Xe chở chúng tôi qua khu vực biên giới, cách Huế gần 80km, đến nhà rông thôn A Hươr, xã Nhâm, huỵện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế buổi chớm trưa. Xuống xe, tôi khẽ chạm chút co ro ngày đông cuối hạ, chút nhẹ nhàng ôn đới Đà Lạt và nhiều ánh mắt trong vắt thuỷ tinh của thiếu niên A Hươr. Em, thoăn thoắt trèo cây hái mít; em lúi húi bổ mít, lột mời chúng tôi. Mít A Hươr giữa mùa thu tháng chín, múp mít những múi vàng ươm chín tới, ăn dòn dòn, ngọt mật. Điều tôi cảm động hơn, là những ánh mắt lấp lánh thân thiện của bà con biên giới!
A Hươr, một trong tám thôn của xã Nhâm. Xã Nhâm nơi chưa phủ sóng điện thoại di động, có 10km đường biên Việt Lào chạy trên dãy Trường Sơn; nơi căn cứ kháng chiến, nơi nguồn sông chuyên chở dòng thác Cách Mạng, chảy miên man về phía đô thành, cho thành phố trầm kha những nỗi buồn, vén màn cổ tích bước ra, với vóc dáng lộng lẫy ngày nay. Xã Nhâm thành lập từ năm 1953, khi ấy một thôn Nhâm lẻ loi giữa núi dữ, rừng thiêng. Đồng bào Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Cơ Tu còn sống theo bộ tộc, du canh du cư, đất đai chưa phân định Lào Việt, đời sống chìm trong sơm lam chướng khí, bệnh tật triền miên, mùa đông thiếu khố, mùa hè thiếu sắn khoai. Qua thời chiến, nói không ngoa rằng, 1ha ở đây có 60 hố bom; lượng chất độc dioxin của quân đội viễn chinh Mỹ ném xuống, nhiều hơn bất cứ vùng nào trên trái đất. Hôm dự họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Hội Bảo trợ NNT&TMC tỉnh, Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Đức Vai - Chủ tịch Hội NNT&TMC huyện bùi ngùi: "…Năm xưa, Mỹ thả chất độc da cam cháy rụi hết núi rừng. Đồng bào trốn vào rừng sâu, ở trong các hang đá để tránh chất độc. Nhưng họ uống phải nước nhiễm chất dioxin, nên trong năm 1968, cả vùng A Lưới không có một đứa trẻ nào được ra đời, toàn bộ phụ nữ mang thai đều bị hư thai. Hàng ngàn người lớn do nhiễm chất độc quá nặng cũng chết…”… Và, hơn mười năm trước, đường sá xã Nhâm còn lổn ngổn đá núi, mùa nắng đất bazan câng cứng ram ráp lòng bàn chân, mùa mưa ngập ngụa bùn lầy, có nơi bùn sục tận gối, tiện nghi vật chất, văn minh thị thành ngoài tầm tay với. Cho đến những năm gần đây, nhờ những người có trình độ, khát khao cống hiến kiến thức khoa học của mình tiếp thu được cho quê hương; nhờ những người dân kiên trung son sắt, một lòng một dạ yêu thôn bản và những chương trình dự án… của Chính phủ, toàn huyện A Lưới nói chung, xã Nhâm nói riêng đã có một sức nhảy vọt thần kỳ, bật dậy từ khắc nghiệt của thiên tai, địch hoạ, từ thiếu thốn lạc hậu… thành một xã có tỷ lệ số thôn dùng điện Quốc gia 100% trên 8 thôn có điện, ngoài đường thảm nhựa đến trung tâm xã còn có đường cấp phối và 1km1 đường bê tông về A Hươr. Toàn xã có 88% số thôn dùng nước sạch, cùng với trường, trạm khang trang ổn định và phần lớn bà con ở nhà xây, 100% hộ có ti vi, 130 xe Honda/397hộ, mỗi thôn có một chão Pa-ra-bôn, phát 5 kênh VTV. Tỷ lệ hộ nghèo 204/397 hộ chiếm 51, 38% theo chuẩn mực mới tăng 5% so với kế hoạch. Thu nhập người dân bình quân 150.000đ/1 tháng…
Ông Hồ Viên Pưa, Chủ tịch UBND xã Nhâm cho biết, xã Nhâm có diện tích tự nhiên 3793 ha, dân số 1982 người/397 hộ. Trong đó, 127 đảng viên, 105 đoàn viên. Trước đây, xã cũng có cây cà phê mít, hạt to, cây cao lớn, năng xuất kém, thu hái khó khăn. Từ năm 2001, Nông trường A Lưới đưa giống cà phê năng xuất cao, thu hái tiện, về trồng và đầu tư phân bón, trả công chăm sóc. Đến nay, người dân trong xã bước vào mùa thu nhập thứ hai. Nông trường thu mua 1kg cà phê/500 đồng… ông cười hồn hậu, nói : "Mình ước muốn mỗi nhà đều có một vườn cà phê, để đồng bào miềng có việc làm thêm thu nhập, được làm giàu từ cây cà phê… ".
