Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.076
123.165.443
 
Nhạc cho phim truyện truyền hình:Chỉ là sự bày biện cho có
Nguyễn Đình San

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San

Hiện nay nhiều người nhận định: Chất lượng nghệ thuật phim truyền hình (phim truyện) giảm sút, không đáp ứng được yêu cầu của người xem. Tất nhiên, người chịu trách nhiệm chính vẫn là đạo diễn. Góp phần tạo nên nhiều phim non yếu đó có âm nhạc, tuy nó chỉ giữ một vai trò khiêm tốn trong bộ phim.

 

Âm nhạc góp phần đẩy thêm chất lượng phim khá hơn nếu được sáng tạo công phu, có tư duy khó tính; và dìm bớt sức thuyết phục nếu thực sự dễ dãi, cẩu thả. Tình hình nhạc cho phim truyền hình hiện nay ra sao? Câu trả lời chung, có thể là: Dở, rông dài, tuỳ tiện, chưa có ngôn ngữ, không rõ ý đồ. Nhiều khi nhạc xuất hiện trong phim chỉ là một sự bày biện cho có. Hình như hiện nay bóc phần nhạc ở một phim bất kỳ có thể đặt vào một phim khác vẫn chẳng sao, không phương hại gì đến chất lượng bộ phim. Hiện trạng, nhạc phim truyền hình rơi vào những nhược điểm sau:

 

Thứ nhất: Ôm đồm, bao sân. Nhạc xuất hiện nhiều quá, lấn lướt cả lời thoại, khiến người xem không nghe rõ lời của nhân vật. Lại có chỗ do bối cảnh vốn đã ồn ào, náo nhiệt (như cảnh chợ, chỗ đông người, công trường lao động, tiếng máy móc, xe cộ đi lại...), nhạc cũng xuất hiện chỉ thêm khổ tai người xem. Trong sự ôm đồm này có việc lạm dụng những bài hát. Bài hát phải thật "đắt" với giai điệu độc đáo, lời ca giàu chất văn học, và quan trọng hơn là phải gắn chặt với chủ đề bộ phim. Không thiếu phim truyền hình gần đây vốn dĩ đã nhạt nhẽo về nội dung nhưng luôn có bài hát do nhạc sĩ viết quá dễ dãi, đã lại tô đậm thêm sự tầm thường của cả bộ phim.

 

Thứ hai: Không rõ ý đồ của người làm nhạc. Minh hoạ không ra minh hoạ, khắc hoạ tính cách nhân vật (bằng âm nhạc) cũng chẳng ra khắc hoạ.  Gợi ý cho người xem tư duy, liên tưởng, lại càng không. Sự thực chỉ là: Có âm nhạc để người xem thấy vui tai, cho "có không khí". Nhưng đó là một quan niệm đơn giản và sai lầm. Trong nghệ thuật, thừa còn tệ hại hơn thiếu.

 

Thứ ba: Hầu hết nhạc phim truyền hình hiện nay chỉ trông cậy chủ yếu vào một cây đàn oócgan điện tử hiện đại để biến báo đủ thứ màu sắc nhạc cụ khác trên đó. Rõ ràng, khả năng biểu hiện không thể bằng được những nhạc cụ khác, dù người chơi có rất giỏi.

 

Vấn đề không phải là ít hay nhiều, là nhạc cụ gì mà chủ yếu vẫn là tài năng của nhạc sĩ. Có khi cũng đoạn phim, cảnh phim, tình huống nào đó mà sử dụng một cây ghita gỗ, hoặc một cây viôlôngxen, còn hiệu quả hơn cả một giàn nhạc nếu nhạc sĩ lựa chọn được một đường nét âm nhạc phù hợp nhất. Có khi một tiếng hát thô mộc, sơ sài, đơn giản của một người bình thường vang lên còn hiệu quả hơn một ca sĩ chuyên nghiệp, tuỳ thuộc vào tình huống, tâm trạng của nhân vật.

 

Tôi cho rằng làm nhạc cho phim truyền hình (cũng như phim nhựa), điều quan trọng là người nhạc sĩ phải gây được ấn tượng cho khán giả bằng phần âm nhạc của mình; và người nhạc sĩ phải vì hiệu quả cuối cùng của bộ phim.

 

Nói một cách hình tượng, nhạc sĩ (trong phim), cần xác định mình luôn phải đi theo sau đạo diễn, chứ không phải đi ngang hàng, càng không phải là đi trước, dẫn dắt. Xác định vậy, tức là nhạc sĩ phải thấy âm nhạc trong phim chỉ góp phần tạo nên sự hoàn chỉnh, hài hoà cuối cùng của tác phẩm điện ảnh, chứ không phải là tham vọng làm nhạc không lời đưa vào phim.

 

Hình ảnh : "Nàng De-chan-kưm" (phim truyền hình Hàn Quốc) - một trong những bộ phim

có nhạc hay, ấn tượng.

 

Trích báo laodong.com

Nguyễn Đình San
Số lần đọc: 2118
Ngày đăng: 06.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thổi còi - Nguyễn Tiến Văn
Góp ý dự thảo Luật Điện ảnh : 4 cái thiếu. - Nguyễn Trung Hiếu