Bến Phong Kiều còn đó, con nước ngàn năm vẫn hoài trôi, mà thuyền đỗ bến mỗi đêm mỗi khác. Câu thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” vượt ngàn năm còn ray rứt khôn nguôi:
PHONG KIỀU DẠ BẠC
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Trương Kế
ĐÊM ĐỖ THUYỀN Ở PHONG KIỀU
Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đỗ bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
Tản Đà dịch
28 từ thể thơ lục bát, để diễn 28 từ tuyệt cú Đường thi. Thơ như thế, dịch thơ như thế quả là tài hoa tột mực. Đã là thơ cụ Tản Đà thì khó ai còn thêm bớt hay bàn khác hơn được (!)
Bất chơt hôm nay cầm trên tay tập thơ còn thơm mùi mực mới: “QÙA TẶNG NGƯỜI XƯA” của Trần Yên Thảo (NXB Trẻ, tháng 10/1997), tôi thực sự hứng thú. Trước hết, là với bản dịch bài thơ
Phong Kiều dạ bạc, được diễn theo góc nhìn và cách cảm nhận hoàn toàn mới:
ĐÊM GHÉ BẾN PHONG KIỀU
Mù sương trăng khuất Ô Đề
Rặng phong chài lửa ngóng về Sầu Miên
Cô Tô đương giấc ngủ yên
Chuông Hàn San gõ ván thuyền lãng du
Trần Yên Thảo
Ở đây các chữ “Ô Đề” và “Sầu Miên” được viết hoa và trả về với nghĩa “địa danh” chứ không còn là “chiếc quạ kêu” hay “sầu vương giấc Hồ” như trước đây ta thường quen hiểu – Theo sách ĐƯỜNG NHÂN TUYỆT CÚ KHẢI MÔNG _ Lý Tệ Dã, thì thôn Ô Đề và núi Sầu Miên là hai địa danh có thực. Nhiều bài báo ở nước ta cũng đã bàn qua vấn đề nầy.
Thú vị hơn nữa là “tiếng chuông chùa” chỉ nghe vẳng trong “giấc Hồ” ở bài dịch cụ Tản Đà, thì ở đây tiếng chuông đã được NHÂN CÁCH HOÁ như có thần, có mắt, để CHỦ ĐỘNG tìm đến “gõ” vào “ván thuyền lãng du”. Từ “gõ” được dung khá “đắt”, làm thành “mắt bão” trong bài thơ, gần đạt đến chữ “Đáo” trong nguyên tác, đã làm cho ý bài thơ được diễn cảm hơn. Điều mà – theo tôi – chưa bản dịch nào trước đây thoả đáng được:
“… Nửa đêm một giọt chuông ngân
Đưa hồn du tử lại gần thiền sư…”
(Kính tặng Trương Kế)
Trần Yên Thảo
Dù sao, đó mới chỉ là “bạo ngôn” của riêng tôi, bài thơ đạt đến đâu ? Còn rất mong được các bậc cao minh luận bàn…
báo VĂN NGHỆ TRẺ số 36 (601.1.1998)