Vào nhà anh Hồ Viên Thuỷ, tôi bỡ ngỡ trước dãy Huân huy chương và bằng khen của nhà anh. Một Huân chương Kháng chiến Hạng Ba của bố mẹ anh. Một Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, một Huy chương kháng chiến Hạng Nhất và nhiều bằng, giấy khen của anh. Thuỷ đi bộ đội năm 1968, khi mười lăm tuổi. Vào Đảng năm 1987. Năm 1989 làm Trưởng Công an xã Nhâm đến nay. Thuỷ tâm sự, UBND xã Nhâm cách Huyện hơn 5km, cách cột mốc S5, 20km. Là một xã biên giới vùng sâu vùng xa, có địa hình phức tạp gò đồi, giáp giới nước bạn Lào, năm 1983 chỉ hơn 800 người/100 hộ. Anh cùng hai Phó Công an xã và 8 công an viên 8 thôn, kết hợp truyên truyền sâu rộng trong nhân dân và thường xuyên tuần phòng… nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của đồng bào, mỗi người dân là tai, là mắt của xã, nên trong nhiều năm qua không có vụ việc gì đáng kể. Vài vụ trộm cắp gà vịt, được Công an xã mời họ hàng, già làng, trưởng bản giáo dục. Chẳng hạn ở thôn Tà Keo, một đối tượng trộm gạo, được Công an xã đưa ra giáo dục cộng đồng, nay rất tiến bộ, làm ăn chăm chỉ. Công an xã cũng bắt được 3 người Huế xâm nhập khu vực biên giới trái phép đào vàng, giải giao Công an huyện. Và một đối tương ở A Ngo vào xã Nhâm trộm đầu máy CD. Đồng bào phát hiện báo với anh Xiệp bắt, giao trả A Ngo. Anh Thuỷ hồ hởi nói: "Năm 2003, xã Nhâm được vinh dự đón Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đến thăm".
Tôi lang thang vào núi tìm suối Bôm để ngụp lặn thoả thích trong dòng nước mát từ mái nhà Trường Sơn đổ về. Tôi là dân thành thị hiếm khi được nhìn những rặng núi ngút xanh, mù sương huyền thoại, ôm ấp vào lòng những bản làng, thung suối, nương rẫy và những ngọn đồi xanh mượt cà phê năm tuổi. Khi ngang rẫy bắp, tôi chợt nghe tiếng ai hát lanh lảnh giữa chiều hoang. Hoá ra đó là cô Viên Thị Dis, đội văn nghệ thôn A Hươr, đội văn nghệ này, cùng với sự nỗ lực của bà con, đã đưa về cho thôn Bằng Công Nhận Làng Văn Hoá do Thủ tướng Chính phủ tặng.
Thấy Dis vừa đi vừa thoăn thoát bẻ bắp xen canh trong rẫy lúa, vừa hát bài: "Ó May Nhim Ape Ơi…". (Đừng khóc các đồng chí ơi, mình nhớ gia đình mình gửi lá thư. Đừng khóc các đồng chí ơi, mình nhớ quê hương mình gửi lời thăm.… Đừng khóc các đồng chí ơi nhớ tới nhiệm vụ mình phải thực hiện cho nhanh. Đừng khóc các đồng chí ơi rút lui nhân dân thắc mắc. Đừng khóc các đồng chí ơi mình hy sinh nhân dân đều nhớ…". Giọng hát của Dis tỉ tê như dòng suối mát chảy vào lòng đất đai trong những ngày khát hạ. Tôi khen:
- Dis hát hay lắm!
- Không hay nì.
- Con gái ở đây vẫn vừa làm vừa hát?
- Hát cho vui nì.
- Dis có người yêu chưa?
- Dis xấu lắm người ta không ưa.
- Sao Dis biết?
