Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Thị Thane
Người đưa múa cổ điển Khmer Nam bộ đến tầm cao
Trong đợt xét, đề nghị Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú năm 2006, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Sở Văn hóa Thông tin Trà Vinh) được xem là thắng lớn với 4 trong tổng số 5 người mà tỉnh đề nghị đã được phong tặng. Trong đó, nghệ sĩ múa Thạch Thị Thane là nghệ sĩ nữ duy nhất và cũng là nghệ sĩ múa duy nhất của đoàn được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú. Đây là sự ghi nhận của Nhà nước, xã hội đối với một nghệ sĩ tài năng và tâm huyết, dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp bảo tồn, phát triển nghệ thuật múa cổ điển đặc sắc của tộc người Khmer Nam bộ.
Nghệ sĩ múa Thạch Thị Thane sinh năm 1956, tại xã Long Hiệp (nay là xã Ngọc Biên), huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh trong một gia đình nông dân Khmer nghèo ít học, không có truyền thống hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, từ lúc chớm dậy thì, chị đã sớm bộc lộ năng khiếu múa cộng với vóc dáng dong dỏng cao, khá xinh xắn, khiến cho chị trở thành trung tâm chú ý của bà con phum sóc trong những đêm lâm thôn mừng hột lúa đầy bồ, mừng con trâu, con bò thêm nghé, mừng người già thêm tuổi, mừng những anh chị lớn tuổi cưới vợ, lấy chồng. Năm 1974, khi Đoàn Văn công Ánh Bình Minh (tiền thân của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh ngày nay) về Long Hiệp biểu diễn mừng phum sóc, xóm làng được giải phóng, nhìn những anh chị diễn viên nhẹ nhàng, uyển chuyển trong từng điệu múa.
Thạch Thị Thane làm liều gặp lãnh đạo đoàn xin theo. Trưởng đoàn Thạch Chân (người cùng được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú với chị đợt này). Bằng cặp mắt nhà nghề, nghệ sĩ Thạch Chân đã nhìn ra tố chất bẩm sinh của một nghệ sĩ múa tài năng ngay lần đầu tiếp chuyện với cô gái trẻ chân quê này. Từ đó đến nay, trải 32 năm theo đuổi nghệ thuật, Thạch Thị Thane đã trở thành một tên tuổi lớn trong làng múa dân tộc Việt Nam, với gần trăm tiết mục múa mà chị trực tiếp tham gia biểu diễn hoặc dàn dựng, đã góp phần giới thiệu nghệ thuật múa độc đáo của tộc người Khmer đến với cộng đồng 54 dân tộc anh em trong cả nước cũng như bạn bè quốc tế xa gần.
Người Khmer Nam bộ là một tộc người rất ưa thích múa hát, khi hát bao giờ cũng múa và khi múa bao giờ cũng hát. Một bé trai trên lưng trâu, một bé gái với gánh rau trên vai, một lão ông đánh trâu đi cày, một lão bà bắt từng rẻ mạ cấy xuống đồng sâu... mỗi lúc cao hứng đều có thể ngân nga một câu hát, xoay vòng một điệu múa. Cũng chính vì vậy, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, từ xưa đến nay, luôn chú trọng phát triển song song cả hai loại hình ca kịch dù kê và múa. Các diễn viên khi tham gia đoàn đều có thể vừa là diễn viên ca kịch lại vừa là diễn viên múa thuần thục. Thạch Thị Thane là trường hợp cá biệt duy nhất trong gần 45 năm hoạt động của đoàn chỉ chuyên tâm trên lĩnh vực múa. Có thể nói, chị như được trời sinh ra để múa và múa là phương tiện duy nhất để hình thành tên tuổi, ghi đậm dấu ấn của chị trong lòng người Khmer Nam bộ, đồng thời múa cũng là con đường duy nhất để chị góp phần mình vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của tộc người Khmer Nam bộ.
Nghệ thuật múa của người Khmer Nam bộ có thể tạm chia thành 3 trường phái song hành là múa cổ điển, múa dân gian và múa hiện đại. Tất nhiên, việc phân chia này chỉ có tính tương đối bởi ranh giới của nó không hề tách bạch và càng ngày càng có xu hướng thẩm thấu vào nhau để cùng hỗ trợ nhau phát triển. Nghệ sĩ Thạch Thị Thane có được vận may lớn là được tiếp cận cả ba trường phái để nhận ra đâu là thế mạnh, đâu là hạn chế của từng dòng riêng biệt. Từ nhỏ, cô bé Thạch Thị Thane đã đắm mình trong dòng chảy múa dân gian lâm thôn, râm vông trong phum sóc. Đến năm 1974 – 1975, khi vừa bước vào con đường nghệ thuật, chị đã được đoàn gởi đi đào tạo lớp múa ballet hiện đại.
Năm 1979, khi đất nước Campuchia vừa được giải phóng khỏi bàn tay của chế độ diệt chủng. Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh được mời sang biểu diễn tại Phnom Penh, chị cùng 7 diễn viên khác được Trưởng đoàn Thạch Chân “bí mật” gởi lại trực tiếp thọ giáo các nghệ nhân múa cổ điển hoàng cung may mắn còn sót lại. Về nước, chị lại tiếp tục tình nguyện về các phum sóc khắp trong tỉnh để sưu tầm, hệ thống hóa các điệu múa dân gian truyền thống còn lại trong nhân dân. Hiểu biết tường tận cũng như có thể biểu diễn thành thạo từng động tác của các trường phái múa khác nhau nhưng với nghệ sĩ Thạch Thị Thane, nghệ thuật múa cổ điển Khmer Nam bộ như có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được và chị đã toàn tâm toàn ý dành trọn cuộc đời mình để dấn thân đến tận cùng vào con đường đầy khó khăn nhưng cũng lắm vinh quang ấy.
