảy ra quá!
Khi tôi đang ngồi viết những dòng này thì được tin anh Huỳnh Khánh, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, vừa đi Khánh Bình Tây về, tôi gọi điện hỏi tình hình ở dưới ra sao, anh nói một hơi như đã thuộc lòng: Tình hình căng thẳng lắm, tôi vừa gọi điện báo cáo cho đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy và kiến nghị bốn giải pháp: Thứ nhất, phải thanh tra làm rõ toàn bộ hành vi của ông Vọng để xử lý nghiêm túc bởi chính ông ấy là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là người đã tạo ra cái tai họa này; thứ hai, phải ngưng lại kế hoạch trồng tràm trên vùng đất tranh chấp, vì làm như vậy chẳng khác nào đổ dầu vào lửa; thứ ba, xem xét cho dân ở vùng ấy tạm thời được thuê đất của nông trường với mức giá hợp lý; thứ tư, tuyệt đối không được dùng biện pháp mạnh để bắt bớ bà con. Tất nhiên đây là ý kiến của cá nhân tôi, song, dù được chấp nhận hay không chấp nhận thì tôi cũng làm hết trách nhiệm của mình.
Tôi xin lấy ý kiến của anh Huỳnh Khánh để thay cho đoạn kết bài viết này. Và, lạy trời cho ý kiến của anh được mọi người chấp thuận.
Cà Mau, ngày 9 tháng 11 năm 2002