- Dis đi người ta xì xào nì…
Bố Cu Xe sinh năm 1932, đi bộ đội năm 1959. Năm 2004 đã có Huy Hiệu 40 Năm Tuổi Đảng. Bố là một trong những chiến sĩ còn sống sót trong trận đánh khốc liệt năm 1969 ở đồi không tên, trong rặng núi A Bia thuộc xã Nhâm. Hạ tuần tháng 1 năm 1969, 6 tiểu đoàn lính viễn chinh Mỹ phối hợp với binh lính của Quân lực Việt Nam Cộng hoà, gần 7000 tên, tràn lên chiếm điểm cao 672 để ngăn chận đường vận chuyển của bộ đội ta. Trận này, 2.863 lính Mỹ và lính Sài Gòn bị tử trận, tướng Modison của Mỹ cũng bị thương. Đến nổi, lính Mỹ còn sống sót khi nhìn thấy ngọn đồi đẫm máu, rùng rợn tử khí đã thốt lên Hamburger Hiil - Đồi Thị Băm. Chính ở đây, lính Mỹ đã băm xác liệt sĩ Cu Lói ra hàng ngàn mảnh, để trả thù! Từ đó, ngọn đồi có tên Đồi Thịt Băm (Hamburger Hill). Đây là một trận đánh vang dội, cùng với 81 ngày đêm giữ vững cổ thành Quảng Trị và những chiến thắng khác, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn hội nghị, ký Hiệp định Paris về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình Việt Nam, vào lúc 11giờ30 ngày 27-1-1973 tại khách sạn Majestie ở Paris. Loanh quanh trong thôn A Hươr tôi còn được gặp mẹ Kăn Hớt chuyên dệt vải Zèng. Tuy gần 80 tuổi nhưng mẹ vẫn dệt 2 ngày 1 tấm. Mẹ dồn từ 20 đến 30 tấm, gùi đi bộ 5 ngày sang Lào đổi vàng, đổi cá nước ngọt phơi khô, đổi mật ong… Tôi lại đến nhà Kê Thị Cay xem đan chiếu lát, đan gùi. Những tấm chiếu lát ở đây nhiều hoa văn sặc sỡ, rất đẹp, dành làm của hồi môn cho những cô gái về nhà chồng và những chiếc gùi xinh xinh, gùi sự sống bà con lên nương, xuống rẫy…
Chúng tôi theo đường cấp phối đá sang thôn A Bả. Con đường vòng vèo đổ đèo xuống một thung xanh. Nhiều ngôi nhà mái tôn, mái ngói ngả màu năm tháng, thấp thoàng trong sắc xanh rừng quế, rừng tràm và lô nhô những ngọn đồi cà phê um úp xanh thẫm, cảnh như tranh của một tay hoạ sĩ phóng nét cọ tài hoa vẽ cảnh thôn dã, bình yên trong màu xanh bất tận của núi rừng nhiệt đới. Chúng tôi đi qua sân bóng chuyền, xuống hồ cá bên cạnh nhà rông đã thấy già làng, trưởng thôn và các chức sắc phụ nữ, đoàn thanh niên, công an viên của thôn ra đón. Dù chỉ một con gà xé thịt, mấy nải chuối, dăm khúc mía cơm rượu, chúng tôi cũng ấm lòng bởi tình thương mến trọng thị của đồng bào A Bả. Khi trở lại A Hươr tôi gặp một bầy trẻ A Bả chạy ra tiễn biệt. Nói về nét ngây thơ trong sáng của thiếu nhi Việt Nam, ở đâu các em cũng hồn nhiên trong suốt như thiên thần. Nhưng tôi vẫn thấy, trong những khuôn mặt nhem nhuốc nắng gió của các em thiếu nhi A Bả, nơi chưa có nước sạch tự chảy, có phần hồn nhiên rực rỡ nhất.
Ra chợ A Lưới về Huế, tôi bất ngờ tao ngộ với những cánh hoa Mimosa ở xứ sở sương mù, đang run run cánh mỏng mảnh hồng mơ giữa rộn ràng thị tứ. Trong đầu tôi lời bài hát không trọn vẹn vang lên: "Mimosa từ đâu em tới đất này…". Tôi ngước mắt nhìn mái nhà Trường Sơn hùng tráng, nơi nguồn sông chim hót, đang dang đôi cánh vạm vỡ của mình ôm ấp A Lưới và thành phố Huế thân thương của tôi nằm phía biển đông…
Huế, tháng 9 năm 2006