Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.007
123.235.776
 
Giai điệu
Hồ Tĩnh Tâm

Trong ký ức của tôi, làng cá quê Lân ở Diễn Châu đẹp không tưởng nổi.

 

Tôi đến nhà Lân vào buổi trưa. Mới bước vào ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương, tôi đã giật mình. Ngay trên bức tường trước mặt phía bên trái, là tấm chân dung Lê Nin khổ lớn, chói lên tông màu đỏ xậm.

Lân cười:

- Mày vẽ đấy. Mấy năm rồi. Không nhìn thấy chữ ký ở góc phải à?

 

Té ra là tôi vẽ. Hồi đó tôi không rành về sắc độ của màu. Chính Sĩ Dũng là người dạy cho tôi cách pha màu, tạo ra các sắc độ của màu. Tôi đã phải mua tới bốn hộp màu Trung Quốc mới đủ màu đỏ để vẽ chân dung Lê Nin. Các típ màu khác để pha vào tạo sắc độ, hết không đáng là bao, tôi đem cho hết lũ trẻ trong xóm. Giờ nhìn thấy các sắc độ của gam màu vần vũ, chính tôi cũng không ngờ đó là tranh vẽ của mình.

 

Lân bằng tuổi tôi, học cùng lớp với tôi năm cuối cấp ba. Hồi đó tôi là lớp trưởng, kiêm cán sự môn toán. Lớp có ba đứa học toán giỏi là tôi, Lân và Hoàng Lễ Vình. Lễ Vình học hành rất nghiêm túc, lúc nào cũng chúi đầu vào sách vỡ. Lân học tài tử, ngoài môn toán ra thì chẳng coi các môn khác ra gì. Tôi là lớp trưởng nhưng lại ham chơi đủ các trò trên trời dưới đất. Bởi vậy, tôi kết bạn rất thân với Sĩ Dũng, Sĩ Thành, Văn Thắng. Chính bộ ba này đã châm vào người tôi dòng máu say mê âm nhạc và hội họa.

 

Năm 1970 – 1971, trường cấp ba Quỳnh Lưu I vẫn còn sơ tán ở Quỳnh Ngọc. Gia đình tôi và ông anh của Lân đang sống với khoa toán trường đại học Sư phạm Vinh ở Quỳnh Minh, vì vậy tôi với Lân đều ở trọ tại Quỳnh Ngọc. Ông chủ nhà trọ của tôi năm lớp 10 vốn là địa chủ bị đấu tố hồi năm 54 – 55. Tôi không biết lúc còn là địa chủ ông giàu có và độc ác cỡ nào, chứ lúc tôi sống với ông, tôi thấy ông hiền khô và rất nghèo. Buổi sáng ông ăn cơm với một vài con cá trích kho rồi vác cày ra ruộng. Buổi trưa chỉ thấy ông ăn cái bánh đa vừng, uống vài bát nước chè xanh là xong bữa. Vậy mà ông rất hay mời tôi ăn bánh ống nước với ông. Tôi chẳng bao giờ thấy ông có bà con thân thích gì đến thăm. Có lẽ vì vậy mà mỗi khi tôi có bạn bè trong lớp đến chơi, ông tỏ ra rất niềm nở, thường đem những thứ có sẵn trong nhà như khoai sắn ra đãi.

 

Làng cá quê Lân là một làng trù phú, dân cư  đông đúc, sống chủ yếu bằng nghề đi biển, đan lưới, đóng thuyền. Đường xá trong làng đổ bằng vỏ điệp nên lúc nào cũng sáng ngời lênnhư được trải bằng lụa trắng. Nhà cửa nhỏ và thấp để tránh bão, hầu hết là mái ngói, tường xây đá ong. Đi tới đâu cũng thấy sực lên mùi cá khô và mùi ủ nước mắm. Con gái đẹp giòn giã nét duyên ngầm miền biển, miệng cười trắng roi rói đôi hàm răng đều tăm tắp. Lân vẫn thường nói với tôi, mày thích đứa nào tao làm mối cho, làng tao con trai ra trận gần hết, được đứa học lớp mười lại biết chơi ghi ta như mày là qúy lắm. Có lẽ vì vậy mà Lân rủ tôi về làng chơi, và dặn tôi nhớ mang theo cây đàn. Nhưng tôi biết, tôi chơi ghi ta còn xoàng lắm, bởi vậy lúc về làng với Lân, tôi chỉ đút trong túi quần cái kèn armonica mà Hiệp ruốc tặng cho tôi.

