Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.108
123.142.702
 
Những miếng tồi tàn
Nguyễn Lê Hồng Hưng

Tôi chưa từng thấy trên thế giới nầy có đầu nậu phân phối thực phẩm nào bất lương như đầu nậu ở Algeciras, Tây Ban Nha. Một thùng bôm, một thùng cam họ tráng trên mặt những trái tươi, phần dưới đáy toàn ủng. Thịt bò họ lấy từ thịt của mấy con toros trong trường đấu ra hay sao mà dai nhách, heo thì mỡ nhiều hơn thịt, cá toàn khúc đuôi. Trứng gà dập và ung đến gần phân nửa, còn gà thì da bầm tím,  thịt bủng xì bủng xịt,  phải xát muối,  gia vị nhiều cho bớt mùi hôi rồi đem chiên thiệt vàng mới ăn được.

 

Theo nguyên tắc đầu bếp phải kiểm hàng trước khi ký nhận. Nhưng ông đầu bếp trước hải hành đã đúng kỳ về mà hãng không cho người xuống thay. Ông nổi khùng đến nỗi bà vợ phải bay từ Hòa Lan qua Gia Nã Đại thăm. Khi bà xuống tàu, ông đâm ra lười biếng, không muốn làm việc. Tới phiên tôi đổi xuống, thì đồ đạc ông vứt ngổn ngang. Nệm, ra dơ không giặt, phòng không lau chùi, thùng rác đầy nhóc vỏ bia. Kho chứa lương thực thì lộn xộn. Đồ khô ông dồn vô phòng đông đá, có vài món cần đông đá ông nhét vô tủ lạnh. Không biết ông đặt hàng làm sao mà chỉ có ba chục ký lô gà, mười lăm ký cá, ba chục ký heo, trong khi thịt bò ông dến cho một trăm năm chục ký. May cái là khoai tây, đồ khô và rau cải đông đá đầy đủ cho một chuyến đi.

- Thằng đầu bếp trước khùng dữ lắm.

 

Tôi day lại, thấy ông thủy thủ người Tây Ban Nha đứng bên cạnh mặt đầy râu giọng nói nghe khó chịu. Tôi cười:

- Dĩ nhiên, ở trên tàu lâu ngày ai mà hổng vậy.

- Tao hải hành có khi cả năm nhưng có sao đâu.

 

Mặt mày ông ở đó mà trăng với sao!  Chót mũi đỏ bóng như trái cà chua chín, miệng mồm tái ngắt giống cái âm hộ bà già nằm ngang giữa chùn râu bùm xùm. Tuổi chưa đầy năm mươi mà đã lẫn, ăn nói lộn tùng phèo, hay bắt nạt những người mới và ưa đâm thọc sau lưng người ta. Tôi định nói xỏ vài câu cho ông thấm thía sự đời, nhưng thấy chuyện hổng đáng nên bỏ qua.

 

Tàu rời Algeciras, vượt Đại Tây Dương sang châu Mỹ mất hơn tháng trời. Bây giờ đang trên đường về lại Âu châu.

 

Lương thực cạn dần, thịt đông lạnh chỉ còn mỗi một thứ là thịt bò. Hôm ghé Baltimore, tôi với viên thuyền trưởng lên chợ mua thêm thức ăn, nhưng thấy ở Mỹ thứ gì cũng bự, ông chê không mua. Cuối cùng mua được hai thùng rau, ba vỉ trứng. Tôi đề nghị ông mua thêm ít thịt heo, thịt gà và dăm bông. Ông không chịu, biểu tôi ghi đơn đặt hàng để ông gởi về công ty.

- Bên Âu Châu đồ ăn vừa rẻ vừa chất lương cao, ông nói, bây giờ trên tàu

còn thứ gì thì ăn thứ đó, hễ tên nào ọ ẹ thì ông cứ việc cho tôi biết.

