1.
Bà em là một thi sỹ.
Em lớn lên mà không biết mình xinh đẹp.
Em ngốc nghếch quá phải không?
Thôi em kể chuyện tuổi thơ em nghe nhé.
Thực ra thì tuổi thơ em cũng chả có chuyện gì mà kể. Em tên là Cát Tường. Em đi học từ năm lên sáu. Mà công nhận tuổi thơ thì thích thật, thảo nào ai cũng khao khát có một lần về lại những ngày xưa thân ái. Những năm tiểu học em cứ thấy mình xấu xí thế nào ấy. Hay tại em học hành chả có gì xuất sắc nên cứ mặc cảm là mình xấu xí. Chả mấy khi cô giáo gọi đến mình. Có gọi đến thì cũng chỉ đạt điểm trung bình hoặc trên trung bình một tí. Chẳng bao giờ cô khen hay chê. Bạn bè thì cũng chả có đứa nào thật thân với mình, cứ nhàn nhạt. Chắc là tại mình xấu xí đấy mà, em cứ nghĩ thế. Và em cứ sống như thế như thế.
Chỉ có bà bảo em hay.
Chắc là bà thiên vị.
Thời còn bé thì thích nhất là giờ ra chơi. Và những tối sinh hoạt lớp hay sinh hoạt đội. Chơi thì bao giờ chả thấy thích. Nhưng lúc nào được chơi chung những trò có cả con trai con gái cùng chơi là thích nhất. Nào là nhẩy dây tập thể. Rồi trốn tìm. Năm mười mười lăm hai mươi... ba mươi... mở mắt đi tìm. Rồi túm lấy nhau. Thích nhất là túm nhau. Nhất là lúc được thằng con trai nào đó túm được. Thế là cấu chí vùng vẫy. Thích thật. Nhiều lúc cái mặt mải chơi của em vẫn còn đầy ăm ắp khí thiên nhiên khi vào lớp. Nhiều lần cô giáo đã mắng xàng xạc vào cái mặt ấy. Trông rõ là vô tích sự. Lười học. Ham chơi. Không cẩn thận rồi chẳng ra gì. Vâng thì em đâu được khô chân gân mặt như con gái người ta. Chắc tại em xấu xí nên dễ bị ăn mắng đó mà.
Thậm chí bà bảo em rất hay.
Ai mà biết được các nhà thơ nghĩ gì trong đầu. Không biết chính họ có biết là họ đang nghĩ gì không.
Nhà em ở vùng ven nội, nơi trồng nên loại húng Láng nổi tiếng. Nhưng mà em nhà quê lắm cơ, nhà quê kinh khủng khiếp hoảng hốt luôn. Những vườn húng thơm nhuận với mùi vị có một không hai cứ co lại dần nhường chỗ ở cho con người. Con người càng phát triển thì nhiều loại cây con khác cứ tuyệt chủng dần. Phải chăng lỗi tại bọn chúng đần. Em suốt ngày cứ mê mẩn với cái mùi húng Láng mà quên mất mình đang lớn. Thế rồi có những lúc em thấy mình khang khác, suy nghĩ lẩn thẩn thế nào ấy. Bà bảo em sắp tới tuổi ngồng. Ngồng là thế nào hở bà? Bà chỉ cười, hỏi mãi bà bảo như cây cải ấy. Rỗi rãi em vẫn lấy thơ bà ra đọc, mặc dù em biết em chả biết gì về thơ. Đừng nói gì đến làm thơ. Thơ bà thì hay rồi, mọi người đều bảo thế, nhưng thường là em đọc chả hiểu gì. Thế mà cứ thích mới lạ. Có hôm ngồi trong lớp em như trong trạng thái sắp ngồng, đầu óc cứ vẩn vơ:
Đêm
Rát...
Con dế quên không ngủ
Con lật đật chóng mặt
Thôi cựa mình
Tàu cau
Rụng tiếng ngáy [*]
Chả nhẽ mình đang làm thơ? Như thế đâu phải là thơ nhỉ. Chắc tại em nhiễm tí gien của bà nên cũng hơi man mát đấy thôi.
