Hà Nội là nơi đầu tiên mà Nguyễn Bính đặt chân đến khi rời bỏ làng quê để cất bước giang hồ. Tuy nhiên, ông sống ở Hà Nội không nhiều lắm. Bởi ông luôn xê dịch qua nhiều địa phương khác nhau.
Tính từ năm 1936 đến 1945 là gần mười năm, nhưng có lẽ tổng cộng thời gian ông sống ngay tại Hà Nội chỉ chừng vài năm. Nhưng đó là khoảng thời gian quan trọng nhất để ông bước chân vào sự nghiệp văn chương. Một điều chắc chắn rằng chỉ từ khi rời Hà Đông về Hà Nội, vào khoảng năm 1935 hoặc 1936, Nguyễn Bính mới bắt tay vào sáng tác một cách chuyên nghiệp.
Ở Hà Nội, thoạt đầu Nguyễn Bính chơi thân với Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, làm thành một nhóm thơ trẻ, được bạn bè mệnh danh là xóm thơ áo bào gốc liễu. Về sau, Nguyễn Bính chơi thêm với Tô Hoài, Vũ Hoàng Chương... Đó là những cây bút có tiếng tăm trong làng văn. Còn những bạn bè văn chương báo chí khác thì nhiều lắm. Hà Nội có, tỉnh lẻ có.
Qua một số tài liệu để lại, ta thấy rằng dường như những bài thơ hay về làng quê của Nguyễn Bính đều được viết ra trong khoảng thời gian ông sống ngay tại Hà Nội. Khoảng năm 1935 hoặc 1936, cùng với Trúc Đường đặt chân đến Hà Nội, Nguyễn Bính bắt đầu sáng tác thơ về làng quê. Đề tài làng quê trước hết là thế mạnh của Nguyễn Bính, sau nữa là đề tài mà độc giả các báo, vốn hầu hết là người thành thị, khi đó vẫn rất thích đọc. Mặt khác, một người sinh ra ở làng quê, lớn lên ở làng quê, cuộc sống thị thành vẫn còn quá xa lạ như Nguyễn Bính, thì lấy đề tài làng quê để sáng tác sẽ là thuận lợi hơn so với đề tài khác. Những bài thơ như Mưa xuân, Chân quê, Lòng mẹ, Thời trước... đều được ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
Ta hãy đọc lại vài câu thơ độc đáo viết về làng quê của Nguyễn Bính trong giai đoạn này:
Xóm Tây bà lão lưng còng
Có hai cô gái lấy chồng cả hai
Gió thu thở ngắn than dài
Bà đem áo rét phơi ngoài cửa thưa
(Không đề - 1938)
Lợn không nuôi, đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều
(Qua nhà - 1936)
Đấy là những câu thơ đặc tả về làng quê mà khó có người thứ hai nào sáng tác được hay hơn thế. Như là những bức tranh làng Hồ vẽ bằng thơ.
Khi Nguyễn Bính bước chân vào văn đàn, vào khoảng năm 1936, thì cuộc cách mạng thơ mới khởi đầu từ năm 1932 đã đến hồi kết thúc. Lúc này, Nguyễn Bính chỉ việc ung dung thừa hưởng thành quả của cuộc cách mạng mà thôi. Tuy nhiên, ông lại có một công lao khác đối với cuộc cách mạng này. Đó là, bằng những câu thơ mang hơi thở làng quê của mình, Nguyễn Bính đã góp phần giữ cho cuộc cách mạng không đi quá xa đến mức trên văn đàn tràn ngập những câu thơ ảnh hưởng nặng nề thơ Pháp. Có người cho rằng, Nguyễn Bính đã ra một tuyên ngôn về thơ trong bài thơ Chân quê ngay trong năm 1936 khi ông viết những câu thơ sau đây:
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Có thể Nguyễn Bính không nghĩ như thế nhưng vừa bước chân vào văn đàn mà đã thành công rực rỡ ngay là chính nhờ ông đã khai thác đề tài làng quê.