 

Không hiểu sao ông nói vậy, chớ thật ra đồ ăn trong bên Mỹ rẻ hơn bên Châu Âu và chất lượng thức ăn tươi nào thì cũng ngang nhau. Để làm gương cho thủy thủ, mỗi bữa ăn ông ăn rất ít rồi buông dao nĩa và ngồi ngó từng người. Anh nào ăn nhiều quá ông lưu ý bằng cách đếm từng miếng dăm bông,  phó mát và từng lát bánh mì, làm anh đương ăn có muốn ăn thêm cũng phải buông dao, nĩa. Viên thuyền trưởng tuy có hơi quá đáng, nhưng trên một chiếc tàu buôn loại trung, thủy thủ đoàn đâu trên chục mạng đủ đầu, vậy mà lắm khi có tới bốn năm quốc tịch khác nhau. Từ người có bằng cấp đại học cho tới tên đặc cán mai, hễ đụng tới chuyện ăn uống thì tánh bần tiện thằng nào cũng lộ rỏ như nhau. Trình độ khác, văn hoá khác... nếu thuyền trưởng kỷ luật không nghiêm thì khó mà trị nổi cái đám người tạp nhạp. 

 

Công bằng mà nói, thức ăn trên tàu luôn lúc nào cũng dư, ngoài những tuyến đường dài rau cải tươi hết, phải dùng rau hộp, rau đông đá cho nên chất lượng kém. Nhứt là những ngày sóng to gió lớn, người nào không say sóng thì cũng ương ương khó chịu như đàn bà ốm nghén,  vậy mà hễ ló mặt vô bếp là hỏi:

- Bếp, hôm nay cho ăn món gì?

 

Ngày nào đầu bếp cũng nghe câu hỏi y chang. Người hỏi lúc nào cũng chờ câu trả lời đúng như ý mình ưa thích. Tuy nhiên thực đơn của đầu bếp ít không khi nào vừa miệng cho tất cả mọi người. Nấu nướng khó khăn nhứt trong những lúc biển động và hết đồ tươi. Họ cũng thừa biết mấy tuần qua trong tàu chẳng còn cao lương mỹ vị nào, nhưng hỏi để tỏ thái độ bất bình với đầu bếp chơi vậy thôi. Không muốn cãi cọ lôi thôi, tôi tìm cách giả lả với họ:

- Tui cho ăn thịt bò, từ đây về lại Âu châu các anh sẽ mọc sừng. Mùa xuân ở Tây Ban Nha có đấu toros, các anh có thể qua đó thi tài.

 

Câu khôi hài của tôi cũng có duyên lắm chớ, nhưng không làm ai cười được hết. Trái lại có tên mặt dài ra và còn chưởi tục nữa.

 

Theo quy định trên tàu, thủy thủ nào có sinh nhựt đầu bếp phải làm cho một cái bánh kem hoặc bánh táo, nếu có thể được thì bửa ăn ngày hôm ấy dọn thêm một vài món đặt biệt. Có tên thèm ăn quá phịa đại ra cái ngày sinh nhựt và đề nghị đầu bếp làm bánh cho hắn. Khi đầu bếp xem lại trong danh sách thủy thủ đoàn, thấy không phải sinh nhựt sinh nhiếc gì của hắn hết bèn kêu hắn mắn cho một chặp. Từ đó về sau hễ gặp mặt đầu bếp thì mặt hắn ta gầm gầm như là gặp kẻ thù. Có tên vừa xuống tàu lập tức đi tìm đầu bếp kể lễ đủ thứ bịnh trong người và những món ăn hắn ta cần phải kiên cử, rồi đưa ra thực đơn những món hắn ta ăn được, nhưng toàn là những món trong nhà hàng ba bốn ngôi sao. Nếu muốn chiều theo khẩu vị của loại người nầy, phải đề nghị công ty mướn một đầu bếp quốc tế và đặt hết thực phẩm trong siêu thị đem xuống họa may mới đủ phục vụ. Ngày nào đầu bếp cũng chứng kiến vài gương mặt bị bịnh thèm ăn riết cũng chán.  Ðể khỏi phiền phức, trong lúc làm việc Bếp cấm cửa không cho tên nào ló vào. Thỉnh thoảng cũng có vài tên vô bếp thăm chừng hỏi nầy hỏi nọ, bị đuổi ra làm hắn ta bực mình:

- Hỏi cũng có vấn đề sao?

