Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
800
123.239.999
 
Nhớ tác giả ‘Cánh chim Phù Đổng’ với điếu văn tạ lỗi muộn màng
Nguyễn Tý

Nhà văn Phan Đức Nam hôm qua vừa nhắn tin “Nhà văn Hà Bình Nhưỡng nguy rồi! nằm phòng 210, bệnh viện Thống Nhất” thì 19 giờ hôm nay (13-9) anh lại báo rằng trái tim nhà văn, đại tá quân đội Hà Bình Nhưỡng đã ngừng đập sau khi xuất bản cuốn ‘Cánh chim Phù Đổng’, Nxb QĐND tháng 2-2006 – tác phẩm cuối cùng mà ông dành bao tâm huyết để lại.

 

Vài kỷ niệm về tác phẩm cuối đời của nhà văn Hà Bình Nhưỡng
Tôi thật sự bất ngờ vì sự ra đi quá đột ngột của ông. Vì chỉ cách đây không lâu, khi hay tin ông vừa xuất bản cuốn sách trên, tôi tìm đến tận tư gia để trò chuyện cùng ông, trông ông hồng hào khỏe mạnh đúng là dân không quân, cười nói rất tâm đắc, ông cầm tay tôi dắt vào thư phòng với những tác phẩm ông đã để tâm viết và chỉ vào cuốn ‘Cánh chim Phù Đổng’ nở nụ cười tươi rằng “đây là tác phẩm tâm huyết nhất của tôi!”. Mặc dầu trước đó tác phẩm “Vỏ bọc nhiệm màu” đang được nhà xuất bản Thế giới in ra ba thứ tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha nhưng ông vẫn yêu thích tác phẩm ‘Cánh chim Phù Đổng’ (CCPĐ) hơn bởi viết về chính những gi ông đã tham gia, đã chứng kiến đã ghi chép… trong những ngày khoác áo phòng không-không quân.

Nhân dịp tác phẩm CCPĐ ra mắt đúng dịp 41 năm ngày ‘Không quân nhân dân VN đánh thắng trận đầu (3-4-19653-4-2006), ông đã tổ chức buổi gặp mặt tri ân những người bạn chiến đấu, những đồng nghiệp nhà văn. Ông nghẹn ngào xúc động: “Là một “người con” có mặt từ trước “trận đấu đọ cánh”, tôi muốn gửi gắm lòng mình bằng sự tái hiện sinh động, chân thực gần như tất cả các sự kiện, nhân vật tiêu biểu của Không quân nhân dân VN. Qua tác phẩm, tôi mong muốn được cùng bạn độc, cùng các thế hệ chiến sĩ Phòng không-Không quân “chấp cánh” bay lên trong niềm vinh quang và tự hào về Tổ quốc Việt Nam anh hùng” (cũng là lời tự sự trang 4 bìa sách trong CCPĐ-NT). Có lẽ đây cũng là buổi họp mặt cuối cùng trong đời ông như một niềm dự cảm trước với căn bệnh đã ngấm vào xương tủy của ông. Ông đã bỏ công trút hết tâm-trí-lực-tài để chỉ trong vòng 1 năm ra bốn đầu sách quả là một việc làm không mấy dễ với tuổi 72.

Với tôi kỷ niệm lần gặp cuối
Ông trò chuyện rất vui tính thân tình và nhất là luôn nhắc nhớ quãng thời gian khoác áo lính và tham gia cách mạng từ năm 1950. Người viết bài này tuy trước đó đã nhiều lần gặp ông đến nhận nhuận bút tại 43 Đồng Khởi, Văn phòng Báo Văn Nghệ nhưng hiếm khi trò chuyện. Buổi gặp mặt cộng tác viên đầu viên với Nxb Công an Nhân dân khi nghe bạn bè giới thiệu, ông đã không ngần ngại tuổi tác bắt tay thân ái với tôi, ấy là lần đầu tiên. Và lần này, khi tôi đặt câu hỏi (nhưng đâu biết ông đang rất mệt vì mang bệnh), ông vẫn tươi cười và đưa tôi xấp tư liệu mà trước khi đến tôi gọi điện, ông đã chuẩn bị tất cả các tài liệu, bài viết mà các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo đã viết về ông, trong đó ông đưa cả tư liệu (lý lịch) về cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tác. Cẩn thận và thân tình là ấn tượng tôi nhớ mãi về ông.

Ông tặng sách, tôi hứa hẹn sẽ về đọc và giới thiệu gởi Báo Văn Nghệ, ông bảo “viết xong Tý cho tôi xem lại nhé!”. Vì đợi tôi viết bài hơi lâu, ông gọi điện hỏi thăm, Thú thật làm báo lại là báo điện tử chiếm rất nhiều thời gian, tôi lần lựa mãi vẫn chưa xem xong cuốn CCPĐ, mà chính ông đặt bút đề “Thân tặng Nhà văn Nguyễn Tý TP Hồ Chí Minh 12.5-2006” cùng chữ ký và họ tên – đây cũng là lần gặp gỡ sau cùng với cuốn sách được đánh giá là “sử thi đầy thi vị hấp dẫn về Không quân anh hùng của chúng ta với nhiều truyện như huyền thoại” (nhà văn Đoàn Minh Tuấn nhận định).