Nhưng rồi viết về làng quê mãi cũng có lúc cạn nguồn đề tài. Vả lại những năm 1939 trở về sau này, Nguyễn Bính đã dần quen thuộc với cuộc sống phố phường Hà Nội rồi. Vì vậy, ông đã bắt đầu lấy những đề tài thành thị để sáng tác. Ta đã thấy xuất hiện những câu thơ như thế này trong tập thơ Lỡ bước sang ngang, là tập thơ xuất bản đầu tiên của Nguyễn Bính vào năm 1940:
Hà Nội ba mươi sáu phố phường
Lòng chàng có để một tơ vương
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác
Góp lại đường đi, vạn dặm đường
(Hà Nội ba mươi sáu phố phường)
Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh
Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ
Tôi thấy quanh tôi và tất cả
Châu thành Hà Nội chít khăn xô
(Lòng người trinh nữ)
Những năm 1939 trở đi, đề tài sáng tác của Nguyễn Bính đã mở rộng ra rất nhiều. Và thật đáng ngạc nhiên, khi rời bỏ cây đa giếng nước của làng quê để viết về phố phường, sau một thời gian lúng túng, thơ ông lại vẫn hay như thường:
Nhà nàng ở gốc cây mai trắng
Trên xóm mai vàng dưới đế kinh
Có một buổi chiều qua lối ấy
Tôi về dệt mãi mộng ba sinh
(Người con gái ở lầu hoa)
Có những ngày đi rất nhẹ nhàng
Vườn tôi đầy cả gió xuân sang
Hai ba con bướm giang hồ đó
Đã trở về đây rũ phấn vàng
(Vườn xuân)
Vào lúc này, Nguyễn Bính không còn là một chàng trai ngơ ngác giữa phố phường Hà Nội như ngày nào vừa mới rời khỏi thôn Vân nữa. Nguyễn Bính đã biết hút thuốc phiện, uống rượu tây, đi hát ả đào. Có lần Nguyễn Bính cùng hai người bạn thân Tô Hoài, Vũ Hoàng Chương kéo nhau lên tàu lửa làm chuyến giang hồ suốt cả tuần lễ. Vũ Hoàng Chương khi đó đang làm xếp ga nhưng vẫn bỏ việc đi chơi. Ở Bắc Ninh, Vũ Hoàng Chương đưa cả bọn ghé nhà cô đào hát có tiếng tên là Tuyết Lành ở phố Niềm. Tối hát, ngày ăn bún ốc trừ cơm. Rong chơi ngày này qua ngày khác. Thú vui hát ả đào ngày ấy đã trở thành món ghiền khó bỏ đối với nhiều văn thi nhân, trong đó có Nguyễn Bính. Chính vì thế mà Nguyễn Bính có vài bài thơ khi đọc lên thấy ngờ ngợ vì nó không giống những bài thơ khác của ông về tiết tấu, về ngôn ngữ. Chẳng hạn như mấy câu thơ dưới đây nằm trong tập thơ Mây Tần, xuất bản năm 1942:
Đêm xuân này giấc mộng thế là tan
Tiệc đương vui lỡ đứt cả dây đàn
Tài với sắc, thôi thôi là lụy sạch
Một khúc trường ca men Lý Bạch
Mười bài khuê oán lệ Bằng Phi
(Trên cầu Chiết Liễu)
Đây chính là những câu thơ Nguyễn Bính sáng tác ra để cho các đào nương ngâm nga trong những hội hát ả đào ngày ấy chứ không phải là những bài thơ viết ra để đọc?
Nguyễn Bính - thi sĩ giang hồ : Mưa xuân và những sáng tác đầu tay
Từ 1936 đến 1940 là thời kỳ sáng tác sung mãn nhất của Nguyễn Bính. Phần lớn những bài thơ làng quê có giá trị đều được ông sáng tác trong thời kỳ này. Có hàng trăm bài thơ của ông được đăng báo. Năm 1940, Nguyễn Bính cho in thành sách hai tập thơ Lỡ bước sang ngang và Tâm hồn tôi. Đây là hai tập đầu tiên trong bảy tập thơ sáng tác trước năm 1945 của Nguyễn Bính.
