Anh Lê Công Hùng, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già & tàn tật Thạnh Lộc cho biết, ở đây có gần ba trăm cụ già đến từ mọi miền đất nước, khó mà biết được sự thật cuộc đời của các cụ ra sao vì trong hồ sơ chỉ khai một cách chung chung rằng hoàn cảnh neo đơn, không nơi nương tực, không có người thân, tứ cố vô thân. Thế nhưng, qua những câu chuyện tâm tình giữa các cụ mà nhân viên ở đây vô tình nghe được thì đa số các cụ từng có một mái ấm gia đình, có con cháu hẳn hoi nhưng vì bị chúng ngược đãi đến mức phải ra đi, sống lang thang nơi đầu đường xó chợ, đến khi sức cùng lực kiệt, chính quyền địa phương gởi vào đây.
Ong Huỳnh Sương, 76 tuổi, cán bộ hưu trí ở quận 5 đã vào đây sống hơn mười năm. Ban đầu, ông khai là người tứ cố vô thân, không nơi nương tựa. Nhưng rồi những tâm sự của ông với những người bạn già vào những chiều, những đêm trên băng đá, người ta mới biết được rằng cụ đã có những người con thành đạt, thậm chí đang có chức có quyền. Khi chúng tôi bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ thì nước mắt cụ rưng rưng và bộc bạch những lời tâm sự, rằng cụ có tất cả sáu người con, một là thượng tá cảnh sát giao thông, một là trung tá săn bắt cướp, một đang dạy tin học tại một trung tâm lớn trên đường Pastuer, một là cán bộ toà án quận, một là trung úy cảnh sát hành chánh, một là nhân viên bán vật liệu xây dựng. Hỏi vì sao cụ lại vào đây, cụ ngập ngừng nói: “Tôi không muốn làm phiền con cái”. Hỏi vì sao cụ cố giấu nhân thân, cụ nói: “Sợ ảnh hưởng đến công tác của các con, sợ mấy đứa cháu nội, cháu ngoại biết được, chúng nó buồn phiền, nghĩ xấu về cha mẹ”.
Chỉ có vậy. Chúng tôi cố hỏi thêm về chuyện quan hệ gia đình, ông chỉ cúi đầu im lặng. Hỏi quẩn hỏi quanh chuyện nhà cửa, ông lại vô tình hé ra chi tiết: cách nay vài tháng, có một người khách đến rước ông về phường để làm thủ tục chuyển quyền sử dụng căn nhà thuộc sở hữu của ông nhưng do con gái ông đứng ra sang bán. Ong nói: “ Miễn sao nó nuôi con cái ăn học đàng hoàng là được rồi, tôi đâu cần gì nữa”.
Anh Lê Công Hùng cho biết, có lần anh kể về những người con của ông Sương trong một phóng sự truyền hình, sau đó anh nhận được những cú điện thoại với những lời răng đe, hăm doạ.
Khác với ông Sương, ông Huỳnh Văn Mỹ, 83 tuổi, vừa nhập trại cách đây hai năm đã không chút ngần ngại khi kể lại số phận của mình. Vợ chồng ông sống với con gái và ba đứa cháu ngoại trong một con hẻm trên đường Đề Thám, quận nhất. Khi người con rể ông ở bên Mỹ gởi tiền về để xây nhà thì con gái ông bảo ông sang tên, ông nghĩ trước sau gì thì cũng là của con nên ông không ngần ngại ký giấy sang tên cho con gái. Nào ngờ nhà vừa xây xong vài tháng, con gái ông chết vì bệnh ung thư, lập tức ba đứa cháu ngoại ném cho ông hai ngàn đô-la rồi đuổi vợ chồng ông ra đường. Không đi thì chúng bỏ đói, mắng chửi, đánh đập và lăng nhục. Cùng đường, vợ chồng ông cầm hai ngàn đô-la qua quận Hai thuê nhà trọ. Ơ được vài năm thì vợ ông lâm bệnh, tiền bạc không còn. Không chịu đựng nổi đắng cay, cả hai vợ chồng tự tử. Nhưng ông được cứu sống, còn vợ ông thì vĩnh viễn ra đi. Ong về nhờ chùa Thiên Hậu ở cạnh ngôi nhà cũ lo quả táng cho vợ ông. Xong, ông xin vào trung tâm dưỡng lão. Ong ngậm ngùi nói: “ Không hiểu sao, cả ba đứa cháu ngoại tôi đều có học, thậm chí học rất giỏi, một đứa vào đại học, hai đứa đang học cuối cấp ba mà sao chúng nó lại xử sự với ông bà như vậy !”