32 năm trong nghề, từ một diễn viên múa tập thể, diễn viên múa đôi, múa đơn, rồi được đào tạo thành biên đạo múa, kiêm luôn nhiệm vụ trưởng bộ môn múa thuộc Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Binh Minh, nghệ sĩ múa Thạch Thị Thane đã trực tiếp tham gia biểu diễn, dàn dựng, đồng dàn dựng gần trăm tiết mục múa. Bản thân chị đã có bộ sưu tập đáng nể với hơn 20 huy chương các loại, trong đó có gần 15 huy chương vàng tại các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp, hội diễn ca múa nhạc toàn quốc do Bộ Văn hóa Thông tin tổ chức. Một con số có thể được xếp vào hàng kỷ lục đối với một diễn viên múa nước ta hiện nay. Trong đó, đáng chú ý là những chiếc huy chương khi chị còn tham gia biểu diễn như “Dâng hoa” (1990), múa “Kêno” (1995)... Rồi những chiếc huy chương với tư cách biên đạo dàn dựng như “Múa sạp” (1993), múa “Dì kê” (1994). “Cách cung và hai nửa vầng trăng” (1995)...
Những thập niên gần đây, khi dàn dựng chương trình, tiết mục, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp phải đối đầu với những tính toán hơn thiệt từ cơ chế thị trường nên các loại hình tương đối hoành tráng, có chất lượng nghệ thuật cao như kịch múa mai một dần thì Ánh Bình Minh lại gần như là đoàn duy nhất sở hữu nhiều vở kịch múa khá nổi tiếng, như một sản phẩm của nghệ thuật múa cổ điển (có sự cách tân nhất định), dựa trên nền những câu chuyện cổ, những truyền thuyết xa xưa.
Với kịch múa “Sự tích Chol Chnam Thmay”, “Nàng Amara”, “Câu chuyện Riêmkê... đoàn đã giành được nhiều giải cao tại hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc 1995, 2000, 2005, trong đó biên đạo múa Thạch Thị Thane luôn là một trong những người góp nhiều công sức trong vai trò đồng dàn dựng.
Nghệ sĩ múa Thạch Thị Thane còn là một nhà sưu tầm đích thực với những chuyến điền dã ngắn ngày, dài ngày khắp các nẻo đường phum sóc, đến với các nghệ nhân dân gian Khmer lớn tuổi ghi lại các điệu múa tưởng đã thất truyền. Anh em nghệ sĩ ở đoàn Ánh Bình Minh vẫn kể nhau nghe chuyện nghệ sĩ Thạch Thị Thane trong chuyến biểu diễn vùng Tân Đại (Tiểu Cần) đã tranh thủ tìm đến nhà một cụ ông ngoài 80 chỉ để cụ chỉ lại một động tác múa. Xui rủi, khi chị đến, ông cụ bệnh nằm liệt giường và chị đã xin đoàn ở lại trực tiếp cơm nước chăm sóc ông cụ mấy ngày trời để học động tác múa gia truyền ấy.
Với tư cách nhà biên đạo, trưởng bộ môn múa của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, nghệ sĩ múa Thạch Thị Thane đã tham gia tích cực vào công tác đào tạo. Từ năm 1981 đến nay, chị đã trực tiếp giảng dạy 6 lớp chuyên về múa hoặc lớp ca múa cùng ngần ấy lớp vũ đạo cho loại hình ca kịch dù kê. Trên 100 học viên – những nàng Ápsara xinh đẹp - đã trưởng thành, vững vàng trên sân khấu chuyên nghiệp, sân khấu quần chúng Khmer Trà Vinh cũng như các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, đang ngày đêm gánh vác trọng trách phát triển chuyên ngành nghệ thuật múa cổ điển Khmer Nam bộ trong những thập niên tiếp sau. Trong số họ, có những người đã rất thành danh như Kim Thị Hoi, Thạch Thị Sarum, Lâm Thị Phương, Kim Sarây, Thạch Mara, Thạch Sisaviêt...
Trên sân khấu biểu diễn nghệ thuật Khmer Nam bộ hiện nay đang định hình một thế hệ tài năng, nhiệt tình trong dòng múa cổ điển mà cánh chim đầu đàn không ai khác hơn chính là nghệ sĩ múa Thạch Thị Thane.
Với sự lao động nghệ thuật miệt mài sáng tạo trong hơn 30 năm qua, nghệ sĩ múa NSƯT Thạch Thị Thane đã có những cống hiến xuất sắc trong việc bảo tồn, phát huy, giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Khmer - với một trường phái múa cổ điển đặc thù – đến với cộng đồng các dân tộc anh em và bạn bè các nước lân cận. Thành tích Anh hùng Lao động mà đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh giành được cũng có phần đóng góp xứng đáng của chị.
H.1 : Nghệ sĩ múa Thạch Thị Thane.
H.2 : Kịch múa “Câu chuyện Riêmkê” của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh.
Ảnh: Trần Dũng