Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.178
123.149.471
 
Văn hóa không phải bột nêm .
Trần Nhương

Một hôm trời nắng to, tôi lười nhông con xe máy cà tàng bèn leo xe buýt đi công việc phía nam Hà Nội. Tôi cho rằng đi xe buýt vừa mát vừa tiếp xúc được nhiều người và biết đâu được nghe khối chuyện.

 

    Tôi ra bến xe, chiếc xe buýt liền đỗ xịch trước mặt. Tôi định leo lên thì ánh mắt đập vào ngay câu khẩu hiệu :” Hãy cùng chúng tôi thực hiện văn hoá xe buýt “. Tôi khựng lại như bỗng nhiên chạm vào lửa. Mấy vị khách phía sau gắt lên : “ Có đi không cụ Khốt “ và rồi họ đẩy tôi lên xe.

Ngồi yên vị nhưng trong lòng mình xáo trộn bao ý nghĩ. ( Bài viết của tôi chưa kịp đăng báo thì ngành xe buýt Hà Nội đã đổi khẩu hiệu trên thành xe là “ thực hiện Văn minh xe buýt “ )!

 

    Tôi tự mình lục lại trí nhớ xem không biết người ta sáng kiến chẻ nhỏ văn hoá ra từ bao giờ. Nào là văn hoá làng xã, văn hoá ẩm thực, văn hoá nghe nhìn, văn hoá đọc, văn hoá tranh luận…Sự chẻ nhỏ như vậy để khu biệt văn hoá trong lĩnh vực đó với văn hoá chung hoặc văn hoá ở khu vực khác. Nhưng không phải lĩnh vực nào, ngành nghề nào, công việc nào cũng gắn văn hoá vào là được. Cứ theo cách “ Văn hoá xe buýt “ thì rồi sẽ có  văn hoá xe ba gác, văn hoá xích lô, văn hoá xe bò, xe taxi vân vân và vân vân. Và nếu theo ngành nghề, tổ chức thì sẽ lạm dụng đặt ra bao nhiêu kiểu như văn hoá thiếu nhi, văn hoá phụ lão, văn hoá cựu chiến binh không biết chừng họ còn đặt văn hoá karaoke, văn hoá cháo lòng mắm tôm, văn hoá mộc tồn…

 

     Sự áp đặt khiên cưỡng khiến chúng ta cảm thấy khó chịu và gây phản tác dụng một cách tệ hại. Và nhất là chúng ta dùng các phương tiện truyền thông, hội thảo bàn bạc một cách rộng rãi thì con cháu chúng ta, các em học sinh, sinh viên bắt chước người lớn cứ gắn văn hoá cho tất tần tật các việc mà chúng thích thì còn gì là văn hoá.

 

     Tôi cứ nghĩ nôm na văn hoá là lĩnh vực tinh thần, là sự uyên thâm, là sự từng trải, là sự lịch lãm, là nếp sống, thói quen đẹp. Nói đến người có văn hoá thì ứng xử trong lĩnh vực nào cũng đẹp cũng đúng thì cần chi phải văn hoá xe buýt, văn hoá xích lô. Sự áp đặt theo kiểu nói lấy được là một việc biến văn hoá thành một thứ bột nêm. Xin nhớ rằng cái gì đúng thì cuộc sống chấp nhận. Nhân dân vĩ đại luôn luôn sàng lọc từ bao đời nay để lại cho chúng ta những nét văn hoá Việt Nam đặc sắc. Đã có bao nhiêu khái niệm, khẩu hiệu một thời trên cửa miệng nhưng vì áp đặt, khiên cưỡng nên chẳng bao lâu đã lùi vào dĩ vãng như chưa từng hiện diện hoặc theo tác giả về thế giới bên kia…

 

   Tôi cứ nghĩ mung lung suốt dọc đường và lòng buồn nao nao vì thấy ở cái xứ ta sao cứ hay lạm dụng, cứ tưởng như thế là có văn hoá hoá ra lại là thiếu văn hoá.

 

   Dọc đường người tài xế và phụ xe hay nói chuyện về công việc Công ty của họ kèm theo những từ tục tĩu. Thế mới lạ những người hô hào hành khách thực hiện văn hoá xe buýt thì họ lại không thực hiện chính khẩu hiệu đó. Cái nước Nam mình nó thế hay sao ấy, quen một kiểu đạo đức giả, toàn khuyên người ta, bắt ne bắt nẹt người ta còn mình thì xả láng. Hình như bệnh đạo đức giả hiện hành ở khắp các ngành, các lĩnh vực. Không tin các bạn thử tìm hiểu mà xem, tôi chỉ thí dụ một việc như bệnh thành tích chả là đạo đức giả đấy ư ? Có mấy ông nhà văn gia đình thì vợ khinh chồng, con cãi bố vậy mà lên tivi nói chuyện Người xây tổ ấm, quay phim vợ chồng ríu rít như yêu nhau bất tử. Có ông cán bộ về tỉnh nọ công du, ban chiều đi bia ôm, tối lên đài tỉnh giảng giải đạo đức, cô gái được ngài ôm ban chiều kêu lên “ Ô cái lão này tay chân như cái kìm…”. Văn hoá mà giả dối thì không bao giờ tồn tại.

 

   Đã đến bến cuối, tôi bước xuống. Trước mặt tôi có mấy bà đang cãi nhau. Tôi thấy bà chè chén mắng bà bán chó :

Chỗ người ta bán nước mà bà để chó ỉa thì ai muốn ngồi nữa.

Thì chó nó có biết nói đâu, ai cấm được nó.

À bà này láo, bà nói thế chả hoá tôi là chó à ? Mà tôi nói để bà biết chúng ta đều bám vỉa hè để kiếm sống thì phải biết thực hiện văn hoá vỉa hè…!

 

    Tôi chỉ biết kêu trời một tiếng và vội vàng rảo bước như muốn chạy trốn để không phải nghe thêm cuộc cãi nhau của mấy bà văn hoá vỉa hè…

Trần Nhương
Số lần đọc: 2795
Ngày đăng: 12.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sách “Đông Chu Liệt Quốc ” - NXB Văn Học 2005 – Một sản phẩm của... con buôn . - Phạm Lưu Vũ
Hỡi tờ xanh - ghê gớm – của ta ơi ! - Lê Xuân Quang
Mênh mang thương nhớ… - Lê Vĩnh Tài
Về Quê Bùi Giáng - Nguyễn Nguyên An
Dậy đi em, hãy chui khỏi giấc mơ dài ! - Bích Ngân
Tôi học viết văn - Hồ Tĩnh Tâm
TNT - Gối đầu trên mây. - Vũ Trọng Quang
Thạch ngôn - Phạm Lưu Vũ
Siêu thị ở miền tây - Lê Duy
Người có tóc hay kẻ trọc đầu - Lê Duy