Anh Hùng cho tôi xem bộ hồ sơ của một người quá cố, có lẽ đây là mộ hồ sơ duy nhất thể hiện khá rõ về tấn thảm kịch của một con người: Ong Nguyễn Đình Chiến, sinh năm 1919 ở phường 26 quận Bình Thạnh, sau khi bán căn nhà mấy chục lượng vàng để chia thừa kế cho năm người con, ba gái hai trai, cứ tưởng họ sẽ thay phiên nhau nuôi dưỡng ông như đã hứa. Nhưng rồi vài tháng sau, cả năm người con cứ đùn qua đẩy lại. Buồn chán, ông lang thang ra hè phố làm kẽ ăn mày. Chính quyền địa phương đã năm lần mời họ đến lập biên bản, buộc phải có trách nhiệm nuôi dưỡng người cha. Nhưng rồi đâu lại vào đấy. Một đêm nọ, người ta phát hiện ông Chiến nằm ngất xỉu trên vĩa hè vì đói khát. Chính quyền địa phương đưa ông đi cấp cứu rồi làm thủ tục gởi ông lên Trung tâm Thạnh Lộc. Thế nhưng gần hai tháng sau, khi ông Chiến qua đời, cả năm người con của ông kéo lên khóc lóc và tranh dành tử thi để đem về mai táng. Trong lúc giành nhau, có một người khôn ranh hơn đã đưa ra giấy chứng nhận của chính quyền địa phương rằng anh ta là con ruột nên được ưu tiên nhận xác cha. Lúc mang ra taxi, do thi hài ông Chiến đã cứng nên người thừa ra ngoài gần một nửa, người con trai ấy đã vội vã đến mức không ngần ngại bẻ quắp đôi chân người cha ém vào, đóng sầm cửa lại và cho xe nổ máy. Cả Trung tâm nhìn theo, ai cũng lắc đầu rơi nước mắt. Một người con trai còn lại gặng hỏi anh Hùng rằng: “ Lúc cha tôi vào đây, nghe nói có một doanh nghiệp cho hai triệu đồng, giờ còn được bao nhiêu ông trả lại cho tôi !”
Anh Hùng nói rằng, trên ba trăm cụ già ở đây là trên ba trăm câu chuyện đời đầy bi kịch nếu như có máy ghi âm đặt bên các băng ghế đá để thu lại những dòng tâm sự của các cụ vào những buổi chiều. Một trong những câu chuyện mà anh vô tình nghe rất nhiều lần là ông Trương Văn Minh, 80 mươi tuổi, đến từ Tân Tạo,Bình Chánh. Cả đời ông sống bằng nghề nông lam lũ, nuôi con lớn khôn bằng cây lúa cọng rau. Thế rồi đùng một cái, các khu công nghiệp mọc lên, đất đai sốt giá, làng xóm ùn ùn thi nhau bán đất, các con ông cũng bị lăn tròn vào cơn sốt ấy. Chúng kéo nhau thúc bách ông một hai phải bán. Bán xong, chúng ấu đả chửi bới, đánh đập nhau để tranh giành quyền lợi. Xong, mỗi đứa ném cho ông vài trăm ngàn đồng rồi đẩy ông vào đây. Hai năm sau, ông lâm bệnh nặng và qua đời trong bệnh viện.
Hỏi, gần năm năm làm Giám đốc Trung tâm, anh tâm đắc những gì về chuyện thế thái nhân tình ? Anh Lê Công Hùng nói, tâm đắc thì nhiều lắm, mỗi một ông cụ, bà cụ đến đây đều mang theo những thước phim đời đầy nước mắt. Nhưng điều day dứt hàng năm là những ngày tết đến, khi đón giao thừa, Trung tâm tổ chức lửa trại cho các cụ quây quần lại với nhau, nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc mừng năm mới, chúc cho mỗi gia đình được no ấm, yên vui và hạnh phúc. Lúc ấy, trên gương mặt gìa nua, nhăn nheo của các cụ ánh lên hai dòng nước mắt lăn dài. Lúc ấy, mấy chục anh chị em của Trung tâm dù cố kềm chế cũng phải khóc theo.
Nghịch lý thay – anh Hùng nói – chính giờ phút ấy lại là niềm vui trọn vẹn của mỗi gia đình trong xã hội.