- Cô kia ! Sao không nghe mà chép bài vào lại cứ nhìn đâu đâu thế kia. Bảo mãi không nghe, rõ là cái đồ vô liêm sỉ ! Đồ mặt giặc mặt dầy. Bê tông đất đá bom bỏ nó còn vỡ chứ cái loại mặt các cô các cậu bây giờ có bắn rốc két nó vẫn cứ trơ ra. Rồi sẽ không ra cái tích sự gì cho mà xem. Bố mẹ chăm nuôi cho lớn phổng lên chỉ mong cho các cô các cậu chăm chỉ học hành, nghe lời thầy cô để sau này có ích cho mình cho xã hội mà có được mấy đứa đâu. Không biết rồi cái lúc chúng tôi về già thì cái xã hội này nó sẽ ra sao nữa. Không thể chịu nổi...
Mỗi ngày ở tiểu học em và các bạn đều được nghe ít nhất một lần bài ca ấy. Suốt ngày tay thì chép bài đến mức ngón trỏ cứ quặt quẹo đi, tai thì phải nghe nhiều những bài ca không quên nên rất nhiều đứa chán học, chán trường. Có những đứa bỏ lớp ra ngồi dưới gốc cây mà chả để làm gì cả. Kể chuyện với bà thì bà chỉ cười mủm mỉm:
- Rồi tất cả sẽ tiêu ma, chỉ những gì ngớ ngẩn thì cứ còn mãi, thế mới kỳ. Cháu cứ ra vui chơi với chúng bạn đi, đó là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này. Đừng nhớ đến những điều khó chịu trong đời làm gì, vì sẽ chẳng ai có đủ trí nhớ mà nhớ nổi hết đâu.
Mặc con chó sủa gâu gâu
Con người cứ phải đi cầu hồn nhiên
Hồn nhiên như thể cô tiên
Bao nhiêu tục lụy ưu phiền sẽ qua
2.
Con bé thật quen mà thật lạ. Hình như nó giống mình khi xưa. Cuộc sống này đầy biến động mà sao có những điều lại cứ còn lại mãi. Ta đã sống đến ngần này tuổi mà sao lúc nào cũng thấy đời như mới. Bố nó khi mới chào đời thì đã thành con nuôi nhà khác chỉ vì bạn ta không có con giai. Bố nó cũng có một tuổi thơ hạnh phúc vì nhà bạn ta giầu có, nhà lại ngay Bờ Hồ. Thế nhưng khi cả hai vợ chồng bạn ta chết đi thì bốn đứa con gái nhà đấy tính cách đuổi thằng bé ra khỏi nhà vì sợ phải chia nhà cho nó. Lúc này thì đích thị nó là con ta vì nó đã bỏ đi ngay lập tức, không một đòi hỏi nhỏ. Thế rồi nó dạt ra vùng Láng và lấy vợ ở đó. Sống ở đó đến khi cháu gái ta ra đời thì vì bị mẹ vợ mắng cho suốt ngày do không biết làm vườn và cuốc đất nên nó lại bỏ nhà ra đi. Đến bây giờ vẫn không biết nó đi đâu. Ôi cuộc đời bãi bể nương dâu, mới như dập một miếng trầu đấy thôi.
Con bé càng ngày càng lớn. Mừng là nó vẫn giữ được cái bản lai hồn nhiên trước những bặm trợn của đời sống. Mừng là được như vậy. Ta biết nó rất thông minh nhưng chưa có ai phát hiện ra điều đó, như thế càng tốt. Vì càng thông minh lộ liễu sớm người ta càng dễ sa đọa mà thôi. Mà sao trước đây ta cũng đã đi học với đủ loại đủ kiểu giáo dục với bọn thực dân, bọn tư sản rồi học trong rừng mà chưa bao giờ thấy cái sự học hành khổ sở như bây giờ. Học gì mà suốt ngày học vẹt, chép bài suốt ngày mà hỏi đến cái gì cũng không biết. Những đứa học trò có cá tính thì trước sau gì cũng vào sổ đen. Những đứa khá giỏi thì phần đông trông đứa nào cũng vô hồn và như sinh ra từ một cái lò đúc nào đấy. Ta nhớ nao lòng những thầy cô ta xưa, những khi ốm đau mệt mỏi còn được các cô đến nhà nấu cháo cho ăn nữa. Đặc biệt là các thầy cô chỉ gợi ý cho trò tự suy nghĩ chứ chẳng mấy khi áp đặt ý kiến của mình. Nhờ được giáo dưỡng thế ta mới khai thác được tấc lòng mình để làm được cái công việc sáng tạo chữ nghĩa đầy vất vả này. Mà cháu gái ta sắp lớn rồi đó.