 

Xin thưa, nếu chỉ hỏi thôi thì đâu có vấn đề gì. Vấn đề là sau cái câu trả lời của đầu bếp, nếu trả lời trúng ý thì hắn cười tươi hai bàn tay chập lại chà chà miệng xuýt xoa khen ngon, bằng không thì hắn ôm bụng như bị bịnh tim la lâu ngày không trị, mặt nhăng như khỉ ăn gừng, miệng phung phèo phèo và chê thức ăn dơ. 

 

Hồi còn phụ bếp, tôi thấy rất nhiều đầu bếp khó tánh, thủy thủ nào lỡ hỗn láo, mấy ông liền nổi tam bành lục tặc, chửi thề ỏm tỏi. Vì kỷ luật trên tàu nên trước mặt họ nhịn ông, nhưng sau lưng thì rình đổ thuốc rửa chén lên đĩa xà lách hoặc đổ muối vô nồi xúp phá chơi cho bõ ghét. Sau nầy tôi trở thành đầu bếp, thấm thía cảnh làm dâu trăm họ và nhận thấy lối cư xử trịch thượng quá thường bị thiệt cho mình. Tôi tập tánh nhẫn nhục và ôn hòa với mọi người, nhưng với một đám người phức tạp, có muốn giữ được sự công bằng trong việc ăn uống cũng không dễ dàng gì. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, làm gà tôi chặt gà từng miếng nhỏ ướp gia vị, chiên vàng sắp vô đĩa cho đẹp, dọn lên bàn cho lịch sự. Nấy tên ăn trước lựa thịt ngon cho vô đĩa mình chừa lại xương, cánh vụn vặt. Mấy người sau không ăn được bèn bưng dĩa xương vụn vô mắng vốn đầu bếp. Về sau thịt nào mặc kệ, trước khi chiên, nấu cứ đếm đầu người chặt chia đều mỗi người một cục cho xong. Ý vậy mà vẫn lắm chuyện, đôi khi sắp đánh lộn với nhau chỉ vì cái trứng hay cái bánh ngọt. Có nhiều đêm bực mình muốn xách dao qua phòng cắt cổ cái tên dám hỗn láo với tôi và đem xác liệng xuống biển làm mồi cho cá.

 

Có một thủy thủ người In-đô không ăn được bánh mì, mỗi bữa điểm tâm anh thường xin tôi mì gói. Hôm rày mì gói cũng hết, anh ta đến than với tôi :

- Bên In-đô sáng trưa chiều tối đều ăn thức ăn nóng, còn Âu châu ăn đồ

nguội ngắt lạnh tanh.

Tôi từ tốn giải thích với anh ta như vầy:

- Tui biết,  ở In đô của anh cũng như ở Việt Nam của tôi ăn ngày ba bữa cơm hoặc khoai lang, nhưng cơm phải nấu,  khoai lang phải luộc mới ăn được, cơm nóng ăn đơn giản với cá khô, xì dầu, ketjap cũng xong. Bên Âu châu có nhiều thức ăn tuy nguội nhưng hợp vệ sinh. Sống tập thể, anh phải tập cho quen với mọi người, chuyện gì tui hổng biết chớ chuyện ăn uống những nước nghèo như mình không bì kịp người ta đâu.

 

Vì ngẫu hứng tôi lên lớp dạy anh ta hồi nào không hay, đợi đến khi nét mặt anh méo mó dài thòng, tôi mới dừng lại thì đã muộn màng rồi. Món ăn cũng là một trong những thứ biểu hiện văn hóa của dân tộc. Có lẽ tôi đã chạm tự ái dân tộc của anh nên từ đó trở đi anh hay xỉa xói, nói mỉa tôi là người Âu chớ không phải là Việt nữa. Ai cũng có một quê hương để tự hào, anh In đô kia cũng vậy, tôi không thể trách anh ta.

 

Trứng gà cũng sắp hết nên tôi bớt phần trứng mỗi tuần hai lần trong bữa điểm tâm. Nhưng sáng nào cũng như sáng nấy, ông Tây Ban Nha thức trước hơn mọi người, lấy bánh mì trét bơ để lên đĩa rồi xin tôi một trứng. Ông tự tay chiên vàng, xong bưng vô phòng riêng ăn. Lần đầu tôi không nói, ăn quen ông làm lừng, buộc lòng tôi phải lên tiếng lưu ý. Tức thì mặt ông thụng ra một đống, sau đó tới màn kiếm chuyện:

- Vài ngày nữa tàu ghé Santander, mầy lên bờ mua thêm thức ăn ?