Ngay buổi tối đầu tiên Lân đã kéo tôi ra bến thuyền ngồi chới. Đó là một đêm trăng sáng dịu thứ ánh sáng màu xanh huyền hoặc tới lịm người. Phía bên kia sông ngun ngút một cánh đồng muối, đây đó nổi lên những cái xe đạp nước trông đen thẫm một cách im lìm. Không biết đồng muối thức hay ngủ. Có lẽ cánh đồng đang nằm mơ  bổi hổi thì đúng hơn. Ánh trăng dội xuống cánh đồng lênh lang những vảy vàng vảy bạc, long lanh lóng lánh như tấm thảm kết bằng thủy tinh óng ánh.

Lân nói:

- Mày thổi kèn đi ! Bài “Làng tôi” với bài “Cây thùy dương”. Cứ thổi rồi biết!

 

Tôi rút kèn ra thổi.

Đêm yên tĩnh đến kỳ lạ. Gió thổi hương biển vào rười rượi. Gió thổi ánh trăng đậu xuống mơn man. Bầu trời cao vồng, trong suốt. Triệu triệu những vì sao li ti nhấp nhánh; tưởng chừng những vì sao sắp ùa cả xuống cánh đồng muối đang bồi hồi thổn thức bên kia sông. Sóng sông Bùng vỗ óc ách, dạt dào. Dường như dòng sông đang hát theo tiếng kèn. Mà không! Dường như tiếng kèn của tôi đang nương theo tiếng hát dòng sông mà cất thành giai điệu. Chính tôi cũng không hề nghĩ rằng tôi đang thổi kèn. Hình như tiếng kèn tự nó đang cất lên từ dòng sông căng vồng sức triều dâng dào dạt.

 

Thốt nhiên tôi nhận ra có tiếng người đang hát. Không phải một người mà là cả một dàn đồng ca đang cất lên khe khẽ. Những tiếng hát mịn mượt, đan quyện vào nhau, nương theo con sóng vỗ bờ, nương theo ngọn gió, thổi vào không trung vị mặn tinh khiết của biển. Tiếng hát óng ả như những hạt muối kết dính vào nhau, càng lúc càng đơm vào lòng tôi niềm thổn thức nghẹn ngào. Tiếng kèn của tôi chìm trong tiếng hát, cùng tiếng hát bay lên vời vợi.

 

Họ là những cô gái còn rất trẻ, ngồi vắt vẻo trên mạn những chiếc thuyền cá đã được kéo lên bờ phơi lưới và trét lại dầu cahi để chờ những chuyến đi khơi đi lộng vào một ngày nào đó. Trong số họ, một số đã có chồng và đã sống nhiều năm dài chờ đợi. Hình như với họ, hát là thở, thở để sống- sống hồn nhiên, hồn hậu trong nỗi đợi chờ dài đăng đẳng.

 

Tôi ở chơi với Lân ba ngày. Tôi có với Lân ba ngày bên bờ sông Bùng sáng trăng dìu dịu. Nhưng tôi không biết những cô gái trong làng, ai là người đã ba đêm ra bến sông ngồi hát. Tôi chỉ biết tới tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn cảm nhận nỗi xao xuyến bập bùng tới chạnh lòng những tiếng hát trinh nguyên niềm hạnh phúc tới tận cùng sướng vui và đau khổ.

Một lần tôi vác cây ghi ta đi theo đường Quỳnh Đôi để về Quỳnh Minh nghỉ Lễ, Hoàng Lễ Vình rủ tôi ghé Quỳnh Đôi thăm nhà thờ tổ dòng họ Hồ Xuân. Đêm ấy mấy đứa bạn học cùng lớp ngồi ăn chè nếp trên sân gạch. Đang ăn thì ngọn đèn dầu bị gió biển thổi tắt phụt. Ông già giữ từ đường hỏi:

- Lửa tắt bay đi đâu, các cháu?

 

Ừ nhỉ! Lửa là vật chất. Vậy thì lửa tắt bay đi đâu? Hẳn nhiên là lửa bay vào khoảng không vô tận. Nhưng mà lửa sẽ đến đâu? Sẽ dừng lại ở đâu? Nănbg lượng bao giờ cũng có hạn, không thể đưa lửa đi mãi, đi mãi. Vậy thì lửa đi đến đâu trong khoảng không vô tận vô cùng kia? Cũng như cuộc đời của con người, sống là phải đi, đi tới, đi tới mãi. Nhưng rồi cuối cùng con người cũng phải dừng lại ở đâu đó. Trong đất, trong cát, hay trong trùng dương sóng biển. Điểm dừng ở đâu thì làm sao mà con người có thể biết trước, dù con người hơn hẳn ngọn lửa là có khả năng biết định hướng cho mình.