Con đò đã sắp đầy chưa
Để sang bên ấy cho vừa lòng sông
3.
Sang cấp em cũng có mấy con bạn thân, toàn những đứa chả giống tính em tẹo nào. Khác tính nhất mà cũng thân nhất là con Điệp. Em thấy chúng nó rất chi là duyên dáng còn em thì vụng về lắm. Hình như bỗng dưng em thấy mình có nhiều bạn hơn. Bỗng dưng em đã mười ba tuổi tròn.
Em thấy các bạn rất hay để ý đến bọn con trai. Nào là khen thằng này đẹp giai, nào là nhà thằng ấy giầu lắm, nào là cậu kia xấu giai nhưng học giỏi, nào là chơi với bạn nọ lúc nào cũng thấy vui, cười lộn cả ruột. Hình như em cũng bắt đầu có cái tính đó thì phải, nhưng mà em vẫn mê mẩn với mùi húng Láng hơn. Vườn nhà em ngoài húng Láng là là mặt đất thì em cũng thích những cây cau cao vút tầng không và những khóm chuối xòe tung tán lá xanh rợp ươm mát những giấc mơ thơ ngây. Dưới gốc cau thì tất nhiên là có cái chum nước để hứng nước mưa. Mẹ em thích uống chè xanh pha với nước mưa đun sôi lấy từ cái chum nước mát lạnh ấy. Nghe nói cũng nhờ mấy thứ cây cối nhăng nhít này mà đã sinh ra cả một thần đồng thơ nổi tiếng với tập thơ sân trời gì đấy. Em cũng có đọc nhưng em thấy nghi nghi vì giọng thơ nghe như là người lớn làm hộ ấy. Thì bọn nó bây giờ cũng cứ phao bài cóp vở như ranh ấy mà. Chuyện vặt.
Mẹ bảo con gái lớn rồi
Đừng một mình tắm trăng!
Mà à ơi, rồi mẹ vào giấc ngủ
Em len lén ra giếng một mình
Em xõa tóc, em cởi yếm
Ngực khẽ động tàu chuối
Trăng rớt đầy ngực em... [*]
Em bắt đầu thích làm thơ thì phải. Ô sao thế nhỉ? Thực ra em tồ lắm, em chả biết gì đâu. Em cứ nghĩ mình xấu xí lắm.
Một hôm con Điệp ghé tai tôi như muốn thì thầm mùa xuân gì đấy.
- Có gì mà cứ muốn thậm thụt thế? Em hỏi nó.
- Này lớp mình mới có thầy giáo dậy văn đẹp "chai" lắm.
- Thì sao nào?
- Không sao.