Tôi nói :

- Được, nhưng tiền đâu ?

- Thuyền trưởng.

 

Ông nói chuyện ăn trớt như vậy thử hỏi làm sao tôi im được. Tôi ngó thẳng cái bản mặt râu nhiều hơn thịt của ông và lớn tiếng:

- Tôi đã nói với ông rồi, đơn đặt thực phẩm tui làm xong và đã đưa ông thuyền trưởng gởi về công ty hôm ở Baltimore. Ông chờ vài hôm nữa sẽ có đồ ngon cho ông ăn, còn bây giờ có gì ăn nấy.

- Nhưng mầy là đầu bếp thì phải lo cho đàng hoàng.

- Ông khỏi phải lo, tui hổng để ông chết đói đâu, nhưng yêu cầu ông đừng vô đây làm phiền tui nữa.

 

Chẳng lẽ mỗi chút mỗi lên tâu với thuyền trưởng, hơn nữa vì lễ nghĩa Á đông dạy tôi kính trọng người tuổi tác, tôi mới chịu khó giải thích dông dài. Ba trợn cỡ như ông và ông thợ máy, gặp phải đầu bếp thiếu tương tâm hoặc hung dữ mà ăn nói lăng nhăng như vậy nó không chửi vô mặt cũng cho ông ăn đàm và nước miếng hoặc lấy nước trong toilet pha trà, cà phê cho uống.

 

Chuyến nầy đi có hai ông già, thứ già lựu đạn, ăn nói lộn sòng. Ông thợ máy cũng sắp sỉ sáu mươi. Hôm nọ còn hai cái bánh ngọt cuối cùng, tôi lấy cho thuyền phó ăn, ông biết được bèn chạy xuống bếp gặp tôi, la ó om xòm, nói sao không chia cho ông một cái. Rồi từ đó trở đi, hễ tới giờ cà phê là ông nhắc tới hai cái bánh ngọt. Trên bàn ăn của officer, bữa trưa ăn nóng dọn năm món; buổi sáng, buổi chiều bánh mì đen, trắng, phó mát, thịt nguội, mứt trái cây và nước trái cây đủ loại, sửa cà phê, bánh mì đen trắng... Người In đô thì cơm trắng cá hoặc thịt và rau coi như xong bửa. Thật ra người In đô thích ăn thịt rìa có nhiều mỡ, thứ thịt đầu bếp lạng bỏ họ nhưng xin lại và nhờ đầu bếp ướp gia vị theo bếp In Đô, nhờ có nhiều gia vị nên khi chiên, nấu bốc mùi thơm lừng. Mỗi bữa ăn ông thợ máy cứ ngó qua phòng thủy thủ, mũi hít hít lắm khi chịu không được ông nhào qua bốc ăn và khen ngon rồi vô bếp phân bì.

 

Hôm nhận được điện tín báo sau chuyến nầy ông được nghỉ hưu, ông mừng rỡ cầm bức điện xuống khoe với mọi người. Sau đó ông vô bếp trong lúc tôi đương chiên thịt. Mặt ông hớn hở như trẻ nhỏ được quà, ông khoe :

- Tấn, dìa chuyến nầy tao được nghỉ hưu.

Tôi gắp miếng thịt ra khỏi chảo, chưa kịp bắt tay chúc mừng thì ông vội nói tiếp:

-  Tao hải hành đúng bốn mươi hai năm.

Nhắc cái chảo để ra khỏi lò, tôi day ngang bắt tay ông:

- Chúc mừng ông, tuổi ông nghỉ ngơi cũng vừa rồi,  nhưng Chủ Nhựt đừng quên dẫn bà và con Kees đi nhà thờ.

- Dĩ nhiên, dĩ nhiên...

Chợt nhớ ra, ông nói :

- Nhưng nhà thờ đâu được phép dẫn chó vô.

