Ông Bảy có tính rất lạ, giàu tình cảm với chim muông nhưng kém quan tâm đến láng giềng. Đó là nhận xét của bà con trong xóm dành cho ông. Gia đình cũng “thường thường bậc trung” nhưng lại rất trưởng giả trong giải trí. Ông nuôi chim chóc và trồng các loại hoa kiểng ngập một góc vườn. Nào là nhồng, két, cưỡng, chích choè lửa, chích choè than, hoàng yến… cứ líu lo suốt ngày. Nào là hoàng mai, bạch mai, mai chiếu thuỷ, sứ Thái Lan với đủ dáng: Thiếu nữ, mẫu tử, tình nhân, chữ vạn… Và các loại hoa hồng, cúc, thạch thảo, hoàng anh… cứ thi nhau khoe hương sắc ngọt ngào. Ngày ngày ngoài việc một buổi ở ngoài ruộng, thời gian còn lại là ông dành cho “góc vườn trưởng giả” ấy.
Trong các con chim ông nuôi ông yêu nhất là con két xanh đã biết nói mà có người trả đến hai triệu rưỡi nhưng ông không chịu nhượng lại. Con két được huấn luyện thuần đến nỗi có thể làm “thầy” dạy nói cho mấy con sáo, nhồng “bổi” mới mua về.
- Ba ơi có khách! Ba ơi có khách!
- Má ơi xin lỗi… Má ơi xin lỗi.
- Cào cào… cào cào đâu…
Mấy con chim cứ huyên thuyên đến là thích. Ông không cho chúng ăn thức ăn như bây giờ người ta thường hay cho mà chịu khó kiếm mấy con cào cào, hoặc trái bắp tươi, trái chuối chín cho bọn chúng. Nhìn con két hai chân kềm trái bắp, cái mỏ hoặm hoặm rỉa từng hạt bắp ăn thấy mà thương. Cảnh êm đềm ấy sẽ kéo dài thêm nữa nếu bà Năm hàng xóm không sang.
- Anh Bảy à, ngày mai thằng con tui ở thành phố về, muốn bày một bữa tiệc vui chơi mà thiệt tui không đủ vật dụng. Phiền anh cho tui mượn ít ly tách, chén dĩa…
- Vậy à? Đây nè, chén dĩa “mác” Trung Quốc đó, còn ly cũng hàng xịn đàng hoàng…
- Dạ… dạ… cảm ơn anh Bảy nhiều lắm!
… ngoài cửa hàng bà Sáu Chén bán thiếu gì, chị ra đó mua xài cho tốt!
Rồi ông bưng bội ly chén tổ chảng đi vô.
Bà Năm chưng hửng rồi ra về với nét mặt tiu nghỉu. Con két còn với theo: “Sáu Chén thiếu gì… Mua xài cho tốt”. Ông Bảy trở ra vuốt đầu con két khen: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” có thế chứ!
Ngày ngày trôi qua bình lặng, ông và gia đình vẫn làm, vẫn ăn như không mích lòng ai. Bất chợt một hôm có thư nhỏ cháu gọi ông bằng chú gởi về báo rằng ba của cô bệnh nặng, ông nên đến gấp để anh em còn nhìn nhau lần cuối.
- Chà… vậy là phải làm cái giấy tạm vắng “lận lưng” chứ để bị “hỏi thăm” thì phiền lắm! Ông biết thế nhưng ngặt nỗi là ông không… biết chữ. Điều này chỉ có gia đình ông biết, mà cố giấu kín lắm. Ai có thể tin người có đầu óc trưởng giả, gia đình đủ ăn như ông lại… nghèo cái chữ đến vậy?!
Thế là ông tìm người để viết giúp lá đơn xin tạm vắng với lý do là “Tao già rồi, tay run, mắt mờ, viết nguệch ngoạc không coi được”.
- Đơn này viết sao đây bác Bảy? Anh Tư, người được ông nhờ vừa soạn giấy bút vừa hỏi. Vốn là người cẩn thận ông bảo chậm rãi:
- Ừ thì… thì đại khái chú viết là tui phải về thăm ông anh già sắp mất, thời gian đi có thể là mười, hai mươi ngày. Trong thời gian đó tôi hứa sẽ là người công dân tốt như trước giờ ở đây.
- Dạ… dạ…
Anh Tư viết xong, ông hộc tốc chạy lên uỷ ban xã xin “xác thực” để còn kịp chuyến xe.
Anh công an xã tủm tỉm cười hỏi ông:
- Bác Bảy nhờ chúng cháu chứng đơn gì ạ?
- Thì đơn tạm vắng chú cầm đó, còn hỏi gì nữa!?
- Ai viết cho bác đơn này, mà bác đã đọc qua chưa ạ?
- Chưa. Tại tui… gấp quá! Chú chứng đại giùm tui về đi cho kịp xe.
- Vậy để cháu đọc rồi bác ký vô, cháu chứng là xong ngay.
- Ừ… tui nghe nè!
Anh công an xã đọc: “Đơn xin lỗi. Kính gởi bà con ấp Tình. Tôi tên Trần Văn Bảy hiện ngụ tại ấp… Bấy lâu nay tôi sống không phải với bà con, không chịu giúp đỡ người khốn khó, như không cho chị Năm mượn ít chén dĩa, không cho anh Tám mượn cái bừa, không cho anh Hai mượn đỡ vài chục ngàn khi vợ anh bệnh nằm viện… và còn nhiều nhiều nữa. Đó là những sai sót đáng trách của tôi. Tôi xin hứa từ nay sẽ sửa đổi vì “bà con xa không bằng láng giềng gần”, con người không ai toàn diện cả. Nếu tôi không làm được như lời hứa thì xin từ giã bà con ấp Tình để đi về “Thái Bình cực lạc” mà tu sửa lỗi lầm.
Nay kính”.
“Rầm” ông dộng tay xuống ghế, chửi đổng:
- Mẹ kiếp! Thằng Tư viết cái gì kỳ cục? Thôi, tao nhớ rồi hồi hổm tao không cho ba má nó mượn cái bừa nên nói viết chửi tao chứ gì?! Tao về nó biết tay…
- Bác Bảy à… Giọng anh công an vẫn dịu – Cháu thấy anh Tư viết không có gì sai. Bác nên suy nghĩ lại… Còn đơn tạm vắng của bác để tụi cháu lo liền cho bác đi kẻo muộn.
Ông Bảy về quê hơn nửa tháng thì lên. Con két yêu quý của ông chào chủ bằng một câu… đáng ghét:
- Chào ba Bảy về! Ba Bảy nhớ hứa… Ba Bảy nhớ hứa!
Cái nắng, cái bụi và say xe làm ông đỏ gay cả mặt, mệt nhừ cả thân, thế mà con két yêu… quỷ còn chọc giận. Tiện tay ông tát cho nó một cái làm nó mất đà từ trên vai ông rớt xuống đất…
*
Không biết ông Bảy đã thay tâm đổi tánh từ khi nào mà ông để mặc con két nằm im như chết. Ông kêu nhỏ cháu nội vào nhà, phụ phân chia mấy phần quà.
Cháu ông ghé vào nhà ông Tám, gởi gói quà có mấy gói kẹo với mấy trái thanh long nói:
- Thưa ông Tám, nội con có chút quà biểu con mang đến biếu ông Tám ăn lấy thảo.
Không riêng gì ông Tám mà bà con trong xóm ai cũng bất ngờ…