Thầy Đào quả là có đẹp trai. Thầy dậy hút hồn lắm. Tóc thầy dài nét thư sinh lượn ba vòng sóng, khuôn mặt thầy dài sáng, vừng trán rộng. Đôi môi hoa cau cứ hồng lên mơn mởn. Đôi mắt lim dim hấp háy sau cặp kính cận mà thầy cứ hay tháo ra lau liên tục, hay tại kính làm mắt thầy hoa nhìn không rõ. Hôm nào bài giảng của thầy cũng có những câu như: ôi Đảng mẹ hiền mến yêu, hỡi những chàng trai những cô gái yêu chúng ta phải ý thức được mình phải làm gì trong những ngày thu cách mạng này, tuổi trẻ là mùa xuân của nhân loại, học học nữa học mãi, máu và hoa, nét chữ tạo tính thành... Sau những lời có tính tự sự nhiều hơn là giảng bài, thầy lại đọc bài cho trò chép, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn em hay cái Điệp. Những khi cảm thấy thầy đang nhìn em, em chợt nhìn lên thì thầy lại cứ như đang nhìn cái Điệp. Em về hay kể chuyện thầy Đào với bà, bà cứ hay cười cười chả nói gì. Nhưng đến khi thấy em nói về thầy nhiều quá mặt bà chợt trở nên nghiêm lạnh:
- Thôi thì cháu cứ cố gắng mà chép bài cho đầy đủ mà đi thi không đến lúc đấy viết không đúng ý các thầy lại trượt vỏ chuối thì khổ. Còn thì thầy ấy nói gì thì cứ để thầy ấy nói, rồi ra nước chẩy qua cầu cháu ơi, bao nhiêu nước ốc vẫn vơi phân lòng.
Bà tôi là một nhà thơ có tiếng.
Thế nhưng em đã bắt đầu cảm thấy cô đơn, mặt mũi đôi khi đăm chiêu ra chiều khó hiểu. Không biết em đã đánh mất cái hồn nhiên hay chưa hay đấy cũng chính là sự hồn nhiên? Bà thì có vẻ như thờ ơ thản nhiên lắm nhưng dường như bà rất quan tâm đến cái hồn nhiên như cây cỏ của em thì phải. Bà tinh tế lắm.
Đôi tay em
Quờ vào khoảng không
Vốc đêm
Quẫy...
Tự dưng thấy mình cô đơn
Tự dưng muốn khóc
Đêm... mông lung quá
Em muốn được vẫy vùng [*]
Trong cái cô đơn hoang vắng của tuổi ngồng em cứ hay nghĩ đến thầy Đào thì phải. Cũng trong một lần miên man em bỗng nghe tiếng thầy mắng, nghe thậm tệ như chưa bao giờ được nghe vậy:
- Cô kia! Sao không chú ý nghe mà chép bài lại cứ nhìn đẩu đâu thế kia. Bảo mãi không nghe, rõ mặt dầy. Bê tông đất đá mìn nổ còn vỡ chứ cái loại mặt học trò bây giờ có ném bom tấn nó vẫn cứ trơ ra. Rồi sẽ không ra cái tích sự gì cho mà xem. Bố mẹ chăm lo vất vả chỉ mong cho con cái chăm chỉ học hành, nghe lời thầy cô để sau này có ích cho mình cho xã hội mà có khác nào nước đổ đầu vịt. Không biết rồi cái xã hội này nó sẽ ra sao nữa. Không thể chịu nổi...
Nghe cái Điệp bảo thầy đang theo đuổi một cô hàng phở nhưng không được đáp lời. Thế thì thật tội nghiệp cho thầy quá. Thầy trông tài hoa, trí thức thế kia mà...
4.
Mình thấy sợ. Hay là mình sắp chết? Điệp ơi thế là mày sắp từ dã cõi đời này thật sao? Cát Tường ơi, tao sắp phải xa mày rồi. Hu hu.
Hôm sau mình gặp con Cát Tường, rủ nó ra một chỗ vừa sụt sịt vừa thủ thỉ:
- Cậu có biết là tớ sắp chết không?
- Cậu lảm nhảm gì thế?
- Thật đấy. Tớ chết cậu nhớ mua cho tớ một vòng hoa trắng thật to nhé. Cậu cầm lấy đi này, đây là tiền để dành của tớ đấy, tiền bố mẹ tớ cho tớ ăn quà mà tớ không ăn ấy mà, với lại cậu cứ đãi tớ suốt. Cậu mua cho tớ thật nhiều hoa trắng vào nhé. Hoa Ngọc Hà hẳn hoi ấy, vừa đẹp lại vừa rẻ. Thế tớ chết cậu có khóc không? Tớ sẽ nhớ cậu lắm, Cát Tường ơi, hu hu...