 

Có lẽ tôi phải nhắc chuyện con Kees trước khi tiếp tục chuyện của ông . Hơn mười năm về trước. Ông thợ máy cuối độ tứ tuần, tánh tình ông tuy có hơi nhỏ nhặt nhưng chưa quá đáng như bây giờ. Thời gian trôi qua như con nước chảy, ông đã già, còn tôi thì sấp sỉ bốn mươi. Ông cưới vợ Bồ Đào Nha, cư ngụ ở thủ đô Lisboa. Có lần ông tâm sự, vì sợ hao tốn và ngại cực, bà không chịu sanh con, nhưng nuôi một con chó nhỏ xíu đặt tên nó là Kees. Dạo đó tàu đi tuyến đường Lisboa - Angola. Hễ mỗi lần tàu về Lisboa, bà thường dẫn con Kees xuống thăm ông. Một bữa tôi đương dọn dẹp, Kees đi vô ủi mỏ, hít hít dưới chưn, sẵn thức ăn thừa tôi liệng xuống cho. Liệng bao nhiêu nó đớp hết bấy nhiêu... Ăn no bụng, Kees chạy đi đâu tôi cũng không để ý. Đến lúc bà phát hiện con chó nằm ngửa chổng bốn cẳng lên trời, miệng chảy nước, hơi thở đứt đoạn, bà tá hỏa tam tinh chạy vô phòng bếp, hỏi tôi :

- Bếp, bếp, hồi nãy ông cho con Kees ăn gì ?

 

Tôi nói :

- Tui cho nó ăn đồ thừa.

- Không được, không được !

- Tại sao không ?

- Con Kees có thức ăn riêng.

 

Tức thì bà chạy kêu ông ôm con chó lên nhà thương cứu cấp. May mà con Kees được cứu sống, bằng không tôi chắc phải ra tòa, vì đối với ông bà sinh mạng con Kees còn quí hơn mạng người nữa. Mỗi lần đổi xuống gặp ông, tôi hỏi thăm sức khỏe của bà mà không hỏi đến con Kees thì ông cũng tự nói ra. Mới đây ông cho tôi biết sức khỏe của con Kees yếu lắm, mới vừa rụng hết mấy cái răng. Như vậy con Kees sẽ cùng về hưu với ông luôn một thể.

 

Trở lại chuyện với ông, tôi nói :

- Tôi nghe nói ở Âu châu chó chết chủ mướn linh mục đọc kinh trước khi chôn, vậy thì chó cũng biết nghe kinh chớ.

Ông giơ tay gạt ngang trán một cái:

- Mấy người đó là mấy người khùng, tao thì không như vậy.

 

Thấy ông ngây ngô trả lời những câu khôi hài của tôi giống y như thiệt, chợt nhiên tôi nghe buồn buồn trong dạ. Nhìn mặt ông nhăn nheo, da tay sần sùi như rắn lột, hơi thở tỏa ra mùi ống cống làm tôi liên tưởng đến một xác chết. Còn sống chung chạ với nhau, nhỏ nhen, tham lam, ích kỷ.  Đến cuối cuộc đời đầu óc  lẫn lộn, tối tăm nằm chờ xuống lỗ. Giờ đây tôi mới thấy thấm thía câu sanh già bịnh chết của nhà Phật.

 

Thiệt ra ông và ông già Tây Ban Nha làm ra vẻ mình là quan trọng vậy thôi chớ ăn uống có là bao. Muốn nói chuyện ăn uống nhiều thì hãy nói đến mấy thủy thủ trẻ. Một ngày tôi làm được có ba ổ sandwich, mỗi ổ dài hai tấc tám, bánh dành xắt miếng để ăn điểm tâm và ăn dậm thêm buổi chiều. Mấy ông con thấy đồ ăn còn ít,  sợ chết đói hay sao mà mỗi đêm lấy ăn hơn cả ổ bánh mì, nửa ký phó mát, một đĩa dăm bông. Hết dăm bông, phó mát, mấy ông ăn qua mấy hũ mứt trái cây và đậu phộng nghiền... Tôi biết nhưng làm lơ. Một hôm sơ ý làm sao hổng biết, để cho ông già thợ máy bắt gặp. Sáng hôm sau ông tâu lên thuyền trưởng. Ngay ngày hôm đó, thuyền trưởng đề nghị tôi sau giờ ăn chiều đem tất cả đồ ăn để vô phòng lạnh rồi khóa cửa kho lại. Thức ăn mà đem dấu như mèo dấu cứt, thiệt tình thì cũng khó coi. Nhưng lịnh của thuyền trưởng biết làm sao bây giờ.

