Những người xa quê, dù năm dù tháng vẫn giữ chút gì với Huế. Cái “chút” gì đó có khi là “Chút tình với Huế”, và đằm sâu trong tâm thức là “Nhớ Huế”.
Ở Sài Gòn mà nhớ Huế, chi mà nhiêu khê rứa? Chẳng phải ở tận bên trời Tây hoặc xa nửa vòng trái đất; chẳng phải để “bày vẽ” cho khác người mới nhớ Huế. Có câu thơ rằng “Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên”, vậy thì nỗi nhớ ấy không thể đo bằng khoảng cách và thời gian được.
Nhiều người xa xứ mà vẫn thường nhắc nhở nhau, rằng “Tôi nhớ Huế, tức là tôi hiện hữu”. Và không chỉ nhớ một cách thầm lặng, nhớ Huế biểu hiện muôn mặt. Nó như một cách sống, mà những người ở địa phương khác cho rằng đấy là cái “chất Huế”. Chất Huế làm cho mỗi cá nhân không chỉ tồn tại mà còn vươn lên trong cuộc sống và tạo dựng được tên tuổi.
Một lần về thăm đoàn làm phim Đất phương Nam ở tận Xẻo Quýt, gặp đạo diễn Vinh Sơn đang dàn dựng bộ phim trên đầm nước, nhà văn Sơn Nam nói vui: “Chỉ có dân Huế mới “mần” ăn như thế!”. Rồi ông giải thích thêm: “Còn trẻ mà ngon lắm à. Hiểu biết Nam bộ chẳng khác mấy ông lão tri điền. Hắn làm ra làm, chịu khó chịu khổ, tài hoa và năng động…”. Đấy là nét tài hoa của một đạo diễn gốc Huế. Trước đó, Vinh Sơn cũng đã thành công với bộ phim Tuổi thơ dữ dội được quay tại Huế. Theo dõi bước đi của Vinh Sơn trên mảnh đất điện ảnh, cái làm nên tài hoa của Vinh Sơn là cái chất văn hóa Phú Xuân - Huế. Nó là cái hồn của 300 năm con cháu chúa Nguyễn vào đất phương Nam khai phá. Xem phim của các đạo diễn Huế như Đặng Nhật Minh, Huy Thành, Lê Hoàng Hoa, Lê Mộng Hoàng, Nguyễn Vinh Sơn… có thể cảm nhận ra cái “chất Huế” như thế.
Bên kia sông Sài Gòn, qua một chuyến phà Thủ Thiêm, tôi đã bất ngờ đến thú vị trước những ngôi nhà rường Huế xưa được dựng lên nơi này. Nói rằng người Huế đã “rinh” nhà từ Huế vô đây là không ngoa chút nào. Đấy là những ngôi nhà Huế. Mới đầu mọc lên vài nhà trên vùng đất được qui hoạch, nay đã có thêm nhiều ngôi nhà mới, đa số là của giới văn nghệ sĩ. Giữa không gian sông lạch hào phóng, giữa những ngôi nhà xây theo lối kiến trúc hiện đại, những ngôi nhà xưa với lối kiến trúc độc đáo. Có được ngôi nhà Huế rồi thì vườn cây, bến nước, cổng vào và trang trí nội thất cũng không thể khác “chất Huế” được. Có một làng Huế bên sông Sài Gòn!? Bác sĩ - nhà văn Dương Đình Hùng đã nhớ Huế, yêu Huế theo cách riêng của mình. Lặng lẽ mà tồn tại, cần mẫn mà lan tỏa và rồi những ngôi nhà Huế xưa đầm ấm, lặng lẽ, độc đáo đang hình thành dần một làng Huế tại Sài Gòn.
Vào thăm phòng tranh Huế mùa xuân, khai mạc tại Gallery Tự do, nhiều người khen rằng phòng tranh sang trọng và “rất Huế”. Có nhà báo nhận xét “Chỉ cần xem bức tranh lăng Tự Đức của họa sĩ Hồ Hoàng Đài cũng đủ thấy cả Huế rồi!”. Các bức tranh vẽ thiếu nữ Huế của họa sĩ Đỗ Duy Tuấn, Hồ Hoàng Đài, tranh trừu tượng của Lâm Triết, tranh “bừng cảm” 1 và 2 của Trương Thìn, tranh thiên nhiên và tĩnh vật của Thân Trọng Minh, Kim Quì, Nguyễn Thành, tranh vẽ hoa của Thu Hà, Lê Bá Trọng, Kim Minh, tranh của Minh Đức, Tôn Thất Bằng… đã mang lại thứ cảm giác gần gũi, thân thiết. Tuy chưa phải là tiêu biểu cho rất đông họa sĩ Huế đang sống, sáng tác tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chừng ấy bức tranh cũng đủ cho thấy một phong cách hội họa của cố đô Huế. Cái chất Huế toát ra từ đường nét, sắc màu, thanh nhã, đằm thắm, tinh tế, có chút gì lặng lẽ, và cũng có những bứt phá đầy ngẫu hứng. Dù vẽ bằng chất liệu nào, trường phái nào… thì mảng tranh Huế mùa xuân đã nói với người yêu tranh về tình yêu thật say đắm, nồng hậu của những họa sĩ Huế xa quê.
Trên nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, người nghệ sĩ Huế xa quê vẫn bộc lộ lúc thì rõ ràng, khi thì kín đáo. Âm nhạc của Nguyễn Văn Thương, Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Nguyễn Nam, Trương Thìn, Nguyễn Phú Yên, Bảo Chấn, Bảo Phúc…, sân khấu với Kim Cương, Ngọc Giàu, Ái Như… giọng ca của Bích Hồng, Quang Linh, Vân Khánh, Mỹ Lê, Xuân An, Lê Hành… điện ảnh với Diễm My, Võ Sông Hương… Với thơ văn thì “chất Huế” đã định hình từ lâu trên văn đàn Sài Gòn, có thể thành lập một chi hội nhà văn Việt Nam gốc Huế tại TP.HCM. Từ các nhà văn lớp trước như Trần Thanh Địch, Thái Vũ, Lương An, Huy Phương, Trần Thanh Đạm, Cửu Thọ đến các nhà văn lớp sau như Trần Hữu Lục, Mường Mán, Tôn Nữ Thu Thủy, Trương Nam Hương, Phan Triều Hải. Giới văn nghệ sĩ Huế đều có gắn bó với cộng đồng Huế. Sáng tác của họ dù có nhớ Huế hay không, đều thể hiện sinh động và khá tài hoa cái “chất Huế”.
Ở các lĩnh vực khác của đời sống, đông nhất là giới bác sĩ, thầy giáo, các nhà hoạt động kinh tế xã hội, các nhà doanh nghiệp, người thợ thủ công gốc Huế… đều ít nhiều bộc lộ “chất Huế”. Họ có cách yêu, nhớ Huế của người xa quê.
Mùa này, Huế có rất nhiều nắng. Ai về miền Trung? Ai ra xứ Huế? Ai cũng ao ước giá như mình được ra Huế vào lúc này. Chẳng có bút mực, máy tính nào diễn tả hết nỗi lòng…
TRẦN HỮU LỤC ,Mẹ và con ,Truyện ngắn – Bút ký. Hội Nhà Văn TP.HCM – NXB Trẻ sẽ xuất bản vào tháng 11-2006