Thấy mình cứ nói liên hồi như trăng trối làm con Cát Tường chẳng kịp hỏi han gì, cứ thế hai đứa ôm nhau khóc rống lên. Hết nức nở đến rưng rức, hết nghẹn ngào đến tức tưởi. Khi khóc dường như đến cạn kiệt những giọt lệ cuối, bỗng dưng cả hai đứa im bặt mà không hiểu rõ lý do tại sao. Nhìn nhau mặt mũi áo xống ướt dầm dề hai đứa lấy khăn ra lau cho nhau, vuốt ve nhau. Cứ thế bẵng đi một lúc lâu Cát Tường hỏi:
- Nhưng mà cậu có chuyện gì?
Mình kể cho nó nghe rõ sự tình xong, nó bỗng bật cười như ma làm. Nó cứ thế cười lăn cười lộn, cười không ngăn lại được. Thấy nó cười lâu quá, sốt ruột mình quát:
- Cười cái gì mà cười?! Bố mày đánh chết mẹ mày bây giờ. Thế là mày cũng là con khốn nạn, đếch thương gì tao.
- Cậu chẳng chịu đọc sách báo gì cả. Đến giờ mà vẫn không biết gì! Nó là như thế... như thế...
Với tiếng khóc hãi hùng đó hai đứa con gái chúng tôi cùng nhau bước vào trung học.
Tuổi thơ ơi, vĩnh biệt. Thôi chào nhé những tháng ngày hồi hộp, những đêm trường ngơ ngác những mộng mơ. Bao năm trôi những con bé thét hoài không khản giọng, nhẩy tung tăng êm lướt những cầu thang... trong cõi hoang mang.
Cũng từ ngày có cái cơn sợ hãi đó tôi không còn biết sợ là gì nữa. Bố mẹ thì có mà cũng như không, làm ăn tối ngày mới về nên chẳng bao giờ hỏi han gì tới con cái. Tôi đã lớn.
Tôi đã thích giao du, chơi bời và hò hẹn. Càng lớn tôi và Cát Tường càng ít gặp nhau. Nó đi học về thì chỉ thích ở nhà với bà. Tôi thì ghét đi học và chỉ thích tới các quán bar. Chỉ ở đó tôi mới thấy là mình đang sống. Nhịp sống sôi động của thời đại, của một thời được làm con gái. 15 tuổi tôi đã yêu. 16 tuổi tôi đã phải đến thắp hương ở cây đa Nhà Bò [**]. Nước mình cớ làm sao cây đa nào cũng thiêng? Chứng tỏ cái quá khứ và truyền thống nó nặng nề lắm. Thế mà tôi vượt qua cứ như không. Phải chăng kiếp trước tôi là bướm, thoắt hoa thoắt hóa.
Có một lần trong quán bar tôi đã gặp thầy Đào, đang ôm eo một bà béo ị.
Đào đã từng là một nhân vật oanh liệt hồi học Đại học Sư phạm. Đẹp trai và hát hay. Thế đã đủ chết con người ta rồi. Lại còn làm thơ hay, những vần thơ du dương đầy biểu cảm. Thời đi học ấy Đào có nhiều em mê không nhớ hết. Có những vụ đang yêu nhau mê say nhưng Đào muốn rút dù, thế mà chẳng biết Đào thuyết phục cô kia thế nào mà cô ta lại kết ngay được với anh bạn của Đào. Sau đó hai người ấy lại còn lấy nhau kia đấy, ngay lúc đang học năm cuối. Chắc là Đào có cái năng lực đặc biệt nào ấy, bảo gì các em cũng phải nghe. Lần đi thực tập sư phạm nào Đào cũng có xì-căng-đan tình ái với các em học sinh cấp ba. Có người bảo con rơi của Đào trong thời đi học phải có cỡ tiểu đội. Quả cũng là một kỷ lục đấy chứ.
Đào nhìn tôi sững sờ như không tin vào mắt mình. Đào gọi: em! Nhưng tôi không trả lời. Vậy là Đào cũng là một học trò của môn bướm học. Càng nhẹ nhàng lại càng nặng nhọc, hình như bà của Cát Tường đã nói như thế.