 

Ngồi trong phòng tôi vẫn cảm được cái lạnh mùa xuân trên miền bắc Đại Tây Dương. Gió thổi ào ào, sóng ập thành tàu, nước biển văng lên va vô cửa kiếng xào xạc. Không gian đen thẫm một màu và con tàu vẫn ngả nghiêng theo triền sóng. Có tiếng nắp vung rớt xuống sàn bếp nghe cái xèn. Tôi đứng dậy định đi xuống coi chuyện gì, nhưng kịp sựng lại, vì mũi tôi vừa nghe mùi thơm của mì ăn liền. Khỏi cần xuống bếp, tôi cũng thừa biết có một vài thủy thủ khi biết thức ăn sắp cạn,  xống kho chôm mì gói để dành, chờ mọi người ngủ bèn lén xuống bếp nấu ăn. Để anh bạn nào đó ăn cho ngon miệng, tôi tắt đèn, leo lên giường trùm mền. Trong khi thiêm thiếp, đầu óc tôi cứ chập chờn so đo. Vốn sống và lớn lên một đất nước nghèo và trong thời kỳ chiến tranh. Tôi cứ nghĩ trong cơn loạn lạc đói,  khát mới có chuyện miếng ăn đã làm con người trở nên thấp kém. Chớ tôi đâu có ngờ ở nơi thức ăn  thừa mứa, cũng có loại người chỉ vì miếng ăn mà trở nên bần tiện đâu khác gì. 

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Số lần đọc: 3795
Ngày đăng: 14.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ông Bảy - Phan Tấn Lược
Trăng bạc - Bích Ngân
Đêm liêu trai Thượng Hải - Xuân Sách
Người mua danh dự - Đào Phạm Thùy Trang
Thần sông - Bích Ngân
Ngọn Đèn Tỏ Mãi - Nguyễn Nguyên An
Chuyện tình mùa đông hay Anh không thể xa em - Lê Anh Hoài
Người thầy của em. - Đặng Thân
Ngậm ngùi gió cát - Hà Khánh Phuong
Giai điệu - Hồ Tĩnh Tâm
Cùng một tác giả
Trên một dòng sông (truyện ngắn)
Mùi Tôm Bạc Đất (truyện ngắn)
Hội Quán Thủy Thủ (truyện ngắn)
Mùa cá đường hội (truyện ngắn)
Giáng Sinh Trắng (truyện ngắn)
Chuyến Ðò Tốc Hành (truyện ngắn)
Tâm Bịnh (truyện ngắn)
Anh cũng sẽ về (truyện ngắn)
Trên Bến Grega (truyện ngắn)
Thư Không Viết (truyện ngắn)
Chiều Lên Hội Quán (truyện ngắn)
Đêm bảo Tuyết (truyện ngắn)
Kỷ Niệm Sông Elbe (truyện ngắn)
Cháo Chuột (truyện ngắn)
Trên Một Chuyến Tàu (truyện ngắn)
Sáng nắng chiều mưa (truyện ngắn)
Bốn Biển Là Nhà (truyện ngắn)
Gái Nga Gốc Việt (truyện ngắn)
Hết Mê (truyện ngắn)
Thủ Đô Helsinki (tiểu luận)
Đêm Thánh Nữ Lucy (truyện ngắn)
Chôn đi quá khứ (truyện ngắn)
Con chim bay lạc (truyện ngắn)
Thuyền Nhân (truyện ngắn)
Miền Kinh Rạch (truyện ngắn)
Thủy thủ về nhà (truyện ngắn)
Thời lưới gộc (truyện ngắn)
Thủy thủ ăn chơi (truyện ngắn)
Chuyến đi cuối cùng (truyện ngắn)