Căn cứ theo những số liệu về ngày tháng ghi dưới các bài thơ thì những bài thơ sớm nhất của Nguyễn Bính được sáng tác vào năm 1936, lúc Nguyễn Bính mới 18 tuổi. Trong hai tập thơ đã nói trên, có rất nhiều bài thơ cùng đề năm sáng tác là 1936. Đó là các bài Mưa xuân, Lòng mẹ, Đêm cuối cùng, Nhớ, Qua nhà… Điều đặc biệt đáng quan tâm là tất cả những bài thơ sáng tác vào năm đầu tiên này đều là những bài thơ hay. Về sau có thể có những bài thơ không xứng tầm với Nguyễn Bính nhưng thời gian này thì không xảy ra tình trạng đó. Và trong số những bài thơ sớm nhất đó, bài Mưa xuân nằm trong tập Lỡ bước sang ngang được nhiều người xác nhận là bài thơ đầu tiên, tức tác phẩm đầu tay chính thức của Nguyễn Bính.
Toàn bộ Mưa xuân là một câu chuyện yêu đương hẹn hò vui buồn của trai gái đến tuổi lấy vợ gả chồng ở thôn quê. Cô con gái sống bằng nghề canh cửi phải lòng chàng trai làng bên. Họ đã vài lần nói chuyện với nhau. Một hôm có hội chèo về hát, cô con gái xin phép mẹ đi xem với mục đích để được gặp chàng trai. Trời tháng giêng mưa xuân bay phơi phới, xòe bàn tay thử trước mái hiên mưa rơi từng chấm lạnh ngắt. Thế nhưng cô gái vẫn náo nức đi. Đến hội hát, cô gái mải lặn lội đi tìm chàng trai mà không để ý gì đến chuyện hát hò. Nhưng tìm mãi, tìm mãi không thấy chàng đâu. Đêm ấy, trên đường về cô gái lầm lũi đi trong mưa. Cô nhớ lời chàng hẹn hôm trước, khi nào có đám hát sẽ sang xem và gặp nhau trò chuyện. Lời hẹn hò thật chắc chắn mà nay đã bay đi đâu mất rồi?
Một câu chuyện thơ hoàn toàn có thể kể lại được bằng văn xuôi một cách rõ ràng, có đầu có đuôi như vậy. Thậm chí có thể viết lại thành một truyện ngắn được. Đấy chính là một trong những đặc điểm nổi bật của nhiều tác phẩm thơ Nguyễn Bính: thơ có cốt truyện, có nhân vật, có cao trào, có kết thúc mà trong các phần khác chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn.
Bài thơ này không có nhân vật tôi. Hai nhân vật trong Mưa xuân là mẹ và em. Nguyễn Bính đã ký thác tâm sự của mình vào họ, để họ thay ông nói ra bằng lời những suy tư ngẫm nghĩ, những buồn vui cuộc đời... Nguyễn Đăng Điệp gọi đây là cách nói thác lời. Đây vốn là sở trường của các nhà tiểu thuyết, không hiểu vì sao Nguyễn Bính lại giỏi về khoa này? Có rất nhiều bài thơ Nguyễn Bính dùng cách nói thác lời tài tình như vậy.