Và đến hôm nay tôi hay tin ông bệnh nặng bắt tay vào viết thì lại nhận tin nhắn “Nhà văn Hà Bình Nhưỡng mất lúc 7 giờ tối nay” cũng từ máy nhà văn Phan Đức Nam. Tôi thật sự có lỗi trước vong linh của ông. Xin nhà văn tha thứ và bài điếu văn này (ngay sau khi hay tin nhà văn tạ thế) là lời xin lỗi muộn màng… cho người cháu đã lỗi hẹn với tâm nguyện cuối đời của nhà văn.
 
Vài nét về nhà văn, đại tá Hà Bình Nhưỡng

Hà Bình Nhưỡng vừa tên thật vừa là bút danh, ngoài ra ông còn sử dụng bút danh Thái Hải An. Sinh ngày 25 tháng 4 năm 1934 (Giáp Tuất) tại xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Tham gia cách mạng năm 1950, nhập ngũ ngày 10 tháng 3 năm 1952 ở Sư đoàn 320. Vào Đảng Cộng sản VN ngày 22 tháng 12 năm 1957. Hội viên Hội Nhà báo VN (1968), Hội viên Hội Nhà văn VN (1997). Từ tháng 2-1991 nghỉ hưu với quân hàm Đại tá ở Quân chủng Không quân.

Đã được Nhà nước tặng 8 Huân Huy chương, trong đó có Huân chương chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba. Cùng Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí VN, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật VN.

Đoạt giải Nhì văn học Nguyễn Khuyến về tập truyện “Cánh én mùa xuân” và giải Nhì viết về Bà mẹ VN anh hùng với tác phẩm “Má còn là chiến sĩ” do TPHCM trao tặng.

Nhà văn tâm sự: “Xuất thân trong một gia đình nông dân nho giáo nghèo, ông Nội, ông Ngoại, cha đẻ đều là thầy đồ, thầy thuốc, thông thạo Hán văn, biết làm thơ phú. Lại ở vùng quê cách mạng có “tiếng trống năm 30”. Do vậy khi được đi học đã thiên về văn thơ.

… Tôi yêu thích viết văn, nhưng cũng chỉ xen chút ít văn học vào các trang ký sự và các truyện, các tập sách được in trên các báo và các nhà xuất bản cũng chỉ viết tranh thủ ngoài kế hoạch của nhiệm vụ chính… Tôi trở thành nhà báo, nhà văn cũng hoàn toàn trên cơ sở tự học, tự bồi là chủ yếu”.

Suốt cuộc đời sống và sáng tác, nhà văn, đại tá Hà Bình Nhưỡng dành phần nhiều cho Quân đội Nhân dân VN nhất là đề tài Không quân-Phòng không mà ông “một mình một chiếu” với hơn 15 tác phẩm. Tâm sự với tôi, ông tự nhận “Tôi viết văn tuy chưa hay lắm nhưng tôi đã cung cấp tư liệu về Không quân VN nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu rõ thêm về không quân VN nhỏ bé đã thắng lợi oanh liệt trên bầu trời VN trước không lực Hoa Kỳ hùng mạnh nhất thế giới như thế nào…”, tâm sự thật lòng về nghế viết thật đáng quý biết bao. Và cũng dễ hiểu vì sao ông lại dồn tâm huyết để hoàn thành tác phẩm CCPĐ với 15 truyện ký, dày gần 500 trang viết như thế.

Nghiêng mình tiễn đưa nhà văn với lời hối lỗi muộn màng…

Nguyễn Tý (Viết sau khi nghe tin nhà văn qua đời (13-9) lúc 21 giờ 20 ngày 21 tháng 7 nhuận năm Bính Tuất).

---------------------------------------------

Chú thích Ảnh :

H.1 : Nhà văn Hà Bình Nhưỡng

H.2 : Nhà văn Hà Bình Nhưỡng tại tư gia 12-5-2006 với lần gặp cuối

H.3 : Cánh Chim Phù Đổng (Tác phẩm cuối đời).

Nguyễn Tý
Số lần đọc: 2895
Ngày đăng: 14.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nam Trân với Huế - Nguyễn Khắc Phê
Người không ai thay thế được . - Nguyễn Khắc Phê
Cảm nghĩ sau khi đọc tập thơ “CẢNH & TÌNH” của tác giả Lâm Văn Lan - Nắng Xuân
Nghe “Tiếng chim báo nước” của Lê Tân - Nắng Xuân
Một “ Chỗ đứng ” cho nữ sĩ Cao Ngọc Anh trong làng thơ Việt Nam . - Nguyễn Khắc Phê
Nhà văn Chu Hồng Hải - Từng là công nhân gang thép - Nguyễn Đức Thiện
Trò chuyện với Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác. - Nguyễn Khắc Phê
Nhớ Nhà Văn Vân An : Nhân ngày giỗ đầu của anh. - Nguyễn Đức Thiện
Đi lễ chùa hay hành trình giác ngộ ? - Võ Anh Minh
Thiên Hà ,còn đó tuổi tình yêu. - Trương Đạm Thủy