 

Hoàng Lễ Vình bảo tôi đàn cho Hồ Thanh Tâm hát một bài. Tôi không thể từ chối, bởi vì tôi có đem theo cây đàn. Nhưng mà tiếng đàn của tôi đêm ấy chấp chới qúa, không thể nào nâng được tiếng hát của Thanh Tâm. Dòng sông Mai lặng chảy trong cái đêm đen nhánh ấy đã nuốt chửng tiếng đàn và tiếng hát của chúng tôi mà cuốn luôn ra cửa biển Lạch Quèn.

 

Gần cuối năm học, nhà trường tổ chức một đêm liên hoan văn nghệ. Lớp tôi cử Sĩ Dũng làm đội trưởng đội văn nghệ của lớp. Sĩ Dũng tổ chức tập luyện ra trò. Anh ta lôi về một cây đàn arcoocdéon. Sĩ Dũng đệm đàn gió, Sĩ Thành, Văn Thắng đệm ghi ta. Chúng tôi cảm thấy những ngày tập hát đội văn nghệ của lớp lại hát hay hơn gấp nhiều lần đêm liên hoan văn nghệ. Thế rồi chúng tôi thi đại học. Điểm thi đặt ở Yên Thành. Tôi với Lân cùng khăn gói đi thi, cùng ở chung một nhà trọ với nhau. Bà chủ nhà chẳng những không chịu nhận tiền nhận gạo của chúng tôi mà còn nấu cơm trắng, thịt kho, cá rán cho chúng tôi ăn uống đàng hoàng. Bà nói: “Con mẹ cũng học lớp mười, nhưng không kịp thi đại học. Nó qua Lào đã bốn năm, không thư từ chi cả”.

 

Thi xong, Lân mời tôi về nhà, nói rằng chỉ đi tắt khoảng gần hai chục cây số là đến nơi. Nghe Lân nói, tự nhiên tôi nghe tiếng sóng sông Bùng dội lên. Càng lúc tiếng sóng càng vỗ ầm ào trong lồng ngực. Rồi thì tiếng hát… Chao ôi! Tiếng hát sao mà cồn cào da diết thế! Tôi tưởng như tiếng hát đang chen trong tiếng gió thổi bết mái tóc tôi dựng đứng lên.

Đêm ấy không ngủ được, tôi với Lân xin phép bà chủ nhà trọ tốt bụng đi dạo trong làng. Đường làng cũng trải bằng vỏ điệp, cũng sáng lên màu trắng ngời ngợi. Sao mà giống con đường dẫn ra bến thuyền ở sông Bùng  quê Lân thế không biết.

Tôi hỏi:

- Mấy cô ngồi hát, có cô nào trẻ đẹp không?

Lân lắc đầu:

- Mi nỏ biết đếch chi. Gái làng tao đẹp nhất nước!

Tôi thắc mắc:

- Người ta nói, « trai kẻ Diễn, gái Quỳnh Lưu » cơ mà ?

Lân nhún vai, phá ra cười:

- Mi ngu rứa. Mi nỏ nghe họ hát à ? Không đẹp mần răng hát hay tới mức mi sợ không dám làm quen.

 

Ừ phải ! Hình như con trai hay mắc tật sợ người đẹp. Người đẹp càng rực rỡ thì anh con trai càng tỏ ra nhút nhát, mà càng nhút nhát lại càng không dám xán đến gần người đẹp. Và thế là người đẹp bay biến đi như ngọn lửa, không còn biết ở đâu mà rtìm gặp. Nhưng mà… chính điều đó càng làm cho người đẹp trở nên đẹp hơn trong trí tưởng của anh ta.

 

Tôi ngồi nhớ lại tất cả chuyện này, trong khi ở nhà bên, ai đó đang dạo những hàng âm trên phím đàn piano. Giai điệu lúc đầu con chấp chới, về sau bay vút lên như một cánh diều trên cánh đồng bầu trời xanh ngăn ngắt. Tôi chạnh lòng nghe tiếng sóng đang vỗ trong tim mình không thể nào nguôi được.

Hình như tiếng sóng sông Bùng thì phải.

 

Sông Bùng, sông Bùng ơi

Nào dòng trong dòng đục

Cầu Đò Đông mấy nhịp

Dọc đê diều còn bay (1)

 

Chú thích:

(1): Trích thơ “Quê nội” của Lê Thái Sơn

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 3069
Ngày đăng: 05.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thằng Tài đậu đại học - Bích Ngân
Anh Rễ - Đào Phạm Thùy Trang
Tình Dỏm Làm Sao Quên - Đoàn Thạch Biền
Sông xưa - Nguyễn Một *
Qua sông - Trần Lệ Thường
Mùa xuân đầu tiên - Lê Hoài Lương
2 truyện dịch trong cuốn " Người Trung Quốc xấu xa" - Nữ Lang Trung
Con ngựa - Hồ Tĩnh Tâm
Pho tượng tình yêu - Nguyễn Một
Giọt nắng - Bích Ngân
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)