Mưa xuân cho ta những câu thơ thật đẹp và đặc biệt thật chỉn chu. Hình như là những bài thơ đầu tiên này Nguyễn Bính phải viết đi viết lại nhiều lần lắm. Nghe nói vào thời gian này, Trúc Đường trực tiếp biên tập thơ cho Nguyễn Bính rất kỹ. Về sau này ta thấy nhiều câu thơ của Nguyễn Bính viết quá dễ dãi. Nhưng giờ đây ta hãy đọc vài câu thơ hay và chỉn chu của Mưa xuân. Chẳng hạn như bốn câu thơ đầu tiên:
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa
Khổ thơ thật nhẹ nhàng và chân chất. Ta để ý thấy có một chỗ đặc biệt, là hai câu thơ so sánh cô gái với cây lụa trắng. Trong thơ Việt Nam dường như không có tác giả nào khác có kiểu so sánh như vậy. Đây chính là cách so sánh kiểu dân gian, nó cụ thể hóa những điều trừu tượng thành vật chất cụ thể: sự trẻ trung hồn nhiên của một cô gái so sánh với một cây lụa trắng mới dệt xong. Nguyễn Bính đã học tập từ các nghệ sĩ dân gian cách làm này và sau đó ông đã đẩy lên đến mức điêu luyện, đôi lúc vượt qua những người thầy dân gian của mình. Chẳng hạn như hai câu thơ "Hồn anh như hoa cỏ may/Một chiều cả gió bám đầy áo em".
Thơ Nguyễn Bính viết về xuân rất nhiều nhưng bài Mưa xuân này có một vẻ đẹp lung linh huyền diệu hơn tất cả. Đặc biệt nghệ thuật tả cảnh tài tình của Nguyễn Bính được vận dụng vào đây để tạo thành những câu thơ đẹp:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Diễn đạt mưa và hoa như thế thật là tài tình. Mưa phơi phới bay thì đúng là mưa xuân rồi. Những cơn mưa của sự đâm chồi nảy lộc, của sự hớn hở trong lòng người. Làm sao có thể tìm ra từ nào xuân hơn là phơi phới bay? Cũng như thế, hoa xoan thì lại lớp lớp rụng vơi đầy. Đọc câu thơ, ta hình dung rõ mồn một cảnh trên đường làng gió tung hoa lên từng trận mịt mù phủ kín không gian. Dường như là hoa nhiều lắm. Hoa từ đầu làng đến cuối ngõ. Chỉ thấy hoa chứ không thấy cảnh vật nữa. Làng quê qua ngòi bút tả cảnh của Nguyễn Bính hiện lên đẹp như là một bức tranh.
Một góc độ nào đấy, có thể so sánh Mưa xuân của Nguyễn Bính với Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử bởi sự toàn bích của nó. Nếu một số bài thơ hay khác của Nguyễn Bính, đôi lúc ta thấy tiếc trong một vài chỗ thì với Mưa xuân, ta cảm thấy thỏa mãn hoàn toàn. Ta không còn có thể khen chê vào đâu được nữa. Viên ngọc đầu tiên của người thợ chạm tài ba này không hề có một tỳ vết.
Trên một số báo Văn Nghệ trước đây, tác giả Nguyễn Xuân Nam lấy làm tiếc rằng ngày ấy Hoài Thanh không trích dẫn Mưa xuân vào Thi nhân Việt Nam. Đúng là như vậy thật. Tác giả Chu Văn Sơn cũng viết: "Nếu chọn bài Nguyễn Bính nhất, hẳn tôi sẽ chọn Mưa xuân. Tương tư cũng hay nhưng phần khéo không ít. Lỡ bước sang ngang réo rắt nhưng đã nghiêng nhiều về phần dễ dãi". Ý Chu Văn Sơn cho rằng Mưa xuân là một bài thơ thể hiện đúng chất ngòi bút đồng quê của Nguyễn Bính nhất. Nhận định này rất chính xác. Hiện nay trong chương trình văn học phổ thông, phần giới thiệu Nguyễn Bính có trích dẫn duy nhất một bài Tương tư, nói như Nguyễn Xuân Nam là ta thấy rất đáng tiếc vì Mưa xuân không được trích dẫn thêm vào. Ở đây cần nhấn mạnh, nếu vì lý do gì đó không thể trích dẫn thêm thơ Nguyễn Bính, thì ta nên thay bài Tương tư bằng bài Mưa xuân.
H.1 : Thơ Nguyễn Bính
H.2 : Chữ ký Nguyễn Bính
(Còn tiếp)