5.
Em càng lớn hình như lại càng hồn nhiên hơn.
Em vẫn không biết là mình xinh đẹp.
Thầy Dương Đại dậy tiếng Anh ở trung học rất chảnh vì thầy đã từng du học ở Mỹ về. Thầy giảng bài hùng hồn lắm.
- Thật là không thể ngửi được các em ạ. Cái nước mình nó hủ lậu khủng khiếp. Cái gì cũng hủ lậu, từ ý thức đến tình cảm, từ thượng tầng đến hạ tầng, từ giáo dục đến thực tiễn, từ tư tưởng đến văn hóa, từ chính trị đến kinh tế... Bên phương Tây họ đã làm nên cả một thế giới tự do rồi. Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tình dục, tự do kinh doanh, tự do lập hội, tự do tất tần tật. Các em cần phải cố học tiếng Anh cho giỏi để sang Tây mà học hỏi, mà enjoy, mà mở mắt ra, mà thấy thiên đường trên mặt đất, mà mà mà...
Thầy Dương Đại đã nói như thế.
- Cát Tường! Em rất có khiếu ngoại ngữ. Cố gắng lên em, người như em khi sang Mỹ em mới thấy hết giá trị của mình. Em mới thấy mình thật sự là một con người đúng nghĩa. Thầy Dương Đại đã nói như thế.
- Cát Tường! Em rất đẹp! Thầy Dương Đại đã nói như thế.
Em giật bắn mình.
Từ hôm đó em thấy có nhiều bạn hay đến chơi nhà, và rất nhiều các anh lớn tuổi. Tất nhiên toàn con trai. Bà em thấy hãi. Em vẫn không biết là mình xinh đẹp.
Em hay kể chuyện thầy Dương Đại, bà càng hãi. Dạo này bỗng thấy bà hay đọc ca dao: của phù vân nó lần nó ra, con của ta nó sà vào lòng. Hay bà còn hay kể chuyện Bờm chỉ thích xôi chứ không thích bè gỗ lim hay ao sâu cá mè, vv. Bà giải thích đại ý Bờm thế là khôn, chứ ôm bè gỗ lim vào thì đương nhiên là phải thuê một ban điều hành từ giám đốc cho tới nhân viên kinh doanh hay marketing, lại còn phải đi học MBA [***] nữa thì mới quản lý nổi, xét cho cùng thì cũng đến ăn xôi mà ăn cái kiểu ấy thì chưa ăn đã ói vì stress.
- Cát Tường! Tối nay mời em đi uống trà sữa trân châu nhé? Có vấn đề muốn nói với em. Thầy Dương Đại đã nói như thế.
Những buổi tối chờ anh
Trăng gầy đi một nửa [*]
Em bỗng thấy tim đập rộn ràng, háo hức đến quên cả ăn tối. Ngồi bên thầy em hỏi có vấn đề gì không, thầy bảo nhiều vấn đề lắm. Rồi thầy cứ kể chuyện bên Mỹ. Bà em nhiều lúc cũng hay nói đến Tây phương cực lạc, chắc cũng như Mỹ là cùng.
Con gái mẹ dời quê lên phố
Dâng nụ hôn đầu
cho một gã dửng dưng [*]
Sau khi thi xong tốt nghiệp bà đã tìm được cho em một tấm chồng lựa ra trong những người hay đến chơi nhà. Chúng em sống cũng được, đã có hai con rồi, đẹp lắm. Và một điều đặc biết với em đã xảy ra, ba em đã trở về từ nghìn trùng xa lắc.
Thực ra chuyện của em cũng đâu có gì đáng kể, em nói thế có phải không ạ. Có chăng là chuyện về bà em đó thôi. Đúng, chuyện bà em ấy mà. Bà em đã mất.
2005
_____________
[*] Thơ Thùy Vân.
[**] Tên một nhà hộ sinh khét tiếng ở Hà Nội, trước cổng có cây đa đã mấy trăm năm.
[***] Bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh